Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 5 năm 2020 | 11:26

Tin NN Tây Bắc: Triển vọng cây sa nhân ở Tam Đường

Với khả năng chịu hạn tốt, dễ chăm sóc, giá trị kinh tế cao, cây sa nhân tím đang từng ngày mở ra triển vọng phát triển kinh tế bền vững cho người dân một số địa phương như: Thèn Sin, Tả Lèng, Nùng Nàng (Tam Đường, Lai Châu).

sanhan.jpg
Ảnh: Báo Lai Châu

Cây sa nhân không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn đóng vai trò tích cực trong việc góp phần gìn giữ nguồn tài nguyên rừng.

Ông Nguyễn Hồng Quân - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện Tam Đường có 106,6ha sa nhân tím, tập trung tại các xã như: Nùng Nàng, Thèn Sin, Tả Lèng... Khi triển khai trồng, Phòng phối hợp với UBND các xã tổ chức cho Nhân dân trồng, chăm sóc đúng yêu cầu kĩ thuật. Đến nay cây sa nhân trên đất Tam Đường sinh trưởng, phát triển tốt, chuẩn bị cho thu hoạch. Đó chính là những tín hiệu tích cực cho thấy cây sa nhân phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Thời gian tới, Phòng sẽ phối hợp với các xã lựa chọn các doanh nghiệp, thương nhân bao tiêu sản phẩm, để người dân có đầu ra ổn định”.

Chỉ sau hơn 2 năm trồng thử nghiệm tại xã Thèn Sin, những cây sa nhân tím đã vươn xanh trên những vùng đồi núi khô cằn, sa nhân bắt đầu ra hoa và cho quả, trong khoảng tháng 7 - 8/2020, những quả sa nhân tím này sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên. Tìm hiểu chúng tôi được biết, sa nhân tím là loại cây dược liệu quý, dễ trồng, ít sâu bệnh, ít vốn đầu tư, cho giá trị kinh tế cao mà còn có khả năng chống xói mòn đất, giúp bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện nay, mỗi kilogam sa nhân tươi bán ra thị trường với 250.000 đồng, sa nhân khô có giá từ 500.000 – 600.000 đồng/kg.

Theo tính toán, cây sa nhân trồng trong năm đầu tiên cho thu hoạch sẽ cho thu nhập 50 triệu đồng/0,5ha và những năm tiếp theo năng suất sẽ cao hơn. Những năm trước đây khi mới bắt đầu triển khai trồng, nhiều hộ dân lo lắng cây sa nhân không phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, không ra quả.

Đến nay, sự lo lắng của người dân đã không còn nữa mà thay vào đó là niềm vui khi công sức lao động của Nhân dân bỏ ra đã cho những “trái ngọt”.  Gia đình anh Nguyễn Văn Lai (bản Đông Phong, xã Thèn Sin) trồng 8.000m2 cây sa nhân tím, đến nay cây đã bắt đầu ra hoa và cho quả.

Anh Lai vui mừng chia sẻ: “Kĩ thuật trồng sa nhân tím khá đơn giản, khi trồng cũng không cần chăm bón nhiều, trồng cây nào chắc cây đó. Sau hơn 2 năm mạnh dạn trồng, đến nay cây sa nhân đã ra quả, gia đình tôi đang tích cực làm cỏ, bón phân để tăng năng suất, hứa hẹn sẽ cho năng suất cao trong vụ thu hoạch năm 2020”.

Thái Niên: Dưa lê mất mùa, nông dân thiệt hại kép

Thời điểm này, người dân xã Thái Niên (Bảo Thắng, Lào Cai) đang bước vào chính vụ thu hoạch dưa lê. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dông lốc và mưa đá, năng suất, chất lượng dưa năm nay giảm mạnh, khiến nhiều hộ dân thất thu.

 

dua-le.jpg

Nhiều diện tích dưa lê tại xã Thái Niên đang kỳ thu hoạch bị chết, hỏng do ảnh hưởng của mưa đá. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Trên cánh đồng thôn Mom Đào, những ruộng dưa đang kỳ thu hoạch nhưng cây héo nhũn, lá cháy khô, quả quắt thối, khiến người nhìn không khỏi xót xa.

Đây là năm thứ 6 bà Phạm Thị Hoài, thôn Mom Đào trồng dưa lê. Nhìn những cây dưa bị héo khô, quả bị thối trong thời kỳ thu hoạch bà buồn rầu: Chưa năm nào dưa lê mất mùa như năm nay. Vụ này năm ngoái, 4 sào dưa của gia đình thu được hơn 20 triệu đồng. Năm nay, tôi phải đi mót từng quả dưa đem bán, mong vớt vát được tiền mua hạt giống, phân bón, chứ không mong có thu nhập.

Còn tại Đo Ngoài, thôn có diện tích trồng dưa lê nhiều nhất xã, chị Giàng Thị Hiền bần thần bên ruộng dưa xơ xác: Nhà tôi có 6 sào đất lúa chuyển sang trồng dưa, nhiều năm nay cho thu nhập từ 30 - 35 triệu đồng/vụ. Năm nay tôi xuống giống sớm nên may mắn đã thu được 2 lứa, trong khi thông thường mỗi vụ thu hoạch khoảng 4 - 5 lứa.

Chị Hiền nhẩm tính, mỗi sào dưa đầu tư khoảng 2,5 triệu đồng mua hạt giống, phân bón, ni lông phủ luống, chưa tính công chăm sóc. Hiện, gia đình mới thu được 2 triệu đồng từ bán dưa, chưa đủ tiền đầu tư. Giờ đây những hộ trồng dưa  chỉ biết nhìn những ruộng dưa bị chết khô mà không có cách gì cứu vãn được.

Đó cũng là tình trạng chung của hàng trăm hộ trồng dưa trên địa bàn xã Thái Niên. Được biết, do ảnh hưởng của trận dông lốc và mưa đá xảy ra từ ngày 22 đến ngày 24/4 đã làm nhiều diện tích dưa lê đang kỳ thu hoạch trên địa bàn xã bị ảnh hưởng nặng nề. Lượng mưa lớn, kéo dài gây ngập úng khiến thân cây bị thối nhũn, lá khô héo; do bị đá rơi trúng nên những quả dưa to bị dập, thối. Diện tích dưa lê trà cuối vụ đang thời kỳ ra hoa, đậu quả thì bị mưa đá làm rụng hoa, phát sinh bệnh nấm cây, người dân đang cố gắng khắc phục bằng cách vun lại luống, thu hái những quả dưa chưa bị ảnh hưởng, mong gỡ gạc được chút tiền vốn đầu tư.

Theo thống kê, vụ dưa lê năm 2020, người dân xã Thái Niên trồng 38 ha (tăng 19 ha so với năm trước). Diện tích dưa lê được trồng chủ yếu ở các thôn: Đo Ngoài, Báu, Hải Niên, Mom Đào… Từ nhiều năm nay, dưa lê mang lại thu nhập cao cho nhân dân trên địa bàn.

Ông Vũ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Niên cho biết: Năm trước, dưa lê cho năng suất khoảng 8 tạ/sào (sản lượng đạt khoảng 24 tấn/ha), thì ước tính năm nay, năng suất trung bình giảm hơn 50%. Do ảnh hưởng của mưa đá, mẫu mã và chất lượng quả dưa không đảm bảo, giá bán cũng thấp hơn. Hiện, giá dưa trung bình từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, thấp hơn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với mọi năm. Vụ dưa năm nay, người dân bị thiệt hại kép, ảnh hưởng  đến kinh tế của nhiều hộ dân.

Vân Hồ: Phát triển vùng cây ăn quả tập trung gắn với du lịch nông nghiệp

Khai thác các lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, giao thông..., những năm qua, huyện Vân Hồ (Sơn La) đã quy hoạch vùng cây ăn quả tập trung gắn với phát triển du lịch nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có hơn 3.400 ha cây ăn quả chất lượng tốt, như: Quýt, cam, nhãn, xoài, hồng giòn, đào địa phương, mận hậu…, sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

 

caq.jpg

Nông dân xã Tô Múa (Vân Hồ) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả. Ảnh: Báo Sơn La

 

Trên cơ sở các chủ trương của tỉnh, huyện Vân Hồ đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích trồng cây lương thực, cây công nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; xây dựng dự án, phương án và các mô hình theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Việc phát triển, mở rộng diện tích được huyện quy hoạch thành vùng tập trung, gắn với phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Với cách làm như vậy, diện tích trồng cây ăn quả của huyện Vân Hồ luôn tăng theo từng năm, năm 2015, tổng diện tích cây ăn quả của huyện là 792 ha, diện tích trồng mới 146 ha; đến hết năm 2019, tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt 3.446 ha, trong đó diện tích trồng mới 487 ha.

Ông Mùi Văn Bi, Trưởng bản Hang Trùng 2, xã Vân Hồ cho biết: Bản có 151 hộ, 674 nhân khẩu, thực hiện việc chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, bản đã vận động nhân dân trồng 70 ha cam, quýt, nhãn trên diện tích trồng cây lương thực của những năm trước. Bên cạnh đó, các phòng chuyên môn của huyện còn hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sản lượng hàng hóa và bảo vệ môi trường, đảm bảo người dân có thu nhập cao hơn sau khi chuyển đổi.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện bước đầu cũng đã hình thành được các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, tiêu thụ nông sản cho người dân. Nhận thức của người dân cũng được nâng lên rõ rệt khi các hộ dân ở các xã, bản đã có ý thức trồng các vùng cây ăn quả tập trung cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, dần khẳng định thương hiệu hoa quả từng vùng trong huyện, như: Quýt Chiềng Yên; nhãn, xoài, cam xã Chiềng Xuân, Suối Bàng, Chiềng Khoa, Tô Múa...

Hiện, huyện Vân Hồ đang tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện đề án trồng cây ăn quả an toàn tập trung tại các xã nằm trong vùng quy hoạch đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, như Chiềng Khoa, Mường Men, Quang Minh. Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, kế hoạch đến năm 2025, diện tích cây ăn quả của huyện ước đạt 6.400 ha; trong đó, tập trung hướng dẫn nhân dân trồng, chăm sóc cây ăn quả an toàn theo hướng VietGAP; xây dựng chỉ dẫn địa lý và tạo thương hiệu cho một số sản phẩm nhãn, xoài, bơ, cam, quýt, mận... Để kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; huyện cũng quy hoạch 14/14 xã gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, tạo vùng nguyên liệu tập trung an toàn...

Ông Thái Bá Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Huyện đang chủ động tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư phát triển cây ăn quả gắn với bao tiêu sản phẩm, nhằm khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu của huyện. Tiếp tục rà soát quỹ đất có khả năng phát triển cây ăn quả (sơn tra, nhãn, xoài, bơ, cam) tập trung tại các xã Xuân Nha, Chiềng Xuân, Mường Men, Tô Múa, Chiềng Khoa, Chiềng Yên...

Cây Dâu tây "bén" đất Pố Lồ

 

dau-tay.jpg

Vườn Dâu tây đang độ thu hoạch của các hộ dân thôn Cốc Có. Ảnh: Báo Hà Giang

 

Nhắc đến Dâu tây, người ta thường nghĩ đến loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao ở vùng đất Đà Lạt (Lâm Đồng). Tuy nhiên, hơn 2 năm trở lại đây, một số hộ dân ở thôn Cốc Có, xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì, Hà Giang) đã mạnh dạn mang cây Dâu tây về trồng trên diện tích đất lúa kém hiệu quả. Sau một thời gian trồng thử nghiệm, cây Dâu tây khá thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Pố Lồ và đã bước đầu đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân, hứa hẹn trở thành một loại cây trồng giúp người dân bản địa xóa đói, giảm nghèo.

Pố Lồ là xã giáp biên, có điều kiện khí hậu mát mẻ, một số thôn vùng cao quanh năm có sương mù bao phủ, có điểm tương đồng thời tiết với Đà Lạt; năm 2017, một số hộ dân đã mạnh dạn mang Dâu tây về trồng thử nghiệm. Nói về quyết định này, anh Thèn Văn Phong, thôn Cốc Có, cho biết: Do thiếu nước sản xuất và điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên diện tích đất lúa của gia đình chỉ trồng được một vụ, giá trị kinh tế không cao. Với trăn trở làm sao để nâng cao thu nhập, tôi đã tìm hiểu qua sách, báo, ti vi và nhận thấy Dâu tây là loài cây ôn đới, có khả năng phù hợp với điều kiện khí hậu ở đây, vì vậy đã bàn bạc với một số hộ khác trong thôn đem cây Dâu tây về trồng. Thời điểm đó cũng có nhiều người không ủng hộ, bởi từ xưa tới nay, chưa có ai đưa cây Dâu tây về trồng ở đất này.

Với bản chất cần cù, chịu khó, ham học hỏi, anh Phong cùng một số gia đình trong thôn tích cực tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc Dâu tây qua mạng internet. Sau khi gieo những cây giống đầu tiên, các hộ đã áp dụng đúng kỹ thuật nên vườn Dâu tây phát triển xanh tốt, sau hơn 3 tháng đã cho thu những lứa quả ngọt đầu tiên. Theo anh Phong, trồng Dâu tây không đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật, nhưng người trồng phải hết sức tỉ mỉ, chịu khó trong quá trình chăm sóc. Khi làm đất phải đảm bảo độ tơi xốp, bón phân đúng liều lượng theo từng giai đoạn phát triển của cây. Dâu tây thường được trồng từ tháng 11 năm trước, đến khoảng tháng 3 năm sau thì cho thu hoạch.

Hiện nay, thôn Cốc Có có khoảng 10 hộ dân trồng Dâu tây, với tổng diện tích trên 3 ha, sản lượng mỗi năm bán ra thị trường gần 4 tấn, giá trị kinh tế mang lại đạt trên 500 triệu đồng. Với định hướng trồng Dâu tây theo hướng nông nghiệp sạch, nên các hộ đều không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, khi đến mùa thu hoạch, thương lái thường được đặt mua hết với giá bán giao động từ 120 – 150 nghìn đồng/kg. Với đặc điểm quả đỏ mọng, thơm, ngon nên Dâu tây của xã được rất nhiều khách hàng ưa chuộng, đánh giá cao.

Dám nghĩ, dám làm, biết tận dụng lợi thế từ khí hậu, thổ nhưỡng và lựa chọn đúng cây trồng, một số hộ dân ở thôn Cốc Có đã bước đầu đem lại nguồn thu nhập ổn định. “Trong thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng Dâu tây ở những thôn có khí hậu phù hợp. Khi có sản lượng lớn sẽ phối hợp với HTX Dịch vụ, chế biến nông, lâm sản huyện Hoàng Su Phì để liên kết, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân, qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho bà con” – Phó Chủ tịch UBND xã Pố Lồ, Hù Văn Thanh cho biết.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top