Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 27 tháng 4 năm 2021 | 15:45

Tin NN Tây Bắc: Trồng thử nghiệm cây Sacha inchi tại Điện Biên

Dù mới trồng thử nghiệm, song qua đánh giá cây Sacha inchi khá dễ trồng và phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh Điện Biên.

Nhằm đa dạng hóa cây trồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tháng 7/2020, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai Đề tài “Nghiên cứu khả năng thích ứng, xây dựng mô hình cây Sacha inchi tại tỉnh Điện Biên”. 

sa-chi.jpg

Ông Bùi Viết Truy kiểm tra tình hình phát triển của cây Sacha inchi ở bản U Va, xã Noong Luống (huyện Điện Biên).

 

Mô hình cây Sacha inchi trên địa bàn tỉnh được Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) triển khai trồng thử nghiệm ở 2 huyện: Điện Biên và Mường Ảng. Trong đó, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trồng cây Sacha inchi trên đất dốc tại huyện Mường Ảng, diện tích 0,26ha; còn ở huyện Điện Biên trồng cây trên đất bằng cũng với diện tích 0,26ha.

Sau 9 tháng thực hiện, đến nay cả 2 mô hình trồng cây Sacha inchi đều sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt là nhiều cây đã ra hoa và bói quả. Dẫn chúng tôi tham quan mô hình trồng thử nghiệm cây Sacha inchi tại bản U Va, xã Noong Luống (huyện Điện Biên), ông Bùi Viết Truy, Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) - chủ nhiệm đề tài cho biết: Cây Sacha inchi khá dễ trồng, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và cho năng suất cao; điều này chúng tôi cũng đã nghiên cứu thông qua mô hình trồng cây Sacha inchi tại các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu làm căn cứ để triển khai trồng thử nghiệm tại Điện Biên. Dù thời gian cuối năm 2020 và đầu năm nay, lượng mưa trên địa bàn tỉnh khá thấp, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng diện tích cây Sacha inchi trồng thử nghiệm vẫn phát triển tương đối tốt và còn ra hoa, bói quả.

Là cây trồng lâu năm nhưng cho thu hoạch hàng năm, Sacha inchi có thời gian từ khi trồng đến khi cho thu hoạch lứa đầu tiên chỉ khoảng 270 ngày (9 tháng), nhưng vòng đời của cây sacha inchi cho 1 chu kỳ sống của nó có thể kéo dài từ 10 - 30 năm hoặc hơn thế nữa tùy thuộc vào chế độ canh tác, chăm sóc, đốn tỉa... Sacha inchi thuộc dạng cây thân leo bán gỗ, khi trồng cần có cọc đóng, bên cạnh làm trụ cho thân cây quấn vào cọc và phát triển thân lá cành; càng lớn tuổi thân cây càng hóa gỗ nên khá dễ trồng và chăm sóc. Năm 2014, cây chính thức được xác định là phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại Việt Nam, từ đó trở đi diện tích Sacha inchi không ngừng mở rộng ở các tỉnh Tây Nguyên và xuất hiện nhiều vùng nguyên liệu lớn như ở các huyện: Đức Trọng, Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng); Krông Năng, Buôn Hồ (tỉnh Đăk Lăk)…

Than Uyên phát triển cây mắc-ca

Thực hiện Đề án khuyến khích phát triển cây mắc-ca tập trung trên địa bàn tỉnh, đến năm 2021, huyện Than Uyên (Lai Châu) đã trồng và phát triển được 933,48ha cây mắc-ca theo hình thức trồng thuần, trồng xen chè.

Nhờ khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, cây mắc-ca nơi đây sinh trưởng, phát triển tốt, một số diện tích trồng đã ra hoa và cho quả bói, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế giúp người dân giảm nghèo bền vững.

 

mac-ca.jpg

Lãnh đạo huyện Than Uyên, xã Mường Kim kiểm tra diện tích cây mắc-ca trồng xen chè tại bản Nà Then. Ảnh: Báo Lai Châu

 

Thời điểm này, gia đình ông Lò Văn Thương, bản Vi đang tích cực chăm sóc, bón phân, cắt tỉa cành tạo tán cho cây mắc-ca. Được biết, gia đình ông Thương có 51 cây mắc-ca trồng xen với 5.000m2 chè. Khi trồng mắc-ca xen chè không ảnh hưởng đến sinh trưởng của nhau mà quá trình chăm sóc cũng không khó khăn; mắc-ca xen chè còn mang lại nhiều lợi ích che bóng mát, cỏ ít mà mang lại thêm khoản thu nhập tương đối cao. Theo tính toán, mỗi héc-ta chè thu lãi 40 triệu đồng/ha và trồng mắc-ca xen thêm vào có tổng thu nhập trên 60 triệu đồng.

Ông Thương tâm sự: “Gia đình tôi trồng mắc-ca xen với chè từ năm 2018, hiện cây đang phát triển tốt. Cùng với việc thu hái chè, tôi chú ý đến việc tạo tán cho cây bởi đây là công đoạn quan trọng giúp cây có bộ tán phát triển đều, cân đối quyết định năng suất và sự sinh trưởng phát triển của cây. Mong muốn sau này mắc-ca thu hoạch sẽ được doanh nghiệp đến thu mua sản phẩm; đồng thời Nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ về giống, phân bón để trồng xen chè”.

Thực hiện chủ trương trồng và phát triển mắc-ca, trên địa bàn xã Mường Kim có 92,16ha mắc-ca trồng xen chè từ năm 2018. Là loại cây trồng mới nên thời điểm khi triển khai, địa phương phối hợp với cán bộ chuyên môn huyện xuống từng hộ hướng dẫn cách trồng và chăm sóc. Xã cũng mong muốn cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ người dân về kỹ thuật cắt tỉa cành tạo tán, phòng chống sâu bệnh hại.
Anh Lê Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Kim cho rằng, cây mắc-ca trồng ở đây rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu. Cây mắc-ca là cây trồng mới, hy vọng thời gian tới loại cây này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Trong giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết nông sản hàng hóa tập trung của huyện Than Uyên xác định phát triển vùng nguyên liệu mắc-ca với quy mô 2.000ha và xây dựng 1 nhà máy chế biến mắc-ca tại huyện. Riêng kế hoạch năm 2021, huyện triển khai cho các doanh nghiệp đăng ký trồng mới tại xã Pha Mu (200ha), xã Mường Cang (50ha), xã Mường Mít (50ha). Hiện, các đơn vị đang triển khai công tác xây dựng hồ sơ, chuẩn bị địa bàn (phát thực bì, cuốc hố).

Nậm Lạnh phát triển trồng quýt chum

Quýt chum hiện đang là cây trồng đặc sản của xã biên giới Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, bởi chất lượng quả thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng. Loại cây này, đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.

Hiện, xã Nậm Lạnh đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ trồng quýt chum, nhằm xây dựng thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của xã.

 

quyt.jpg

Người dân bản Lọng Tòng thu hoạch quýt.

 

Theo đánh giá của lãnh đạo UBND xã Nậm Lạnh, cây quýt chum rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, quýt sau khi trồng mới từ 4-5 năm bắt đầu cho thu hoạch. Quýt chum Nậm Lạnh có hình thức đẹp, mọng nước, khi ăn có vị thơm, ngọt, nên được nhiều thương lái từ nhiều nơi đến tìm mua. Hiện, xã có trên 3 ha quýt chum; trong đó, có gần 2 ha đã cho thu hoạch, trồng tập trung chủ yếu tại bản Cang, Púng Tòng, Lọng Tòng..., năng suất bình quân đạt trên 8 tấn/ha, giá bán ra thị trường trung bình 40.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giống quýt thường.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xã đã lựa chọn cây quýt chum để nhân rộng và phát triển trên địa bàn; tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích giống quýt chum. Từ năm 2020 đến nay, đã có 82 hộ tại 7 bản đăng ký trồng quýt chum, với tổng diện tích gần 8 ha. Bên cạnh đó, để đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng, xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông phối hợp với các đoàn thể mở hàng chục lớp tập huấn hỗ trợ, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP; hướng dẫn người dân dùng phân hữu cơ thay thế phân hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; tận dụng chất thải gia súc ủ phân, kết hợp trộn vôi bột để bón, đảm chất lượng sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh tổ chức Hội thảo “Phát triển quýt chum và nuôi ong đàn lấy mật theo hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm” trên địa bàn xã giai đoạn 2020-2025 và tìm các giải pháp kỹ thuật, cải tạo nhân giống quýt chum Nậm Lạnh.

Ông Tòng Văn Piêng, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 về 2 khâu đột phá: “Phát triển quýt chum và nuôi ong đàn lấy mật theo hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm”. Bên cạnh việc tập trung hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc và mở rộng diện tích cây quýt, thời gian qua, xã còn vận động người dân góp vốn thành lập HTX sản xuất quả quýt chum theo quy trình VietGAP, liên kết với các đơn vị tiêu thụ, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm của người dân.

Năm 2025, Nậm Lạnh phấn đấu phát triển diện tích trồng quýt chum đạt trên 6 ha và hướng tới xây dựng quýt chum Nậm Lạnh trở thành sản phẩm OCOP; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ, tuyên truyền, vận động các hộ trồng cây quýt chum thành lập hợp tác xã để tạo ra hàng hóa tập trung, sản xuất theo quy trình VietGAP và liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

  • HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Top