Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 11 năm 2021 | 15:7

Nông sản Việt xuất khẩu: Bán giá cao ở thị trường thế giới vẫn chỉ là giấc mơ

Nông sản Việt Nam lên máy bay xuất ngoại và được bán với giá từ vài lần đến 20 lần giá trong nước.

Đằng sau những thông tin lấp lánh, khoa trương kia là sự thật đáng buồn là nông sản Việt hiện chỉ chiếm 1% thị phần EU và chỉ bán cho người Việt. “Vui thật, cảm xúc thật, nhưng buồn lắm”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu khi nói về những ảo tưởng hay hoang tưởng về nông sản Việt.

Hàng đi máy bay, giá sang chảnh

Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết lần đầu tiên 2.000 trái dừa sáp tươi Cầu Kè, Trà Vinh theo đường hàng không sang thị trường Úc đã cháy hàng. Với giá bán lẻ 30-35 đô la Úc/trái, tức khoảng 600.000 đồng, tổng giá trị lô hàng lên đến 70.000 đô la Úc (1,2 tỉ đồng).

 

ban-gia-cao.jpg

Các loại trái cây nhiệt đới được bày bán trong siêu thị Saigon Fresh của người Việt ở Springvale ở phía Đông Nam Melbourne. Các trang trại tại Úc có thể trồng hầu hết các loại trái cây nhiệt đới như thanh long, xoài, nhãn, khế… Ảnh: Ricky Hồ

 

Thông tin nông sản Việt bày bán tại thị trường nước ngoài với giá cao ngất ngưỡng ngày càng nhiều. Ví như, vụ nhãn lồng vừa qua, trái cây đặc sản này của Việt Nam được đóng hộp bày bán trên quầy siêu thị tại Đức, Hà Lan giá từ 430.000-490.000 đồng/ký, cao gấp 15-20 lần giá bán trong nước.

Hồi tháng 7/2021, tại một phiên đấu giá vải thiều ở Úc, hộp vải tươi Việt Nam đã được mua với giá 3.000 đô la Úc/ký, gần 52 triệu đồng. Phổ biến hơn, vải thiều Việt đi sang Nhật Bản, Pháp… cũng lên tới 350.000-500.000 đồng/ký. Cũng khoảng thời gian này, xoài Việt được bán tại siêu thị Úc với giá 300.000 đồng/ký, gừng đông lạnh 850.000 đồng/ký. Gần đây nhất, lô hàng 45 tấn sầu riêng Việt Nam đi Úc dù đang trên biển nhưng đã “cháy hàng”. Giá thấp nhất lên đến 20-25 đô la Úc/ký (khoảng 340.000-425.000 đồng/ký) đối với loại bóc sẵn múi.

Nhưng đó chỉ là thông tin bề nổi.

Buồn lắm với thị phần 1%!

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kể lại câu chuyện khi còn là lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Lúc bấy giờ, ông là người truyền thông việc đẩy container xoài đầu tiên qua thị trường Mỹ. Ông cảm thấy rất thú vị vì bán được giá cao.

“Người Việt ở nước ngoài chụp ảnh xoài Đồng Tháp bán ở siêu thị nước ngoài hay chúng ta vẫn thấy các loại quả khác như nhãn, vải, thanh long… bán với giá rất cao. Vui thật, cảm xúc thật nhưng buồn lắm!”, ông nói. Bởi, họp trực tuyến với 27 vị đại sứ của Việt Nam tại Liên hiệp châu Âu (EU) hôm 27/10, ông mới biết nông sản Việt bán ra nước ngoài rất ít, lâu lâu mới có vài thương vụ, mà phần lớn chỉ bán ở cửa hàng gốc Á như Việt Nam hay Thái Lan.

Ông Hoan cũng kể lại chuyến đi châu Âu cùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây. Các vị đại sứ Việt Nam cho hay thanh long của mình bán ở cửa hàng của Thái Lan. Nghĩa là chúng ta chưa đi một cách đàng hoàng mà còn rất rụt rè ở phân khúc gặp nhiều rủi ro, hoặc là bán trong cộng đồng người Việt.

Bộ trưởng cho rằng khi đưa nông sản Việt vào được hệ thống phân phối chính quy của họ thì mới định hình thương hiệu cho mặt hàng nông sản của quốc gia. Khi đó, mới có sức lan tỏa, người tiêu dùng trên thế giới mới biết đến.

Mỗi mặt hàng nông sản Việt xuất đi, truyền thông trong nước giúp đẩy cảm xúc lên quá mức. “Chúng ta hào hứng quá mà quên có những vấn đề, những rủi ro phía sau. Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, phải có chiến lược hẳn hoi, phải mất nhiều năm nữa, không chỉ mới vài chuyến hàng của một vài doanh nghiệp mà nói là chúng ta đã chiếm lĩnh được thị trường”, ông Hoan nhấn mạnh.

Một đại sứ ở EU, nói thật nông sản của Việt Nam mới chiếm 1% trong tỷ trọng nhập khẩu nông sản của thị trường này, lại chỉ bán ở các tiệm tạp hóa gốc Á. Chưa bao giờ một cửa hàng tạp hóa Việt Nam đúng nghĩa được gọi đúng tên.

Ông Hoan nói rằng kinh tế nông nghiệp Việt Nam đã trải qua mọi sắc thái, buồn vui lẫn lộn và cả sự ảo tưởng. Từ chuyện giá lúa nay lên mai xuống, hay đến quy ngạch xuất khẩu gạo của ngành công thương, hoặc xuất khẩu rau quả nghe kêu… Nhưng rốt cuộc chúng ta chỉ có 1% thị trường EU. Rồi chuyện ngành chăn nuôi thì phụ thuộc vào vật tư, nguyên liệu nước ngoài. Rồi doanh nghiệp từng lạc quan với chuyện xuất khẩu phân bón và sự sôi động của thị trường chứng khoán với cổ phiếu ngành phân bón, nhưng cuối cùng thì rớt cái bịch!

Hãy bớt ảo tưởng

Bất cứ mặt hàng nông sản nào của Việt Nam xuất sang EU, Úc hay Mỹ với số lượng khiêm tốn hay chỉ một vài thương vụ – như lời của Bộ trưởng Lê Minh Hoan – đều xuất hiện trên khắp các mặt báo tiếng Việt trong nước với những cái tít thật kêu: “Dừa sáp Trà Vinh lần đầu đi máy bay sang Úc với giá 600.000 đồng/trái”, “Gừng Việt sang Úc giá gần 1 triệu đồng/ký”…

Những tựa báo như thế này tạo nên ảo tưởng về giá trị rất cao của nông sản Việt Nam khi xuất ra nước ngoài, nhưng mấy ai biết cái giá cao ngất đó không phải do trái cây Việt Nam có đặc điểm gì đó về chất lượng quá cá biệt, mà chủ yếu do phải “cõng” trên lưng quá nhiều chi phí. Vì vậy giá cao chẳng những không đáng tự hào mà còn là mối lo, vì với giá đó thì chuyện xuất khẩu được số lượng lớn chỉ là giấc mơ.

Đó là chưa kể người Việt cần phải nhìn nhận một sự thật đắng nghét rằng: trái cây từ Việt Nam chỉ có thể bán cho các siêu thị hay chợ hay tiệm tạp hóa do Việt kiều ở các thành phố và thị trấn Úc làm chủ. Ngay cả trong các đợt quảng bá cho gừng tươi Việt Nam cũng chỉ được thực hiện trong sự kiện đánh golf của cộng đồng người Việt ở Parramatta tại Sydney.

Các loại thực phẩm và nông sản nhập khẩu từ Việt Nam bán sang Úc nhiều lắm chỉ xuất hiện trong các chợ, siêu thị hay tiệm tạp hóa châu Á – do người Việt hay các sắc dân châu Á khác làm chủ. Hàng Việt Nam có thể có mặt trên kệ hàng ở các siêu thị nhỏ do các cộng đồng sắc tộc khác làm chủ. Cần nhắc lại rõ ràng là gạo, mì gói hay nước mắm Việt Nam chưa có thể bước vào các chuỗi đại siêu thị ở Úc như Woolworths, Safeway hay Aldi.

Câu chuyện mì Acecook Vietnam mất bao nỗ lực qua nhiều năm mà không thể xuất hiện trên kệ hàng các đại siêu thị Úc có thể là một ví dụ điển hình. Hua Kien Fat Trading – Tổng đại lý của Acecook Vietnam tại Melbourne – chỉ có thể phân phối các sản phẩm Acecook cho các tiệm tạp hóa châu Á. “Do quy mô cộng đồng, người Việt vẫn không đông bằng nhóm sắc dân gốc Hoa và Ấn Độ. Kế đến là uy tín và vốn”, Giám đốc Kevin Hua nói.

Trong khi đó, Lay Brothers – một hãng phân phối thực phẩm châu Á do người Indonesia gốc Hoa làm chủ – đã đưa được gạo, mì ăn liền Indomie và cả bánh trung thu “made in Hong Kong” vào các siêu thị Woolworths hay Safeway.

Nông sản Việt Nam phụ thuộc đến 90% vào thị trường Trung Quốc. Đó là sự thật không thể chối cãi. Trong hơn hai thập niên qua, những thông tin từ thị trường xuất khẩu này đều là kém vui, đáng buồn như tắc hàng ở biên giới, phía bên kia cấm nhập với lý do này nọ…

Những sự kiện đơn lẻ có yếu tố tích cực – như xuất khẩu ra nước ngoài với giá cao – lại được truyền thông khai thác theo kiểu tò mò và câu khách hơn là những thông tin đúng bản chất vấn đề. Và ngay cả khi chúng ta đã vào được thị trường nước ngoài khó tính như Úc chẳng hạn, nông sản Việt vẫn có thể mất thị trường nếu như không duy trì được chất lượng và bảo đảm an toàn thực vật. Năm 2017, Thương vụ Việt Nam tại Úc đã từng cảnh báo như thế đối với thanh long khi loại trái cây này lần đầu vào thị trường Úc.

Xuất sang thị trường Mỹ và EU đòi hỏi nông sản Việt phải đáp ứng yêu cầu phẩm cấp cao và tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Dù “buồn lắm” với sự thật 1% thị phần EU, nhưng doanh nghiệp Việt cần bồi đắp và nâng dần tỷ lệ rất mong manh đó.

“Việt Nam đi vào những thị trường dễ tính sẽ tự kìm hãm mình ở mức thu nhập trung bình, nếu cứ tiếp tục làm gia công và các sản phẩm giá trị gia tăng thấp. Đây là lo lắng lớn nhất của tôi” – bà Phạm Chi Lan phát biểu. Vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh rằng tình trạng này sẽ dẫn đến các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ít cố gắng hơn trong việc phấn đấu đạt các chuẩn mực về hàng hóa và các yêu cầu bảo vệ môi trường từ các thị trường khó tính, thay vào đó sẽ tập trung vào các thị trường dễ dàng.

 

Theo thesaigontimes.vn

Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

  • HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Top