Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 24 tháng 4 năm 2022 | 20:30

Sơn La đảm bảo mã số vùng trồng, đưa nông sản vươn xa

Toàn tỉnh Sơn La có 241 mã số vùng trồng cây ăn quả được Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp, với diện tích trên 3.800 ha để phục vụ xuất khẩu.

Điều này đã giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà vườn xuất khẩu thuận lợi, góp phần đưa nông sản Sơn La vươn xa.

 

01.jpg

Nông dân Yên Châu bao trái xoài, đảm bảo chất lượng xuất khẩu.

 

Với diện tích 1,2 ha được cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trên giống xoài tượng da xanh, gia đình anh Quàng Văn Sơn ở xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La luôn thực hiện nghiêm ngặt quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP. Được tập huấn, hướng dẫn, anh Sơn đã áp dụng thực hành nông nghiệp tốt; ghi chép nhật ký canh tác để phục vụ truy xuất nguồn gốc. Hợp tác xã còn đồng hành cùng gia đình kịp thời nắm bắt tình hình sinh vật gây hại, các biện pháp phòng trừ và không vi phạm các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nước nhập khẩu.

“Sau khi thu hoạch vụ xoài 2021, gia đình đã bắt đầu tỉa cành, chăm sóc và bón phân hữu cơ theo tiêu chuẩn Vietgap để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng” - anh Sơn chia sẻ.

Hợp tác xã nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu hiện có 7 thành viên, quy mô sản xuất trên 14,5 ha xoài theo quy trình Vietgap, được cấp mã số vùng trồng trên giống xoài tượng da xanh. Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, những năm đầu mới thành lập, Hợp tác xã áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, hướng dẫn cho tất cả các thành viên sản xuất xoài theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Nhưng dù có tiêu chuẩn nhưng hợp tác xã nhận thấy sự cần thiết phải có mã số vùng trồng để có thể mở thêm con đường xuất khẩu và đã nộp đơn đề nghị cơ quan chức năng cấp mã số vùng trồng cho hợp tác xã.

Sau khi được cấp mã số vùng trồng, năm 2021, hợp tác xã đã xuất khẩu hơn 500 tấn xoài sang Trung Quốc và các nước Trung Đông.

xoai.jpg
Xoài Yên Châu được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng.

 

“Năm 2022 thị trường của hợp tác xã chủ yếu là các siêu thị lớn trong nước và thị trường Trung Quốc và năm nay có đơn hàng đặt đi hàn Quốc và Nhật Bản” - ông Sơn chia sẻ.

Ông Vũ Đăng Kế, Phó giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết, giờ đây, rau quả tươi phải được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số mới được phép xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… và gần đây nhất là Trung Quốc. Để sản phẩm xoài, chuối của đơn vị có thể vươn xa hơn sang thị trường các nước, hiện Hợp tác xã đang hoàn thiện hồ sơ để được cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm xoài.

“Hiện chúng tôi có 52 ha cây ăn quả và diện tích này chưa được cấp mã số vùng trồng. Vừa rồi Chi cục Bảo vệ thực vật vào và đo được 12 ha để cấp mã số cho sản phẩm xoài. Chúng tôi hiện đang hoàn thiện hồ sơ để được cấp mã số vùng trồng. Việc này rất cần thiết vì nếu muốn xuất khẩu hoa quả sang nước ngoài, trong đó có thị trường Trung Quốc nên Hợp tác xã phải xây dựng mã số vùng trồng” - ông Kế nói.

 

chuoi.jpg
Tiểu thương huyện Mường La thu mua chuối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

 

Là một trong những vùng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh Sơn La, những năm gần đây, sản phẩm xoài, chuối Mường La ngày càng khẳng định được thương hiệu và vươn ra thị trường quốc tế. Hiện, toàn huyện có gần 4.000 ha xoài, chuối, đến nay, đã xây dựng được 4 mã số vùng trồng xoài.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La cho biết, để đẩy mạnh việc xuất khẩu nông sản, địa phương đã xác định rõ cây trồng chủ lực, thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu, lấy đó làm cơ sở cấp mã số vùng trồng; chủ động và tận dụng những xung lực bên ngoài như hỗ trợ từ doanh nghiệp, của tỉnh và Bộ, ngành Trung ương để xây dựng mã số vùng trồng.

“Với các sản phẩm đã được xây dựng mã số vùng trồng và sản xuất theo quy trình Vietgap thì giá trị tăng gấp 2 - 3 lần so với bình thường. Ví dụ, xoài bình thường khoảng 5.000 đồng/kg nhưng đạt tiêu chuẩn giá lên tới 15.000 - 20.000 đồng/kg. Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như của tỉnh, riêng Mường La xác định 2 loại cây ăn quả chủ lực là cây chuối và cây xoài. Trong quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của huyện đang đẩy mạnh tiến độ về xây dựng mã số vùng trồng và quy hoạch vùng sản xuất đối với cây xoài, chuối” - ông Tâm nói.

Trước những yêu cầu ngày càng chặt chẽ về quản lý chất lượng nông sản, mới đây, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương lập danh sách vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số có nhu cầu xuất khẩu trong niên vụ hàng năm để thực hiện kiểm tra, giám sát; tăng cường hướng dẫn kỹ thuật sản xuất tại các mã số trồng phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, rà soát những cơ sở sản xuất không đảm bảo theo quy định sẽ bị thu hồi hoặc bị hủy mã số do không đáp ứng tiêu chuẩn, tránh việc lợi dụng mã ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín, sản phẩm nông sản địa phương.

 

 

Ý kiến bạn đọc
Top