Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 6 năm 2021 | 22:44

Nông dân Cần Thơ lo lắng vụ lúa hè thu thiệt hại kép

Hiện, ở TP. Cần Thơ đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu, nhưng từ đầu tháng 6 giá lúa liên tục giảm khiến nông dân lo lắng, cùng với đó giá vật tư như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao khiến người nông dân giảm lợi nhuận.

 Nông dân thành phố Cần Thơ tập kết lúa chuẩn bị bán cho thương lái, (ảnh TTXVN).

 

Giảm lãi nông dân buồn

Vụ hè thu 2021,TP. Cần Thơ xuống giống hơn 75.000 ha lúa, vượt 4,1% so với kế hoạch. Hiện, nhiều trà lúa ở các quận huyện như: Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ... đã tới ngày thu hoạch.

Ông Phan Thiện Khanh, ở ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, có 1,7 ha cho biết, thương lái đến xem lúa ước tính năng suất chỉ đạt khoảng 500 kg/công (1.000 m2), tương đương 5 tấn/ha. Với giá bán thương lái đặt cọc 5.100 đồng/kg (giống OM 380), với giá này, nếu trừ chi phí còn lãi khoảng 1 triệu đồng/công lúa. Hồi tháng 5, do nghĩ giá lúa sẽ giữ ở mức tốt nên tôi không nhận đặt cọc của thương lái, nếu nhận tiền cọc trước đã có lãi nhiều hơn. Với 1,7 ha lúa, sau khi trừ các khoản chi phí gia đình thu về khoảng 17 triệu đồng.

Còn theo ông Nguyễn Văn Quai, ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai lo lắng, nhờ chủ động tìm mối lái bán lúa từ khá sớm nên được thương lái đặt tiền cọc 500.000 đồng/công với giá 6.000 đồng/kg, cao hơn 600 đồng/kg so với vụ hè thu năm trước. Trong bối cảnh giá lúa giảm liên tục những ngày qua, sợ đến ngày thu hoạch các lái buôn có thể đòi hạ giá so với mức đặt cọc trước đó.

Bà Nguyễn Kim Sương ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn, vừa gặt xong 8 công lúa OM 380 cho hay, giữa tháng 5, người mua lúa đến đặt cọc 300.000 đồng/công với giá 5.650 đồng mỗi kg. Tuy nhiên, đến hôm cắt lúa, họ cho biết chỉ trả được 5.300 đồng/kg, giảm 350 đồng so với thỏa thuận ban đầu do lúa đang sụt giá. Tôi vẫn còn may mắn hơn những người không nhận tiền cọc trước, khi lúa chín mới gọi thương lái đến chỉ bán được giá 5.100 đồng/kg.

Theo phản ánh của nông dân, vụ hè thu năm nay thuận lợi không bằng các năm trước nhưng chi phí sản xuất đầu vụ cao, sắp tới ngày thu hoạch giá lúa lại xuống thấp gần 1.000 đồng/kg. Với giá bán lúa tươi hiện nay, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận của nông dân chỉ còn khoảng 1 triệu đồng/công, giảm khoảng 50% so với vụ hè thu năm 2020.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Cần Thơ, dự kiến sẽ có 70% diện tích lúa hè thu được thu hoạch xong trong tháng 6. Vụ hè thu năm nay giá thành sản xuất đội lên rất nhiều so với năm ngoái do giá thành nhiều mặt hàng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng.

Cũng theo ông Nghiêm, việc tăng cường liên kết, phát huy vai trò của các hợp tác xã và tổ hợp tác trong thực hiện khâu phơi sấy và trữ lúa sau thu hoạch là rất cần thiết. Từ đó, tránh được tình trạng bị động khi lúa chín vào các thời điểm có mưa gió cần gặt ngay mà thương lái chậm thu mua, giá lúa sụt giảm như những gì đang diễn ra ở vụ hè thu năm nay.

Hậu Giang giảm diện tích canh tác lúa kém hiệu quả

Là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa và cây ăn trái nhưng ngành nông nghiệp Hậu Giang đã chủ động giảm dần diện tích canh tác lúa. Năm 2017 tỉnh gieo cấy hơn 200.000 ha lúa, đến năm 2018, toàn tỉnh giảm còn 198.525 ha giảm 8.064 ha so năm 2017. Năm 2019 tiếp tục giảm chỉ đạt 196.125 ha.

 

 Hậu Giang phát triển mạnh cánh đồng lớn sản xuất lúa và đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao với quy mô 32.000 ha, (Ảnh: Trung Chánh).

 

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hậu Giang, cho biết, hiện diện tích đất trồng lúa của tỉnh là 77.000/140.457 ha đất nông nghiệp. Hàng năm, sản lượng lúa hàng hóa cung cấp ra thị trường trên 1 triệu tấn. Mặc dù năng suất sản xuất lúa bình quân hàng năm khá cao nhưng hiệu quả sản xuất lại không cao do một số diện tích đất lúa kém hiệu quả.

Hậu Giang vẫn có diện tích sản xuất lúa vụ 3 trên 30.000 ha. Việc sản xuất lúa 3 vụ/năm ngày càng có nhiều khuyết điểm, như: rủi ro do thiên tai, mưa bão, dịch hại, năng suất không cao. Chi phí cho sản xuất ngày càng tăng, làm đội giá thành, đất trồng lúa có dấu hiệu suy thoái về chất lượng, giảm độ màu mỡ... Vì vậy, việc giảm diện tích gieo trồng lúa kém hiệu quả là nhu cầu tất yếu.

Để phát triển sản xuất, ngành nông nghiệp Hậu Giang luôn chủ động đề ra kế hoạch phù hợp, đặc biệt với cây lúa. Nhiều năm qua, tỉnh đã tham gia nhiều chương trình, dự án về phát triển sản xuất lúa. Từ đó, giúp nông dân nâng cao năng lực và ý thức về canh tác lúa an toàn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt là sự hợp tác đầu tư sản xuất tập trung theo các mô hình cánh đồng lớn, cung ứng trong chuỗi giá trị lúa gạo.

Khi mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa phát triển ở ĐBSCL, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tại huyện Vị Thủy và Châu Thành A. Đến nay, Hậu Giang đã mở rộng trên nhiều vùng và thu hút sự tham gia của người dân, thiết lập lên chuỗi giá trị hiệu quả giữa người nông dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Hậu Giang cũng khuyến khích người nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật trên cây lúa để đạt được hiệu quả cao hơn. Các mô hình lúa chất lượng cao, mô hình lúa hữu cơ, mô hình canh tác lúa tiên tiến như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, quản lý dịch hại tổng hợp IPM và mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái được lãnh đạo tỉnh khuyến khích triển khai và nhân rộng.

Theo bà Giang, đến nay tỉnh Hậu Giang đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao với quy mô 32.000 ha. Theo quy hoạch đến năm 2025, Hậu Giang tiếp tục vận động để thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho dự án sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu của nhà đầu tư nước ngoài với quy mô 1.000 ha tại hai huyện Vị Thủy và Châu Thành A. Năm 2020, toàn tỉnh có 30.502 ha/27.179 hộ được ký hợp đồng bao tiêu bởi 25 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Mất trắng gần 4.000 ha lúa, sản lượng thóc ở Kiên Giang vẫn tăng

Theo ông Trương Thanh Hào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang, tổng sản lượng lúa của tỉnh thu hoạch trong vụ mùa và đông xuân 2020-2021 ước đạt hơn 2,4 triệu tấn, tăng 2,32% so với kế hoạch. Mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn, như ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, mùa khô nắng nóng, khô hạn kéo dài, thiếu nước tưới cục bộ… nhưng sản xuất lúa những tháng đầu năm vẫn đạt thắng lợi.

 

 sản lượng lúa vụ mùa và đông xuân 2020-2021 ở Kiên Giang tăng 2,32% so với kế hoạch.

 

Cụ thể, vụ đông xuân 2020 - 2021, diện tích gieo sạ và thu hoạch đạt 284.408/286.000ha, sản lượng thu hoạch ước đạt hơn 2,16 triệu tấn. Vụ mùa 2020-2021 giảm cả về diện tích gieo trồng và sản lượng thu hoạch, do bị nắng hạn, đất nhiễm mặn. Toàn tỉnh gieo sạ được 58.394/63.000ha, sản lượng thu hoạch 265.458 tấn. Diện tích gieo sạ vụ mùa giảm 4.605ha. Đặc biệt, có 3.786ha lúa vụ mùa bị mất trắng không thu hoạch, dẫn đến năng suất thu hoạch bình quân giảm mạnh. Nhưng sản lượng vụ mùa và đông xuân tăng 2,32% so với kế hoạch

Vụ hè thu và thu đông năm 2021, Kiên Giang phấn đấu tăng diện tích gieo trồng, để đảm bảo kế hoạch năm lương thực 2021, đạt gần 4,3 triệu tấn. Trong đó, vụ hè thu 2021, diện tích gieo trồng là 280.000 ha, sản lượng gần 1,54 triệu tấn. Vụ thu đông 2021 phấn đấu gieo trồng đạt 83.000ha (tăng thêm 10.000ha so với kế hoạch), sản lượng thu hoạch trên 432.000 ngàn tấn.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đánh giá, mặc dù diện tích sản xuất lúa giảm nhưng sản lượng vẫn đạt cao là điều đáng mừng. Cần phải tập trung quyết liệt hơn nữa đối với 2 vụ lúa còn lại trong năm, tăng tối đa diện tích có thể, chỉ đạo, quản lý sản xuất thật hiệu quả, nhằm đảm bảo đạt sản lượng năm lương thực 2021 theo kế hoạch được giao.

 

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top