Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 3 năm 2022 | 10:9

Thanh long Việt Nam không còn "một mình một chợ"

Cho dù việc xuất khẩu thanh long hiện nay có thể đi được thị trường Trung Quốc và không bị ách tắc, thì giá bán tại thị trường này cũng sẽ ngày càng thấp hơn so với trước đây, do phải cạnh tranh với nhiều “đối thủ”, và cả chính thanh long Trung Quốc.

Sản lượng lớn nhưng lượng hàng đạt chất lượng lại nhỏ
 
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 502 tổ hợp tác với khoảng 9.797 hộ; 35 HTX; 1 liên hiệp HTX với diện tích 1.384 ha gồm 673 thành viên viên và 1 HTX được cấp giấy chứng nhận sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP; 7 HTX đã có cơ sở sơ chế, đóng gói thanh long thực hiện thu mua trái thanh long cho thành viên tạo được liên kết trong sản xuất.
dc.jpg
Qúa phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, thanh long Việt Nam lập tức "lao dốc" khi gặp sự cố trong xuất khẩu sang thị trường này. Ảnh: Minh Sáng.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có trên 200 trang trại trồng thanh long với quy mô từ hàng chục ha đến trăm ha/trang trại. Quy trình canh tác thanh long ngày càng được cải tiến, từng bước áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giảm dần lao động chân tay. Đặc biệt, nhiều trang trại đã ứng dụng công nghệ thông minh trong tưới tiết kiệm nước, kết hợp tưới phân và thuốc bảo vệ thực vật trên cây thanh long. Ngoài ra, có khoảng 500 ha thanh long được áp dụng theo phương pháp trồng giàn T-Bar, đồng bộ hệ thống tưới tự động và cơ giới hóa trong sản xuất.
 
Tuy nhiên, theo ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận nhìn nhận, hiện nay việc sản xuất thanh long Bình Thuận vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong khâu sản xuất như quy mô vẫn nhỏ lẻ, manh mún; xây dựng vùng sản xuất tập trung chưa nhiều và chưa tạo được khối lượng sản phẩm lớn đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.
 
Bên cạnh đó, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp; khâu bảo quản chế biến phát triển còn yếu, tỷ trọng sản phẩm hàng hóa có chất lượng, có thương hiệu xuất khẩu thấp. Việc tiêu thụ không ổn định, giá cả còn bấp bênh; khả năng cạnh tranh yếu, thị trường tiêu thụ chưa đa dạng, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên việc xuất khẩu qua thị trường này gặp rất nhiều khó khăn.
Đặc biệt thời gian qua, một số cửa khẩu tạm dừng hoạt động hoặc nhập khẩu nhưng với sản lượng thông quan rất hạn chế đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ, xuất khẩu thanh long. Từ đó, giá thanh long rớt thảm, rẻ bèo chỉ vài ngàn đồng/kg.
 
Ngoài ra, việc chế biến thanh long chỉ ở quy mô nhỏ, công nghệ chế biến, bảo quản chưa cao; bao bì, mẫu mã còn đơn giản. Tình hình bệnh hại, đặc biệt bệnh đốm nâu đã gây ảnh hưởng đến sản xuất, cũng như khâu bảo quản, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế. Các doanh nghiệp xuất khẩu trái tươi, chế biến nhìn chung hạn chế về năng lực về vốn, công nghệ và thiết bị, thiếu lao động có tay nghề cao, năng lực quản lý, tìm kiếm thị trường tiêu thụ còn yếu.
 
Ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận cho biết, với sản lượng 700 ngàn tấn, hiện thanh long Bình Thuận tiêu thụ thị trường nội địa khoảng 15% sản lượng, còn 85% tập trung cho xuất khẩu. Trong số này, lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 2 - 3%), số còn lại tiêu thụ theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc hoặc bán cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh để các doanh nghiệp này trực tiếp xuất khẩu.
dccc.jpg
Không chú trọng tuân thủ các quy định trong thương mại quốc tế, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long Việt Nam đã "tự lấy dây buộc mình". Ảnh: Lê Khánh.
Tương tự, xuất khẩu thanh long tại các tỉnh Long An và Tiền Giang cũng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc với sản lượng lớn. Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết, trong số tổng sản lượng 260 ngàn/tấn thanh long mỗi năm của tỉnh thì 150 ngàn tấn xuất sang thị trường Trung Quốc.
 
Còn tại tỉnh Long An, hiện, sản lượng thanh long xuất sang thị trường Trung Quốc khoảng 250 ngàn tấn/năm, thị trường Mỹ 75 ngàn tấn/năm, EU và các thị trường khác 42 ngàn tấn/năm, thị trường nội địa khoảng 20 ngàn/tấn.
 
Do đó, khó khăn nhất của thanh long ở Tiền Giang và các tỉnh Bình Thuận, Long An là phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Mỗi khi thị trường này thay đổi chính sách thì lập tức thanh long "dội chợ", rớt giá thảm. Điển hình thời gian qua, khi việc xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc gặp bế tắc thì lập tức bà con tiêu thụ rất chật vật, giá tụt chỉ còn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, không đủ tiền công thu hoạch.
 
TS. Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác (Trường Cán bộ NN-PTNT II) cho biết, hiện các vùng thanh long của nước ta phát triển liên kết sản xuất bền vững rất khó do các HTX đều mang tư duy vì lợi nhuận chứ không vì mục đích cộng đồng. Do vậy, khi gặp vấn đề rủi ro về thị trường thì xảy ra thực trạng mạnh ai nấy làm, thân ai nấy lo. Đối với thanh long, vấn đề quan trọng nữa là hiện nay chúng ta có sản lượng lớn nhưng lượng hàng đạt chất lượng lại nhỏ nên không thể đáp ứng nhu cầu của một số thị trường.
 
Xuất hiện nhiều “đối thủ” trên thị trường
 
Theo ông Biện Tấn Tài, thị trường Trung Quốc lâu nay luôn được xem là thị trường dễ tính. Tuy nhiên, những năm gần đây, thị trường này không còn dễ tính nữa, đặc biệt từ khi phát sinh dịch bệnh Covid-19, các cửa khẩu, lối mở liên tục ngưng hoạt động; quy trình giao nhận hàng hóa được siết chặt với lý do phía Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid”.
 
Trung Quốc cũng ngày càng tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác và kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm hóa 100% đối với mặt hàng nông sản, trong đó có thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.
 
Các doanh nghiệp phải đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để được cấp mã số doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ nông sản cũng như thanh long Bình Thuận qua thị trường Trung Quốc.
 
Mặt khác, đa số các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long trên địa bàn Bình Thuận có quy mô vừa và nhỏ, chưa chú trọng, quan tâm thực hiện các giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương để giảm thiểu rủi ro mà hình thức thương mại tiểu ngạch có thể đem lại, cũng như ít tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.
 
Cũng liên quan về thị trường Trung Quốc, TS. Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác (Trường Cán bộ NN-PTNT II) cho biết, hiện nước này đã có diện tích thanh long lớn và khi vào chính vụ, họ làm mọi cách để bảo vệ thị trường trong nước. Do vậy, việc xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc không còn hoàng kim như ngày xưa. Hơn nữa, hiện nhiều nước cũng phát triển thanh long, như Campuchia có diện tích thanh long khoảng 12,8 nghìn ha trong khi 5 năm trước, quốc gia này chỉ khoảng 3.000ha. Do đó, thanh long của chúng ta giờ đây đã có nhiều đối thủ cạnh tranh.
 
Còn ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) cho biết, việc Trung Quốc trồng thanh long với diện tích lớn, sản lượng nhiều đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ thanh long Việt Nam sang thị trường này.
dc1.jpg
Đã đến lúc cần có sự định hình lại cho chiến lược sản xuất, xuất khẩu thanh long của nước ta. Ảnh: Kim Sơ.
Trước đây, họ chỉ sản xuất thanh long thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 10 (vụ mùa), nay cả hàng nghịch vụ cũng có. Do đó, ông Hiệp cho rằng dù việc xuất khẩu thanh long hiện nay sang thị trường Trung Quốc không bị ách tắc, thì giá bán thị trường này cũng sẽ ngày càng thấp hơn so với trước đây.
 
Cần phải tính thêm những thị trường tiêu thụ mới
 
Theo đánh giá của giới chuyên gia, khi được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, thanh long Campuchia sẽ cạnh tranh trực tiếp với thanh long Việt Nam, vốn hiện đang có thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc.
 
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Rau quả Việt Nam, cũng cho rằng, khi Campuchia được cấp phép xuất khẩu thanh long trực tiếp Trung Quốc sẽ khiến thanh long Việt Nam thêm đối thủ cạnh tranh.
Trong thời gian ngắn hạn trước mắt, trái thanh long Campuchia có thể không phải là “nỗi lo đáng gườm” của thanh long Việt Nam, vì diện tích vùng trồng tại Campuchia chưa nhiều. Hơn nữa, nhu cầu về thanh long tươi của Trung Quốc vẫn đang ngày càng tăng.
 
Tuy nhiên, về lâu dài, quốc gia này có thể sẽ tăng diện tích, sản lượng để đáp ứng nhu cầu cao từ phía thị trường Trung Quốc. Thanh long cũng không phải là cây trồng lâu năm nên thời gian trồng mới đến thu hoạch chỉ cần 2 – 3 năm là đã có thể cho thu hoạch.
 
Có thể lấy trái xoài làm ví dụ, hiện nay, phía Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu 500.000 tấn xoài Campuchia mỗi năm. Thế nhưng, Campuchia hiện chỉ mới cung cấp được khoảng 100.000 – 200.000 tấn và họ có kế hoạch tăng diện tích để đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu.
 
“Chỉ trong một thời gian ngắn, Campuchia tăng diện tích xoài lên rất nhiều, cạnh tranh trực tiếp với xoài Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Xoài keo của Campuchia có giá thành rất rẻ, hương vị cũng phù hợp nên được phía Trung Quốc ưa chuộng. Trong khi nhiều loại xoài của Việt Nam hiện nay như xoài cát, xoài Đài Loan cũng ngon nhưng có giá cao hơn, khó cạnh tranh hơn”, ông Nguyên nêu dẫn chứng.
 
Ông Nguyễn Thanh Bình, nông dân trồng 3 ha thanh long và là đại lý thu mua, cung cấp thanh long cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc (có địa chỉ tại xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) cho biết, thông tin thanh long Campuchia sắp được xuất khẩu sang Trung Quốc cũng đã “rò rỉ” từ cuối năm ngoái đến nay trong giới kinh doanh.
nhiều-địa-phương-có-diện-tích-trồng-thanh-long-rất-lớn-mang-lại-hiệu-quả-kinh-tế-cao-cho-người-dân.jpg
Nhiều địa phương có diện tích trồng thanh long rất lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Theo ông Bình, thanh long của Bình Thuận hiện nay phần lớn xuất khẩu tươi sang Trung Quốc. Trong nhiều thời điểm, khi thị trường này giảm nhập, giá thu mua thanh long trong nước bị ảnh hưởng nhiều.
 
Do đó, nếu có thêm “đối thủ” là thanh long Campuchia chia sẻ thị trường Trung Quốc, thanh long Việt Nam sẽ cần phải tính thêm những thị trường tiêu thụ mới để tránh giá giảm, ùn ứ hàng.
 
Ông Bình cho rằng, việc thanh long Campuchia được cấp phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc có thể sẽ diễn ra tương tự các sản phẩm nông nghiệp của nước này trước đó, là chuối và xoài.
 
Nghĩa là sau khi được cấp phép, Campuchia sẽ nhanh chóng tăng lượng xuất khẩu vào Trung Quốc nhờ đã được chuẩn bị kỹ về sản lượng cũng như đáp ứng tốt các yêu cầu về kiểm dịch thực vật.
 
Ví dụ như sản phẩm chuối, giữa năm 2019, chỉ có năm doanh nghiệp của Campuchia lần đầu tiên được phép xuất khẩu chuối trực tiếp vào thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, đến đầu năm 2021, Campuchia trở thành quốc gia xếp thứ ba trong danh sách các nước cung cấp chuối cho Trung Quốc, chỉ sau Việt Nam và Philippines. Trong tháng 4/2021, Campuchia chiếm 18% tổng lượng chuối nhập khẩu của Trung Quốc.
 
 
 
Thanh long Bình Thuận chủ yếu được các doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh thu mua, vận chuyển ra các cửa khẩu phía Bắc như: Tân Thanh (Lạng Sơn); Pò Chài (Quảng Tây, Trung Quốc); cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai); Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc); Thanh Thủy (Hà Giang); Thiên Bảo (Vân Nam, Trung Quốc); Móng Cái (Quảng Ninh); Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) để tiêu thụ qua thị trường Trung Quốc.
 
Theo số liệu tổng hợp từ các tỉnh, lượng thanh long xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung (qua cửa khẩu các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang) khá lớn, phần lớn là thanh long Bình Thuận. Đối với xuất khẩu thanh long chính ngạch, trong giai đoạn 2016 - 2020, các doanh nghiệp của Bình Thuận đã xuất khẩu đạt 37,1 triệu USD, tương đương với 31.939,3 tấn thanh long tươi. Năm 2021, Bình Thuận xuất khẩu thanh long chính ngạch khoảng 8,3 triệu USD (tương đương 5.560 tấn), đạt 94,3% kế hoạch, giảm 0,7% về giá trị và 21% về lượng so với năm trước.
 
Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Dưa gang muối, món ăn đặc sản của Bắc Ninh được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận

    Dưa gang muối, món ăn đặc sản của Bắc Ninh được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận

    Dưa gang muối, một trong những món ngon dân dã mang đậm hương vị truyền thống của thị xã Quế Võ vừa được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh cấp Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận, tạo thuận lợi thương mại hóa cho đặc sản địa phương.

  • Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tổng Bí thư Trần Phú - người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh và dân tộc Việt Nam đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân những di sản quý báu.

  • Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh phối hợp UBND TP Hà Tĩnh vừa tổ chức khai mạc “Phiên chợ quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP Hà Tĩnh năm 2024 và kỷ niệm 1 năm xây dựng phố chuyên doanh ẩm thực Nguyễn Du” tại khu vực đường Nguyễn Huy Oánh (phường Nguyễn Du).

Top