Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 3 tháng 10 năm 2021 | 1:17

Vũ Quang chủ động tìm đầu ra cho 3.000 tấn cam

Thời điểm này, bên cạnh việc chăm sóc cho cam giai đoạn nước rút, người trồng cam Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã chủ động tìm đầu ra cho gần 30 nghìn tấn cam, trong đó chú trọng đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Gần 3.000 tấn cam cho thu hoạch
 
Anh Nguyễn Tiến Hoàng, thôn Thanh Bình, xã Đức Lĩnh (Vũ Quang) phấn khởi cho biết: “Nếu như năm ngoái vườn cam của gia đình cho thu hoạch khoảng 8 tấn, thì năm nay ước thu khoảng trên 17 tấn. Cam sai quả, mẫu mã đẹp, chúng tôi đang hy vọng một vụ mùa bội thu”.
 
Theo số liệu của ngành nông nghiệp Vũ Quang, toàn huyện hiện có gần 2.600 ha cam, trong đó gần 2.000 ha cho thu hoạch.
 
Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, cộng với việc người dân chủ động chăm sóc và tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn nên cam cho năng suất cao. Ước tính, sản lượng cam của toàn huyện đạt khoảng gần 30.000 tấn (tăng hơn 10.000 tấn so với năm 2020). Đây cũng là vụ cam được mùa nhất từ trước đến nay.
 
c10.jpg
UBND huyện Vũ Quang phối hợp với Sở Công thương tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn các cơ sở sản xuất cam và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương vận hành, bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Theo ông Nguyễn Xuân Thê - Bí thư Đảng ủy xã Đức Lĩnh: “Toàn xã hiện có gần 400 ha cam cho thu hoạch. Năm nay, năng suất cam bình quân đạt khoảng 16 tấn/ha, cao hơn năm ngoái 5 - 6 tấn/ha.
 
cam8.jpg
Hiện nay, người trồng cam trên địa bàn đang tập trung thực hiện các biện pháp bảo vệ vườn cam trước các loại sâu bệnh, tác động của thời tiết.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, hạn chế hư hại, rơi rụng trước kỳ thu hoạch, hiện nay, người trồng cam trên địa bàn đang tập trung thực hiện các biện pháp bảo vệ vườn cam trước các loại sâu bệnh, tác động của thời tiết".
 
Năm nay, chất lượng sản phẩm cam Vũ Quang đã được nâng cao vì người trồng đã chú trọng hơn đến kỹ thuật, mở rộng diện tích theo tiêu chuẩn VietGap. Nếu bán được mức giá bình quân khoảng 20 nghìn đồng/kg thì năm nay, nông dân Vũ Quang sẽ thu về khoảng 600 tỷ đồng.
 
Chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm
 
Đến thời điểm hiện nay, cam đã bắt đầu vào vụ thu hoạch, tuy nhiên các thương lái chưa thu mua, đặt hàng số lượng lớn như những năm trước do lo sợ về diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
 
Bên cạnh đó, một số thị trường tiêu thụ lớn như: TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện Chỉ thị 16 khiến việc tiêu thụ cam gặp nhiều khó khăn.
 
Ông Đoàn Quốc Hoài, thôn 1, xã Quang Thọ thông tin: “Gia đình tôi có 3 ha cam đang cho quả, sản lượng ước đạt trên 50 tấn, cao hơn năm ngoái hơn 30 tấn. Tuy nhiên, chứng kiến nhiều sản phẩm nông nghiệp của người dân trên toàn quốc bị mất giá, tồn hàng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tôi rất lo cho sản phẩm cam của gia đình.
 
Để chủ động đầu ra khi cam đến kỳ thu hoạch, 2 tuần nay, tôi đã liên hệ các đầu mối quen của gia đình ở TP Vinh, Huế, Đà Nẵng... để khâu nối tiêu thụ. Đến nay, khách hàng đã liên hệ đặt mua gần 20 tấn”.
 
c2.jpg
Ước tính, sản lượng cam của toàn huyện đạt khoảng gần 30.000 tấn (tăng hơn 10.000 tấn so với năm 2020). Đây cũng là vụ cam được mùa nhất từ trước đến nay.
 
Nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cam Vũ Quang, Sở Công thương đã làm việc với Bộ Công thương và các sàn thương mại điện tử lớn để xây dựng gian hàng cam Vũ Quang trên Voso.vn (Viettel), Postmart.vn (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam), Hatiplaza.com (Sàn TMĐT Hà Tĩnh) để kết nối, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiêu thụ cam của địa phương.
 
Để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, cấp ủy, chính quyền các cấp Vũ Quang đang cùng người dân xây dựng các giải pháp kết nối thị trường và xúc tiến đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
 
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang Nguyễn Trường Thọ cho biết, nhằm giúp người dân thuận lợi trong khâu tiêu thụ sản phẩm cam, huyện đã thành lập tổ công tác chuyển đổi số, đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh triển khai, thực hiện chuyển đổi số trên sản phẩm cam Vũ Quang. Cùng với đó là liên kết, phối hợp với các sàn thương mại điện tử ra mắt gian hàng cam Vũ Quang trên các sàn: Voso.vn, Postmart.vn, Sendo...
 
Ngoài ra, huyện cũng đã chỉ đạo Hội Nông dân tổ chức các buổi hội thảo liên quan đến sản xuất nông nghiệp, liên kết chuỗi, hỗ trợ bà con nông dân livestream bán hàng để linh hoạt tiêu thụ sản phẩm cam của địa phương".
 
c14.jpg
Huyện Vũ Quang đã thành lập tổ công tác chuyển đổi số, đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh triển khai, thực hiện chuyển đổi số trên sản phẩm cam Vũ Quang.
 
Ông Võ Tá Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, Sở Công thương đang xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
 
Trong đó, sẽ rà soát, bổ sung hoàn thiện quy hoạch, chính sách liên quan đến phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản và các chính sách ưu đãi, phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt là tại khu vực nông thôn và các loại hình có tính lan tỏa như trung tâm logistics, chợ đầu mối... Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ứng dụng mạnh mẽ thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản.
 
 
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ) 
Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top