Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, đây là áp lực rất lớn cho việc tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Bắc Giang có khoảng 6.000ha vải thiều sớm, chiếm 20,6% diện tích, sản lượng khoảng 30.000 tấn. Vải thiều chính vụ khoảng 23.000ha, chiếm 79,4% diện tích, sản lượng khoảng từ 120.000-150.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm dự kiến bắt đầu từ ngày 25-30/5; vải thiều chính vụ từ ngày 15/6-25/7.
Để nâng cao hiệu quả giá trị sản xuất vải thiều vụ 2018, tỉnh Bắc Giang đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn nông dân kỹ thuật canh tác, chăm bón vải thiều; mở rộng các vùng trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo các yêu cầu như không sử dụng chất cấm, giữ khoảng cách thời gian cách ly... Đồng thời, tăng cường kiểm tra, theo dõi diễn biến phát sinh, gây hại các đối tượng sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Bắc Giang có diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 13.500ha, sản lượng khoảng 90.000 tấn; diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP gần 220ha với sản lượng 10.000 tấn. Đặc biệt, tỉnh có gần 220ha vải thiều được Mỹ cấp mã số IRADS với 394 hộ sản xuất, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường này.
Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng phát triển nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm vải thiều sớm Phúc Hòa, huyện Tân Yên và chỉ dẫn địa lý với vải thiều Lục Ngạn. Hiện nay, vải thiều Lục Ngạn được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Văn bằng bảo hộ tại sáu quốc gia: Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore. Tỉnh đang tiến hành xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm vải thiều Lục Ngạn tại Mỹ, Australia, Malaysia và một số nước khác trên thế giới.
Đặc thù vải thiều có tính thời vụ cao, thời gian thu hoạch ngắn, khó khăn nhất là khâu sơ chế, đóng gói và bảo quản. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, hiện nay, cơ bản vải thiều của tỉnh vẫn bảo quản trong thùng xốp ướp lạnh. Do đó, việc xuất khẩu sang các thị trường xa rất khó khăn, giá thành vận chuyển cao, giảm tính cạnh tranh. Trên thị trường, ngoài vải thiều còn nhiều loại trái cây khác thay thế, cạnh tranh trực tiếp với vải thiều của Bắc Giang.
Trong khi đó, tỉnh chưa tiếp cận được nhiều doanh nghiệp lớn, có tiềm lực để xuất khẩu vải thiều. Đa số vẫn là một số đối tác truyền thống qua các năm, chủ yếu thực hiện theo phương pháp truyền thống, mua bán tiểu ngạch, chưa coi trọng hình thức kinh doanh ngoại thương thông qua hợp đồng kinh tế để thực hiện giám sát ngay từ khâu thu hoạch, đóng gói, nhằm ổn định thị trường, phòng tránh rủi ro, giảm thiệt hại khi có biến động của thị trường.
Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ vải thiều, ngoài đẩy mạnh truyền thông thường xuyên, tỉnh Bắc Giang dự kiến tổ chức ba hội nghị xúc tiến: Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Bằng Tường, Trung Quốc; Diễn đàn về vải thiều và 52 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang; Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn-Bắc Giang tại Hà Nội.
Qua đây, Bắc Giang mong muốn các doanh nghiệp trong và ngoài nước xuất nhập khẩu mặt hàng rau quả trong nước đến đầu tư, ký kết hợp đồng tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm quả vải thiều của Bắc Giang, đặc biệt là vùng vải thiều xuất khẩu huyện Lục Ngạn.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bắc Giang đặc biệt quan tâm về các chính sách biên mậu của phía bạn, quy trình, thủ tục để xuất khẩu vải thiều. Đây là chính sách mới, các cơ quan, doanh nghiệp và người sản xuất vải thiều của tỉnh đang rất cần những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể. Nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ vải thiều năm nay.
Tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc, sớm có hướng dẫn cụ thể để địa phương tổ chức thực hiện; đàm phán về điều kiện xuất khẩu vải thiếu chính ngạch sang Trung Quốc; mở rộng thị trường xuất khẩu quả vải thiều sang các thị trường mới; đề nghị với cơ quan chức năng của Trung Quốc sớm phê chuẩn dịch vụ visa tại chỗ của cửa khẩu Hữu Nghị và mô hình thông quan “Hai quốc gia một kiểm tra.”
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát về quy trình chứng nhận VietGAP theo hướng đơn giản hóa để thực hiện đảm bảo yêu cầu kiểm soát; có phương án quản lý chặt chẽ về giá tư vấn và chứng nhận mới, chứng nhận lại để tạo điều kiện cho địa phương duy trì và mở rộng vùng sản xuất rau, quả nói chung, sản xuất vải thiều nói riêng đạt tiêu chuẩn.
Với tính chất thời vụ cao của vải thiều, Bắc Giang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật bố trí các phòng kiểm dịch thực vật lưu động ngay tại các vùng vải tập trung để tiến hành kiểm dịch và cấp chứng thư ngay tại chỗ cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như các nước khác, thay vì phải thực hiện tại các cửa khẩu như trước đây.
Trước sự sẵn sàng, chủ động của chính quyền tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Bắc Giang là địa phương được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh trong việc tiêu thụ nông sản, đặc biệt là tiêu thụ vải. Tuy nhiên, các đơn vị liên quan như công an, giao thông, thậm chí các nghề dịch khác hỗ trợ như ăn uống... cũng cần có phương án bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường... phục vụ sản xuất và tiêu thụ vải thiều tốt nhất.
Bên cạnh thị trường xuất khẩu mang lại giá trị cao, Bắc Giang cần tiếp tục phối hợp các đơn vị tổ chức lễ hội như mọi năm nhưng năm nay phải chú ý đến thị trường phía Nam. Thị trường trong nước là số một, làm sao sản phẩm tươi ngon, phân phối nhanh nhất nhưng có tổ chức, có trật tự để không bị ép giá và không bị lãng phí vì bị dồn ứ. Bắc Giang cũng như các địa phương có quả vải phải phấn đấu “được mùa nhưng không mất giá,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh./.