Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc giao thương với các đối tác phía Trung Quốc bị ngừng trệ, hơn 1.000 tấn chuối quả Mường Khương (Lào Cai) đứng trước nguy cơ không tiêu thụ được.
Nghẽn đầu ra
Mường Khương được coi là “thủ phủ” của cây chuối với diện tích, sản lượng lớn nhất tỉnh. Tháng 8, thời gian thu hoạch chuối chính vụ đã kết thúc, chỉ còn một phần nhỏ diện tích cuối vụ cho thu hoạch rải rác ở các địa phương.
Đúng thời điểm này, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc giao thương với các đối tác phía Trung Quốc bị ngừng trệ, hơn 1.000 tấn chuối quả đứng trước nguy cơ không tiêu thụ được.
"Khi nghe thông tin phía Trung Quốc tạm ngừng thu mua chuối quả, tôi rất lo lắng vì chuối đã đến giai đoạn cho thu hoạch, quả đã to, căng đầy, không để được lâu. Nếu phía Trung Quốc không thu mua thì cũng không có cách nào tháo gỡ. Thậm chí, chỗ chuối này có thể sẽ phải đổ bỏ", ông Phàn Văn Minh (thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai).
Nông dân xã Lùng Vai chăm sóc chuối. Ảnh: Báo Lào Cai
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, trên địa bàn huyện hiện có hơn 1.300 ha chuối, trong đó diện tích cho thu hoạch là 1.120 ha. Dự kiến trong năm 2021, tổng sản lượng chuối của huyện đạt trên 28.000 tấn. Thị trường tiêu thụ chuối chủ yếu là Trung Quốc với 90% sản lượng được xuất khẩu chính ngạch, 10% tiêu thụ nội địa.
Hiện, phía Trung Quốc đang tạm dừng thu mua. Chỉ trong vòng 1 tuần đầu tháng 8, đã có khoảng 150 tấn chuối chín phải bỏ, thiệt hại khoảng 600 triệu đồng. Nếu thị trường này tiếp tục không nhập khẩu quả chuối trong tháng 8/2021 thì sản lượng tồn lên tới 1.370 tấn, dự kiến thiệt hại hơn 4 tỷ đồng. |
Xã Lùng Vai hiện có 294 ha chuối, trong đó có 50 ha trong giai đoạn cho thu hoạch. Đây là xã có sản lượng chuối quả tồn lớn nhất huyện với khoảng 450 tấn nếu thị trường Trung Quốc tiếp tục dừng nhập khẩu trong tháng 8.
Theo ông Nguyễn Tiến Lượng, Chủ tịch UBND xã Lùng Vai, hiện vẫn chưa có phương án khả thi để tìm đầu ra cho sản lượng chuối dự kiến bị tồn khi phía Trung Quốc dừng thu mua trong thời gian tới. Trước mắt, xã đã liên hệ với các cơ quan chuyên môn như Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Hội Nông dân huyện với mong muốn các cơ quan có thể kết nối tìm thị trường tiêu thụ cho bà con.
“Về lâu dài, chúng tôi có định hướng giảm dần diện tích trồng chuối vì giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm này rất bấp bênh, thiếu ổn định. Chúng tôi khuyến khích người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng đã có đầu ra ở thị trường nội địa, đặc biệt là cây chè với mục tiêu hướng đến sản xuất có liên kết bền vững hơn”, ông Lượng nói.
Nông dân xã Bản Lầu thu hoạch chuối. Ảnh: Báo Lào Cai
Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Châu Thịnh Phong, đơn vị thu mua, xuất khẩu hầu hết sản lượng chuối của huyện Mường Khương thời điểm này như ngồi trên đống lửa. Theo ông Hùng, nếu tình trạng “đóng cửa” kéo dài thì hợp tác xã đứng trên bờ vực phá sản do chuối không thể xuất bán trong khi vẫn phải duy trì nhân công, số vốn đầu tư vào cây chuối cũng rất lớn. Ngoài việc tiêu thụ chuối cho bà con, hợp tác xã còn 60 ha chuối tại thôn Na Vai, xã Bản Sen dự kiến cho thu hoạch trong tháng 8. Đồng nghĩa với đó, hơn 300 tấn chuối có nguy cơ phải đổ bỏ vì không thể xuất khẩu. Để duy trì sản lượng chuối cung cấp cho đối tác, ông Hùng đã điều chỉnh thời vụ, để chuối cho thu hoạch đồng loạt vào thời điểm cuối vụ nên việc tạm dừng giao dịch với Trung Quốc khiến hợp tác xã thiệt hại nặng nề.
Tại xã Bản Sen, nếu phía Trung Quốc dừng thu mua kéo dài trong tháng 8 thì sẽ có khoảng 400 tấn chuối quả không tìm được đầu ra. Tương tự, các xã lân cận như Bản Lầu sẽ tồn khoảng 200 tấn, Nậm Chảy 200 tấn và Thanh Bình khoảng 120 tấn.
Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, từ ngày 5/8/2021, phía Trung Quốc tạm dừng thu mua hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có sản phẩm chuối quả của huyện Mường Khương và chưa có lịch thu mua trở lại. Trước nguy cơ gần 1.400 tấn chuối quả bị tồn, huyện Mường Khương kiến nghị với tỉnh đề xuất với Bộ Công Thương tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối thị trường; giới thiệu các kênh tiêu thụ nông sản trên cả nước, trong đó có sản phẩm chuối quả của huyện Mường Khương nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung. Đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động cơ quan, tổ chức, cá nhân ưu tiên sử dụng sản phẩm chuối quả. Huyện Mường Khương cũng đề nghị UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia tiêu thụ sản phẩm nông sản, miễn, giảm lãi suất vốn vay của doanh nghiệp, hợp tác xã; hỗ trợ cước vận chuyển hàng nông sản…
Tháo gỡ khó khăn
Để tháo gỡ khó khăn cho người dân trồng chuối, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương, Sở Ngoại vụ và các cơ quan quản lý tại cửa khẩu tiếp tục trao đổi (bằng công hàm hoặc hội đàm trực tuyến) thông qua các kênh đề nghị phía Trung Quốc sớm tháo gỡ khó khăn cho việc thông quan mặt hàng chuối quả của Lào Cai.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ chuối quả của tỉnh Lào Cai tìm kiếm các thị trường mới. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, thu hoạch, bảo quản nông sản đảm bảo an toàn dịch bệnh, kéo dài thời gian chăm sóc, thu hái, bảo quản trên cây để giảm áp lực tiêu thụ; hỗ trợ doanh nghiệp/HTX trong việc quảng bá tiêu thụ các sản phẩm sau chế biến. Quy hoạch diện tích trồng chuối phù hợp với nhu cầu tiêu thụ ổn định của doanh nghiệp và có hướng chế biến bảo quản được lâu dài.
Giao Sở Giao thông vận tải - Xây dựng hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp vận tải, kinh doanh vận tải, kinh doanh sản xuất nông sản về phương án hoạt động vận chuyển hàng hóa vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo hỗ trợ lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai; hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng chuối trong việc đăng ký phương tiện vận chuyển vào luồng xanh để tạo điều kiện cho việc lưu thông sản phẩm chuối đi các tỉnh, thành phố được thuận lợi. Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tham mưu ưu tiên tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho lực lượng lái xe vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp và những người thu gom nông sản trên địa bàn tỉnh vào danh sách được tiêm chủng theo đợt tiêm chủng tỉnh phê duyệt.
Các cơ quan thông tin truyền thông, cơ quan, tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh thông tin, giới thiệu quảng bá nông sản của tỉnh Lào Cai (trong đó có chuối quả) để người dân được biết và tin tưởng tiêu dùng. Tuyên truyền nhân dân chung tay hỗ trợ tiêu thụ chuối quả bằng cách: Giới thiệu các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiêu thụ chuối cho nhân dân hoặc ưu tiên sử dụng sản phẩm chuối quả trong các bữa ăn thay thế các sản phẩm quả tươi khác.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai xem xét, đề xuất cấp có thẩm quyền trong việc giãn nợ, giảm lãi, phí cho các tổ chức, hộ gia đình, hợp tác xã vay vốn sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất chuối quả nói riêng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19; đồng thời hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất chuối quả được tiếp cận với các khoản vay ưu đãi, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
"Tôi có kinh nghiệm giao dịch với các đối tác bên Trung Quốc nhiều năm nên vào thời điểm này không còn phương án nào khả thi hơn là chờ đợi thị trường mở cửa trở lại. Các bạn hàng phía Trung Quốc của tôi vẫn có nhu cầu mua chuối và cũng đang chờ đợi việc mở cửa trở lại. Chuối tại Mường Khương chủ yếu là chuối cấy mô, không phải thị hiếu của thị trường nội địa nên rất khó để tiêu thụ trong nước", ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Châu Thịnh Phong cho biết. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…