Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 5 tháng 9 năm 2020 | 18:37

Tin NN ĐBSH: Gắn sản xuất với tăng trưởng xanh

Triển khai Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu, sẽ giảm 1,76 triệu tấn CO2 vào năm 2025 và 4,88 triệu tấn CO2 vào năm 2030 trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp...

1.jpg
Mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã Rau quả Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ).

 

Hà Nội: Giải pháp gắn sản xuất với tăng trưởng xanh

Xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) có gần 50ha sản xuất lúa hữu cơ, và là vùng lúa đầu tiên của Hà Nội được tiến hành các thủ tục chứng nhận, kiểm dịch để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ. Bà Dương Thị Lành ở thôn Thượng Phúc (xã Đồng Phú) cho biết: "Nhờ không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật... nên nông sản của thôn bán được giá, chất lượng đời sống người dân cũng được nâng lên". Tương tự, đến nay, xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai) có hơn 400ha trồng lúa, canh tác theo phương thức mới, chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ...

Hiện trên địa bàn các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên... xuất hiện ngày càng nhiều mô hình canh tác sử dụng ít hoặc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Phong trào sản xuất sạch, phát triển kinh tế xanh đã và đang được triển khai rộng rãi ở các địa phương. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết: “Trung tâm đã triển khai mô hình xử lý rơm rạ tại ruộng sau thu hoạch ở các huyện Ba Vì, Mỹ Đức... với quy mô 250ha, mỗi vụ xử lý được khoảng 1.500 tấn rơm rạ, tạo ra nguồn phân bón tại chỗ, thay thế cho phân hóa học”.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, những năm gần đây, công nghệ khí sinh học đã được ứng dụng rộng rãi trong chăn nuôi. Đến nay, Hà Nội đã có 75% số trại chăn nuôi bò sữa, 44% số trại chăn nuôi bò thịt và 95% số trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư sử dụng hầm biogas. Cùng với đó là hơn 1.000 trang trại, gia trại chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện các giải pháp gắn sản xuất với tăng trưởng xanh, không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp mà còn xây dựng được nhiều mô hình sản xuất như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tốt, an toàn (VietGAP)... mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên, các mô hình ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường vẫn còn ít so với quy mô của ngành.  

Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình tăng trưởng xanh trong nông nghiệp còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc, không chỉ đòi hỏi về nguồn vốn, trình độ khoa học công nghệ, việc sản xuất an toàn, hạn chế, tiến tới không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học… cũng là một khó khăn với nhiều nông dân khi đã quá quen với phương thức canh tác cũ.

Theo Tiến sĩ Ngô Vĩnh Viễn, Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) để tháo gỡ những rào cản nêu trên, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp; trong đó, cần có những chính sách về khoa học công nghệ, thị trường... phù hợp. Và, vấn đề cốt yếu là thay đổi tư duy sản xuất của nông dân.

Cũng về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Giống và Thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hà Văn Thắng cho biết: Việc hình thành và phát triển các mô hình sản xuất sạch, thân thiện với môi trường đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn hơn so với mô hình sản xuất thông thường. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nguồn vốn cũng như phương thức cho vay, thu nợ phù hợp với đặc điểm của từng mô hình sản xuất.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, Sở đã ban hành Công văn số 2515/SNN-KHTC, triển khai thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với việc phối hợp với các sở, ngành, địa phương vận dụng cơ chế hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, Sở giao Trung tâm Khuyến nông tập trung giải ngân nguồn vốn Quỹ Khuyến nông cho các mô hình sản xuất sạch; phối hợp các ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn cho việc đầu tư máy móc, thiết bị, xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường và chủ trì việc nghiên cứu xây dựng, phát triển các mô hình sử dụng hiệu quả phế thải nông nghiệp tại khu vực nông thôn. Cùng với đó, thông qua mạng lưới khuyến nông, sẽ thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất xanh...

"Triển khai Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu, sẽ giảm 1,76 triệu tấn CO2 vào năm 2025 và 4,88 triệu tấn CO2 vào năm 2030 trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp...", ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

Thanh Hóa: Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng

Trong sản xuất nông nghiệp, việc lựa chọn được những loại giống phù hợp với điều kiện canh tác cùng với tuân thủ nghiêm lịch thời vụ trong gieo trồng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành bại của cả vụ sản xuất. Do đó, ngành nông nghiệp và các địa phương đã, đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng.

 

Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng
Cánh đồng trồng lúa ngắn ngày năng suất, chất lượng cao tại xã Công Liêm (Nông Cống).

 

Cánh đồng thôn Mậu Tây, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương nhiều đời nay chỉ được gieo trồng bởi 2 vụ lúa, với tổng thời gian khai thác quỹ đất là 8 tháng, còn lại 4 tháng không sản xuất, nên giá trị sản xuất chỉ đạt khoảng 60 đến 70 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận dao động ở mức từ 15 đến 20 triệu đồng/năm. Nguyên nhân chính là do quỹ đất chỉ được khai thác 2/3 thời gian trong năm, hiệu quả kinh tế thấp vì người dân quen sử dụng bộ giống lúa dài ngày, thời vụ gieo trồng chủ yếu là xuân chính hoặc muộn và mùa chính hoặc mùa muộn.

Để khai thác tối đa tiềm năng của quỹ đất nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích sản xuất nông nghiệp, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Quảng Xương, những năm qua, xã Quảng Lưu đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân thay đổi thói quen để chuyển sang các loại giống lúa, giống ngô ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng thay thế cho các giống cũ dài ngày; đồng thời, chỉ đạo bà con nông dân thực hiện lịch gieo cấy theo cơ cấu xuân sớm, xuân chính vụ và mùa sớm, mùa chính vụ. Việc chuyển đổi cơ cấu giống, lịch thời vụ đã giảm thời gian sản xuất của 2 vụ lúa (được rút ngắn khoảng 20 đến 25 ngày). Điều này đã và đang tạo điều kiện về quỹ thời gian để bà con tiến hành sản xuất vụ đông. Nhờ đó, giá trị sản xuất bình quân đạt 130 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 60 đến 70 triệu đồng/ha/năm so với trước đây.

Tại huyện Nông Cống, việc chuyển đổi cơ cấu giống, thời vụ đã và đang giúp cho hàng nghìn ha lúa của huyện né tránh được tình trạng ngập lụt. Hàng năm, toàn huyện có khoảng 2.000 ha cây trồng nằm trong vùng thường xuyên xảy ra ngập lụt, tập trung chủ yếu ở các xã: Vạn Thắng, Vạn Hòa, Vạn Thiện, Thăng Long, Thăng Thọ, Thăng Bình... Vì vậy, huyện Nông Cống đã chỉ đạo các xã có diện tích thường xuyên bị ngập lụt chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, thực hiện lịch gieo trồng sớm hơn 10 đến 15 ngày so với lịch thời vụ gieo trồng đại trà để né lụt.

Nhờ vậy, nên nhiều năm nay, những diện tích nằm trong vùng trũng thấp đều tránh được tình trạng ngập úng, năng suất bình quân đạt từ 55 đến 60 tạ/ha/vụ. Đối với những diện tích lúa không thuộc vùng ngập lụt, huyện định hướng sản xuất theo vùng tập trung sử dụng từng giống lúa phù hợp với từng chân đất, từng cánh đồng để vừa phát huy ưu điểm của giống, vừa quản lý điều tiết nước, làm đất, gieo cấy, chăm sóc cây trồng hiệu quả.

Đáng chú ý, huyện Nông Cống đang tích cực chỉ đạo thực hiện mục tiêu mỗi cánh đồng chỉ gieo cấy 1 đến 2 giống lúa, mỗi xã chỉ cơ cấu 3 đến 4 giống chủ lực để tập trung chỉ đạo đạt hiệu quả cao. Trong vụ thu mùa năm nay, huyện ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, không nhiễm các loại sâu bệnh, mở rộng diện tích trà lúa mùa cực sớm và sớm để né tránh mưa bão, sâu bệnh thường diễn ra vào thời điểm cuối vụ.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc chuyển đổi cơ cấu giống và lịch thời vụ đã và đang góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho diện tích sản xuất nông nghiệp, nhất là trong vụ thu mùa, với lợi nhuận bình quân đạt 37 triệu đồng/ha/năm. Lợi nhuận một số cây trồng chính, như: Lúa đạt lợi nhuận 12 triệu đồng/ha, ngô 10 triệu đồng/ha, lạc 16 triệu đồng/ha, cây thức ăn chăn nuôi 21 triệu đồng/ha, cây rau các loại 39 triệu đồng/ha. Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ cấu giống và lịch thời vụ còn giúp tạo quỹ thời gian, quỹ đất để bà con sản xuất vụ đông, từ đó nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế cho diện tích sản xuất nông nghiệp.

Ninh Bình: Phát triển cây trồng vụ Đông có giá trị thu nhập cao

Ông Trần Văn Dưỡng, Phó Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Nho Quan cho biết: Xã Yên Quang với lợi thế nằm cạnh hồ Yên Quang, cùng với đó là địa hình, chất đất và tập quán của người nông dân nơi đây đã đưa Yên Quang trở thành địa phương có phong trào sản xuất vụ đông mạnh của huyện. 

Vụ đông năm 2020: Phát triển cây trồng có giá trị thu nhập cao
Tham quan mô hình trồng cây dược liệu ở xã Yên Thái (Yên Mô). Ảnh: Trường Giang.

 

Trong vụ mùa, xã có gần 100% diện tích cấy ở trà mùa sớm bằng giống lúa ngắn ngày để có quỹ đất sản xuất vụ đông. Ngoài Yên Quang, ở các xã như: Đồng Phong, Văn Phong, Văn Phương, Văn Phú… có một phần diện tích đất màu, chủ yếu để trồng cây vụ đông có giá trị và hiệu quả cao. Các xã vùng chiêm trũng như: Thanh Lạc, Thượng Hòa… gần như là vùng "trắng" của cây vụ đông.

Vụ đông năm 2019, toàn huyện trồng được 1.305 ha cây vụ đông các loại, trong đó: ngô  463,6 ha; lạc 17,9 ha; khoai tây 4 ha; khoai sọ 79,6 ha; khoai lang 98,6 ha; bí xanh 10,6 ha; rau các loại 457 ha… Một số mô hình trồng cây vụ đông cho giá trị cao là: Khoai sọ ở xã Yên Quang cho thu nhập 150 triệu đồng/ha; rau, củ, quả (cà chua, bí xanh, bí đỏ, rau muống, mồng tơi, bắp cải, cải các loại…) an toàn ở xã Văn Phong, Yên Quang, Đồng Phong cho thu nhập bình quân đạt 135 triệu đồng/ha; mô hình trồng lạc đông có che phủ nilon ở xã Văn Phương, Yên Quang cho thu nhập đạt 120 triệu đồng/ha.

Vụ đông năm nay, huyện Nho Quan phấn đấu gieo trồng trên 1.200 ha cây vụ đông các loại, trong đó các loại cây truyền thống có diện tích nhiều là: ngô 350 ha, khoai tây 20 ha, lạc 20 ha, khoai lang 270 ha, khoai sọ 150 ha, bí xanh và bí đỏ 20 ha, ớt 15 ha, rau các loại 345 ha…

Huyện Yên Khánh là địa phương có nhiều mô hình trồng cây vụ đông được liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ đem lại giá trị cao và bền vững cho người nông dân như: Ngô ngọt được Công ty Thành An, Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao ký kết bao tiêu sản phẩm; sản phẩm củ, quả được Công ty cổ phần XNK thực phẩm Việt Nam ký kết bao tiêu sản phẩm...

Nhiều mô hình tiếp tục được duy trì và mở rộng như: Trồng ớt chỉ thiên tại xã Khánh Công, Khánh Hội, Khánh Cường quy mô 36,1 ha (tăng 13,6 ha so với vụ trước); mô hình trồng rau, củ, quả tại xã Khánh Hải, Khánh Hồng, thị trấn Yên Ninh; mô hình trồng bí xanh, bí đỏ tại xã Khánh Hải, Khánh Vân; mô hình trồng khoai tây tại xã Khánh An, Khánh Cư, Khánh Vân.

Ngoài ra, trên địa bàn còn có diện tích trồng cây đông của Công ty Chế biến nông sản Việt Xanh; Công ty cổ phần Công nghệ xanh… Phát huy kết quả đạt được, vụ đông năm nay Yên Khánh phấn đấu trồng 2.600 ha, trong đó: ngô 505 ha (có 35 ha ngô ngọt); lạc 20 ha; khoai tây 200 ha; khoai lang 100 ha; bí xanh và bí đỏ 400 ha; đậu tương 40 ha; dưa chuột 95 ha; cà chua 45 ha; trạch tả 100 ha; ớt 20 ha; rau các loại 1.055 ha…

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Vụ đông năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng khoảng 8 nghìn ha cây trồng các loại, trong đó: ngô 1.629 ha, lạc 196 ha, khoai tây 335 ha, khoai lang 689 ha, khoai sọ 164 ha, bí xanh và bí đỏ 528 ha, cà chua 130 ha, trạch tả 117 ha; rau các loại và cây khác 3.834,3 ha. Để đạt được chỉ tiêu kế hoạch ấy không phải là chuyện dễ, bởi sản xuất vụ đông chịu ảnh hưởng rất lớn về thời tiết và thời vụ gieo trồng.

Đặc biệt, mùa mưa bão năm nay vẫn đang ở thời kỳ cao điểm, diễn biến vẫn phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó, tình hình sâu bệnh gây hại gia tăng và tình trạng thiếu hụt lao động nông thôn trẻ, khỏe; chưa kể giá vật tư đầu vào thiếu ổn định, đang có xu hướng tăng dần sau từng vụ.

Chủ trương của ngành là: Phát triển vụ đông theo hướng cơ cấu lại ngành trồng trọt nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tập trung thâm canh các cây trồng có giá trị kinh tế cao, có đầu ra, dễ bảo quản, có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất; bố trí hợp lý cơ cấu giữa nhóm cây ưa ấm, nhóm cây ưa lạnh; đa dạng hóa cây trồng, mở rộng diện tích sản xuất các loại rau, đậu áp dụng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt…

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo các địa phương tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn lúa và cây màu vụ mùa, giải phóng đất sớm để triển khai sản xuất vụ đông kịp thời vụ. Tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân cho mượn đất, thuê đất để liên kết, đầu tư sản xuất thành vùng tập trung, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả.

 

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top