Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và nông dân. Các địa phương, đơn vị đã có nhiều chính sách nối dài và tăng cường sự liên kết hỗ trợ chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Chuỗi sản xuất và tiêu thụ hàng nông - thủy sản là một trong những vấn đề “nóng” hiện nay. Bởi con đường tiêu thụ hàng nông sản không được khai thông thì dễ dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng nhiều mặt hàng nông sản.
Tiêu thụ lúa gặp khó
Hiện tại là thời điểm nông dân trong tỉnh Bạc Liêu đang tập trung thu hoạch lúa hè thu và dự kiến kéo dài cho đến tháng 9/2021 mới kết thúc mùa vụ. Với tổng diện tích sản xuất vụ hè thu hơn 58.900ha sẽ cho tổng sản lượng ước đạt 331.658 tấn. Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay chính là nhiều nơi lúa đã chín đầy đồng nhưng không có dịch vụ thu hoạch và thương lái đến thu mua lúa của nông dân. Trong khi đây là thời điểm thường xảy ra mưa to, gió lớn, nếu không tập trung thu hoạch nhanh lúa dễ bị đổ ngã gây thiệt hại và làm giảm năng suất. Cụ thể là hiện nay Bạc Liêu đang tập trung thu hoạch đứt điểm đợt 1 với tổng diện tích cần thu hoạch trên 11.280ha. Trong đó, TX. Giá Rai 1.000ha, huyện Phước Long 84ha, huyện Hồng Dân 1.394ha, huyện Hòa Bình 7.311ha và huyện Vĩnh Lợi 1.500ha.
Theo phản ánh của các địa phương, phần lớn diện tích được thu hoạch và bao tiêu lâu nay chủ yếu dựa vào các thương lái ngoài tỉnh. Vì vậy, với việc thực hiện giãn cách xã hội và cấm các phương tiện này nhập tỉnh đã làm cho việc thu hoạch, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, nhất là thời gian tập trung thu hoạch đồng loạt như hiện nay. Bởi cả tỉnh chỉ có 253 máy gặt đập và con số này chỉ giải quyết được khoảng 50% nhu cầu, còn lại nhờ vào các dịch vụ máy gặt ngoài tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang…
Cụ thể, TX. Giá Rai có 17 máy, huyện Phước Long 66 máy, huyện Hồng Dân 47 máy, huyện Hòa Bình 53 máy, huyện Vĩnh Lợi 76 máy và TP. Bạc Liêu 3 máy. Với diện tích thu hoạch lúa đợt 2 từ nay đến ngày 20/9 rất lớn (khoảng 48.620ha) thì việc thực hiện điều phối máy gặt đập trong tỉnh từ địa phương này đến địa phương khác cũng chỉ mới đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu và số máy ngoài tỉnh cần hỗ trợ chiếm 40 - 50% mới đảm bảo tiến độ thu hoạch lúa trên địa bàn. Điều đáng nói là các dịch vụ thu hoạch này đều gắn với việc giúp nông dân tiêu thụ lúa thông qua mô hình thu mua lúa tươi ngay tại đồng. Do vậy, không có lực lượng lao động trên thì các thương lái cũng không có điều kiện đến thu mua lúa của nông dân. Trong tổng số 331.658 tấn của vụ hè thu năm nay qua thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, thì các Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Quốc Tế Gia, Công ty Thủy sản - Vinh, Công ty Nhật Toàn, Hợp tác xã (HTX) Vĩnh Cường và các đại lý vật tư nông nghiệp, HTX khác của tỉnh… chỉ có thể tiêu thụ khoảng 40% sản lượng, còn lại 60% phải dựa vào các thương lái ngoài tỉnh vào thu mua.
Khó khăn về thị trường tiêu thụ cũng làm cho giá thu mua lúa giảm mạnh và gây bất lợi cho nông dân. Hiện nay, giá bán các giống lúa khác nhau giảm dao động từ 200 - 600 đồng/kg so với thời điểm đầu vụ (trong đó, giống lúa Đài thơm 8 và RVT giá bán giảm nhiều nhất với 600 đồng/kg). Nguyên nhân do chi phí vận chuyển tăng cao (chi phí sang ghe trung chuyển) và không có người thu mua. Nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp thì chắc chắn giá lúa sẽ còn lao dốc và có khả năng làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của vụ thu đông, đông xuân và lúa vụ mùa.
Để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản và thực hiện tốt phòng chống dịch bệnh, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện nhiều giải pháp, nhằm góp phần duy trì sản xuất và đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu tăng trưởng. Về tiêu thụ nông sản và chỉ đạo sản xuất trong mùa dịch COVID-19, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện thuận lợi nhất để lưu thông hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhanh chóng phục vụ cho sản xuất như: con giống, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và vật tư, thiết bị phục vụ duy trì sản xuất.
Cùng với đó, Sở NN&PTNT đã thành lập Tổ công tác đặc biệt, thiết lập đường dây nóng và tạo nhóm liên Sở NN&PTNT với các tỉnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tổ công tác của Bộ NN&PTNT; nhóm của lãnh đạo Sở NN&PTNT với các Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố... phối hợp với Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT, hướng dẫn kịp thời giúp lưu thông hàng hóa phục vụ tiêu dùng của Nhân dân.
Ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu tiếp tục xây dựng vùng trồng, vùng nuôi và sản xuất hữu cơ, sản xuất nông thủy sản sạch; đồng thời xây dựng chuỗi liên kết khép kín và chặt chẽ, hướng đến xây dựng thương hiệu nông sản, thủy sản, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Từ đó, tạo chuỗi giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản, thủy sản của tỉnh. Bên cạnh đó, quảng bá các mặt hàng nông sản, thủy sản thông qua các sàn thương mại điện tử của địa phương. Đặc biệt là kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục tập huấn cho người dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã, các công ty, doanh nghiệp từng bước hình thành và đưa nông sản, thủy sản, các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử...
Ông Sơn Minh Vương - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Bạc Liêu cho biết, sau khi khảo sát thực tế, trong thời gian tới Bưu điện tỉnh này sẽ hỗ trợ các địa phương trong việc kết nối vận chuyển nông sản đến một số tỉnh lân cận bằng xe bưu chính chuyên dùng. Hiện Bưu điện đã có sàn thương mại điện tử, trên sàn đăng tải các sản phẩm của mọi miền đất nước. Thông qua sàn thương mại điện tử, Bưu điện tỉnh Bạc Liêu đã triển khai tiêu thụ nhãn xuồng, tiếp theo là tôm càng xanh và các loại nông sản khác cho nông dân trong tỉnh… Bưu điện sẽ tăng cường đăng các sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn để giúp nông dân tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Nối dài “con đường” hỗ trợ
Theo Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, từ nay đến cuối năm, sản lượng cây ăn trái khoảng 102.973 tấn; rau màu khoảng 35.550 tấn, chăn nuôi các loại 11.466 tấn; thủy sản các loại 45.845 tấn… Trong đó, một số nông sản đang vào vụ thu hoạch có sản lượng lớn cần hỗ trợ tiêu thụ như: cam, dưa lê, chôm chôm, nhãn… tập trung chủ yếu trên địa bàn TP Ngã Bảy, TX Long Mỹ, và các huyện Vị Thủy, Phụng Hiệp, Châu Thành A.
Trước tình hình đó, Sở Công thương Hậu Giang đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương của tỉnh này tăng cường các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản, vừa vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các sở, ban, ngành, địa phương cùng chung tay, vừa liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giải quyết đầu ra cho một số loại trái cây đang thu hoạch rộ và tìm hướng tiêu thụ lâu dài cho nhiều nông sản khác trên địa bàn trong điều kiện tình hình mới.
Với sự phối hợp nhanh bằng hình thức trực tuyến giữa các ngành công thương, nông nghiệp và giao thông, phương án vận chuyển hàng hóa an toàn, điểm tập kết và thu mua nông sản ở Hậu Giang đã sẵn sàng. Chỉ trong thời gian ngắn phát động, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các sở, ban, ngành, địa phương của Hậu Giang đã đăng ký với số lượng hơn 11 tấn trái cây các loại, trong đó có 5,1 tấn chôm chôm, 3,8 tấn nhãn, 2,1 tấn dưa lê… Con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới và danh sách đăng ký hỗ trợ tiêu thụ đang nối dài thêm.
Ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang cho biết, ngoài phát động các ngành và địa phương, người dân trong địa bàn tỉnh cùng chung tay hỗ trợ, với quan điểm khai thác tối đa thị trường trong nước, Sở Công thương còn phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên làm việc với các đơn vị phân phối bán lẻ, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để kết nối tiêu thụ. Tin vui là qua kết nối đã có doanh nghiệp thu mua khoảng 49 tấn sản phẩm nông sản các loại. Mỗi tháng, các hệ thống siêu thị, cửa hàng bách hóa tiêu thụ khoảng 170 tấn sản phẩm từ các hợp tác xã và cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, cùng với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương đẩy mạnh hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp tham gia bán hàng online trên các trang thương mại điện tử như Voso.vn, Postmart.vn, Shopee, Lazada…, đăng thông tin nông sản của tỉnh trên app Haugiang và phối hợp với ViettelPost, Bưu điện tỉnh kết nối tiêu thụ nông sản người dân khi có nhu cầu.
VASEP đề xuất hỗ trợ chi phí duy trì chuỗi sản xuất
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch Đầu tư góp ý Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19.
Hiệp hội đề xuất giảm 30% tiền điện cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021 cũng như nhiều loại phí khác đến giữa năm 2022 để hỗ trợ phục hồi sản xuất, xuất khẩu thủy sản.
Theo VASEP, các doanh nghiệp chế biến thủy sản đóng vai trò chủ đạo, thúc đẩy và không tách rời với sản xuất của cả chuỗi thủy sản bao gồm lực nông dân nuôi trồng và ngư dân khai thác biển.
Một doanh nghiệp chế biến thủy sản bao gồm rất nhiều công đoạn sử dụng điện để chế biến - cấp đông - kho bảo quản, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn đầu tư cả khâu nuôi trồng để hoàn thiện chuỗi cung ứng.
Chế biến cá tra xuất khẩu.
Hơn nữa, ngành thủy sản Việt Nam khẳng định được vị thế hiện nay nhờ vào sự đầu tư lớn của các doanh nghiệp cả khu vực chế biến lẫn nuôi trồng thủy sản để được cấp các chứng nhận quốc tế về phát triển thủy sản bền vững trong tất cả khâu như tiêu chuẩn GlobalGAP, ASC, BAP...
Bên cạnh lĩnh vực chế biến, dịch COVID-19 đã làm nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng nề nên cần được hỗ trợ để duy trì, tái đầu tư… làm nền tảng giữ vững vị thế của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Mục tiêu của Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID -19 là “khôi phục trong thời gian sớm nhất” đã thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ. Tuy nhiên, với một số ngành hàng còn điểm chung chung và chưa đủ.
Điển hình, với ngành thủy sản nếu không khôi phục trong tháng 9/2021 sẽ làm gãy đổ chuỗi cung ứng và không còn hoặc còn rất ít cơ hội để phục hồi. Nếu chỉ hỗ trợ cho kho bảo quản thủy sản như trong bản dự thảo hiện nay thì chưa đủ để có thể tạo ra tác động mang tính hỗ trợ duy trì và phục hồi cho các doanh nghiệp.
Vậy nên, việc hỗ trợ giảm 30% tiền điện cho tất cả doanh nghiệp từ khâu nuôi trồng-chế biến-cấp đông-bảo quản là giải pháp cần thiết, tạo động lực cho việc phục hồi của cả chuỗi sản xuất, xuất khẩu thủy sản.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thủy sản cũng kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả lương cho người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội khi phải đi cách ly hoặc dừng sản xuất theo quy định chống dịch trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Việc này sẽ giảm được một phần gánh nặng chi trả lương cho doanh nghiệp vốn đang phải gánh rất nhiều chi phí và áp lực do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Doanh nghiệp cũng đề nghị giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống tối đa 1%, áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp chứ không chỉ “doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19."
Liên quan đến vấn đề dịch vụ hậu cần (logistics), VASEP đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng tạm dừng việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022; điều chỉnh giảm ít nhất 30% các mức phí đang áp dụng.
Cùng với đó, VASEP đề nghị các cảng biển giảm ít nhất 50% các phí dịch vụ tại cảng (phí nâng hạ container, phí bốc dỡ, lưu kho, cắm điện,..) từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022.
Về các chi phí sản xuất, VASEP đề nghị giảm ít nhất 50% phí hạ tầng của các khu công nghiệp từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022 nhằm giúp doanh nghiệp có thêm trợ lực để sớm phục hồi sản xuất, xuất khẩu trong và sau dịch./.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.