Đại dịch COVID-19 đang tiếp tục gây ra những khó khăn cho việc tiêu thụ nhiều loại nông sản của Việt Nam. Để “gỡ khó” cho vấn đề này đã có nhiều kịch bản và có các sáng kiến để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Lập chốt bảo vệ khi nông sản vào vụ
Sơn La có 100 nghìn tấn xoài, mận… đang cho thu hoạch, 100 nghìn tấn nhãn cũng sắp vào vụ. Hải Dương, Bắc Giang cũng có tới 340 nghìn tấn vải bắt đầu cho thu hoạch từ cuối tháng 5 này.
Điểm chung của những loại nông sản trên là thời vụ ngắn, sản lượng nhiều, nên áp lực tiêu thụ là rất lớn. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, thì việc thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ… không được thuận lợi như mọi năm.
Như tại vùng vải Tân Yên, Bắc Giang, toàn huyện có hơn 1.300ha vải, chủ yếu là vải sớm với sản lượng ước đạt 14.000 tấn. Để xây dựng vùng vải an toàn, không bị ảnh hưởng bởi COVID-19, địa phương này đã lập 7 chốt kiểm soát ra vào vùng vải. Huyện cũng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm loại bỏ những yếu tố nguy cơ liên quan đến dịch COVID-19 ra khỏi vùng sản xuất vải tập trung, đặc biệt trú trọng tại những mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu.
"Toàn bộ những người tham gia khâu sản xuất, thu hoạch, đóng gói... được chúng tôi quản lý, giảm sát chặt chẽ để ngăn chặn khả năng lây lan dịch bệnh trong vùng vải. Với lái xe, chủ hàng khi vận chuyển hàng đi tiêu thụ ra tỉnh ngoài thì chúng tôi cho lấy mẫu xét nghiệm. Có kết quả âm tính mới vận chuyển ra bên ngoài", ông Nguyễn Văn Toàn - Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, Bắc Giang cho biết.
Theo ông Nguyễn Thế Thi - phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn: "Tại các trạm kiểm soát có treo biển khu vực bảo vệ chống dịch vào vùng vải an toàn. Mỗi chốt đều bố trí lực lượng liên ngành bao gồm công an, quân đội, y tế... Tất cả người dân, phương tiện khi đi qua đều phải khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt... để sàng lọc. Nếu trường hợp nào nghi ngờ, chúng tôi sẽ cách ly, lấy mẫu xét nghiệm".
Ngành y tế tỉnh Bắc Giang đang tăng cường lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho toàn bộ nhà vườn, hộ nông dân, người thu mua, thương nhân, lao động trên địa bàn.
Các thương nhân, đại lý, điểm thu mua được yêu cầu phải đăng kỹ rõ ràng nơi thu mua, có bao nhiêu lao động, có bao nhiêu lái xe để vận chuyển hàng hóa...
Sau khi đóng hàng, các lô vải thiều sẽ được phun thuốc khử khuẩn bằng Cloramin B, đồng thời dán tem "Vải thiều không có dịch COVID-19" trên thùng hàng trước khi được vận chuyển đi tiêu thụ.
"Chúng tôi đang thiết kế, in hàng vạn tem dán "Vải thiều không có dịch COVID-19" để cung cấp cho các tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm" - ông Thi nói.
Những ngày này, dù thời điểm thu hoạch chưa đến nhưng gần 100 tấn vải đã có hợp đồng thu mua. Hàng chục thương nhân đang triển khai đặt điểm cân tại địa phương. Dự kiến trong ngày 26/5 tới đây sẽ xuất hành lô vải thiều sớm đầu tiên của Bắc Giang xuất khẩu Nhật Bản.
Khâu chế biến đang là điểm nghẽn
Có thể thấy, Việt Nam là quốc gia có nhiều loại nông sản xuất khẩu chủ lực có tính chất mùa vụ, dễ gặp khó khăn, áp lực tiêu thụ khi vào mùa vụ thu hoạch, nhất là phải đối mặt với dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khi mà một số địa phương đang phải giãn cách xã hội do tái bùng phát dịch lần thứ tư.
Để hạn chế thiệt hại cho người sản xuất, rất cần một hệ thống bảo quản và các nhà máy chế biến tại các địa phương, khu vực, trong khi đó, hệ thống logistics kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản ở nước ta còn hạn chế. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm, chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Với số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cả nước hiện có trên 43.000 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản, trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tăng 1.500 cơ sở so với năm 2015. Trong 5 năm qua, có 67 nhà máy chế biến nông sản lớn với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD được khởi công mới, đi vào hoạt động. Thế nhưng, khâu chế biến đang là điểm nghẽn khiến cho nông sản Việt Nam bị giảm tính cạnh tranh. Hầu hết sản phẩm nông sản chỉ mới xuất khẩu ở dạng thô, hàm lượng giá trị gia tăng khá thấp. Theo ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, nông sản trong nước mới có từ 20% đến 30% thông qua chế biến xuất khẩu. Chế biến và thị trường là những khâu rất quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến bàn ăn của người tiêu dùng. Chế biến tạo giá trị gia tăng trong khi lợi nhuận của cả chuỗi thì phần lớn trong khâu kinh doanh thị trường của nông sản.
Một trong những thách thức đang tồn tại, đó là dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát ở nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, khiến nhu cầu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực bị giảm sút. Trong khi đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu chưa kịp đổi mới, bổ sung các sản phẩm chế biến sâu, có thời gian bảo quản lâu, giá cả phải chăng, phù hợp xu hướng tiêu dùng mới ở các quốc gia có dịch.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác quốc tế như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU; Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực; Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, đang tạo ra nhiều lợi thế về thuế quan trong xuất khẩu hàng nông sản nhưng đồng thời cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khi phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật như yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, hàm lượng dinh dưỡng… trong sản phẩm một cách chi tiết, cụ thể và nghiêm ngặt hơn. Chính vì vậy, các ngành chức năng, doanh nghiệp xuất khẩu cần tiếp tục theo dõi sát các diễn biến thị trường cũng như cảnh báo từ các đối tác thương mại để điều chỉnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu phù hợp và hiệu quả.
Từ kinh nghiệm năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề xuất các địa phương, nhất là các địa phương có vùng nguyên liệu lớn sắp và đang cho thu hoạch có phương án kế hoạch cụ thể hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để đẩy nhanh tiêu thụ nông sản tránh việc ứ đọng hàng hóa cục bộ.
Sáng kiến thúc đẩy tiêu thụ nông sản
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Nếu tính theo từng thị trường, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á ước tăng 18,2%, đạt 8,05 tỷ USD; thị trường châu Mỹ tăng 56,7%, đạt 4,73 tỷ USD; thị trường châu Phi tăng 11,8%, đạt 249 triệu USD; thị trường châu Đại Dương tăng 29,2%, đạt 239 triệu USD. Xuất khẩu sang khu vực châu Âu xấp xỉ bằng với cùng kỳ năm 2020, đạt 1,72 tỷ USD.
Tuy nhiên, trước thực trạng diễn biến dịch bệnh COVID-19 đang làm ảnh hưởng tới các hoạt động xuất, nhập khẩu tại nhiều quốc gia đòi hỏi ngành NN&PTNT cũng như các doanh nghiệp cần nắm chắc tình hình và nhu cầu của các thị trường nhập khẩu để có điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp.
Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc, hiện đang kiểm soát tốt dịch bệnh, do đó, thị trường nông sản sẽ hoạt động phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng và Trung Quốc dự báo vẫn là thị trường lớn trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc đã chuyển biến tích cực, đạt hơn 5,5 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,023 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2020, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc đều tăng.
Qua các đợt dịch tại Việt Nam, các địa phương đã chủ động và có các sáng kiến để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua các cửa khẩu vừa đảm bảo phòng, tránh dịch bệnh COVID-19. Cụ thể với các biện pháp như: Thành lập đội lái xe trung chuyển chuyên biệt để thông quan nông sản, hàng hóa tại cửa khẩu; tích cực trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc để nới rộng thời gian thông quan; khuyến cáo doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nắm tình hình và giãn đưa hàng về cửa khẩu, tăng lượng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường sắt.
Hiện nay, các điểm biên giới trọng điểm đã lấy lại đà tăng trưởng trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tiêu biểu, theo báo cáo của tỉnh Lạng Sơn, trong 4 tháng đầu năm 2021, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu của tỉnh diễn ra ổn định và sôi động hơn so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn trong tháng 4 ước đạt 430 triệu USD, lũy kế 4 tháng đạt 1.290 triệu USD, đạt 41,9% kế hoạch, tăng 57,3% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, nhu cầu thị trường tiêu thụ thủy sản, nông sản 4 tháng đầu năm 2021 của phía Trung Quốc tăng mạnh nên tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua Móng Cái – Đông Hưng. Cụ thể, tại cửa khẩu Bắc Luân II, xuất khẩu đạt 76.394 tấn hàng hóa, tăng 32,01% so với cùng kỳ năm 2020. Lối mở Km3+4 Hải Yên qua Cầu phao đạt 14.445 phương tiện, chở 374.904 tấn hàng hóa, tăng 317% so với cùng kỳ năm 2020. Đồng thời, xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản qua địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu Lục Lầm đạt 1.508 tấn, trong đó, nông sản (gồm khoai lang, chanh leo, roi,…) và hải sản (gồm ngao, hàu, cua biển, cá), đạt kim ngạch 550 nghìn USD.
Đối với thị trường của EU, trong 3 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu 937,1 triệu USD sang thị trường này (giảm 3,7%). Các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu sang EU như: cà phê, rau quả, hạt điều có xu hướng giảm với tốc độ lần lượt là -24,2%, -4,1% và -21,2%.
Với thị trường Mỹ, tính trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường này đạt 4,3 tỷ USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian tới, xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản sang Mỹ dự báo sẽ gặp khó khăn, bên cạnh tình trạng khan hiếm container, còn do cước vận chuyển từ châu Á sang Mỹ vẫn không ngừng tăng lên. Theo thống kê của Freightos Baltic, tuyến từ châu Á đến Bờ Tây nước Mỹ ở mức hơn 4.000 USD/container 40 feet và giá cước vận chuyển từ châu Á đến Bờ Đông nước Mỹ ở mức hơn 6.000 USD/container 40 feet. Đây là mức cước phí cao nhất từ trước đến nay.
Với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, với những nỗ lực chống dịch cùng với các biện pháp đảm bảo lưu thông hàng hóa, nâng cao các biện pháp an toàn cho công dân di chuyển, tình hình xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong quý I/2021 tăng trưởng tốt với mức tăng 5,9% và 7,2%. Các chuyên gia dự đoán Nhật Bản và Hàn Quốc về cơ bản sẽ khống chế được dịch bệnh trong quý II/2021 nhờ nguồn cung vắc-xin dồi dào và các biện pháp quản lý hiệu quả hơn của Chính phủ. Do vậy, thị trường xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản và Hàn Quốc được dự báo tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng ổn định.
Tháo gỡ khó khăn
Hiện nay, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 ở Việt Nam đang lan rộng tại nhiều địa phương. Trong khi đó, các địa phương có dịch đều chung một đặc điểm, đó là có nhiều đường giao thông huyết mạch chạy qua, án ngữ những con đường vận tải hàng hóa quan trọng về Hà Nội, nối liền tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại của miền Bắc.
Không chỉ vậy, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp dẫn đến tình trạng khan hiếm container vẫn tiếp tục diễn ra ở các tuyến vận tải biển từ châu Á sang Mỹ và EU trong khi đó vận tải bằng đường không có chi phí quá lớn đối với biên độ lợi nhuận của hàng nông sản nói chung.
Đi cùng với những khó khăn trên, do những tác động của dịch bệnh COVID-19 có nhiều điểm khác so với năm 2020 khiến các nước trên thế giới đồng loạt áp dụng các biện pháp phong tỏa làm ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường toàn cầu. Đối tượng bị ảnh hưởng trong xã hội cũng thay đổi và thu hẹp, tập trung vào các ngành du lịch, dịch vụ, vận tải. Thị trường trong nước đã dần hồi phục, sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì tốt và thói quen tiêu dùng có những chuyển hướng nhất định.
Bên cạnh đó, do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh đứt đoạn. Lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh, do đó, áp lực chi phí, phí, thuế với doanh nghiệp rất lớn. Bên cạnh đó, khi đơn hàng xuất khẩu giảm dần dẫn đến áp lực ngày càng cao đối với chi phí lưu kho, chi phí điện duy trì (nhất là kho lạnh để bảo quản nông sản) và vốn tồn ứ đọng hàng hóa.
Đến nay, tình hình giao thương, thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu biên giới vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu dịch bệnh nguy cơ cao thì tốc độ thông quan sẽ chậm do phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch.
Trước những khó khăn trên, Bộ NN&PTNT đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cần triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các gói tín dụng đặc thù đối phó COVID-19. Cụ thể, thiết kế chính sách hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, thực hiện cơ cấu lại nợ (khoanh nợ, dãn nợ, miễn giảm lãi vay), tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh thuộc diện chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Triển khai chính sách ưu đãi lãi vay vốn đối với các doanh nghiệp logistics, chế biến bảo quản nông sản để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa nông lâm thủy sản trong suốt thời gian chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Với Bộ Tài chính, cần triển khai nhanh chóng những giải pháp gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm. Đồng thời, miễn thuế, miễn tiền thuê bến bãi, tiền điện, dịch vụ kho lạnh, bảo quản,…cho các doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản; hỗ trợ giảm lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Về việc thuận lợi hóa thông quan, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài Chính (Tổng cục Hải quan), UBND các tỉnh biên giới chỉ đạo các trạm kiểm dịch, hải quan tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc.
Bộ NN&PTNT cũng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính có chính sách hỗ trợ phí, cước vận chuyển đường hàng không và đường biển đối với các thị trường trọng điểm như: Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Đông để tăng năng lực cạnh tranh và giảm chi phí giá thành cho doanh nghiệp.
Đối với các tỉnh, thành phố, cần thông tin kịp thời về tình hình sản xuất, lưu thông nông sản tại địa phương để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, cần thành lập các trung tâm thu mua nông sản cơ động tại các tỉnh; kiểm soát thu mua từ các hợp tác xã để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu khi dịch đã được kiểm soát.
Có thể khẳng định, qua các đợt dịch tại Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất nông sản… đã chủ động và có các sáng kiến để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên thị trường trong và ngoài nước, vừa đảm bảo phòng, tránh dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên, tình trạng dư cung hoặc giá giảm sâu đối với một số nông sản trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua tại một số địa phương cũng là bài học kinh nghiệm, nhằm hoàn thiện cơ chế vận hành kết nối địa phương với địa phương nhằm tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định và chủ động.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…