Việc trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế rừng trồng, góp phần phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu được nhiều địa phương chú trọng.
Từ trồng rừng thâm canh ở Lào Cai
Những năm qua, người dân huyện Bảo Thắng (Bảo Thắng, Lào Cai) đã có chuyển biến tích cực trong kỹ thuật canh tác rừng sản xuất. Nông dân đã chuyển dần từ trồng rừng quảng canh phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên sang đầu tư thâm canh. Các công đoạn chọn lọc, gieo ươm giống được chuẩn bị kỹ. Sau khi trồng chú trọng khâu chăm sóc, bón phân đúng kỹ thuật, nhờ đó rừng phát triển nhanh, sinh khối lớn.
Trước đây, gia đình ông Trần Quốc Bình ở thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà trồng rừng theo kiểu “nhờ trời” - chỉ trồng xuống đất rồi chờ thu hoạch, không bón phân, ít chăm sóc, tỷ lệ cây sống thấp, sinh trưởng không đồng đều, chu kỳ khai thác kéo dài và năng suất rừng không cao. Nguồn thu từ việc trồng rừng không đáng kể nên gia đình ông ít chuyên tâm với việc trồng rừng. Năm gần đây, ông đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng rừng ở huyện Bắc Hà (Lào Cai), huyện Văn Yên (Yên Bái) và đúc rút được kinh nghiệm rằng, 2 yếu tố quan trọng nhất trong trồng rừng đạt hiệu quả kinh tế cao là giống tốt và chăm sóc đúng quy trình.
Áp dụng những kinh nghiệm tích lũy được vào sản xuất, đến nay, gia đình ông Bình có hơn 40 ha rừng quế xanh tốt. Ông Bình tâm sự: Điều đầu tiên phải chọn cây giống tốt. Thứ hai chú trọng các khâu trồng và chăm sóc từ xử lý thực bì, đào hố, bón lót, trồng đúng mật độ, đến định kỳ làm cỏ, bón phân cho cây. Đầu tư trồng rừng thâm canh chi phí trong 5 năm khoảng 10 đến 15 triệu đồng/ha (còn trồng rừng quảng canh khoảng 2 đến 3 triệu đồng/ha), nhưng lợi nhuận gấp 1,5 lần so với trồng rừng quảng canh.
Theo tính toán của các chuyên gia lâm nghiệp, nếu cùng trồng rừng chu kỳ 7 năm với loại gỗ thông thường, mỗi ha canh tác theo phương pháp thâm canh cho giá trị từ 50 đến 70 triệu đồng, còn canh tác đơn thuần (quảng canh) chỉ cho thu từ 30 đến 40 triệu đồng. Thấy rõ hiệu quả đó, những năm qua, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng theo phương pháp thâm canh.
Khi trồng rừng thâm canh, các biện pháp kỹ thuật được tiến hành đồng bộ, từ phát, đốt, dọn thực bì tiêu diệt mầm bệnh; cây giống còn nguyên bầu đất, ươm trên 5 tháng tuổi, sạch bệnh; mật độ trồng thích hợp là 1.600 đến 2.000 cây/ha; đến việc phân bón lót, bón thúc hằng năm có cả phân chuồng và phân NPK; khâu làm đất phải chú ý cải tạo được địa hình có lợi cho việc giữ và thấm nước. Nông dân còn đưa cơ giới vào các khâu trong sản xuất lâm nghiệp như cày đất, đào hố, vận chuyển cây giống, phân bón, nhiều hộ còn lắp máy bơm tưới nước cho cây mới trồng. Nhờ đó, tỷ lệ sống của phương pháp trồng rừng thâm canh đạt gần 100%, cây sinh trưởng và phát triển nhanh. Bên cạnh các biện pháp trồng và chăm sóc cho cây rừng sinh trưởng và phát triển tốt, các biện pháp bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng cũng được quan tâm, như làm đường ranh cản lửa, thường xuyên thăm rừng, kịp thời ngăn chặn các tình huống gây cháy rừng có thể xảy ra.
So với trồng rừng quảng canh, lợi nhuận từ trồng rừng thâm canh cao hơn từ 1,5 đến 2 lần tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Điều này có được là do chu kỳ trồng rừng thông thường được rút ngắn từ 10 năm xuống còn 5 đến 7 năm, trong khi năng suất tăng gần 1,5 lần so với trồng rừng quảng canh.
Với việc thực hiện giải pháp trồng rừng thâm canh dựa trên cơ sở áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp và liên hoàn, không chỉ nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, mà còn bồi dưỡng được chất đất, đảm bảo sản xuất an toàn, môi trường đất không bị khai thác cạn kiệt, từ đó bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu trồng rừng ổn định lâu dài và bền vững.
Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương, để trồng rừng thâm canh trên quy mô lớn cũng gặp những khó khăn như: Hầu hết diện tích rừng thường ở xa khu dân cư, việc vận chuyển phân bón, chăm sóc rừng tốn nhiều công; các hộ trồng rừng kinh tế còn khó khăn, nên chưa có vốn đầu tư chăm sóc rừng thường xuyên.
Lào Cai có hơn 378.000 ha đất có rừng, trong đó diện tích rừng trồng sản xuất hơn 110.000 ha. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng thâm canh không nhiều nên năng suất rừng trồng đạt thấp. Hiện giá trị rừng trồng đạt khoảng 35 triệu đồng/ha/năm, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 2.355 tỷ đồng/năm, trong khi con số này có thể tăng thêm nhiều lần nếu thâm canh rừng tốt.
Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để khai thác tốt thế mạnh về lâm nghiệp, nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng thì đầu tư thâm canh rừng là giải pháp tối ưu. Trong đó, đối với cây quế, loài cây đang chiếm ưu thế trong trồng rừng sản xuất thì ngoài trồng đúng kỹ thuật, thì cần trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ để cho giá trị bền vững; đối với các loài cây lấy gỗ (keo, mỡ, bạch đàn, xoan...) cần chú trọng trồng theo tiêu chuẩn FSC nhằm nâng cao giá trị rừng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Cùng với đó cần triển khai nhiều giải pháp thiết thực và đồng bộ, trong đó cần có cơ chế và chính sách phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích người dân tự nguyện đầu tư, chăm sóc rừng. Cần có chính sách giúp người trồng rừng tiếp cận vốn, khoa học - kỹ thuật, thị trường… để họ yên tâm sản xuất. Người dân cũng cần chủ động, linh hoạt trong sản xuất để nâng cao thu nhập.
Đến mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn hiệu quả ở Yên Bái
Bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Yên Bái đã triển khai “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống bạch đàn lai mô được công nhận”. Trung tâm tiến hành rà soát, triển khai thực hiện mô hình trồng mới năm 1 và mô hình chăm sóc năm thứ 2.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái (bên trái) kiểm tra mô hình chăm sóc bạch đàn năm thứ 2 ở xã Vũ Linh, huyện Yên Bình. Ảnh: Báo Yên Bái
Với mô hình trồng mới năm 1 (trồng năm 2021), Trung tâm đã xây dựng 55 ha trồng bạch đàn lai mô giống GLGU9, GLSE9, Cự vĩ DH32-29 với 40 hộ tham gia ở 3 xã: Đại Đồng, Bảo Ái, Tân Nguyên của huyện Yên Bình. Với mô hình chăm sóc năm thứ 2 (trồng năm 2020), đơn vị đã thực hiện chăm sóc 40 ha trồng bạch đàn lai mô giống GLGU9, GLSE9, Cự vĩ DH32-29 ở 30 hộ của xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên và xã Vũ Linh, huyện Yên Bình. Điểm xây dựng mô hình trình diễn nằm trong vùng quy hoạch phát triển trồng cây lâm nghiệp của địa phương, ưu tiên quỹ đất bố trí liền kề tập trung, liền khoảnh, gần đường giao thông, thuận tiện cho tham quan học tập.
Các hộ tham gia mô hình có quỹ đất nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây lâm nghiệp, tự nguyện xin tham gia mô hình, có đủ điều kiện về kinh tế và nhân lực; có khả năng tiếp thu tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong quá trình trồng rừng; cam kết thực hiện theo đúng yêu cầu kỹ thuật của dự án; hộ nông dân chưa nhận hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào từ ngân sách Nhà nước cho cùng một nội dung của mô hình.
Đồng thời, các hộ tham gia mô hình cam kết tuân thủ quy trình kỹ thuật, không chuyển nhượng vật tư được hỗ trợ dưới mọi hình thức... Mô hình áp dụng quy trình kỹ thuật trồng bạch đàn mô, chu kỳ sản xuất phải đảm bảo đạt 10 năm trở lên, sản phẩm chủ lực là gỗ xẻ và cây giống được chọn 1 trong số các dòng bạch đàn lai mô: GLGU9, GLSE9, GLU6, Cự vĩ DH32-29.
Công tác tập huấn cho các hộ thực hiện mô hình theo các phương pháp như lấy người học làm trung tâm, thuyết trình có hình ảnh minh họa, thảo luận nhóm, cầm tay chỉ việc kết hợp thực hành trồng, chăm sóc. Vật tư đã được hỗ trợ cho các hộ tham gia mô hình bảo đảm 100% theo yêu cầu của hợp đồng, định mức kinh tế kỹ thuật và Nhà nước hỗ trợ 100% giống, phân bón.
Đến nay, với mô hình trồng mới năm 1, toàn bộ các hộ tham gia đã trồng, trồng dặm đúng quy trình hướng dẫn. Hiện tại, cây trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt, độ đồng đều cao, chiều cao cây trung bình đạt 4,5 m, đường kính gốc bình quân đạt 4,4 cm, tỷ lệ sống đạt 95%. So sánh với mô hình đại trà trồng bằng giống cũ cho thấy, cùng thời điểm trồng, chế độ chăm sóc như nhau, bạch đàn lai mô giống mới sinh trưởng và phát triển nhanh hơn, chiều cao vượt trội từ 30 - 50 cm, rừng trồng không bị sâu bệnh hại.
Đối với mô hình chăm sóc năm thứ 2, toàn bộ các hộ đã chăm sóc đúng quy trình hướng dẫn, hiện tại cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, độ đồng đều cao, chiều cao cây trung bình đạt 8,0 m, đường kính gốc bình quân đạt 7,9 cm, tỷ lệ sống đạt 95%, rừng trồng chưa thấy xuất hiện sâu bệnh hại.
So sánh với mô hình đại trà trồng cùng thời điểm cho thấy, cây bạch đàn trong mô hình có tốc độ phát triển nhanh, độ đồng đều cao, không có hiện tượng chết và mất khoảng như một số giống cũ, giống đã bị thoái hóa tại địa phương. Đặc biệt, mùa đông năm 2021 rét sớm hơn mọi năm nhưng cây vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng đều ở các tháng và kháng sâu bệnh tốt.
Kết quả ban đầu của mô hình đã tác động rõ rệt, làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng giống mới, giống rõ nguồn gốc và có đầu tư thâm canh rừng. Mô hình bước đầu đã đạt được kết quả tốt, là điểm cho nông dân các địa phương khác học tập.
Các hộ tham gia mô hình nắm vững phát triển rừng trồng sản xuất quy mô hộ gia đình theo hướng quản lý rừng bền vững, hướng đến chứng chỉ rừng FSC. Các hộ ngoài mô hình cũng nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bạch đàn mô; trên 50% số hộ sau tập huấn có thể áp dụng nhân rộng vào sản xuất và biết cách quản lý rừng bền vững theo hướng FSC.
Mô hình đã giúp các hộ nông dân biết đầu tư trồng rừng gỗ lớn thâm canh giống cây bạch đàn lai mô hiệu quả, bền vững thông qua tập huấn kỹ thuật, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong trồng, chăm sóc rừng trồng. Đồng thời, mô hình bổ sung cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông - lâm nghiệp.
Mô hình hướng các hộ chuyển dịch từ trồng, kinh doanh rừng gỗ nhỏ sang trồng thâm canh rừng gỗ lớn, giúp sản phẩm thu được có chất lượng, giá trị cao hơn, đem lại thu nhập cao hơn cho người dân trong một luân kỳ trồng rừng.
Phú Yên kỳ vọng "đổi đời" nhờ mô hình thâm canh gỗ lớn
Trong 2 năm (2020 - 2021), Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp thực hiện “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô được công nhận” tại các xã đặc biệt khó khăn như xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân; các xã Cà Lúi, Sơn Hội và Sơn Phước, huyện Sơn Hòa, với tổng diện tích 90 ha. Loại giống sử dụng là các dòng keo nuôi cấy mô được công nhận gồm AH1, BV75. So với canh tác rừng truyền thống, hiệu quả kinh tế từ mô hình này được đánh giá là tương đương và có phần cao hơn. Nguyên nhân là nhờ giảm lượng giống trồng, giảm chi phí công trồng, bón phân, chăm sóc…
Đoàn Công tác Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia kiểm tra mô hình thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô "được công nhận" tại xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Nhiều người dân ở tỉnh Phú Yên tham gia các dự án mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn khi mới bắt đầu tham gia rất băn khoăn. Bởi theo người dân, thời gian để thu hoạch cây gỗ lớn lâu và rủi ro cao. Đó là chưa kể dịp cuối năm thường mưa bão, cây keo hay đổ ngã nên nhiều người lo ngại. Ông Trần Tâm, trú thôn Phú Sơn, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân cho biết, ông tham gia trồng rừng gỗ lớn với diện tích 2,7 hecta. Cây trồng đã một năm đang phát triển tốt, chịu hạn và chống chọi được gió nên rất an tâm.
“Cây keo giống này tốc độ phát triển tốt hơn cây keo trồng bình thường, bây giờ thấy cũng đạt. Chăm sóc đúng kỹ thuật cây phát triển nhanh. Nói chung đất của gia đình tôi cây keo phát triển bình thường, những chỗ khác cây to hơn và cao từ 4 đến 5m. Mình trồng cây đạt năng suất, sau này bán giá cao hơn cây bình thường”, ông Trần Tâm nói.
Ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân cho biết, cả xã có 14 hộ dân tham gia trồng rừng gỗ lớn với diện tích 30 ha. Cây phát triển rất tốt, chính vì thế, nhiều người dân đã dần thay đổi nhận thức về trồng rừng gỗ lớn. Để mô hình trồng rừng gỗ lớn phát triển bền vững, UBND xã Xuân Quang 2 đã cử cán bộ phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh theo dõi sự sinh trưởng của cây keo. Hiện nay, giống keo AH1 đã trồng có tốc độ phát triển gấp 1,5 lần cây keo bình thường.
“Bà con còn khó khăn nữa là thời gian, mật độ thưa, thu hoạch chu kỳ thời gian 8 đến 10 năm, bà con ở đây chủ yếu 5 năm là chính. Cho nên cũng vận động bà con là hiệu quả mô hình thâm canh gỗ lớn này chúng ta bán gỗ có giá trị hơn. Địa phương cũng cố gắng vận động bà con làm sao đánh giá được hiệu quả được mô hình này so với mô hình khác”, ông Nguyễn Văn Khương cho biết.
Ông Nguyễn Hoàng Tiệp, cán bộ Viện Khoa học Lâm nghiệp, Chủ nhiệm mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô “được công nhận” cho biết, mật độ trồng rừng gỗ lớn thưa hơn rất nhiều so với cây keo trồng bình thường. Nếu cây trồng đạt năng suất tốt, cây từ 7 đến 8 tuổi sẽ đạt hơn 200 m3/hecta.
“Mô hình này mật độ là 1.660 tức là 2m x 3m, bà con có thể trồng khoảng cách 2.5m x 2.5 m. Khác với khu vực miền Trung trở vào là bà con trồng 3.000 đến 4.000 cây/hecta. Tức là người ta mua cây giống giá rẻ trồng 3 đến 4 năm rồi chặt luôn. Do vậy, mô hình này khác biệt hoàn toàn. Nếu như anh trồng dày, trồng nhanh như thế năng suất thấp là một, đất nhanh thối hóa là hai, thứ 3 là giống thoái hóa rất dễ gây ra sâu bệnh. Mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng giống keo lai mô cải thiện toàn bộ”, ông Nguyễn Hoàng Tiệp cho hay.
Tại tỉnh Phú Yên, nhân công ngành nông, lâm nghiệp ngày càng khan hiếm, nhất là trong giai đoạn trồng, thu hoạch. Việc phát triển trồng rừng thâm canh gỗ lớn sẽ giảm bớt diện tích trồng keo, giảm áp lực công lao động lúc trồng, thu hoạch keo. Việc phát triển trồng rừng gỗ lớn, sản phẩm sẽ phục vụ nhu cầu gỗ sản xuất tại địa phương cũng như cả nước, giảm áp lực khai thác gỗ từ rừng tự nhiên, từ đó góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.
PGS. TS. Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô tại tỉnh Phú Yên bước đầu phát triển rất tốt, địa phương và người dân tham gia mô hình phải đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật trong việc chăm sóc cây keo.
“Chúng ta phải trồng thưa, muốn đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh thì phải thâm canh, tức là phải có bón phân. Trước đây, trồng rừng không có khái niệm bón phân, nhưng ở đây đã bón thì gọi là thâm canh. Bên cạnh đó, các biện pháp chăm sóc bổ trợ là kỹ thuật phát dọn, tỉa, dặm. Mặc dù mới một năm, nhưng thấy cây rất đồng đều và sinh trưởng, phát triển tốt, chắc chắn chúng tôi nghĩ mô hình mang lại hiệu quả cao trong những năm tới”, PGS. TS. Lê Quốc Thanh cho biết thêm.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.