Đà Bắc (Hòa Bình) đang tất bật thu hoạch lúa chiêm xuân. Kể từ vụ này, bà con nông dân các xã Mường Chiềng, Đồng Chum, Đoàn Kết, Tân Pheo... có thêm động lực khi gạo J02 - sản phẩm gạo đặc sản vùng cao nơi đây vừa được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Hộ chị Lường Thị Tiên ở xóm Chum, xã Đồng Chum có 700 m2 ruộng. Từ năm 2016, chị chuyển từ giống lúa lai sang giống lúa chất lượng cao J02. Chị Tiên cho biết: "Qua thực tiễn sản xuất, giống J02 có đặc tính khỏe cây, đẻ nhánh, trổ bông tập trung, hạt thóc đều, ít sâu bệnh, thích ứng với khí hậu của vùng. Mặt khác, chất lượng gạo ngon, dẻo, năng suất cao và phù hợp với thị hiếu, nhu cầu thị trường". Từ khi đưa J02 vào sản xuất, gia đình chị được ăn gạo ngon, một phần chị đem bán bên ngoài với giá cao hơn so với các giống gạo khác.
Theo đồng chí Phạm Minh Sơn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, giống lúa J02 được huyện Đà Bắc đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 2015. Mường Chiềng cũng là địa phương đầu tiên triển khai mô hình giống lúa xuất xứ Nhật Bản do Viện Di truyền nông nghiệp nhập nội và tuyển chọn này. Ngay ở vụ đầu thử nghiệm, giống lúa đã bộc lộ ưu điểm vượt trội. Đặc biệt, tuy được trồng ở nhiều vùng miền trên cả nước như Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng, nhưng gạo J02 ở Đà Bắc có đặc thù riêng, ngon hơn hẳn các loại gạo trồng ở những vùng khác. Điều này do Đà Bắc là huyện vùng cao, độ chênh lệch ngày - đêm lớn, phù hợp với giống gạo J02 ưa lạnh.
Giống lúa J02 đang được trồng tập trung tại các xã: Đồng Chum (15 ha), Mường Chiềng (40 ha), Tân Pheo (10 ha), Giáp Đắt (10 ha), Đoàn Kết (25 ha)... Tổng diện tích trồng hàng năm hiện đạt trên 250 ha, năng suất bình quân 60 tạ/ha/vụ.
Hiện nay, sản phẩm gạo J02 Đà Bắc có bao bì, lô gô nhận diện thể hiện thương hiệu, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Huyện cũng đang xúc tiến quảng bá thương hiệu, mở rộng kênh phân phối, tạo đầu mối bao tiêu sản phẩm. Các địa điểm phân phối là cửa hàng tạp hóa, đại lý gạo, chợ truyền thống, siêu thị mi ni nằm trong các khu đông dân cư, tập trung thị trường trong tỉnh và TP Hà Nội.
Nâng tầm thương hiệu quýt Mường Khương
Những năm gần đây, việc đưa các giống cây trồng cho giá trị kinh tế cao vào sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu được người dân huyện Mường Khương (Lào Cai) triển khai rất hiệu quả, trong đó có sản phẩm quýt ngọt Mường Khương.
Chị Hoàng Thị Bình chăm sóc cây quýt. Ảnh: Báo Lào Cai
Năm 2010, gia đình chị Hoàng Thị Bình, thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương (Mường Khương) mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích cấy lúa nương sang trồng quýt. Giờ đây, bước sang năm thứ 6 được thu quả, vườn quýt mang về cho gia đình chị nguồn thu ổn định hơn 200 triệu đồng mỗi năm.
Trước khi đưa cây quýt vào trồng, trên diện tích đất đồi này, gia đình chị Bình chỉ thu vỏn vẹn 10 triệu đồng từ cấy lúa. Dù kết hợp cả chăn nuôi, nhưng gia đình chị vẫn quẩn quanh trong nghèo khó. Từ vụ thứ 2 sau khi cây quýt cho thu quả (năm 2016), gia đình chị Bình đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Giờ đây, gia đình chị Bình còn trở thành hộ có kinh tế khá trong thôn với 7.000 cây quýt đang kỳ cho thu quả.
Từ khi Huyện ủy ban hành và triển khai Đề án số 2 về Phát triển sản xuất, xây dựng và quản lý thương hiệu sản phẩm quýt Mường Khương đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều hộ dân trên địa bàn. Bên cạnh các cây trồng chủ lực khác như chè, ớt và lúa đặc sản Séng cù, Mường Khương đặc biệt coi trọng việc mở rộng, nâng cao giá trị thu nhập từ cây quýt ngọt. Địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn nhân dân đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng quýt, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.
Bên cạnh đó, địa phương đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng mô hình, dự án phát triển sản xuất quýt hàng hóa. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sau 5 năm, Mường Khương đã hình thành vùng trồng quýt hang hóa tại thị trấn Mường Khương, Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ với diện tích 803 ha (296 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân 120 tạ/ha, giá trị sản lượng ước đạt trên 50 tỷ đồng), góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Để nâng tầm sản phẩm quýt ngọt Mường Khương, huyện đẩy mạnh công tác xây dựng, quảng bá thương hiệu. Hiện, toàn huyện đã có 10 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, bao gồm: Quýt Mường Khương, Tương ớt Mường Khương, Gạo Séng cù Mường Khương, Lợn đen Mường Khương, Chè shan Mường Khương, Đậu tương vàng Mường Khương, Sa nhân tím Mường Khương, Chè ô long Cao Sơn, Chuối Lào Cai, Dứa Mường Khương.
Lợi ích “kép” nhờ trồng mắc-ca xen chè
Cây mắc-ca được đưa vào trồng thử nghiệm tại Lai Châu từ năm 2011. Sau nhiều năm phát triển tại một số địa phương cho thấy đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao, bền vững và không khó để tìm kiếm đầu ra.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Trà Than Uyên giới thiệu với phóng viên về cây mắc-ca trồng xen trên diện tích chè. Ảnh: Báo Lai Châu
Từ thực tế đó, năm 2018, Công ty Cổ phần Trà Than Uyên (huyện Tân Uyên) đã đưa vào trồng xen trên diện tích gần 200ha chè nguyên liệu của đơn vị. Trong năm 2020, Công ty tiếp tục mở rộng diện tích mắc-ca nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Công ty Cổ phần Trà Than Uyên là đơn vị có vùng chè rộng lớn từ lâu đời. Ngoài nhãn, từ trước đến nay chưa bao giờ công ty nghĩ có thể trồng xen cây gì lên diện tích chè nguyên liệu. Mãi đến năm 2018, Ban lãnh đạo Công ty họp bàn, mà người đứng đầu là ông Vũ Ngọc Sang - Giám đốc Công ty quyết định đưa cây mắc-ca vào trồng xen chè với kỳ vọng thu lợi ích “kép” trên những nương chè đã có thâm niên thu hái.
Với 430ha chè nguyên liệu đã được khai thác, hàng năm Công ty đa dạng chiến lược trong sản xuất và kinh doanh, doanh thu luôn đảm bảo. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu cũng như thổ nhưỡng của địa phương có thể đáp ứng được việc trồng và chăm sóc tốt cây mắc-ca trên diện tích chè, công ty hợp đồng liên kết với Công ty An Đức Minh (Hà Nội) đầu tư vào vùng chè nguyên liệu.
Đưa chúng tôi đi thăm những nương chè trập trùng xa tắp của Công ty đang tua tủa những búp non mơn mởn, anh Nguyễn Quang Trung - Phó Giám đốc Công ty khoe: Những dự định, lên kế hoạch và tiến hành thực hiện việc trồng xen mắc-ca được tính toán rất kỹ. Sau khi bàn bạc, thống nhất và ký hợp đồng liên kết với Công ty An Đức Minh, đến nay, gần 200ha mắc-ca được trồng, bén rễ, sinh trưởng và phát triển tốt, có những cây cao quá đầu người.
Đối với diện tích chè đông đặc, mật độ 15m/cây, diện tích chè xấu, công ty tiến hành chặt chè và trồng thuần diện tích mắc-ca. Với mật độ 100 cây/ha, đây là loại giống mắc-ca có chất lượng, cho quả to hơn so với giống mắc-ca đã trồng trên địa bàn tỉnh, do công ty đối tác đầu tư giống, kỹ thuật, phân bón và đảm nhận giải quyết đầu ra, công ty chè có nhiệm vụ trồng, chăm sóc, bảo vệ diện tích mắc-ca đã trồng.
Trong mùa mưa bão, Công ty Cổ phần Trà Than Uyên cử người chằng chống; khi mắc-ca phát triển mạnh tiến hành bấm ngọn để tạo tán. Dự kiến, mắc-ca sẽ được trồng trên tổng diện tích 500ha.
Theo tính toán của Công ty Cổ phần Trà Than Uyên cũng như đơn vị đầu tư, sau 4-5 năm trồng và chăm sóc, cây mắc-ca sẽ cho thu hoạch, bình quân khoảng 800kg quả tươi/ha. Như vậy, trừ chi phí, bình quân mỗi ha mắc-ca cho lãi khoảng 50 triệu đồng.
Nuôi dê hàng hóa ở bản Lót
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, người dân bản Lót, xã Hát Lót (Mai Sơn, Sơn La) đã lựa chọn mô hình nuôi dê nhốt chuồng, bước đầu đem lại giá trị kinh tế, nâng cao đời sống.
Anh Tòng Văn Văn cho đàn dê ăn. Ảnh: Báo Sơn La
Ông Tòng Văn Nhất, Trưởng bản Lót cho biết: Bản Lót có 36 hộ với 174 nhân khẩu đa số là người dân tộc Thái. 5 năm trở lại đây, nhiều hộ trong bản đã tập trung phát triển chăn nuôi, trong đó chăn nuôi dê nhốt chuồng đang đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiện nay, trên 20 hộ dân trong bản đang chăn nuôi đàn dê trên 500 con, hộ ít thì nuôi 4-5 con, các hộ còn lại có đàn dê lên tới 30- 40 con, đặc biệt có 2 hộ nuôi dê theo quy mô lớn, với số lượng 100 - 200 con. Giống dê được bà con lựa chọn phát triển chủ yếu là dê tai nhỏ, thích nghi với thời tiết địa phương, ít dịch bệnh, dễ nuôi, tốn ít công chăm sóc. Từ nuôi dê, nhiều hộ đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định và vươn lên làm giàu.
Gia đình anh Tòng Văn Văn, một trong những hộ nuôi dê đầu tiên và lớn nhất bản Lót. Anh Văn vui vẻ nói: Năm 2015, tôi quyết định nuôi dê với 20 con. Nhận thấy thị trường có nhu cầu lớn, nuôi dê phát triển nhanh, ít bị bệnh, giá cả luôn ổn định tôi quyết định tìm hiểu thêm về cách chăm sóc, nuôi dê nhốt chuồng tại các khu vực phát triển chăn nuôi dê như huyện: Sông Mã, Bắc Yên, các tỉnh ngoài và đầu tư làm chuồng trại. Hiện tại, đàn dê của tôi có hơn 100 con. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật đàn dê phát triển khỏe mạnh và chất lượng thịt luôn được các thương lái đánh giá cao. Tính trung bình, trừ tổng chi phí đi thì mỗi năm gia đình tôi thu lãi gần 400 triệu đồng từ nuôi dê. Từ năm 2017 đến nay, năm nào gia đình tôi cũng được UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen về thành tích “Hộ gia đình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của năm”.
Mô hình nuôi dê ở bản Lót mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân có điều kiện thoát nghèo. Ban đầu, cả bản chỉ có vài hộ chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, nhận thấy dê dễ chăm sóc, nguồn thức ăn có sẵn dồi dào và lại phù hợp với vùng đồi núi, vì vậy nhiều hộ đã đầu tư chăn nuôi dê. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn dê, các hộ chăn nuôi còn tận dụng các khoảng đất trống quanh nhà để trồng cỏ làm thức ăn cho dê; tiêm phòng cho đàn dê để tránh các dịch bệnh như lở mồm long móng, tiêu chảy, viêm phổi... hàng ngày đều quét dọn, rửa xịt, giữ vệ sinh chuồng để đàn dê phát triển khỏe mạnh.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…