Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 6 năm 2021 | 16:29

Tiêu thụ nông sản và yêu cầu cấp mã số vùng trồng

Giải pháp tiêu thụ nông sản có lẽ là trăn trở lớn của ngành nông nghiệp. Để tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ nông sản trên thị trường nội địa và xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu cấp mã số vùng trồng.

f7c40059-xoai-cnvojpg.jpg

Tiêu thụ nội địa cũng phải cấp mã số vùng trồng

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam để nông sản Việt ngày càng vào được và chiếm lĩnh vị trí đẹp trong các siêu thị, kinh doanh bán lẻ, ngay cả các vùng sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa cũng phải được cấp mã số vùng trồng.

Việc xây dựng vùng nguyên liệu là vấn đề quyết định cho sản xuất nông nghiệp, làm sao phải nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu.

Mới đây Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã làm việc với Cục Bảo vệ thực vật và yêu cầu không chỉ quan tâm cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu mà còn cấp mã số vùng trồng cho tiêu thụ nội địa.

Vùng nguyên liệu kể cả phục vụ trong nước cũng phải có mã số vùng trồng, chúng tôi sẽ đưa vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới để khuyến khích các địa phương xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu.

Hiện, các tập đoàn lớn không thiếu công nghệ, cái họ thiếu là nguyên liệu, cũng không phải không có nguyên liệu mà chưa gắn kết được. Bộ NNPTNT cam kết, các doanh nghiệp, tập đoàn muốn xây dựng vùng nguyên liệu ở đâu, Bộ sẽ phối hợp hoặc hỗ trợ địa phương xây dựng.

“Cũng phải nói thêm, hiện Bộ NNPTNT đang thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu lớn cho doanh nghiệp ở các vùng sinh thái với diện tích dự kiến khoảng 26.000ha.

Cụ thể, chúng tôi đang xây dựng vùng nguyên liệu dứa (khóm), chanh leo ở Sơn La, Công ty Đồng Giao (Doveco) sẽ bao tiêu. Trong vùng nguyên liệu này chúng tôi có kế hoạch xây dựng cả kho lạnh”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam choa hay.

Ngoài ra, Bộ NNPTNT cũng đang xây dựng vùng nguyên liệu rừng trồng chứng chỉ FSC tại Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị; vùng trồng cà phê xuất khẩu ở Đắk Lắk, Gia Lai; vùng trồng cây ăn quả (chuối, xoài, sầu riêng) ở Long An, Tiền Giang; vùng lúa chất lượng cao ở Kiên Giang, An Giang.

Dự kiến, cuối năm 2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ triển khai với mục tiêu cung cấp số lượng nông sản đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Các vùng nguyên liệu này sẽ được cấp mã số vùng trồng, được thực hiện các dự án khuyến nông để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Để nâng cao năng lực cơ giới hóa và chế biến sản phẩm, Bộ NNPTNT cũng tham mưu cho Chính phủ xây dựng chiến lược về nâng cao năng lực cơ giới hóa và chế biến nông sản để giảm tổn thất sau thu hoạch. Mục tiêu là xây dựng mô hình cơ giới hóa cấp vùng để làm sao nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm.

Đáp ứng yêu cầu thị trường Trung Quốc

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, Việt Nam đã có 9 loại trái cây tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: Xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và măng cụt.

 

192136035_355434695917662_5378353251617419657_n.jpg
9 loại trái cây tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

 

Hằng năm, số lượng xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc là 3,3 - 3,5 triệu tấn/năm. Trong 5 tháng đầu năm 2021, lượng trái cây tươi xuất khẩu sang Trung Quốc là 2,5 triệu tấn, bằng 76,2% so với cả năm 2020; trong đó, thanh long đạt gần 1,2 triệu tấn, tăng 138% so với cùng kỳ và đạt 62,18% kế hoạch năm.

Xoài đạt trên 468.000 tấn, tăng 156,87% so với cùng kỳ và đạt 112,33% kế hoạch năm; Dưa hấu đạt trên 290.000 tấn, tăng 131,80% so với cùng kỳ và đạt 127% kế hoạch năm.

Đối với vải, tính đến ngày 13/6/2021, sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt trên 51.000 tấn, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước và đạt 68% sản lượng xuất khẩu năm 2020.

Để đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc, đến nay, Bộ NNPTNT đã cấp được 1.703 mã số vùng trồng với diện tích 178.697ha và 1.776 mã số cơ sở đóng gói cho các sản phẩm này.

Đối với quả xoài, đến nay đã cấp được 280 mã số vùng trồng với diện tích 34.453 ha; đối với thanh long đã cấp được 252 mã số vùng trồng với diện tích 46.541ha.

Hiện tại, Trung Quốc đang đồng ý xem xét phương án cho xuất khẩu tạm thời hai mặt hàng là khoai lang và ớt, với điều kiện quả ớt nhập từ Việt Nam sẽ phải được sản xuất từ những vùng không nhiễm ruồi đục quả, hoặc phải được xử lý kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu; với khoai lang thì toàn bộ vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói được kiểm tra kỹ lưỡng.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương để hoàn tất hồ sơ kỹ thuật để gửi cho phía Trung Quốc.

Trước tình hình nhiều loại trái cây đang sắp vào vụ, Bộ NN-PTNT kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong đó, lấy người nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, là cơ sở và nông nghiệp là động lực; chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp và theo chuỗi liên kết giá trị ngành hàng.

Để người bán gặp người mua?

Theo ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, phía Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng đã triển khai xây dựng các mô hình, dự án sản xuất an toàn VietGAP, hữu cơ tại các tỉnh và đến giờ các địa phương đã sản xuất được các sản phẩm chất lượng cao. Đơn cử như vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang), bà con ở đây đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, kỹ thuật mới, qua đó sản xuất được quả vải thiều đạt chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Với hình thức đổi mới, chúng ta có thể thích ứng được. Hiện giờ có dịch Covid -19, sắp tới có thể xảy ra nhiều dịch bệnh khác nguy hiểm hơn thì chúng ta vẫn sẽ đảm bảo kết nổi tiêu thụ sản phẩm hiệu quả cho nông dân.

Hàng năm Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng triển khai các lớp đào tạo, huấn luyện tăng cường năng lực cho cán bộ khuyến nông. Chúng tôi mong muốn, cán bộ khuyến nông không chỉ thiên về kỹ thuật, mà cán bộ còn phải có năng lực thị trường, khả năng kết nối tiêu thụ sản phẩm, kêu gọi đầu tư...

 

1-ket-noi-tieu-thu-nogn-san-16237546582924698895021.jpg
Một điểm hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản tại số 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.

 

Ông Lê Quốc Thanh cho biết thêm: Lâu nay chúng ta cứ nói liên kết chuỗi, song chúng tôi cho rằng vai trò đầu tiên, quan trọng nhất để có nền sản xuất an toàn, hiệu quả, chất lượng, chính là người sản xuất. Chúng ta phải làm thế nào để từng người nông dân phải biết sản xuất an toàn, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn – đó là điều kiện đầu tiên trong chuỗi liên kết.

Đối với các dự án Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang chuyển giao, yếu tố đầu tiên chúng tôi quan tâm là làm thế nào để nông dân sản xuất an toàn, học hỏi được các quy trình công nghệ, bài học kinh nghiệm để mô hình được chia sẻ lan toả.

Trong giai đoạn vừa qua, hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến địa phương đã xây dựng được nền sản xuất an toàn, sạch, đảm bảo chất lượng cao nhất.

Còn về phía bà con nông dân, họ cũng rất mong muốn khi đã sản xuất an toàn, sạch thì sẽ kết nối tiêu thụ được sản phẩm đó đúng với giá trị mà sản phẩm đó mang lại. Muốn đạt được điều này, thì cần sự minh bạch của thị trường. Nếu thị trường không minh bạch thì rất khó khuyến khích nông dân làm theo tiêu chuẩn.

Về phía Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chúng tôi sẵn sàng phối hợp với DN, nhà cung ứng, cung cấp các địa chỉ sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng. Ở đây, chúng tôi mong muốn người nông dân không chỉ bán một vài sản phẩm, mà là bán cả quy trình, tâm huyết trong đó. Và trong mua bán, niềm tin là điều quan trọng nhất.

Để góp phần giúp bà con nông dân thay đổi nhận thức, tham gia vào chuỗi sản xuất hiệu quả, ngoài thế mạnh chuyển giao kỹ thuật, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ chú trọng đào tạo đội ngũ khuyến nông viên có kỹ năng kết nối thị trường, cùng với HTX kết nối với nông dân. Hiện chúng tôi đang cùng các địa phương triển khai một số mô hình thí điểm.

"Chúng ta khó thay đổi sản xuất manh mún nhỏ lẻ, vì có tới 10 triệu hộ nông dân, điều cần làm bây giờ là kết nối nông dân với nhau, hình thành các tổ hợp tác, HTX thì mới kết nối dễ dàng hơn với DN, nhà thu mua. Nông dân cứ mãi đứng riêng lẻ thì rất khó" - ông Thanh nói thêm./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top