Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 4 năm 2020 | 10:28

Tin NN Tây Bắc: Trên 66 ha ngô xuân bị sâu keo mùa thu gây hại

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lào Cai, hiện có 66,7 ha ngô vụ xuân đang bị sâu keo mùa thu gây hại. Tập trung chủ yếu ở các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bát Xát.

sau-keo.gif

Cây ngô bị sâu keo mùa thu gây hại. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Toàn tỉnh đã trồng trên 26.000 ha ngô, trà chính vụ giai đoạn từ 3-9 lá. Theo kết quả điều tra của cơ quan chuyên môn, sâu keo mùa thu đang gây hại từ nhẹ đến trung bình, mật độ 2-4 con/m2, cục bộ 8-10 con/m2. Diện tích ngô bị sâu keo mùa thu gây hại, có thể bị suy giảm năng suất từ 20 -30%, thậm chí 50% nếu không được phòng trừ kịp thời.

Sâu keo mùa thu là loại mới, sức phá hại mạnh, khả năng đẻ trứng lớn (mỗi con cái có thể đẻ từ 1.000 – 2.000 quả trứng), khả năng phát tán, lây lan ra diện rộng nhanh.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ diện tích nhiễm sâu, chủ động hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng trừ như: Làm sạch cỏ xung quanh vườn trồng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu, xới xáo, làm cỏ, bón phân để giết nhộng sâu trong đất, ngắt tiêu hủy ổ trứng, bắt diệt sâu non khi mật độ thấp; khi mật độ cao cần đồng loạt sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun phòng trừ.

Để phòng trừ sâu keo mùa thu, người dân nên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu như: Indoxacarb, Lufenuron… phun trực tiếp ở bề mặt lá, nõn cây ngô, thực hiện phun đẫm và phun kép 2 lần để đạt hiệu quả cao nhất.

Sơn La: Chủ động phòng, trừ sâu bệnh gây hại cây trồng

Từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp là môi trường thuận lợi để các loại sâu bệnh hại cây trồng phát triển mạnh. Để bảo vệ diện tích cây trồng vụ đông xuân phát triển tốt, các cơ quan chuyên môn đang tăng cường điều tra, dự báo tình hình sâu bệnh, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, trừ hiệu quả.

 

son-la.jpg

Người dân xã Hát Lót (Mai Sơn) phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho cây xoài.

 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ đông xuân năm 2019-2020, toàn tỉnh gieo cấy 10.482 ha lúa đông xuân. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đã gieo trồng được trên 500 ha ngô, 3.645 ha rau các loại. Đồng thời, tập trung chăm sóc 15.188 ha xoài, gần 5.000 ha chuối, trên 130 ha thanh long, trên 2.200 ha bưởi, 1.805 ha cam, 17.840 ha cà phê, gần 5.500 ha chè... Theo kết quả điều tra, khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trên cây trồng vụ đông xuân đã xuất hiện một số loại sâu bệnh.

Đối với cây lúa, hiện đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái, trên một số cánh đồng đã xuất hiện bệnh rầy lưng trắng, rầy nâu (mật độ 120 con/m²), ốc bươu vàng (0,2 con/m²), đạo ôn, nghẹt rễ, vàng lá sinh lý, bệnh bạc lá... với tổng diện tích trên 30 ha, tập trung tại các huyện Sông Mã, Sốp Cộp, Phù Yên.

Trên cây ngô đã xuất hiện bệnh sâu keo mùa thu trên diện tích 10 ha tại huyện Vân Hồ, Yên Châu, mật độ phổ biến 1,5 con/m².

Đối với cây công nghiệp, xuất hiện sâu đục thân mình trắng, bệnh khô cành, chùn ngọn, rệp vảy xanh, vảy nâu và bệnh đốm mắt cua với tổng diện tích 67 ha cà phê tại các huyện Thuận Châu, Mai Sơn, Sốp Cộp và Thành phố. 16 ha chè tại Thuận Châu, Vân Hồ đang bước vào giai đoạn phát triển búp và thu hái, đã phát hiện bị nhiễm nhẹ bệnh dán cao chè, rầy xanh, đốm xám. Trên các loại cây ăn quả, xuất hiện bọ xít, sâu đục gân lá trên cây nhãn; bệnh thán thư, bệnh phấn trắng trên cây xoài...

Để chủ động bảo vệ diện tích cây trồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh hại. Đã thực hiện công tác phòng trừ sinh vật hại đến ngưỡng gần 300 ha; tập trung theo dõi điều tra tình hình phát sinh gây hại của sâu keo mùa thu, châu chấu tre lưng vàng. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), thường xuyên chăm sóc, bón phân đúng kỹ thuật, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây.

Huyện Mai Sơn có trên 22.000 ha cây lương thực có hạt, trên 9.500 ha cây công nghiệp và trên 8.600 ha cây ăn quả. Trong đó, diện tích lúa xuân trên địa bàn hiện đang bước vào thời kỳ đẻ nhánh, là thời điểm dễ mắc các bệnh đạo ôn, rầy nâu, ốc bươu vàng... Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã hướng dẫn các bà con thực hiện các biện pháp phòng trừ, điều tiết nước hợp lý và theo dõi chặt chẽ các đối tượng sinh vật gây hại. Cán bộ khuyến nông định kỳ kiểm tra, kịp thời phát hiện các đối tượng sinh vật gây hại, đặc biệt là hướng dẫn nông dân phòng trừ sớm khi bệnh chớm xuất hiện, khi ruộng bị nhiễm bệnh ngừng bón phân hóa học, không phun các loại phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng; không để ruộng khô hạn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, tránh phun thuốc tràn lan. Sau khi phun từ 5 - 7 ngày, kiểm tra nếu còn thấy vết bệnh cần phun tiếp để tiêu diệt triệt để nguồn bệnh. Bên cạnh đó, qua kiểm tra định kỳ trên một số diện tích, đã phát hiện bệnh sâu đục thân mình trắng, bệnh rệp vảy nâu trên cây cà phê; bệnh thán thư, phấn trắng trên cây xoài.

Chị Nguyễn Thùy Vân, thành viên HTX Thiên Tân, xã Hát Lót (Mai Sơn) chia sẻ: HTX có 15 ha xoài, chúng tôi thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh trên cây xoài, định kỳ phun thuốc phòng, trừ theo chu kỳ sinh trưởng của cây đúng hướng dẫn và đúng liều lượng. 3 ngày sau khi phun thuốc, diện tích xoài bị nhiễm bệnh thán thư, bệnh phấn trắng đã giảm rõ rệt.

Ðiện Biên Ðông phòng trừ sâu bệnh hại lúa đông xuân

 

lua.jpg

Cán bộ khuyến nông huyện Ðiện Biên Ðông hướng dẫn người dân bản Xa Dung B, xã Xa Dung nhận biết dấu hiệu sinh vật hại lúa. Ảnh: Báo Điên Biên Phủ

 

Hiện nay, lúa đông xuân trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng. Các trà lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh trên cây lúa phát triển, ảnh hưởng đến năng suất sản lượng lúa vụ đông xuân năm 2020.

Vụ đông xuân năm nay, huyện Ðiện Biên Ðông gieo cấy hơn 736ha (tăng 11,3ha so với cùng kỳ năm trước); chủ yếu là các giống: Bắc thơm số 7, IR64, nếp 97, nếp tan… Từ đầu vụ đến nay, qua kiểm tra đồng ruộng cho thấy, tại một số diện tích lúa xuất hiện rải rác sâu bệnh hại, như: Ốc bươu vàng gây hại trên trà chính và trà muộn, diện tích nhiễm khoảng 14ha; tuyến trùng rễ xuất hiện và gây hại khoảng 6ha; bệnh nghẹt rễ gây hại tỷ lệ trung bình 1 - 4%; sâu keo mùa thu xuất hiện với mật độ phổ biến khoảng 0,6 con/m2 và các đối tượng sâu bệnh gây hại khác như bọ trĩ, ruồi đục lá, đạo ôn… trên địa bàn các xã: Mường Luân, Luân Giói, Keo Lôm, Pú Nhi, Phình Giàng.

Ông Nguyễn Trọng Huế, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Hiện, các đối tượng sinh vật gây hại trên đồng ruộng xuất hiện và gây hại với mật độ, tỷ lệ thấp, dự báo không có nguy cơ làm ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ. Tuy nhiên, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do các đối tượng sâu bệnh hại lúa gây ra, Phòng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và chính quyền các xã, thị trấn trực tiếp xuống địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phát hiện, phòng trừ, khống chế dịch hại không để lây lan; hướng dẫn người dân bón phân, chăm sóc cho cây lúa sinh trưởng tốt. Bên cạnh đó, việc duy trì mực nước ổn định phủ bề mặt ruộng là một trong những biện pháp nhằm hạn chế sâu bệnh hại. Vì vậy tại những địa bàn thiếu nước, phòng đã phối hợp với chính quyền xã vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý bằng biện pháp lấy nước luân phiên; nạo vét, khơi thông dòng chảy đối với các công trình thủy lợi.

Tùy từng đối tượng gây hại, cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn người dân cách phòng trừ khác nhau. Với bệnh nghẹt rễ lúa, xuất hiện và gây hại tỷ lệ trung bình từ 1 - 4% tại các xã: Pú Nhi, Keo Lôm, thị trấn Ðiện Biên Ðông. Khi bệnh mới phát sinh ngọn lá úa vàng, đầu lá khô đỏ, trên lá thường xuất hiện những vết đốm màu nâu, biểu hiện trên lá già trước. Bệnh nặng, cây lúa ngừng sinh trưởng, đẻ nhánh kém, bộ rễ thối đen, lúa sẽ bị chết từng chòm, có khi chết cả ruộng. Vì vậy, trước khi gieo cấy, người dân cần làm đất kỹ, bón lót vôi bột khi cày ải, bón lót đầy đủ phân chuồng, phân lân khi bừa cấy nhằm giảm độ chua trong đất. Khi phát hiện lúa bị bệnh nghẹt rễ thì bà con khẩn trương cho thêm nước vào ruộng, sục bùn để giải phóng bớt khí độc trong đất, nhất là vùng rễ cây lúa.

Ðối với sâu keo mùa thu, xuất hiện từ khoảng cuối tháng 2 với mật độ phổ biến khoảng 0,6 con/m2, nơi cao 5 con/m2, chủ yếu ở xã Keo Lôm, Phình Giàng. Theo ông Hoàng Công Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ðiện Biên Ðông thì ngay sau khi phát hiện, đơn vị đã cử cán bộ xuống cơ sở, phối hợp với UBND các xã và những hộ có diện tích lúa bị nhiễm bệnh tiến hành các biện pháp phun phòng trừ. Ðến nay, cơ bản những diện tích xuất hiện sâu keo mùa thu đã được khống chế, tỷ lệ sâu keo mùa thu chết trên 95%. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân khi phun thuốc phải đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng”, khi phun không nên phối trộn nhiều loại thuốc, nên phun vào chiều tối. Sau khi phun 7 - 10 ngày phải tiến hành kiểm tra lại, hoặc nếu sau khi phun gặp mưa tiến hành phun lại lần 2 để hạn chế sinh vật tái nhiễm gây hại.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa đông xuân trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay, dự báo khả năng sâu bệnh sẽ tiếp tục phát sinh gây hại trên cây lúa, vì vậy ngành Nông nghiệp huyện đang tập trung đưa ra các dự báo, biện pháp, giải pháp xử lý khi tình huống khi xảy ra. Người dân không được chủ quan, cần tích cực thăm đồng, phát hiện, đánh giá mức độ phát sinh của sâu, bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Yên Bái chủ động phòng chống cúm gia cầm

Gia cầm hiện là đối tượng vật nuôi đang có thế mạnh phát triển. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết giao mùa phức tạp, chăn nuôi nhỏ vẫn chiếm đa số nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh lớn. Giá gà hiện thấp hơn trước từ 20 - 25.000 đồng/kg sẽ khiến người chăn nuôi lơ là trong phòng chống dịch.

 

gia-cam.jpg

Người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm. Ảnh: Báo Yên Bái.

 

Minh Quán là xã có quy mô chăn nuôi gia cầm lớn của huyện Trấn Yên với tổng đàn trên 136.000 con; trong đó, có 34 trang trại quy mô lớn từ 3.000 - 10.000 con. Để bảo vệ tài sản của mình, công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 luôn được người chăn nuôi chú trọng. Trang trại chăn nuôi gà của anh Nguyễn Đình Diệu nằm cách biệt trên một quả đồi lớn ở thôn 4 xã Minh Quán. 

Anh Diệu cho biết: "Tôi thường nuôi khoảng 8.000 con gà/lứa. Ngoài thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin cho gà, tôi còn tích cực rắc vôi bột khử khuẩn chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng  2 lần/tuần. Cùng đó, để tăng sức đề kháng cho gà trước dịch bệnh, tôi cũng thường xuyên theo dõi, giám sát đàn gà, chú trọng khẩu phần, thành phần dinh dưỡng cho gà”. 

Bà Trần Thị Hoàn Liên -  Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên cho biết: "Với mục tiêu không để xảy ra dịch chồng dịch trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, UBND huyện đã triển khai Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và đơn vị đã cấp phát 568 lít hóa chất cho các xã để phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi và môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật, quy trình chăn nuôi, quy trình phòng bệnh tổng hợp, giúp nông dân nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của phòng, chống dịch bệnh vật nuôi; đồng thời, ký cam kết phòng chống dịch bệnh động vật với 13.678 hộ chăn nuôi. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho người chăn nuôi và tăng cường giám sát phát hiện, xử lý ổ dịch tại các xã. Đơn vị cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh hiện có gần 5 triệu con; trong đó, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn từ 500 con trở lên có 480 cơ sở, chăn nuôi từ 100 - 500 con có 40.200 cơ sở, còn lại là chăn nuôi nhỏ lẻ. Gia cầm hiện là đối tượng vật nuôi đang có thế mạnh phát triển; trong đó, ưu tiên phát triển các giống gà thịt năng suất cao như gà Minh Dư, gà ri lai, lai chọi, các giống gà địa phương. 

Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: để chủ động phòng, chống nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm, đơn vị đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo, tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo gửi đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện; cấp 6.054 lít thuốc sát trùng cho các địa phương; ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm tới 100% các hộ, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ chế biến, kinh doanh gia cầm; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên địa bàn quản lý...

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top