Đó là khẳng định của ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang.
* “Vải thiều Bắc Giang đã chuẩn bị điều kiện tốt nhất để xuất ngoại”
Theo ông Tấn, truy xuất nguồn gốc là việc làm bình thường, thường xuyên của Bắc Giang, chỉ khác quy trình, làm theo bộ thủ tục hành chính mới của Công ty TNHH Giám định Trung Quốc (CCIC). Tới đây, Sở sẽ có buổi làm việc cụ thể với CIC Việt Nam để nắm rõ bộ tủ tục hành chính mà nước bạn yêu cầu.
Truy xuất là tất yếu
Từ ngày 1/4/2018, hoa quả Việt Nam khi xuất khẩu sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), phải tuân thủ các quy định về nhãn mác xuất xứ. Từ 1/5, bắt đầu chính thức kiểm tra tem, nếu không đạt tiêu chuẩn quy định sẽ hủy bỏ. Theo đó, toàn bộ hoa quả nhập khẩu vào đây phải có tem bằng tiếng Hoa hoặc tiếng Anh. Nội dung tem gồm: Tên công ty, tên mặt hàng, mã số đăng ký vườn hoa quả, mã số đăng ký nhà máy đóng gói, xuất khẩu sang nước nào, xuất xứ, mã vạch…
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết, vải thiều Lục Ngạn cơ bản đáp ứng 6/7 tiêu chuẩn theo yêu cầu của tỉnh Quảng Tây. Bây giờ chỉ còn mã vạch do CCIC cấp. Về tên doanh nghiệp thì doanh nghiệp tự làm. Tên hàng hóa thì chúng tôi đã có chỉ dẫn địa lý, có nhãn hiệu tập thể đủ điều kiện để đăng ký tên hàng hóa xuất khẩu. Về quy trình sản xuất, huyện có 11.000ha/15.290ha sản xuất theo quy trình VietGAP.
“Chất lượng và truy xuất nguồn gốc vải thiều của Lục Ngạn đều có thể truy xuất được nguồn gốc qua tem truy xuất nguồn gốc của VNPT. Mỹ đã cấp 18 mã vùng sản xuất theo GlobalGAP, do đó đủ điều kiện xuất khẩu. Bây giờ phải xem phía Trung Quốc đòi hỏi cấp mã vạch như thế nào, họ cấp cho HTX, cấp theo quy mô tổ hợp tác xã hay cấp theo chỉ giới hành chính. Từ đó, huyện sẽ chỉ đạo đáp ứng được yêu cầu của họ”, ông Bình nói.
Ông Bình cho biết thêm, chất lượng vải thì đảm bảo nhưng khâu kết nối tiêu thụ giữa các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Hiện nay, chủ yếu thương nhân tự liên hệ với các chủ vườn để thu mua đưa đi tiêu thụ. Khâu kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc còn yếu nên chưa làm rõ được phần thủ tục nào là của doanh nghiệp Trung Quốc, phần nào thuộc về trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam giải quyết, phần nào là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, phần nào của các chủ hộ...
Cùng với đó, tiêu thụ có nhiều áp lực về sản lượng, 50% sản lượng tiêu thụ trong nước, còn lại là xuất khẩu. Phần lớn sản lượng xuất sang Trung Quốc, trong đó 70% xuất vào Quảng Tây. Một số nơi còn sản xuất nhỏ lẻ, kinh phí để cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cao nên bà con gặp khó khăn.
Đại diện VNPT Bắc Giang cho rằng, nếu được CCIC chấp thuận sẽ triển khai nhật ký điện tử, lúc này việc theo dõi sẽ thuận lợi hơn cho cả hai bên. Tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ có thể bổ sung bằng chữ Trung Quốc, sẽ tạo thuận lợi cho việc truy xuất nếu phía CCIC đồng ý.
Còn theo ông Dương Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, vải thiều trồng theo quy trình VietGAP đã đáp ứng nhu cầu xuất sang Trung Quốc. Phía Trung Quốc yêu cầu truy xuất nguồn gốc khi nhập khẩu vào nước này, đây là thủ tục hành chính hết sức bình thường.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đề nghị, hơn 220 điểm bán hàng từ 8 tấn trở lên cần chủ động phối hợp với doanh nghiệp Trung Quốc, xem họ yêu cầu gì để mình chủ động thực hiện. Huyện Lục Ngạn sớm chỉ đạo chuẩn bị thùng xốp, kích thước thùng, mẫu mã, hình ảnh để phục vụ cho vụ thu hoạch vải tới đây. Trung Quốc không yêu cầu thì việc truy xuất nguồn gốc cũng là việc làm tất yếu để đưa sản phẩm vươn đến các thị trường lớn khác.
Mở rộng thị trường xuất khẩu
Theo ông Bình, đến năm 2020, Lục Ngạn phấn đấu tất cả các hộ trồng vải phải tham gia các HTX để có tư cách pháp nhân, có tổ chức đứng ra làm đối tác với các doanh nghiệp để xuất sản phẩm đến các thị trường cao cấp, chứ không riêng ở tỉnh Quảng Tây.
Tới đây, ngoài việc chỉ đạo sản xuất đúng quy trình, đảm bảo chất lượng, huyện sẽ chỉ đạo thay đổi mô hình sản xuất. Tất cả các hộ dân phải tham gia tổ hợp tác xã, HTX để gắn trách nhiệm của người nông dân vào sản phẩm của mình. Đồng thời, coi trọng và tiếp tục mở rộng thị trường trong nước.
Đồng quan điểm, ông Tấn cũng cho rằng, những năm qua, Bắc Giang đã quy hoạch bài bản, nâng cao về mặt chất lượng, chủ động sản xuất theo quy trình VietGAP để sản xuất vải thiều đáp ứng điều kiện xuất khẩu. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu xuất khẩu ở tất cả các thị trường.
Theo đó, Bắc Giang sẽ tạo mọi điều kiện để các tổ chức, cá nhân đến chế biến, đồng thời tôn trọng tất cả các thị trường, sớm xúc tiến, mở rộng thị trường nội địa, cân đối cung cầu thị trường, tiếp tục mở rộng các thị trường khác trên thế giới như: Trung Đông, Hà Lan, Thái Lan...
“Các sản phẩm của Bắc Giang có chất lượng vượt trội không chỉ đáp ứng ở thị trường Trung Quốc mà ở tất cả các thị trường khác trên thế giới. Đặc biệt, nước ta mới ký hiệp định CPTPP, trong đó có yêu cầu chúng ta phải đáp ứng các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng là dịp để chúng ta thông báo với người tiêu dùng thế giới về chất lượng vượt trội của các sản phẩm của Bắc Giang, đặc biệt là vải thiều,” ông Tấn nhấn mạnh.
Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), những quy định mới từ Trung Quốc, các nước trên thế giới đều làm và Việt Nam hiện cũng đang thực hiện khi xuất khẩu sang các thị trường khác. Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần phải phối hợp với doanh nghiệp nhập khẩu ở Quảng Tây, làm thế nào để cung cấp các thông tin cần thiết, đảm bảo các mặt hàng được truy xuất nguồn gốc đầy đủ. Việc này phải làm nhanh, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo huyện Mường Lát (Thanh Hóa), từ chưa hiểu sản phẩm OCOP là gì, nhưng bằng nghị lực, sự táo bạo trong cách nghĩ, cách làm và được sự ủng hộ của chính quyền, chị Lương Thị Nồng ở xã Quang Chiểu đã đưa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện (năm 2021) và phát triển bền vững.