Thời gian gần đây, tình trạng bờ bao, đê bao, đê biển tại nhiều tỉnh thành ở ĐBSCL đang bị sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, trong mùa mưa lũ tình trạng sạt lở lại càng diễn ra phức tạp hơn, nhất là ở tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng.
Đường bê tông nông thôn bị vỡ khi triều cường dâng (ảnh: VOV).
Nhiều điểm sạt lở
Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay ở huyện Trần Văn Thời có 3 đoạn cần khắc phục sạt lở ngay, gồm: Kênh Mới - Đá Bạc, Đá Bạc - Sào Lưới, Bắc Sào Lưới hướng về Ba Tỉnh. Trong khi đó ở huyện U Minh có 2 đoạn là Dòng Cát - Tiểu Dừa và Bắc - Nam vàm Khánh Hội. Tổng chiều dài 5 điểm này là hơn 5.835m, kinh phí thực hiện ước khoảng 70 tỷ đồng.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định ban bố tình huống khẩn cấp về sạt lở đê biển Tây và nhanh chóng thiết lập hành lang an toàn bảo vệ tài sản, tính mạng người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng chính quyền địa phương khoanh vùng khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nơi có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn, lắp đặt biển báo để người dân đề phòng. Bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến sạt lở, xây dựng phương án bảo vệ vị trí đê xung yếu, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Nhanh chóng khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục dự án chống sạt lở trình cấp thẩm quyền thẩm định; triển khai thực hiện công trình theo tình huống khẩn cấp. Các địa phương vận động, sơ tán dân và di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở, cấm mọi tác động vào rừng và đất rừng ở khu vực này.
Tại Kiên Giang từ đầu mùa mưa bão đến nay, người dân sống ở sau phía tuyến đê Quốc phòng, đoạn từ khu vực Tiểu Dừa đến giáp vàm Kim Quy (thuộc xã Vân Khánh và Vân Khánh Tây, huyện An Minh) luôn lo lắng bởi nguy cơ vỡ đê. Do ảnh hưởng của những cơn bão gần đây làm tuyến đê Quốc phòng sạt lở ở 14 đoạn, với tổng chiều dài 720m.
Theo UBND xã Vân Khánh Tây (An Minh, Kiên Giang), thời gian qua, các hộ dân sống ở bờ Đông của đê Quốc phòng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thủy triều, nước tràn vào trong đê gây thiệt hại sản xuất. Xã đã vận động người dân tự gia cố bờ bao, vuông tôm, bảo vệ tài sản; đồng thời kiến nghị tỉnh xem xét kè các điểm sạt lở mới phát sinh; tiến hành gia cố, nâng cao mặt đê nhằm hạn chế nước biển tràn qua đê.
Sóc Trăng thiệt hại nặng do triều cường
Những ngày gần đây, triều cường gây ngập úng, uy hiếp đến sản xuất, sinh hoạt của nhiều địa phương tại tỉnh Sóc Trăng. Theo thống kê ban đầu, Sóc Trăng có hơn 80 đoạn bờ bao, đê bao bị vỡ chiều dài 339m và 99 đoạn bị ngập tràn tổng chiều dài hơn 30.000m gây ảnh hưởng và thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp. Trong khi công tác khắc phục tiếp tục gặp không ít khó khăn.
Kéo theo đó, hơn 1.000 ha diện tích lúa Thu Đông xuống giống không nằm trong kế hoạch của thị xã Ngã Năm bị ảnh hưởng trực tiếp do nước lên cao. Ngoài ra, hơn 100 ha rau màu cũng chịu cảnh thiệt hại tương tự.
Theo ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cù Lao Dung, từ ngày 17/10 đến nay triều cường dâng cao gây vỡ và tràn đê bao, bờ bao làm ngập ít nhất 425 ha diện tích mía, rau màu, cây ăn trái, ao nuôi thủy sản và 165 căn nhà của người dân bị ngập. Lo ngại nhất là 74ha cây màu như khoai, bắp... có thể chịu thiệt hại cao.
Cũng theo ông Đắc, hiện các công trình thuộc nhà nước quản lý gồm 9 đoạn đê bao và đường giao thông bị vỡ và 36 đoạn đê bao, đường giao thông bị ngập và tràn cơ bản đã khắc phục xong. Khó khăn nhất vẫn là các tuyến bờ bao của người dân, khi có đến 72 đoạn, tổng chiều dài gần 300m bị vỡ và tràn 63 đoạn với chiều dài gần 3.000m. Đến nay mới chỉ khắc phục được khoảng 60%.
Nâng cao cảnh báo
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang, việc đầu tư các công trình phòng chống sạt lở bờ biển còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu cấp bách. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng, UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo rà soát, tổng hợp các dự án di dời dân khẩn cấp do ảnh hưởng thiên tai; bố trí lại dân cư trên địa bàn; xác định tính cấp thiết, thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án.
Trong khi đó, theo Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau, những năm gần đây sạt lở gây mất nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển, đe dọa đê biển cũng như các cơ sở hạ tầng; ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và sinh kế của người dân.
Chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục đoạn bờ bao bị vỡ (anh: VOV).
Thiên tai diễn ra với tần suất ngày càng tăng và cường độ lớn hơn trước, trong đó có nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển. Vì vậy, tỉnh triển khai nhiều giải pháp như xây dựng kè, phục hồi lại đai rừng phòng hộ, khẩn cấp di dời dân vùng sạt lở đến nơi an toàn tại các khu tái định cư ven biển. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế nên tỉnh chỉ mới xây dựng được kè bảo vệ ở những nơi xung yếu nhất.
Trước việc sạt lở đê bao, đê biển ngày càng có diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân sống ở khu vực sạt lở đề cao cảnh giác, hỗ trợ người dân chủ động các phương án ứng phó trước những diễn biến bất thường của thiên tai, nhất là đang vào cao điểm mùa mưa bão hiện nay.
Cùng với đó, ngành chức năng tăng cường dự báo, cảnh báo những khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở nguy hiểm để bà con phòng tránh và có biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản.
Mới đây, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) có buổi làm việc với ngành chức năng TP. Cần Thơ. Đại diện WWF nhấn mạnh lưu vực sông Mekong đóng góp lượng trầm tích cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các nghiên cứu cho thấy, lượng phù sa, bùn cát của sông Mekong đã giảm hơn 50%, từ 160 triệu tấn vào năm 1992 xuống còn 75 triệu tấn năm 2014. Theo WWF, nguyên nhân của việc sụt giảm này là do các đập thủy điện trên dòng chính chặng trầm tích di chuyển về hạ nguồn và tình trạng khai thác cát quá mức. Hệ quả của tình trạng thiếu hụt trầm tích bổ sung cho nguồn bị lấy đi là những rủi ro thiên tai, sạt lở trầm trọng ở khu vực ven sông. WWF khuyến cáo cần hạn chế tối đa khai thác cát để giảm sạt lở ven sông, trong bối cảnh lượng phù sa, bùn cát của sông Mekong đang trên đà giảm mạnh. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.