Do dịch Covid-19 bùng phát, người trồng chuối ở Tuyên Quang gặp khó trong xuất khẩu, cùng với diện tích bị sâu bệnh, già cỗi ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng quả.
Nhiều giải pháp cải tạo, nâng cao chất lượng, giá trị cây chuối đã được Tuyên Quang triển khai.
Người trồng chuối gặp khó
Tuyên Quang hiện có 2.173ha chuối, (diện tích cho thu hoạch 1.944ha), tập trung ở các huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn và Sơn Dương, sản lượng đạt 17.635 tấn. Chuối dễ trồng, tốn ít công chăm sóc lại có giá trị kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt cây chuối có tiềm năng xuất khẩu.
Thị trường tiêu thụ chính của chuối quả là xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ gặp khó, giá bán giảm, nhiều chủ vườn bỏ không chăm sóc, không thu hoạch. Một số diện tích chuối trồng nhiều năm đã già cỗi, xuất hiện sâu bệnh gây ảnh hưởng tới chất lượng quả.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Như Hoàn, thôn Vông Vàng 2, xã Xuân Vân (Yên Sơn) cho biết, tôi thuê 12ha đất bãi của người dân trong xã để trồng chuối tây Thái Lan. Tổng chi phí thuê đất, đầu tư giống trồng hết 2,7 tỷ đồng. 2020 là năm đầu thu hoạch. Thế nhưng, do ảnh hưởng dịch Covid-19, khoảng 190 tấn chuối trị giá khoảng 2 tỷ đồng bị đổ bỏ vì đưa lên cửa khẩu nhưng chưa kịp xuất sang Trung Quốc thì chuối chín.
“Năm nay, tôi không lo dịch bệnh, cũng không lo thị trường tiêu thụ mà lo thiên tai, không may có dông lốc đi qua là lại trắng tay. Dự kiến, năm 2021, sản lượng chuối đạt 250 tấn quả, hiện giá bán đạt 8.000 đồng/kg. Với giá này, gia đình sẽ thu khoảng 2 tỷ đồng, hy vọng trả được một phần trong tổng 3 tỷ đồng đang nợ”, anh Hoàn tâm sự.
Anh Triệu Văn Huy, Trưởng bản Nghiên, xã Tri Phú (Chiêm Hoá), cho biết, những năm trước gia đình có tới 3-4 ha chuối, hiện chỉ còn khoảng 1ha nhưng bị bệnh dẫn đến cây bị chết nên không có nguồn thu. Ở bản Nghiên trước đây, gần như nhà nào cũng trồng chuối, diện tích khoảng 50-60ha. Từ năm ngoái đến nay, chuối bị chết vì bệnh nên chỉ còn khoảng 20ha nhưng sản lượng rất ít.
Là một trong hai cơ sở chế biến chuối ở Tuyên Quang, chị Phạm Thị Hồng, ở xã Kim Bình (Chiêm Hoá) cho biết, gia đình mở xưởng chế biến chuối từ năm 2016, cao điểm mỗi tháng chế biến 4-5 tấn chuối dẻo và 4-5 tấn chuối giòn, chủ yếu bán online. Cuối năm 2020, gia đình chuyển xưởng sang xã Tri Phú (Chiêm Hoá) để thành lập HTX NN hữu cơ Hồng Phát. Gần đây, có đơn vị đặt vấn đề tiêu thụ 2-3 tấn chuối chế biến/tuần, nhưng số lượng không đủ nên HTX không nhận. Hiện, khó khăn nhất vẫn là vốn đầu tư và thị trường tiêu thụ.
Giải pháp nào?
Trước những khó khăn mà người trồng chuối gặp phải, ngày 15/3/2021, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan làm tốt công tác dự tính, dự báo sâu bệnh hại trên cây chuối, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời, không để sâu bệnh phát sinh thành dịch.
Chỉ mở rộng diện tích trồng chuối khi đã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đưa cây chuối vào kế hoạch sản xuất của địa phương, phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách và thành lập các tổ nhóm, hợp tác xã liên kết trồng, tiêu thụ chuối. Có biện pháp bảo đảm vùng trồng cho đơn vị ký liên kết, tránh để xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán phá vỡ cam kết.
Quản lý chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng giống chuối đưa vào trồng trên địa bàn. Yêu cầu cây giống phải sạch bệnh, có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng cây giống đồng đều. Xây dựng mô hình sản xuất, thâm canh, gắn với cấp mã số vùng trồng, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối, tìm kiếm các doanh nghiệp để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Mời gọi, tạo cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chuối; xuất khẩu theo đơn đặt hàng hạn chế thấp nhất rủi ro từ thị trường mang lại.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hải Tuyên, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang, cho biết, chuối quả chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trước đây, có thời điểm giá lên đến 8.000 đồng/kg nhưng khi có dịch Covid-19 chỉ còn 2.000 - 2.500 đồng/kg. Hiện, giá đạt khoảng 3.000-4.000 đồng/kg, tuỳ từng loại; với chuối thâm canh mẫu mã đẹp giá lên tới 8.000 đồng/kg.
“Chi cục xây dựng kế hoạch hướng dẫn, tập huấn người trồng theo hướng thâm canh để tăng năng suất. Đối với diện tích bị sâu bệnh, già cỗi phải luân canh cây trồng, làm công tác dự báo sâu bệnh. Phối hợp với các huyện thành lập các tổ hợp tác, HTX trồng chế biến chuối, xây dựng nhãn hiệu thương hiệu. Thực hiện thí điểm cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu. Kết nối với các đầu mối ở ngoài tỉnh để tiêu thụ”, ông Tuyên cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, cho biết, hàng năm Trung tâm phối hợp với các xã, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp mở lớp tập huấn, lồng ghép các chương trình tập huấn về cây chuối với hoạt động của các huyện. Ở một số xã, cây chuối tạo việc làm, góp phần giảm nghèo nhưng chưa có doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Hiện, có tình trạng một số hộ dân chặt buồng, chặt bỏ cây, nhưng không bứng gốc, đổ vôi theo khuyến nông hướng dẫn, dẫn tới hiện tượng chuối bị sâu bệnh, năng suất thấp. Khuyến cáo người dân sau khi chặt quả, chặt cây, phải bứng gốc, rải vôi vào gốc để khử trùng sâu bệnh, tỉa cây, mỗi một bụi chỉ để 1 cây mẹ có như vậy quả mới to, bà Kim cho biết thêm.
Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, xã không lâu nữa diện tích chuối trồng thâm canh sẽ được mở rộng, diện tích cây bị bệnh, già cỗi sẽ được thay thế, trồng luân canh, tìm được đối tác để liên kết sản xuất, tiêu thụ, từ đó giúp người trồng nâng cao được giá trị, chất lượng sản phẩm chuối.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.