Năm nay, rét đậm kéo dài vào đúng lúc bà con gieo cấy lúa đông xuân. Tuy nhiên, bà con vùng Tây Bắc vẫn tích cực ra đồng hoàn thành gieo cấy diện tích lúa đã đề ra.
Yên Bái hoàn thành gieo cấy lúa xuân
Vụ lúa xuân năm nay, tỉnh Yên Bái có kế hoạch gieo cấy gần 19.100 ha. Đến hết ngày 10/3, toàn tỉnh đã gieo cấy gần 19.425 ha, đạt gần 102% kế hoạch. Các địa phương có diện tích gieo cấy tăng so với kế hoạch giao là: Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên và thành phố Yên Bái.
Bên cạnh đó, Yên Bái còn gieo cấy 300 ha lúa dưới cos 58 hồ Thác Bà; trong đó, huyện Yên Bình 100 ha, huyện Lục Yên 200 ha.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa xuân, nhân dân các địa phương trong tỉnh còn tích cực trồng rau màu. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng trên 12.120 ha ngô xuân; gần 3.500 ha sắn, trên 1.830 ha khoai lang, 1.135 ha lạc và trên 5.900 ha rau.
Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết nông vụ để có các biện pháp chỉ đạo kịp thời; tập trung chỉ đạo nhân dân tích cực thăm đồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho diện tích lúa xuân, phấn đấu đạt năng suất và sản lượng cao nhất.
Lào Cai đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ xuân
Người dân xã Xuân Giao (Bảo Thắng) cấy lúa xuân. Ảnh: Báo Lào Cai
Vụ xuân năm 2022, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy hơn 10.000 ha lúa. Tính đến đầu tháng 3, người dân các địa phương cơ bản đã xuống giống, đảm bảo đủ mạ cho sản xuất, gieo cấy được gần 4.000 ha lúa trà sớm và trà chính vụ. Trung tuần tháng 3 sẽ là giai đoạn cao điểm người dân cấy lúa xuân.
Giai đoạn đầu và giữa tháng 2, trên địa bàn tỉnh có các đợt rét đậm, rét hại. Đây cũng là thời điểm người dân mới xuống giống nên thời tiết gây nhiều ảnh hưởng đến mạ xuân. Để bảo vệ mạ, người dân đã làm vòm che bằng nilon trắng. Tuy nhiên, do nhiệt độ phổ biến ở vùng thấp từ 8 đến140C, nhiều ngày nhiệt độ chỉ từ 4 đến 60C đã ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển của mạ. Theo báo cáo sơ bộ của các huyện, có 3,5 ha lúa mới cấy có hiện tượng vàng lá, chết rải rác, 150 kg giống mạ đã gieo bị vàng lá. Ngành trồng trọt và các địa phương đã kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích mạ đã gieo, thống kê diện tích mạ chết rét, mạ không có khả năng phục hồi sau rét. Khuyến cáo bà con nếu không đủ lượng mạ gieo cấy cần ngâm ủ hạt giống, gieo mạ bổ sung kịp thời; gieo mạ trên nền đất cứng có che phủ nilon hoặc gieo vãi, sử dụng mạ non để cấy trong khung thời vụ tốt nhất.
Tại Mường Khương, do đặc thù về khí hậu và nguồn nước nên người dân thường sản xuất vụ xuân trà muộn. Cuối tháng 2, bà con thu hoạch nốt những diện tích vụ đông còn lại để cày ải, phơi đất, gieo mạ, đồng thời gia cố, sửa chữa các phai, đập giữ nước, mương thủy lợi.
Anh Vương Đức Mạnh, thôn Cốc Chứ, xã Bản Lầu (Mường Khương) cho biết: Chúng tôi thường gieo mạ vào cuối tháng 2, khoảng 3 tuần sau thì bắt đầu cấy lúa. So với các địa phương vùng thấp như Bảo Thắng, Bát Xát, Văn Bàn thì muộn hơn, nhưng cũng không thể đẩy sớm thời vụ vì đặc thù khí hậu lạnh và khô hanh, cấy sớm hơn thì lúa không phát triển tốt được. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hoàn thành cấy trong tháng 3.
Tại các địa phương vùng thấp, thời điểm này, người dân đang khẩn trương cấy lúa. Trên cánh đồng xã Xuân Giao (Bảo Thắng), các mảnh ruộng cơ bản đã được cày bừa xong và lần lượt được phủ xanh. Đầu tháng 3, thời tiết trên địa bàn tỉnh ấm dần nên bà con cũng khẩn trương ra đồng nhổ mạ, cấy lúa. Anh Trịnh Xuân Thành, thôn Tiến Lợi cho biết: Vụ xuân này, gia đình tôi chủ yếu cấy lúa Thái Bình (BC15). Đợt vừa rồi mưa rét nên tôi dùng nilon trắng che phủ, giữ ấm cho mạ. Khi thời tiết ấm lên, tôi chủ quan không tháo bỏ nilon kịp thời nên mạ bị vàng lá, rất may là không bị chết nên vẫn cấy được, không phải gieo bù. Giờ mạ cũng đủ tuổi để cấy nên tôi thuê máy về làm đất, cả gia đình 3 lao động chính ra đồng cấy 2 ngày là xong.
Với kinh nghiệm sản xuất những vụ gần đây, người dân Bảo Thắng cũng như các địa phương khác đã áp dụng phương thức “cánh đồng một giống, một thời gian gieo trồng”. Đây cũng là phương thức canh tác góp phần nâng cao năng suất lúa, giảm vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuận tiện trong phòng, trừ sâu, bệnh hại. Trong vụ xuân, sẽ có khoảng 5.000 ha lúa sản xuất theo phương thức “cánh đồng một giống” và áp dụng canh tác lúa cải tiến SRI. Đây là phương thức canh tác được ngành nông nghiệp khuyến khích áp dụng.
Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Nay đang vào thời điểm gieo cấy lúa tập trung, vì vậy bà con cần lưu ý một số nội dung. Về thời vụ, kết thúc gieo cấy xong trước 25/3 giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, thời điểm trổ bông không gặp điều kiện bất thuận. Về cơ cấu giống, bà con ưu tiên sử dụng các giống ngắn ngày, giống lúa chất lượng cao và liên kết sản xuất tập trung thành từng khu, từng trà, cánh đồng 1 giống… Thực hiện tốt các biện pháp canh tác lúa cải tiến SRI như cấy mạ non, cấy 1 dảnh, bón phân cân đối, bón thúc sớm, tháo rút nước hợp lý… Ngoài ra, bà con cần thường xuyên thăm đồng, phát hiện sâu, bệnh gây hại và phòng, trừ hiệu quả. Tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM), hạn chế tới mức thấp nhất việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón có nguồn gốc sinh học, vi sinh, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”...
Đến thời điểm này, nông dân trong toàn tỉnh đã gieo cấy được gần 60% diện tích và phấn đấu hoàn thành trong khung thời vụ tốt nhất là trước ngày 25/3.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để thực hiện hiệu quả kế hoạch gieo cấy 10.000 ha lúa xuân, ngành nông nghiệp, các địa phương sớm chỉ đạo các đơn vị chức năng và hướng dẫn nông dân chủ động chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cho sản xuất vụ xuân. Cơ cấu giống ưu tiên sử dụng các giống ngắn ngày, giống lúa chất lượng cao và mở rộng liên kết sản xuất tập trung thành khu, trà, cánh đồng một giống,…
Hiện nay, nông dân các địa phương trong tỉnh đang tập trung nhân lực làm đất và tiến hành gieo cấy. Đến nay, đã làm đất được trên 9.300 ha, đạt 93% kế hoạch, đạt 106% so với cùng kỳ và gieo cấy gần 6.000 ha, đạt 60% kế hoạch, đạt 105% so với cùng kỳ.
Lai Châu: Tích cực chăm sóc lúa đông xuân
Nậm Hàng là một trong những xã có diện tích lúa đông xuân lớn của huyện Nậm Nhùn, với gần 180ha. Hiện, nông dân các bản tích cực làm cỏ sục bùn, bón phân và kiểm tra phát hiện sâu bệnh để đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Nông dân xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn) chăm sóc lúa đông xuân.
Ông Đinh Văn Xanh, Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng cho biết: “Vụ đông xuân năm nay, xã gieo cấy 179ha lúa, đạt 101% kế hoạch, tăng 8ha so với cùng kỳ năm trước. Xã phấn đấu năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha, sản lượng đạt 979 tấn. Với cơ cấu giống lúa chủ yếu, gồm: hương thơm số 1, nhị ưu 8, PC6, PC15, nếp địa phương... Hiện nay, cây lúa đang trong giai đoạn hồi xanh và đẻ nhánh rộ”.
Để sản xuất vụ lúa đông xuân thắng lợi, ngay từ đầu vụ, xã Nậm Hàng tập trung chỉ đạo các bản, huy động nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo mạ và chuẩn bị vật tư nông nghiệp, kịp thời gieo cấy đúng khung thời vụ. Đồng thời, lựa chọn giống lúa có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và thời gian sinh trưởng phù hợp với khí hậu, đất đai để đưa vào sản xuất. Tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp Nhân dân nắm được cách chăm sóc đối với từng loại giống. Tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng các loại phân bón như: NPK, kali, đạm... để bón thúc, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Cùng với đó, vận động Nhân dân nạo vét kênh mương, dẫn nước vào ruộng, duy trì mức nước hợp lý và sử dụng nguồn nước tưới tiêu tiết kiệm, hiệu quả...
Với sự chủ động của người dân các bản trong sản xuất, đến nay, toàn bộ diện tích lúa đông xuân trên địa bàn xã Nậm Hàng phát triển tốt, không bị ảnh hưởng bởi các loại sâu bệnh hại và yếu tố khí hậu. Xã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và cán bộ khuyến nông cùng bà con trực tiếp xuống đồng kiểm tra, theo dõi tình hình sâu bệnh hại trên cây lúa. Nếu phát hiện có sâu bệnh hại sẽ hướng dẫn cho người dân cách phun thuốc phòng trừ kịp thời, tránh để sâu bệnh lây lan diện rộng. Xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi làm cỏ, bón thúc cho lúa.
Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi có dịp thăm cánh đồng bản Nậm Dòn. Ngay từ sáng sớm, nhiều hộ dân đã ra đồng làm cỏ, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Vừa nhanh tay làm cỏ cho lúa, chị Lù Thị Minh vừa cởi mở cho chúng tôi biết: “Vụ này, gia đình tôi gieo cấy hơn 2.000m² lúa hương thơm số 1 và PC6. Do được cấy đúng thời vụ, đến nay toàn bộ diện tích lúa đang bước vào giai đoạn bén rễ, hồi xanh rất nhanh và bắt đầu đẻ nhánh. Hiện, chúng tôi đang tập trung phát quang bờ ruộng, làm cỏ và bón phân cho lúa sinh trưởng. Ngoài ra, tiến hành bẫy chuột và bắt ốc bươu vàng gây hại lúa, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra”.
Còn tại bản Nậm Cầy có hơn 60ha lúa cũng đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Ông Cà Văn Ngoan – Trưởng bản Nậm Cầy cho biết: “Bắt đầu vào vụ, chúng tôi được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn làm đất, xuống giống, gieo mạ, cấy lúa đúng kỹ thuật nên cây lúa phát triển tốt. Thời điểm này là giai đoạn lúa dễ xuất hiện các loại sâu bệnh nên gia đình tôi cũng như người dân trong bản chủ động phun thuốc phòng trừ, bón phân để tăng cường sức đề kháng cho cây lúa...”.
Từ nay đến cuối vụ, xã Nậm Hàng tiếp tục chỉ đạo các bản, tập trung chăm sóc lúa, làm tốt công tác dự báo tình hình thời tiết, sâu bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân nhận biết từng đối tượng sâu bệnh và biện pháp phòng trừ, chủ động nguồn thuốc bảo vệ thực vật... nhằm phấn đấu giành vụ lúa đông xuân thắng lợi.
Điện Biên: Khắc phục diện tích lúa chết sau rét đậm rét hại
Anh Lò Văn Anh, bản Nà Cái, xã Nà Tấu phay ruộng lúa bị thiệt hại nặng do rét để gieo cấy lại.
Đã trung tuần tháng 3, thời điểm lẽ ra người nông dân thong thả thăm ruộng, chăm sóc lúa nhưng trên cánh đồng bản Nà Cái, xã Nà Tấu những ngày này lại tấp nập. Có nhà phay ruộng, nhà đang gieo, nhà khác đang cấy, nhà bón phân, nhà phun thuốc... Bởi gần một nửa diện tích ruộng tại đây bị thiệt hại, chết sau đợt rét đậm, rét hại nửa cuối tháng 2. Gia đình anh Lò Văn Anh, bản Nà Cái cũng đang xuống đồng. Chồng phay lại ruộng, vợ nhặt nhổ những cây lúa dù úa vàng nhưng có phần cao trội hơn so với những cây lúa còn sót lại trên ruộng.
Anh Lò Văn Anh chia sẻ: “Ở khu vực này gieo hơi muộn, sau tết mới tỉa giặm. Không lâu sau thì thời tiết chuyển rét đậm, nên gần 1.700m2 ruộng của gia đình tôi bị thiệt hại gần như hoàn toàn, khó mà phục hồi được. Bao công sức từ khi làm đất, bón phân, gieo, giặm, giờ phải phay hết ruộng lên, gieo lại. Vợ tôi vào khu vực lòng chảo Mường Thanh xin người ta cho tỉa những ruộng dày được gần 20 nắm lúa non, tiếc của nên nhặt thêm một ít cây nhỉnh hơn tại ruộng và vẫn phải ủ thêm hơn 30kg thóc giống. Tính toán chi phí tốn thêm để chăm bón, gieo lại với công làm chắc gần 5 triệu”. Số tiền này đối với gia đình thuần nông, phụ thuộc vào ruộng nương như gia đình anh Anh là không nhỏ.
Xã Mường Phăng cũng nhiều diện tích ruộng bị thiệt hại do rét. Vụ đông xuân 2021 - 2022, toàn xã có tổng diện tích gieo cấy 215ha. Sau đợt rét đậm, rét hại mới đây, xã bị thiệt hại 82,32ha, trong đó 51ha lúa chết trên 70%. Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Với diện tích có lúa chết trên 70%, xã tuyên truyền người dân triển khai gieo cấy lại ngay để kịp thời vụ. Còn những ruộng lúa thiệt hại dưới 70%, vận động, hướng dẫn các hộ tích cực chăm bón, tỉa giặm để lúa phục hồi, tiếp tục phát triển. Nhiều năm rồi, tại địa bàn Mường Phăng mới xảy ra rét đậm, rét hại gây thiệt hại sản xuất nghiêm trọng như năm nay. Trước đó, có 2 lần là năm 2008, 2016 cũng từng bị thiệt hại tương tự. Chu kỳ rét không lặp lại, thời tiết diễn biến, thay đổi khó lường nên chúng tôi cần phải theo dõi sát sao tình hình, dự báo thời tiết để cảnh báo, hướng dẫn người dân, hạn chế thấp nhất xảy ra thiệt hại như năm nay”.
Khi tiếp nhận thông tin nhiều diện tích lúa chết, Phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ và Trung tâm Dịch vụ kinh tế tổng hợp thành phố đã cử cán bộ đi kiểm tra thực tế, cùng xã, bản và hộ dân thống kê diện tích theo mức độ thiệt hại. Đồng thời hướng dẫn cách khắc phục thiệt hại, đảm bảo mùa vụ. Theo đó, vụ mùa năm nay, toàn thành phố gieo cấy hơn 1.070ha. Thời tiết cực đoan cuối tháng 2 đã khiến hơn 200ha lúa bị thiệt hại, tập trung ở 3 xã Nà Tấu, Mường Phăng, Nà Nhạn. Trong đó Nà Tấu, Mường Phăng thiệt hại nặng hơn, mức độ ảnh hưởng (từ 30 - 70% và trên 70% lúa chết) vẫn đang được thống kê, đánh giá cụ thể. Cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền các xã tiếp tục rà soát lại; lãnh đạo xã cùng các hội đoàn thể vào cuộc rà soát tổng hợp đúng thực tế, để có cơ sở thực hiện chính sách của Trung ương và địa phương về hỗ trợ sản xuất (diện tích bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh) hiệu quả, đúng đối tượng.
Bà Trần Thị Mai, Trưởng phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ cho biết: Bộ phận chuyên môn đã xuống địa bàn kiểm tra thực tế và xác định rõ nguyên nhân khiến nhiều diện tích lúa bị chết. Có các lý do chính là thời tiết rét đậm, rét hại; một số khu vực gieo muộn, không đúng khung thời vụ. Ngoài ra nhiều hộ dân chủ quan, không thăm đồng thường xuyên, chăm sóc lúa không đúng kỹ thuật, để ruộng khô nứt nẻ. Như tại khu vực ruộng bản Lọong Luông, xã Mường Phăng rộng khoảng 30ha bị thiệt hại gần như hoàn toàn, chân ruộng khô nứt, trong khi hồ Lọong Luông gần đó vẫn có thể đáp ứng nguồn nước phục vụ tưới tiêu. Bởi vậy một phần nguyên nhân do người dân quen tập tục canh tác cũ, gieo cấy muộn so với khung thời vụ, không thường xuyên thăm nom, lấy nước cho đồng ruộng. Khi rét đậm xảy ra, cây lúa còn non, mới tỉa giặm không kịp thích nghi.
Thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao trình độ canh tác cho người dân là giải pháp lâu dài, cần được quan tâm. Nhưng trước mắt, với diện tích thiệt hại từ 70% trở lên, phòng chuyên môn phối hợp với chính quyền xã chỉ đạo người dân gieo lại, hướng dẫn người dân bón thúc, chăm bón tốt theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa. “Xác định những diện tích này sẽ chín muộn. Để kịp thời gian vụ tới (vụ mùa 2022), sau khi thu hoạch, đôn đốc người dân nhanh chóng làm đất, gieo sớm tại một khu vực để lấy mạ cấy chứ không gieo vãi như mọi năm. Còn các ruộng thiệt hại thấp, tuyên truyền người dân xin mạ còn sót lại của các ruộng thiệt hại nặng và các ruộng khác cấy lại, tỉa giặm. Đồng thời làm cỏ, bón phân chuồng hoai mục để tăng đề kháng cho cây hồi phục, cứng cáp, rồi mới chăm bằng các loại phân bón hóa học” - bà Trần Thị Mai cho biết thêm.
Một mùa vụ diễn ra không mấy suôn sẻ. Nhưng nếu chính quyền địa phương cùng người nông dân tiếp tục tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa, đồng thời học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, thì các diện tích ruộng bị thiệt hại vẫn có thể phục hồi, phát triển.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…