Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 4 năm 2020 | 0:16

Tin ĐBSCL: Lúa đang đẻ nhánh, thương lái đến tận ruộng đặt mua

Hiện nay, vụ lúa hè thu 2020 tại TP Cần Thơ mới bước vào giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng đến trổ nhưng đã có nhiều thương lái tìm đến tận ruộng và nhà của nông dân để thỏa thuận giá thu mua lúa và đặt tiền cọc trước.

13-1-copy.jpg
 Ruộng lúa OM 5451 của ông Lê Văn Sáu ở huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) mới trong giai đoạn làm đòng đã có thương lái đặc cọc tiền mua lúa với giá 5.000 đồng/kg.

 

Giống lúa IR50404 đang được nhiều thương lái đặt cọc tiền mua lúa lươi ngay sau thu hoạch với giá trên dưới 4.800 đồng/kg; các loại lúa hạt dài như OM 5451, OM 4218, OM 380 có giá 4.900-5.000 đồng/kg. Theo nông dân, mức giá này đang cao hơn khoảng 400-600 đồng/kg so với giá lúa nông dân bán trong vụ hè thu 2019. Hiện, đa số thương lái đưa tiền đặt cọc trước khoảng 200.000-400.000 đồng/công lúa.

Vụ hè thu, TP. Cần Thơ xuống giống gieo trồng được 74.700ha đạt 99,16% so với kế hoạch, thấp hơn 4.827ha so với cùng kỳ năm trước. Các giống lúa gieo sạ chủ yếu trên địa bàn thành phố trong vụ này gồm: OM 5451, IR 50404, OM 4218, Đài Thơm 8, OM 380...

Theo Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ, tại một số huyện có diện tích canh tác lúa nhiều đã ghi nhận có thương lái đặt tiền cọc để thu mua, cụ thể tỷ lệ nông dân nhận tiền cọc tại huyện Cờ Đỏ đã chiếm gần 45% diện tích xuống giống. Tiền cọc trung bình từ 2.300.000-3.800.000 đồng/ha.

Tiền Giang: Tỉnh đầu tiên công bố hết dịch tả lợn châu Phi

Ngày 22/4, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, đã công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh từ ngày 21/4.  Như vậy, Tiền Giang là tỉnh đầu tiên ở vùng ĐBSCL công bố hết dịch tả.

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại tỉnh Tiền Giang vào ngày 31/5/2019, sau đó, lan rộng ở 153 xã, phường, thị trấn với hơn 167.400 con nhiễm bệnh, với khối lượng hơn 10.300 tấn của trên 6.300 hộ chăn nuôi.

 

àn-lợn-ở-tỉnh-tiền-giang-hiện-đang-được-quản-lý-chặt-chẽ-tích-cực-phòng-chống-dịch-bệnh.jpg
Tiền Giang là tỉnh đầu tiên ở vùng ĐBSCL công bố hết dịch tả (Ảnh: Vov).

 

Ổ dịch tả lợn Châu Phi cuối cùng xảy ra tại xã Bình Trưng, huyện Châu Thành đến nay đã qua 30 ngày. Tỉnh Tiền Giang hiện còn khoảng 300.000 con lợn, giảm hơn một nửa so với trước khi xảy ra dịch bệnh. Dù giá lợn đang ở mức cao nhưng do lợn giống khan hiếm, nguồn vốn cạn kiệt nên nông dân chậm tái đàn

Hiện nay, Tiền Giang đang tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn người nuôi lợn thực hiện các công tác giám sát dịch bệnh, chủ động phòng, chống dịch bệnh. Các chủ cơ sở chăn nuôi khi tái đàn phải đăng ký kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định.

Nhiều ATM gạo miễn phí phát cho người nghèo

Để góp phần chia sẻ khó khăn đối với người dân nghèo trong thời điểm hạn mặn và dịch covid-19 tại TP. Cần Thơ, Bến Tre và Tiền Giang xây dựng nhiều cây ATM gạo phục vụ miễn phí người nghèo.

Ngày 20/4, tại phường 4, thành phố Bến Tre, Ủy Ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre và các nhà tài trợ tổ chức khánh thành đưa vào hoạt động cây ATM gạo miễn phí cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của hạn mặn và dịch bệnh Covid-19. 

 

nhiều-người-dân-có-hoàn-cảnh-khó-khăn-đến-nhận-gạo-từ-cây-atm1.jpg

 Nhiều tỉnh, thành phô ở ĐBSCL có cây ATM gạo phát miễn phí.

 

Người có hoàn cảnh khó khăn đến đây được hỗ trợ 2 kg gạo và 6 quả trứng gà. Ngay ngày đầu đi vào hoạt động, điểm ATM phát gạo của Bến Tre đã nhận được gần 60 tấn gạo, 10.000 quả trứng gà từ các nhà tài trợ. Dự kiến, tỉnh Bến Tre sẽ lắp đặt thêm 1 cây ATM gạo miễn phí đặt tại huyện Mỏ Cày Nam.

Mới đây, tại thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cũng đưa vào hoạt động cây ATM gạo miễn phí. Qua 3 ngày hoạt động, cây ATM này  đã nhận được sự ủng hộ của khoảng 100 doanh nghiệp cùng nhà tài trợ trong và ngoài huyện với hơn 80 tấn gạo.  Ngày 21/4, cây ATM gạo phát miễn phí đầu tiên tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang sẽ chính thức được phát gạo miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Trước đó, ngày 16/4/2020, tại phường An Khánh, Ninh Kiều, TP. Cần Thơ một máy ATM gạo miễn phí cũng đã đi vào hoạt động phát gạo miễn phí cho bà con khó khăn.

Hơn 866 tỷ đồng hỗ trợ các trường hợp bị ảnh hưởng Covid-19

Tỉnh Tiền Giang đang tiến hành các bước để hỗ trợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, với số tiền dự kiến hơn 866 tỷ đồng.

 

công-nhân-lao-động-sẽ-gặp-khó-khăn-khi-mất-việc-làm.jpg
Tiền Giang đang tiến hành các bước để hỗ trợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 (Ảnh: Vov). 

 

Theo đó, Tiền Giang hỗ trợ chia làm 2 đợt. Đợt 1 chi trả cuối tháng 4 và đầu tháng 5 cho người có công với cách mạng, đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; người hưởng bảo trợ xã hội, hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng và hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức hỗ trợ 250.000 đồng/người/tháng.

Đợt 2, thực hiện chi trả từ tháng 5 đến tháng 7 cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng; người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng/người/tháng; hộ kinh doanh cá thể, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng.

Tạm dừng dự án phá rừng phòng hộ, kiểm điểm tổ chức cá nhân vi phạm

Liên quan đến dự án làm bờ kè chắn sóng bảo vệ đê biển tại ấp Rẫy, xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông), UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, việc đốn bỏ diện tích rừng phòng hộ do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang quản lý để bàn giao mặt bằng cho dự án khi chưa có sự chấp thuận của UBND tỉnh là sai quy định.

 

hiện-trường-vụ-đốn-bỏ-rừng-phòng-hộ-ven-đê-biển-gò-công.jpg
Hiện trường vụ đốn bỏ rừng phòng hộ ven đê biển Gò Công (Ảnh Vov).

 

Hiện, tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo dừng triển khai dự án để điều chỉnh theo hướng thu hẹp phạm vi, nhằm hạn chế thiệt hại diện tích rừng phòng hộ ven đê biển Gò Công. Qua kiểm tra của ngành chức năng, đã có hơn 1.700 m2 rừng cây Đước bị đốn bỏ. UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ đốn bỏ cây rừng phòng hộ kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm

Trước đó, một diện tích rừng phòng hộ ven biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang bị đốn hạ để tạo mặt bằng xây dựng bờ kè chắn sóng bảo vệ đê biển. Dù chưa được sự chấp thuận của UBND tỉnh nhưng một đơn vị đã tự ý đốn cây rừng gây bức xúc trong dư luận tại địa phương. Dự án đã bị đình chỉ nhưng nhiều cây rừng đã bị thành cây củi.

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top