Đồng bằng sông cửu Long là vựa lúa, vựa trái cây lớn nhất cả nước. Việc nhiều mặt hàng nông sản như: lúa, dừa xiêm, sầu riêng được giá khiến người trồng vui hay việc tìm hướng đi bền vững quả xoài An Giang khiến bà con yên tâm trồng theo hướng an toàn.
Dừa xiêm xanh đạt giá cao
Hiện nay, dừa khô phục vụ chế biến và dừa tươi dành cho nhu cầu giải khát ở một số tỉnh ở ĐBSCL đều tăng giá. Dừa xiêm xanh (loại tốt) thương lái mua tại vườn giá trên 110.000 đồng/chục (12 quả), dừa khô nhà vườn bán với giá từ 80.00- 100.000 đồng/chục quả, đây là mức giá cao nhất trong 1 năm qua. Nguyên nhân dẫn tới giá dừa tăng cao là do vừa qua những tháng mùa khô hạn nên đa số các vườn dừa năng suất thấp dẫn đến “ cầu vượt cung”, dừa khan hiếm, giá tăng.
Ở ĐBSCL có hơn 130.000 ha dừa thương phẩm, trong đó Bến Tre là tỉnh dẫn đầu diện tích về diện tích với hơn 70.000ha, sau đó là Trà Vinh, Tiền Giang. Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Dừa tỉnh Bến Tre, giá dừa thay đổi là biến động của thị trường thế giới. Để đảm bảo đầu ra ổn định cho trái dừa thì nhà vườn và doanh nghiệp cần nhân rộng mô hình liên kêt sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua các hợp tác xã,tổ hợp tác.
Ông Tuấn nhấn mạnh, có lúc giá dừa từ 70.000 - 130.000 đồng/chục quả, đem lại nguồn thu nhập cho nông dân rất khá. Để đảm bảo thu nhập ổn định, đề nghị bà con trồng dừa nên liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo về giá. Các doanh nghiệp cũng hỗ trợ tích cực cho các hợp tác xã, tổ hợp tác nào quyết tâm phát triển vừa trồng trọt và chế biến để tăng thu nhập cho bà con.
Người trồng lúa thu lãi khoảng 50 triệu đồng/ha
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, vụ lúa Đông xuân 2020-2021, tỉnh Hậu Giang gieo sạ hơn 77.000 ha. Đến nay, đã thu hoạch song, nông dân vui với niềm vui thắng lợi vì lúa trúng mùa, trúng giá
Nhờ điều kiện sản xuất thuận lợi, không bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn xâm nhập nên lúa trúng mùa, năng suất đạt bình quân hơn 7,8 tấn/ha, tăng 0,2 tấn/ha so với so với vụ lúa đông xuân trước. Trong đó, huyện Long Mỹ là địa phương có năng suất lúa đông xuân bình quân cao nhất tỉnh khi đạt 8 tấn/ha, các địa phương còn lại năng suất lúa dao động từ 7,5-7,9 tấn/ha.
Bên cạnh năng suất lúa tăng thì giá lúa cũng ở mức cao dao động từ 6.000-7.400 đồng/kg (tùy giống), tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Với giá bán này sau khi trừ chi phí nông dân lãi khoảng 50 triệu đồng/ha, đây được xem là mức lợi nhuận cao nhất trong hơn 10 năm qua.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hậu Giang, nhận định, vụ lúa năm nay ít sâu bệnh nên chi phí đầu vào tương đối thấp. Trong khi đó, giá lúa lại rất cao, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước, nên người nông dân có lợi nhuận cao.
Sầu riêng giảm giá vẫn ở mức cao
Hiện, sầu riêng đang vào vụ thu hoạch nên nguồn cung tăng. Tuy nhiên, giá bán tại TP. Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ÐBSCL giảm 5.000-10.000 đồng/kg so cách nay hơn 1 tháng, nhưng vẫn cao hơn khoảng 10.000-20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020. Các loại sầu riêng hạt lép như: Ri 6, Mỏn Thon… bán cho thương lái với giá 48.000-55.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm trước giá chỉ 30.000-40.000 đồng/kg. Còn giá bán lẻ các loại sầu riêng hạt lép trên thị trường đang phổ biến từ 75.000-90.000 đồng/kg.
Thu hoạch sầu riêng ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.
Theo một số tiểu thương, hiện không chỉ vùng ÐBSCL thu hoạch rộ sầu riêng mà các tỉnh như: Ðồng Nai, Bình Dương… cũng vào vụ thu hoạch chính vụ nên giá giảm. Tuy nhiên, năm nay sầu riêng không trúng mùa như năm trước nên bán được giá cao hơn. Ngoài ra, nguồn cung trái sầu riêng tại tỉnh ven biển thuộc vùng ÐBSCL như: Bến Tre, Tiền Giang… cũng giảm đáng kể do ảnh hưởng hạn mặn làm nhiều diện tích vườn cây bị thiệt hại, nông dân phải đốn bỏ cây.
Để quả xoài An Giang vươn xa
Hiện, An Giang có gần 10.000ha chỉ đứng sau tỉnh Ðồng Tháp. Xoài đang vào mùa thu hoạch rộ nên giá các loại xoài keo, xoài ba màu, xoài cát Hòa Lộc… giảm nhẹ so với cùng kỳ những năm trước. Nay đã có hơn 60% nhà vườn trồng xoài áp dụng kỹ thuật bao trái, giúp trái xoài nâng cao chất lượng.
Ông Trần Phước Ðường, ở ấp Tân Phước, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, cho biết, gia đình có 10 công xoài cát Hòa Lộc, thay vì trước đây trồng theo truyền thống chỉ cho thu nhập 160-170 triệu đồng/năm. Hai năm nay gia đình áp dụng trồng xoài theo kỹ thuật mới có bao trái giúp tăng năng suất và bán được giá cao hơn, thu nhập từ 210-220 triệu đồng/năm.
Còn theo ông Huỳnh Thanh Minh, Giám đốc HTX Long Bình, cho biết, HTX vừa mua vào 10 tấn xoài keo để giao cho các doanh nghiệp đặt hàng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu qua các nước đòi hỏi chất lượng cao như Hàn Quốc, Úc, Nhật… HTX thu hút được 25 xã viên tham gia, diện tích liên kết trồng xoài keo trên địa bàn huyện An Phú khoảng 90ha. Các nông dân tham gia liên kết với HTX đều tuân thủ tốt quy trình canh tác an toàn, đảm bảo trái xoài không nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hoạt chất cấm.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nhiệp và PTNT tỉnh An Giang, cho biết, đối với các vùng đất sản xuất lúa kém hiệu quả, tỉnh chủ trương chuyển đổi sang rau màu, cây ăn trái. Ðến nay, diện tích cây ăn trái của tỉnh đạt hơn 13.000ha, chủ yếu là xoài, chuối, bưởi, cam, quýt… Nông dân canh tác xoài đạt lợi nhuận cao hơn nhiều mô hình khác. Ðối với những vùng chuyên canh xoài tỉnh hỗ trợ hạ tầng, hệ thống thủy lợi, hướng nông dân trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ nông dân đạt chứng nhận chất lượng để xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ… Ðồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến, liên kết tiêu thụ xoài theo hướng bền vững, hạn chế rủi ro khi lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Theo ông Lâm, hiện An Giang đã cấp mã code đạt tiêu chuẩn cho xoài xuất khẩu trên 20 mã, với tổng diện tích gần 300ha. Để phát triển thương hiệu xoài An Giang xuất khẩu, thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng xoài (mã code) tại những nơi chưa có mã code.
Năm 2020, diện tích xoài trong toàn tỉnh An Giang gần 9.700ha, trong đó có khoảng 7.700ha xoài 3 màu (xoài Ðài Loan). Hiện nay, có khoảng 7.000ha xoài đang cho trái với sản lượng khoảng 95.000 tấn/năm, trong đó vụ chính chiếm 70-80% sản lượng, vụ muộn chiếm 20-30% sản lượng. Diện tích xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên 200ha, sản lượng khoảng 1.900 tấn/năm.
An Giang đang tập trung đẩy mạnh thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, nhằm chuyển đổi sản xuất, thích nghi với điều kiện thực tế, khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp. Giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 31.130ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái. Các mô hình chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trước đây, trong đó, mô hình trồng xoài có thể đạt lợi nhuận từ 500-600 triệu đồng/ha sau 3 năm đầu tư.
Việc người dân chủ động thay đổi phương thức sản xuất, sản xuất theo hướng an toàn, liên kết với các XTH, doanh nghiệp sản xuất, thu hái, chế biến, xuất khẩu sẽ tạo sự ổn định cho đầu ra của sản phẩm, kéo theo đó giá bán cũng cao, ổn định hơn. Đây Là hướng đi bền vững, các tỉnh ĐBSCL cần nhân rộng ra nhiều mặt hàng nông sản khác, từ đó hạn chế thấp nhất việc giải cứu.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.