Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 18 tháng 6 năm 2018 | 16:16

Nông nghiệp tiếp tục bứt phá hướng đến mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và PTNT quyết tâm phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt tối thiểu 3,0%, xuất khẩu đạt 40-40,5 tỷ USD. Để đạt được các mục tiêu này, Bộ chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng hàng

Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn tại buổi lễ gặp mặt báo chí nhân kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2018), do Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa tổ chức chiều nay (18/6), tại Hà Nội.

Tóm tắt những kết quả đạt được trong thời gian qua, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nêu rõ, trong 5 tháng đầu năm 2018, hầu hết các lĩnh vực sản xuất đều có kết quả tăng so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 5 tháng ước đạt 15,57 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 38% kế hoạch năm.

Giá xuất khẩu gạo cao nhất 4 năm qua

Nổi bật nhất là mặt hàng lúa gạo “được mùa, được giá” với giá trị xuất khẩu tăng mạnh. Đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành hoàn tất thu hoạch với năng suất đạt 69,2 tạ/ha, tăng 6,3 tạ/ha so với vụ đông xuân trước (tăng 9,1%); sản lượng đạt gần 10,9 triệu tấn, tăng 1,06 triệu tấn.

Bên cạnh tăng trưởng về lượng, thì giá gạo xuất khẩu trong 5 tháng cũng tiếp tục tăng, đạt trên 502 USD/tấn. Giá gạo tấm 5% xuất khẩu của Việt Nam đạt 458-462 USD/tấn vào thời điểm trung tuần tháng 5 – là mức cao nhất trong vòng 4 năm qua và cao hơn gạo 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ (404-408 USD/tấn), Thái Lan (435-440 USD/tấn).

tam.jpg

 Xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm. (Ảnh: Internet)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn cho biết, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng cải thiện nhờ tỷ lệ gạo cao cấp và gạo thơm xuất khẩu ngày càng tăng, chiếm trên 80%. Nhờ vậy, trong 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo đạt 2,66 triệu tấn, giá trị đạt 1,45 tỷ USD, tăng 13,9% về khối lượng và tăng 40% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Dự báo từ nay đến hết tháng 6, giá lúa gạo trong nước tiếp tục diễn biến tích cực do triển vọng xuất khẩu gạo trở lại sang thị trường Philippines.

Đặc biệt, năm nay nông dân các tỉnh trồng vải thiều, nhãn trọng điểm như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên... được mùa nhất trong 10 năm qua, sản lượng vải thiều tăng gấp đôi so với năm trước. Chính vì thế, việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2018 đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ, hai Phó thủ tướng Chính phủ là Vương Đình Huệ và Vũ Đức Đam đã trực tiếp về thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ, xuất khẩu sang các thị trường lớn. Hiện nay, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Công thương đang phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên tổ chức các diễn đàn và Lễ hội xúc tiến tiêu thụ vải, nhãn cho nông dân.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, thị trường cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều chuyển biến. Giá cá tra đạt mức 31.000-33.000 đồng/kg (tăng 400 đồng/kg so với đầu năm). Dự báo giá cá tra xuất khẩu ở mức tốt có thể kéo dài cả năm 2018. Thị trường tôm trong 5 tháng đầu năm khá ổn định đối với tôm sú, nhưng có biến động giảm đối với tôm thẻ chân trắng do giá tôm thế giới giảm và sản lượng thu hoạch tại một số nước tăng. Đầu tháng 6/2018, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị để bàn các giải pháp trọng tâm phát triển ngành tôm bền vững.

Đẩy mạnh tái cơ cấu 

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho rằng, trong vòng 5 tháng đầu năm, xây dựng nông thôn mới đã đạt vượt chỉ tiêu phấn đấu mà Bộ đề ra từ đầu năm là 37%. Tính đến 20/5, cả nước đã có 3.346 xã (37,48%) và 52 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 26 xã (0,3%), tăng 2 huyện so với cuối tháng 4/2018. Từ cuối tháng 4/2018, Bộ đã điều chỉnh chỉ tiêu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 39,8%, số huyện đạt chuẩn nông thôn mới là 54 huyện.

"Năm 2018, là dịp chúng ta tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đây là những chủ trương, chính sách lớn, có tác động lan tỏa rộng đối với Bộ, ngành cũng như liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp trong những năm qua. Đến nay 63 tỉnh, thành phố đều làm xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, chính vì thế tạo ra sức lan tỏa lớn trong xã hội", Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.

35518700_1231724666970727_2656163584374996992_n.jpg
Thứ trưởng Hà Công Tuấn phát biểu chủ trì buổi lễ. (Ảnh: PV)

 

Theo thứ trưởng Hà Công Tuấn, riêng 2 năm vừa qua, cả nước đã tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, từ  3.700 doanh nghiệp tăng lên 7.620 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương. Ước tính đến hết tháng 5/2018, có 878 HTX được thành lập mới, cả nước đã có 12.388 HTX và 33.000 hộ trang trại đã tạo nên những kết quả ban đầu rất quan trọng, có tính chất tiền đề cho giai đoạn tới.

"Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước đạt 6,5-6,7%, trong 6 tháng cuối năm Bộ Nông nghiệp và PTNT quyết tâm phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt tối thiểu 3,0%, xuất khẩu đạt 40-40,5 tỷ USD, có 39,8% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và độ che phủ rừng đạt 41,65%. Để đạt được các mục tiêu này, Bộ chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh", Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định./.

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top