Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 3 năm 2021 | 14:32

Tin NN Tây Bắc: Văn Yên "cất cánh" nhờ cây quế

Với diện tích 45.000 ha, huyện Văn Yên (Yên Bái) trở thành “thủ phủ” quế hàng hóa của cả nước. Loại cây chủ lực này đã mở ra cơ hội phát triển cho địa phương trên lộ trình phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

cay-que.jpg

Anh Bàn Văn Minh, thôn làng Câu, xã Tân Hợp khẳng định, mỗi ha quế có giá trị 1 tỷ đồng. Ảnh: Báo Yên Bái

 

Ở xã Tân Hợp, nhà anh Bàn Văn Minh, thôn Làng Câu là hộ có diện tích trồng quế lớn nhất xã với gần 60 ha. Anh Minh kể, từ khi 9,10 tuổi đã biết trồng quế. Đến nay, gần 40 tuổi, tính ra anh đã có thâm niên ba chục năm trồng quế. Anh Minh chia sẻ, giờ cứ mỗi ha quế có giá trị 1 tỷ đồng. Mấy năm nay, quế được giá nên tiền công làm các công việc "ăn theo" rất cao. Như nhà anh, vào mùa thu hoạch quế phải thuê lượng nhân công gần 20 người với mức tiền công thấp nhất là 250 nghìn đồng/người/ngày. Người già, trẻ con cũng đều có thể tham gia vào quy trình sơ chế với mức tiền công khá. Chẳng hạn, trẻ con đập cành cũng có công 100.000đ/ ngày; người già bẻ cọng lá cũng được 60.000 đồng/kg. Trong các công đoạn thì bóc vỏ quế có mức tiền công cao nhất, từ 500.000 đồng/người/ngày trở lên.

Chủ tịch UBND xã Tân Hợp Triệu Quốc Toản cho biết, nhờ cây quế, 80% số hộ trong tổng số gần 1.300 hộ tại xã được coi là "tỷ phú”, tức là có từ 1ha quế trở lên. Riêng thôn Làng Câu có trên 80% số hộ xây được nhà đẹp, kiên cố trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên. Cây quế đúng là cây đổi đời của người dân địa phương. "Bản thân mình cũng có 15ha quế. Nhờ quế mà có tiền mua ô tô, làm nhà kiên cố” - Chủ tịch xã Tân Hợp hào hứng nói thêm.

Tưởng rằng Tân Hợp là xã giàu nhất nhờ cây quế, nhưng điều chúng tôi thật sự bất ngờ khi được gặp Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Hà Đức Anh, mới biết, huyện còn nhiều xã giàu hơn… Theo Chủ tịch Hà Đức Anh, cây quế là loại cây trồng mang lại giá trị cao nhất cho người dân Văn Yên, với khoảng 500 tỷ đồng một năm, chiếm 23% tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.

Chủ tịch Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Hà Đức Anh cho biết thêm, cây quế đang lên ngôi nhưng huyện quyết định sẽ dừng ở diện tích 60.000 ha để không rơi vào tình trạng ế thừa và rớt giá sản phẩm. Phù hợp với xu thế chung, cây quế sẽ được tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ, từ khâu làm đất, sản xuất giống, chăm sóc đến thu hoạch để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Diện tích quế hữu cơ của Văn Yên nay đã là 25.000 ha, chiếm 63% tổng diện tích quế trên địa bàn.

Trong các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản, hữu cơ được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định có tên cây quế Văn Yên. Như vậy, quế Văn Yên sẽ được tỉnh, huyện tập trung lãnh đạo để hình thành vùng nguyên liệu chuyên canh theo chuỗi giá trị gắn với phát triển nhanh các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Can Hồ phát triển chăn nuôi đại gia súc

Xã Can Hồ (Mường Tè, Lai Châu) có 5 bản, 510 hộ, với trên 2.100 nhân khẩu, là nơi chung sống của 3 dân tộc: Si La, Hà Nhì, Mông. Trong những năm qua, Can Hồ xác định rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương, đưa ra định hướng phát triển chăn nuôi đại gia súc, từng bước chuyển từ chăn nuôi lấy sức kéo sang mục tiêu sản xuất thực phẩm hàng hóa, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, chăn nuôi theo hộ, nhóm hộ…

 

dai-gia-suc.jpg

Mô hình chăn nuôi bò của người dân bản Xì Thâu Chải, xã Can Hồ (huyện Mường Tè). Ảnh: Báo Lai Châu

 

Can Hồ đã phát huy tiềm năng về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, 5/5 bản hình thành các điểm chăn nuôi tập trung có truồng trại dưới tán rừng. Theo Chủ tịch UBND xã Can Hồ Lý Chà Lối: Theo kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của huyện, Can Hồ được quy hoạch là vùng phát triển chăn nuôi đại gia súc, chăn nuôi thủy sản, phát triển các loại cây công nghiệp như quế, mắc-ca và cây dược liệu; trong đó phát triển chăn nuôi đại gia súc là hướng đi chủ lực, tạo đà phát triển kinh tế.

Triển khai kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của huyện, xã Can Hồ cụ thể hóa bằng chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã là tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt trên 6,5%/năm. UBND xã chủ động xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp dựa trên kế hoạch của huyện, giao nhiệm vụ cho cán bộ chuyên môn của xã và các bản phát huy tối đa lợi thế của địa phương, chăn nuôi trâu, bò ở các vùng có diện tích rừng và đất tự nhiên rộng theo mô hình trang trại, nhóm hộ gia đình có điều kiện gắn với chủ động phòng chống, ngăn chặn các loại dịch bệnh.

Hòa Bình: Trồng gần 187.200 cây phân tán hưởng ứng Tết trồng cây

Sau Tết Nguyên đán, các địa phương trong tỉnh đã phát động phong trào Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Tân Sửu năm 2021 theo kế hoạch, gắn với đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 và tích cực hưởng ứng Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ.

 

trong-cay.jpg

Trại sản xuất giống cây trồng Bình Thanh (Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và thuỷ sản) ươm các loại cây giống phục vụ kế hoạch trồng cây, trồng rừng. Ảnh: Báo Hòa Bình

 

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến đầu tháng 3, toàn tỉnh đã trồng gần 187.200 cây phân tán, tăng 15.750 cây so với kỳ báo cáo trước. Các địa phương có số lượng trồng cây phân tán nhiều như: Huyện Lạc Thuỷ trồng được 33.000 cây, huyện Đà Bắc trồng gần 30.000 cây, huyện Mai Châu 21.330 cây, huyện Lạc Sơn trên 27.100 cây, huyện Cao Phong 18.300 cây, huyện Kim Bôi 17.500 cây…

Cùng với hưởng ứng Tết trồng cây, các địa phương đã chủ động rà soát hiện trường, chuẩn bị vật tư, vật liệu sản xuất giống cây lâm nghiệp phục vụ kế hoạch trồng mới trên 5.600 ha rừng tập trung trong năm 2021 và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng, phòng chống cháy rừng.

Yên Châu mở rộng diện tích cây ăn quả chất lượng cao

Thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, huyện Yên Châu đã tập trung mở rộng diện tích hình thành vùng chuyên canh, gắn với áp dụng sản xuất an toàn, từng bước tạo thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

yen-chau.jpg

Thành viên HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc (Yên Châu) kiểm tra sâu bệnh trên hoa xoài.

 

Với 3 ha vườn đồi, gia đình ông Nguyễn Văn Doanh, bản Cồn Hốt 1, xã Phiêng Khoài trồng 1.200 cây mận hậu. Ông Doanh cho biết: 3 năm trở lại đây, gia đình thu nhập trên 500 triệu đồng/năm từ vườn mận. Đây là nguồn thu chính, vì vậy gia đình đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc vườn mận, nâng cao năng suất, chất lượng quả, giá bán vì thế cũng cao hơn.

Ông Bùi Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài, cho biết: Toàn xã có hơn 1.200 ha mận hậu, chiếm 60% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, sản lượng 17.000 tấn quả/năm. Xã đã phối hợp các đơn vị chức năng hỗ trợ người dân áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc mận theo quy trình VietGAP; tăng cường giới thiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Hiện, trên địa bàn huyện Yên Châu có hơn 10.100 ha cây ăn quả (tăng 17,5% so với năm 2019). Trong đó có 567 ha được người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đã có 78 ha nhãn, 22 ha xoài được cấp mã số vùng trồng và 357 ha cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, liên kết với các đơn vị xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm sử dụng camera kết nối mạng Internet để theo dõi trực tiếp quy trình sản xuất.

Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tích cực tuyên truyền, vận động thành lập HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 53 HTX nông nghiệp, với gần 900 thành viên; một số HTX đã tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cây ăn quả với người dân, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP trong sản xuất và chế biến, như: HTX Phương Nam (xã Lóng Phiêng); HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc; HTX nông nghiệp Hoa Mơ (xã Yên Sơn); HTX Hương Xoài (xã Tú Nang)...

Đặc biệt, huyện đã tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, liên kết các chuỗi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thị trường Trung Quốc, Úc, Mỹ... Năm 2020, toàn huyện xuất khẩu 3.331 tấn xoài, 640 tấn nhãn, 50 tấn chanh leo, 240 tấn chuối; tổng giá trị xuất khẩu đạt 5,1 triệu USD.

Ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Hiện nay, huyện đang chỉ đạo phát triển sản xuất theo quy mô liền vùng, gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả cho người dân.

 

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top