Ngày 31/3, Phòng Thương mại và Công thương Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Forest Trends tổ chức Hội thảo đảm bảo gỗ hợp pháp trong đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công thương Việt Nam, cho biết, Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA-FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được ký ngày 19/10/2018, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/06/2019. Đây là Hiệp định đầu tiên mà chúng ta ký kết với một Đối tác về vấn đề đang ngày càng trở nên quan trọng.
Bằng việc tham gia Hiệp định này, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm lớn trong thực hiện quản trị rừng cũng như phát triển ngành chế biến gỗ một cách bền vững. Mặc dù Hiệp định được ký kết chỉ với đối tác EU, Chính phủ đã đưa ra một cam kết mạnh, theo đó tất cả gỗ và sản phẩm gỗ, dù là xuất khẩu (đi EU hoặc bất kỳ lãnh thổ/quốc gia nào khác) hay tiêu thụ trên thị trường nội địa, đều phải là gỗ hợp pháp.
Cũng theo ông Phòng, trên thị trường nội địa, một phần đáng kể gỗ và các sản phẩm gỗ được mua sắm và sử dụng bởi các chủ thể Nhà nước theo thủ tục đấu thầu. Ở vai trò này, để thực thi cam kết về gỗ hợp pháp trong VPA-FLEGT, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm rằng gỗ và các sản phẩm gỗ được mua sắm theo thủ tục đấu thầu là gỗ hợp pháp.
Rà soát thực tiễn đấu thầu mua sắm gỗ ở Việt Nam mà VCCI thực hiện năm 2018 cho thấy còn tồn tại khá nhiều rủi ro từ góc độ gỗ hợp pháp trong các gói thầu mua sắm công sản phẩm gỗ. Ví dụ, 77% gói thầu mua sắm gỗ được rà soát không đề cập tới tính hợp pháp của sản phẩm gỗ, 11% có dấu hiệu rủi ro cao với các yêu cầu về gỗ quý, 74% nhà thầu từng sử dụng gỗ quý nhóm I, II để cung cấp cho các gói thầu mua sắm công…
Nhiều ý kiến đóng góp tại Hội nghị.
Thực tế này đặt ra yêu cầu phải có các quy định pháp luật cụ thể về gỗ hợp pháp trong quy trình đấu thầu mua sắm gỗ và các sản phẩm gỗ chế biến. Về mặt chính sách, nhiệm vụ này cũng được nêu trong Quyết định số 1624/QĐ-TTg ngày 14/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định VPA-FLEGT.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI trao đổi, cần làm rõ hơn nhiều vấn đề về gỗ. Theo đó, gỗ hợp pháp tuân thủ các quy định pháp luật của nơi khai thác, nơi sản xuất, chế biến gỗ.
Đấu thầu gỗ hợp pháp là sản phẩm gỗ cung cấp qua thủ tục đấu thầu (mua sắm công) là gỗ hợp pháp. Cơ sở để thực hiện đấu thầu gỗ hợp pháp được thực hiện theo Điều 13.1: “Gỗ tiêu thụ ở thị trường nội địa phải là gỗ hợp pháp”, Hiệp định đối tác Tự nguyện và Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA-FLEGT) giữa Việt Nam và với Liên minh châu Âu (EU).
Vậy, tại sao phải đấu thầu gỗ hợp pháp, Hội thảo đã dẫn ra nhiều cơ sở. Nhu cầu về pháp lý, nhằm tăng hiệu quả thực thi pháp luật về gỗ; yêu cầu tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam; thực hiện các chính sách, pháp luật trên diện rộng. Từ đó, hoàn thiện pháp luật về quản trị rừng, thương mại lâm sản; hướng tới tính hợp pháp của hàng hoá, dịch vụ trong pháp luật đấu thầu.
Về góc độ kinh tế, xã hội, trước sức ép thay đổi phương thức kinh doanh của nhà cung cấp, định hướng tiêu thụ cho người tiêu dùng, tạo động lực thúc đẩy ngành trồng rừng và dịch vụ có liên quan... Từ đó, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển rừng bền vững; đóng góp vào các mục tiêu môi trường, lao động…
Qua rà soát các gói thầu mua sắm sản phẩm gỗ trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia 2016-2018, có tới 77% hồ sơ không có yêu cầu về bất kỳ khía cạnh nào của gỗ hợp pháp; 23% hồ sơ chỉ đề cập đến một số khía cạnh của gỗ hợp pháp; 11% hồ sơ đặt hàng gỗ quý nhóm I-II (rủi ro cao về tính bất hợp pháp).
Khảo sát nhà thầu cung ứng gỗ cho các gói thầu mua sắm gỗ công thì có tới 74% từng dùng gỗ quý nhóm I-II nhập khẩu, 50% từng dùng gỗ quý trong nước; 80% các trường hợp dùng gỗ quý là theo yêu cầu của bên mời thầu.
Từ thực trạng trên cần thiết phải sửa các văn bản đang có, sửa các văn bản hướng dẫn về đấu thầu mua sắm hàng hoá; xây dựng văn bản mới về các yêu cầu riêng đối với gói thầu có sản phẩm gỗ. Bộ Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thực hiện việc này.
Trong quy định mới về gỗ hợp pháp cần phải quy định rõ một số nội dung như: Quy định chung về gỗ hợp pháp, phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng, bản cam kết đảm bảo gỗ hợp pháp của nhà thầu, đánh giá nhà thầu theo tiêu chí gỗ hợp pháp, tài liệu chứng minh gỗ hợp pháp.
Còn theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích sách Forest Trends, mua sắm công ở Việt Nam chiếm 20-30% tổng chi tiêu ngân sách, riêng về mua sắm công đồ gỗ chưa có số liệu cụ thể. Do vậy, chính sách mua sắm công sản sản phẩm gỗ là cần thiết và bắt buộc. Chính phủ đi tiên phong, truyền tải thông điệp tới các nhóm tiêu dùng khác, thay đổi hành vi và thói quen tiêu dùng theo hướng hợp pháp và bền vững.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…