Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 12 năm 2020 | 14:2

Tin NN Tây Bắc: Bát Xát thu trên 10 tỷ đồng từ củ hoàng sin cô

“Tổng sản lượng sâm đất (củ hoàng sin cô) của huyện Bát Xát (Lào Cai) năm 2020 đạt khoảng 2.000  đến 2.500 tấn củ tươi, bán ra thị trường thu về trên 10 tỷ đồng”, ông Sí Trung Kiên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bát Xát cho biết.

s1.jpg

Người dân xã Trịnh Tường thu hoạch và phân loại củ hoàng sin cô bán cho thương lái. Ảnh: Báo Lào Cai.

 

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bát Xát, năm 2020 toàn huyện có khoảng 200 ha hoàng sin cô. Đến thời điểm này, người dân trồng hoàng sin cô trên địa bàn huyện đã cơ bản thu hoạch xong củ và bán cho thương lái. Tổng sản lượng đảm bảo yêu cầu xuất bán đạt 2.200 đến 2.500 tấn củ tươi, tập trung chủ yếu ở 3 xã: Trịnh Tường, A Lù, Y Tý.

Năm nay, giá củ hoàng sin cô tươi dao động từ 4.000 đồng/kg – 10.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm. Với lượng củ bán ra thị trường đã đem về cho nông dân vùng cao Bát Xát hơn 10 tỷ đồng, tăng gần 9 tỷ đồng so với năm trước. Riêng Công ty TNHH Thạch rau câu Long Hải đã hợp đồng từ đầu vụ thu mua của nông dân 500 tấn củ.

Năm nay, do thời tiết mưa nhiều nên ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng hoàng sin cô của huyện Bát Xát. Ngoài lượng đã xuất bán, toàn huyện có khoảng 1.000 tấn củ hoàng sin cô bị thối hỏng không thể tiêu thụ.

Trồng bí bằng giàn lưới: Ðầu tư thấp, năng suất cao

Không làm theo cách truyền thống như những hộ dân khác là dùng tre, nứa hay các loại cây khác để làm giàn cho bí xanh leo, gia đình anh Nguyễn Văn Tài, đội 1, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên, Điện Biên Phủ) đã làm giàn bằng lưới để trồng bí. Cách làm này tiết kiệm chi phí và thời gian chăm sóc, cho năng suất cao.

 

trong-bi.jpg

Anh Nguyễn Văn Tài chăm sóc bí. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ

 

Theo anh Nguyễn Văn Tài, đối với trồng cây bí xanh thì việc lên hàng, cắm choái cho bí leo là một trong những công đoạn tốn nhiều thời gian cũng như chi phí. Bắt đầu vào vụ trồng bí, người nông dân phải chuẩn bị một lượng cây lớn để bắc giàn cho dây bí leo.

Nếu như làm giàn bí bằng tre, nứa, gỗ tạp hoặc các loại cây khác thì 1.000m2 đất canh tác sẽ phải đầu tư khoảng 20 triệu đồng mua vật liệu, thuê nhân công đào hố, chôn cọc, bắc giàn trong thời gian 1 tháng. Nhưng với cách làm giàn bằng lưới cước thì rất đơn giản, tiện lợi, tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí đầu tư chỉ khoảng 10 triệu đồng mua lưới và 1 tuần để thực hiện các công đoạn trên.

Anh Nguyễn Văn Tài lý giải: Nhược điểm của giàn bằng tre, nứa là nặng nề, dễ bị đổ khi gặp thời tiết không thuận lợi, đặc biệt là “tuổi thọ” của giàn không cao, vài vụ là phải dỡ ra làm lại. Còn với giàn lưới thì rất nhẹ, chỉ cần chôn các cọc chính chắc chắn và lên khung cố định, sau đó căng lưới và buộc chặt vào các cọc chính để dây bí leo lên. Trong trường hợp nếu lưới bị đứt do chuột hoặc côn trùng cắn thì việc vá lưới cũng rất dễ dàng. Ðặc biệt, nếu hộ nào có điều kiện có thể đổ bê tông làm cọc chính để sử dụng lâu dài, trong trường hợp nếu không trồng bí xanh thì cũng có thể làm giàn cho các loại cây thân leo khác như: Mướp, dưa chuột, đỗ.

“Bí xanh mỗi năm canh tác được 3 vụ, mỗi vụ kéo dài 4 tháng. Ưu điểm của trồng bí xanh leo giàn lưới là đầu tư thấp nhưng cho năng suất cao, quan trọng là theo dõi sâu bệnh và giữ độ ẩm cho đất; trung bình mỗi héc ta cho thu hoạch từ 100 - 120 tấn/vụ” - Anh Nguyễn Văn Tài chia sẻ kinh nghiệm.

Nhận thấy mô hình làm giàn bí bằng lưới của gia đình anh Nguyễn Văn Tài là mô hình tốt, cách làm hay, mang lại hiệu quả, suất đầu tư thấp, cho năng suất cao, nhiều hộ trên địa bàn xã đã học tập, làm theo.

Tinh dầu quýt - Sản phẩm 3 sao OCOP ở Bắc Kạn

Với sự nỗ lực bền bỉ, HTX Hương Ngàn, xã Nguyên Phúc (Bạch Thông) đã sản xuất thành công một số sản phẩm tinh dầu thiên nhiên, trong đó sản phẩm tinh dầu quýt được xếp hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh.

 

tinh-dau-quyt.jpg

Các thành viên HTX Hương Ngàn sơ chế quýt để làm tinh dầu, nước uống đóng chai. Ảnh: Báo Bắc Kạn

 

HTX Hương Ngàn thành lập từ năm 2017 với 15 thành viên. Đến nay HTX đã đầu tư cơ bản đồng bộ cơ sở vật chất, nhà xưởng, sản xuất thành công các loại tinh dầu mang hương vị của núi rừng như: Tinh dầu sả, tinh dầu quýt, tinh dầu quế, tinh dầu gừng, nước quýt đóng chai…

Đặc biệt, tinh dầu quýt- sản phẩm được chứng nhận xếp hạng 3 sao OCOP năm 2019 là minh chứng rõ nét cho sự cố gắng, nỗ lực của HTX trong những năm qua. Đây là sản phẩm được chiết xuất từ quả quýt bản địa của Bắc Kạn, có mùi thơm đặc trưng từ vỏ quýt, sử dụng phổ biến trong làm đẹp, cải thiện sức khỏe, xông hơi thư giãn, khử mùi hôi, chống say xe... Để sản xuất ra tinh dầu chất lượng, HTX lựa chọn những quả quýt còn xanh ương bởi lúc này hàm lượng tinh dầu trên vỏ quýt lớn, mang lại giá trị cao. Sản xuất theo phương pháp chưng cất hơi nước nên bình quân 1 tấn vỏ quýt sẽ thu về khoảng 7 lít tinh dầu. 

Vỏ dùng để chế biến tinh dầu, còn những múi quýt lại được HTX tận dụng chế biến nước uống đóng chai giải khát, áp dụng phương pháp ủ lên men theo công nghệ Nhật Bản. Nước quýt đóng chai dưới dạng lọ thủy tinh, được Sở Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và đã có bán trên thị trường.

Chị Vi Thùy Dương- Giám đốc HTX Hương Ngàn cho biết: “Sản phẩm tinh dầu quýt của HTX đang phân phối theo hình thức bán buôn và bán lẻ, chủ yếu cung cấp cho một số công ty dược uy tín của Việt Nam và các đại lý ngoài tỉnh. Hiện, HTX đã có cửa hàng tại tổ 9, phường Đức Xuân để phục vụ cho việc giao dịch cũng như kinh doanh".

Năm nay, việc tiêu thụ sản phẩm của HTX có phần bị chậm lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với đó là sự cạnh tranh của các loại tinh dầu trên thị trường. Vì vậy, HTX Hương Ngàn không ngừng nỗ lực, tìm kiếm khách hàng thông qua các kênh khác nhau như mạng xã hội, các chương trình kết nối quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh... Nhờ vậy, các sản phẩm của HTX ngày càng được nhiều người biết đến, tin tưởng và sử dụng.

Với vùng nguyên liệu quýt dồi dào, quả quýt được chế biến sâu thành các sản phẩm có giá trị, chắc chắn với thành quả bước đầu, HTX Hương Ngàn sẽ tiếp tục có những bước tiến mới, đưa những sản vật của miền núi đến với các tỉnh miền xuôi ngày càng nhiều hơn.

Cam Hà Giang hội nhập thị trường

Hiện, diện tích cam toàn tỉnh có hơn 9.000 ha, tập trung chủ yếu tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Trong đó, cam Sành có diện tích lớn nhất các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc với tổng diện tích gần 7.000 ha, được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt”.

 

cam-hg.jpg

Người tiêu dùng Hà Nội mua cam lòng vàng Hà Giang. Ảnh: Báo hà Giang

 

Với những tiềm năng, lợi thế, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tập trung cho các sản phẩm OCOP tiêu biểu, trong đó sản phẩm cam luôn được ưu tiên hàng đầu. Cùng với đó, chỉ đạo các ngành chuyên môn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm bằng các mô hình canh tác an toàn, đồng thời đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo hướng đi bền vững cho cây cam, tỉnh đã tổ chức các hội nghị, làm việc với các sở, ngành, địa phương để bàn các giải pháp tiêu thụ cam niên vụ 2020 - 2021. Bên cạnh đó, Sở Công thương trực tiếp tổ chức các buổi kết nối giao thương và làm việc với các hệ thống siêu thị tại thành phố Hà Nội và các tỉnh như: Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng…

Đặc biệt, trong chuỗi các hoạt động xúc tiến tại Hà Nội vừa qua, Sở Công thương là một trong 28 tỉnh tiến hành ký kết biên bản kết nối phát triển bền vững với Sở Công thương Hà Nội. Ngoài ra, với nỗ lực đẩy mạnh kết nối cung cầu, tỉnh đã chủ động, chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức thành công Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 20 - AgroViet 2020, diễn ra từ ngày 3 – 6/12 tại Hà Nội.

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Khắc Quyền, cho biết: Những năm gần đây, xúc tiến thương mại luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Cùng với sự chỉ đạo xuyên suốt từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Công thương đã chủ động xây dựng chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam đến với người tiêu dùng cả nước. Đến nay, sản phẩm cam lòng vàng của tỉnh đã có mặt tại các hệ thống siêu thị bán lẻ ở thành phố Hà Nội và hệ thống siêu thị ở khu vực phía Nam như: VinMart, BigC, SaiGon CoopMart… Đây là những nhà phân phối uy tín lớn nhất cả nước và có quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, đòi hỏi các sản phẩm phải có mẫu mã và chất lượng tốt.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top