Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 21 tháng 1 năm 2021 | 16:58

Tin NN: Bộ Nông nghiệp nói gì về việc cấm chặt đào rừng bán dịp Tết?

Trước Tết Tân Sửu 2021, chuyện đào rừng, đào trồng là câu chuyện rất “nóng”. Bởi năm nay, Thủ tướng đã rất quyết liệt trong việc xử phạt những người chặt, bán, mua đào rừng.

photo1608885654645-1608885655106635600772.jpg
Sẽ xử lý nghiêm người chặt, bán, mua đào rừng. 

 

Không gây ách tắc tiêu thụ sản phẩm hợp pháp

Liên quan đến việc cấm chặt đào rừng bán Tết Tân Sửu, ngày 18/1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn ký công văn yêu cầu các địa phương tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng trong dịp Tết Nguyên đán.

Cụ thể, công văn  nêu rõ, việc khai thác cây đào, cây mai và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng do chủ rừng quyết định việc khai thác theo quy định của pháp luật.

Bộ đề nghị UBND cấp tỉnh tăng cường chỉ đạo, quản lý tại cơ sở; tuyên truyền, vận động không để lợi dụng chặt, phá cây rừng; tùy theo điều kiện cụ thể địa phương. Thời gian trước mắt, có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp.

Cũng theo văn bản này, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách đảm bảo khả năng thực thi đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Trước đó, ngày 24/12/2020, phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Tôi yêu cầu tuyệt đối không được chặt cây rừng, hoa đào, các loại cây khác ở núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc. Ai mua bán, sử dụng, vận chuyển, tiêu thụ những cây rừng bị chặt phá như vậy là vi phạm”.

Thực tế khảo sát tại Sơn La, Lào Cai,… lãnh đạo các địa phương đều khẳng định không có đào rừng mọc trong rừng tự nhiên. Đào rừng chỉ là tên gọi, và thực chất đây là giống đào được người dân trồng trên diện tích đất nông nghiệp hoặc rừng sản xuất.

Liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện tại, UBND tỉnh Sơn La đang chỉ đạo thí điểm cấp tem chứng nhận đào rừng do người dân trồng tại các huyện Mộc Châu và Vân Hồ để phân biệt với đào rừng tự nhiên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khai thác, vận chuyển tiêu thụ đào trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay.

Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai, khẳng định địa phương này sẽ không tiến hành truy xuất nguồn gốc cây đào bởi không có đào rừng.

Theo ông Duy, đào rừng chỉ là cách gọi theo thói quen của người miền xuôi bởi cây đào xuất thân từ miền rừng núi, còn đối với người dân vùng cao thì không có cách gọi như vậy. Cây đào ở Lào Cai là đào trồng trong vườn nhà, bản thân cây đào cũng không phân bố trong rừng.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho rằng: “Không nên hiểu chỉ đạo của Thủ tướng là chỉ có riêng đào rừng. Mà tất cả các loài trong rừng tự nhiên được quy định theo pháp luật thì phải quản lý chặt chẽ, còn những gì nằm ngoài rừng tự nhiên, không liên quan đến các quy định cấm, thì đương nhiên người dân được toàn quyền quyết định”.

Phân biệt đào rừng, đào trồng thế nào?

Hiện nay, tên gọi “đào rừng” đang được nhiều người sử dụng chung chung cho các loại đào phai chuyển từ miền núi về.

photo-4-1608885606494116893262.jpg
Chăm sóc cành đào sau khi khai thác trong vườn trồng.

 

Tuy nhiên, đào rừng bị Chính phủ "cấm" là những cây đào có tuổi thọ lâu đời, mọc ở tự nhiên ở trong rừng hoặc do con người trồng để làm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng... Còn đào trồng là do con người trồng trên đất nông nghiệp, đất vườn.

Nhìn chung, tùy mục đích trồng khác nhau, địa điểm trồng khác nhau mà phân biệt đó là đào rừng hay đào nhà.

Về hình thức, đào rừng thường có cành cao đến 5 - 6m, thân cành xù xì, mốc, nhiều tầm gửi bám, rất ít hoa nhưng bông rất khỏe. Còn đào trồng do được cắt tỉa nên cành thấp, nhiều hoa.

Tuy nhiên, với người dân, việc dựa trên những yếu tố trên để phân biệt không hề dễ dàng.

Trong khi đó, chỉ đạo của Thủ tướng nhằm cấm chặt phá đào rừng tự nhiên mang về thành phố chơi Tết chứ không cấm đào do người dân trồng. Bởi thúc đẩy mua bán đào trồng góp phần làm tăng thu nhập cho người trồng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng núi.

 

“Cấm tuyệt đối chặt đào rừng” - Hiểu sao cho đúng?

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai khẳng định, Lào Cai không có đào rừng. Lâu nay mọi người vẫn thấy bà con vùng cao mang đào xuống phố bán thực chất đều là đào được trồng trong vườn hộ gia đình.

Theo ông Tô Mạnh Tiến, để hiểu đúng chỉ đạo của Thủ tướng, trước hết phải giải nghĩa rõ thế nào là đào rừng. Đào rừng phải là đào mọc trong rừng tự nhiên, còn đào trong rừng sản xuất do bà con trồng sẽ không cấm khai thác, vận chuyển.

“Ở địa phương khác tôi không rõ, nhưng Lào Cai không có đào rừng tự nhiên. Đào trồng trong rừng sản xuất có thì cũng rải rác rất ít, vì khai thác, vận chuyển cành đào từ trên rừng xuống vừa cao, vừa xa, vừa cồng kềnh nên bà con không mặn mà”, ông Tiến cho hay.

Hiện nay, cây đào ở Lào Cai chủ yếu được bà con trồng phân tán ở vùng cao trên các diện tích đất nông nghiệp. Vùng thấp như huyện Bảo Thắng cũng hình thành vựa trồng đào tập trung quy mô một vài hecta tương tự khu vực Nhật Tân, Đông Anh (Hà Nội) để cung ứng ra thị trường.

Đào không được tính là cây lâm nghiệp, nhưng khuyến khích người dân trồng vì mang lại giá trị kinh tế; mỗi dịp Tết trồng cây hàng năm, Lào Cai kêu gọi người dân trồng các loại cây phân tán, trong đó có cả cây đào.

dao-rung-1-16331635-15210527.jpg
Phân biệt đào rừng tự nhiên và đào rừng trồng tránh gây ách tắc tiêu thụ đào dịp Tết.

 

Theo đề xuất của nhiều tỉnh, địa phương tiến hành xác minh và cấp giấy chứng nhận cho người dân về nguồn gốc sản phẩm. Cụ thể, những cành đào người dân trồng đem đi bán, phải được gắn mác hoặc có chứng nhận là đào trồng. Việc này vừa giúp cho người trồng đào dễ dàng trong việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ của đào vừa giúp quản lý thị trường hoa đào Tết được chặt chẽ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định sẽ phối hợp với các địa phương, tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách đảm bảo khả thi đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Như vậy, hiện nay, chưa có quy chế giúp phân biệt nguồn gốc, xuất xứ của đào rừng và đào trồng thống nhất trên cả nước. Người dân chủ động liên hệ với chính quyền địa phương để xin hướng dẫn cấp tem, dán nhãn giúp phân biệt đào rừng - đào trồng.

 

Thương lái và người trồng đào gặp khó?

Như vậy, hiện nay chưa có quy định về trích xuất nguồn gốc, xuất xứ đào trồng nên mỗi địa phương thực hiện một cách khác nhau.

Chẳng hạn, có địa phương yêu cầu được truy xuất nguồn gốc cho cây đào để xác định vùng trồng, xác định cây đào được trồng trên đất nông nghiệp, không phải là đào rừng tự nhiên.

Tuy nhiên, địa phương khác yêu cầu "dân buôn đào" làm đơn xác nhận có mua cành đào trong vườn của hộ dân, kèm theo danh sách cụ thể cá nhân, hộ gia đình bán gốc cây, cành đào. Khi địa phương xác nhận xong, lô đào mới đủ điều kiện đưa ra khỏi địa bàn... Dẫu vậy, việc xin xác nhận của địa phương cũng tốn không ít thời gian.

Bởi khó khăn trong việc chứng minh xuất xứ đào, việc thu mua đào núi để chở về miền xuôi bán bị hạn chế bởi thương lái sợ bị cơ quan chức năng xử phạt. Người trồng đào cũng vì thế mà khó tiêu thụ đào, trong khi, mỗi vụ đào chỉ kéo dài khoảng 02 tuần trước Tết Nguyên đán.

 

Thí điểm dán tem truy xuất

Ông Trần Dũng Tiến, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai, cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đang khẩn trương tham mưu việc quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do nhân dân trồng để trình UBND tỉnh trước ngày 22/1/2021. Trong đó, tập trung vào công tác quản lý, bảo vệ rừng; kiên quyết xử lý các trường hợp khai thác, vận chuyển mua bán đào có nguồn gốc từ rừng tự nhiên.

Đồng thời, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức dán tem thí điểm cho diện tích đào trồng tại huyện Vân Hồ, tạo thuận lợi để người dân được khai thác, mua bán, vận chuyển cây đào vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Vân Hồ là địa phương có thế mạnh về phát triển cây đào, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện đã họp bàn tìm giải pháp để hỗ trợ người dân.

Ông Vũ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cho biết: Huyện đã có văn bản đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh về việc cho phép tổ chức Lễ hội Hoa đào năm 2021. Đồng thời, xây dựng 2 mẫu tem xác định nguồn gốc đào trồng, với số lượng 11.000 chiếc, trên nền in dòng chữ “Hoa đào Vân Hồ” và có chữ ký ẩn của Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Căn cứ nhu cầu của người trồng đào trên địa bàn, các xã đăng ký số lượng tem để cung cấp cho nhân dân (xã hội hóa nguồn kinh phí in). UBND các xã thành lập tổ cấp phát và kiểm soát chặt chẽ số lượng tem phát ra, đảm bảo cấp đúng cho các hộ trồng đào theo số lượng đào hiện có tại nương, vườn, tránh tình trạng tem bị cấp phát tràn lan, sai đối tượng.

Nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ, tin rằng, không chỉ nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân vùng cao Sơn La trong việc bảo tồn các loại đào quý hiếm mà còn phát triển cây đào trở thành hàng hóa lưu thông trên thị trường, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững./.

 

 

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top