Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 9 năm 2020 | 11:21

Vượt rào cản, gạo Việt tự tin vào thị trường EU

Theo cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm được miễn thuế nhập khẩu.

t18.jpg

Chuyển gạo vào container tại Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An.

 

Tuy nhiên, để tận dụng được hạn ngạch này, ngành gạo phải vượt qua nhiều rào cản khắt khe về chất lượng sản phẩm với các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Đồng thời, doanh nghiệp (DN) cần trung thực trong sản xuất và chủ động liên hệ với DN EU được nhập khẩu gạo có hạn ngạch để giao dịch, chào bán.

Đảm bảo các yếu tố “cần” và “đủ”

Khẳng định cuộc chơi của các FTA, cụ thể là EVFTA, không đơn giản, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết, phía EU đưa ra nhiều rào cản về kỹ thuật vô cùng khắt khe và liên tục thêm những loại hóa chất mới yêu cầu DN xuất khẩu gạo của Việt Nam đáp ứng. Tuy nhiên, đã là hội nhập thì chúng ta phải thay đổi theo nhu cầu thị trường mới phát triển bền vững được.

Không chỉ dừng lại ở rào cản kỹ thuật, một vấn đề khác cần lưu ý là sự trung thực của từng DN trong kinh doanh xuất khẩu. Theo ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE, thông thường khi làm thủ tục xuất khẩu, các đối tác tại châu Âu sẽ đưa ra danh sách để DN tự điền thông tin như vùng trồng, giống, kỹ thuật trồng… Ban đầu nhà nhập khẩu sẽ không kiểm tra gì, chỉ đến khi DN đưa hàng qua họ mới bắt đầu kiểm tra, và chỉ cần DN vi phạm một yêu cầu trong số đó sẽ bị tiến hành điều tra.

“Trong quá trình điều tra, ra kết quả DN không trung thực, lô hàng sẽ bị trả về và DN bị vào danh sách đen - đồng nghĩa cơ hội làm ăn tại thị trường này chấm dứt”, ông Có cảnh báo.

Ngoài ra, theo các chuyên gia nông nghiệp, DN xuất khẩu gạo  lưu ý là, châu Âu cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn/năm được ưu đãi về thuế. Nên nếu chỉ đáp ứng vệ sinh thực phẩm hay trung thực là chưa đủ, mà yếu tố “cần” quan trọng nhất để được nằm trong hạn ngạch miễn thuế là DN phải có vùng trồng ổn định; chứng minh được nguồn gốc sản phẩm và giám sát chặt chẽ từ khâu ban đầu cho đến khi ra thành phẩm. Trong khi đó, hiện nay có rất ít DN xuất khẩu gạo có vùng trồng ổn định mà chỉ thông qua một đầu mối thu mua nguyên liệu, sau đó họ sẽ kiểm tra xem có đạt chuẩn hay không.

Đón bắt cơ hội EVFTA mang lại, các DN đã tập trung cho mặt hàng gạo chất lượng để xuất khẩu, đặc biệt là tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều DN đã chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường EU.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ), cho biết: Để có đủ nguồn hàng phục vụ thị trường mới đầy tiềm năng này, các DN đang tăng tốc để nâng chất lượng nguồn hàng. Đặc biệt là rất chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm.

“Vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong gạo cần được quan tâm giải quyết để tuân thủ quy định của EU và thế giới”, ông  Bình nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phước Thành 4 (Vĩnh Long),  khẳng định: EU là thị trường cấp cao, nên hàng hóa phải đạt chất lượng tốt mới có thể ký kết được hợp đồng.

 

t19.jpg
Ông Phạm Thái Bình, TGĐ Công ty Trung An giới thiệu sản phẩm gạo xuất khẩu. Ảnh: Hữu Đức.

 

Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc cũng đề cao vấn đề phát triển bền vững của ngành lúa gạo khi tham gia thị trường EU. Tức là Việt Nam chuyển từ giai đoạn xuất khẩu nhiều về số lượng sang giai đoạn xuất khẩu ít nhưng giá trị kim ngạch ngoại tệ thu về cao hơn.

Tìm cách tháo gỡ những rào cản

Mặc dù các DN đã nắm bắt cơ hội, nhưng nhiều rào cản vẫn hiện diện. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm EU dành cho Việt Nam, EU phân bổ cho các DN nhập khẩu của họ, nên DN xuất khẩu gạo Việt Nam cần chủ động liên hệ với phía EU để giao dịch, chào bán.

So với hạn ngạch EU cấp khi EVFTA có hiệu lực, dư địa cho Việt Nam còn rất lớn, nhất là khi thuế giảm xuống 0%. Tính đến ngày 15/7, cả nước mới có 24 DN xuất khẩu gạo vào EU trong tổng số 192 DN được phép kinh doanh xuất khẩu gạo.

Để thâm nhập được vào thị trường khó tính này, bản thân DN cũng phải trải qua một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Chẳng hạn như để có loại gạo với độ dài hạt tiêu chuẩn 8mm, màu trắng, vị thơm thanh nhẹ và vị ngọt vừa phải, nhà sản xuất là Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, thành viên của Tập đoàn PAN) đã phát triển sản phẩm từ một trong những giống lúa tốt nhất nước, tiến hành kiểm soát chất lượng từ khâu chọn giống, canh tác bằng công nghệ Nhật cũng như đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Ngoài việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu chuẩn VietGAP, Vinaseed đã phải đầu tư một dây chuyền hiện đại và đạt chuẩn Hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) của Hà Lan. Tính đến hết năm 2019, DN này đã xuất sang châu Âu 2.000 tấn gạo với giá trị khoảng 2 triệu USD, tức là gấp đôi giá trung bình của gạo Việt Nam xuất khẩu.

Không riêng Vinaseed, trước thời điểm EVFTA có hiệu lực, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết, DN sẵn sàng xuất hàng vào EU bằng việc xây dựng được cánh đồng gạo sạch, hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và Mỹ. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đầu tư hơn 10 silo chứa lúa khô của Đức, có thể dự trữ khoảng 30.000 tấn đảm bảo nguồn cung và chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của đối tác.

Mới đây nhất, Công ty Trung An đã xuất lô hàng gạo thơm đầu tiên vào EU, đánh dấu sự kiện mới sau khi EVFTA có hiệu lực.

Ông Phạm Thái Bình cho biết, việc Công ty Trung An đóng lô hàng 6 container với khoảng 150 tấn gạo trong tổng khối lượng theo hợp đồng xuất khẩu 3.000 tấn sang thị trường EU rất có ý nghĩa. Chứng minh gạo Việt đạt chất lượng cao cấp bước vào thị trường đẳng cấp, giá trị cao hơn, đặc biệt khi EVFTA có hiệu lực được bán với thuế suất 0%.

“Theo hợp đồng, đơn hàng xuất gạo thơm lần này là gạo ST20 và Jasmine giao cho 3 khách hàng, trong đó 2 khách hàng từ nước Đức và 1 khách hàng nước Pháp. Hai chủng loại gạo thơm ST20 (gạo 5% tấm) được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn.

So trước khi EVFTA có hiệu lực, gạo Jasmine chỉ có giá chừng 520 USD/tấn, gạo ST20 giá 800 USD/tấn. Song phải nói rằng, nhờ có tác động tích cực của việc giảm thuế, trong bối cảnh nhiều nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tình hình thị trường gạo năm nay cạnh tranh sôi động hơn, giá xuất khẩu vì thế cũng cao hơn”, ông Bình nói.

Trong khi đó, Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát cũng sẵn sàng đẩy mạnh việc xuất khẩu gạo vào thị trường có sức tiêu thụ gạo khoảng 2,5 triệu tấn/năm khi đã có đủ những chứng nhận như HACCP, ISO và kinh nghiệm 5 năm xuất khẩu vào EU.

Chú trọng mẫu mã bao bì, hướng dẫn chế biến gạo

Một tín hiệu vui cho xuất khẩu gạo Việt Nam khi được lựa chọn xuất khẩu cho các nước châu Âu, thế nhưng, ở châu Âu, rất ít nấu cơm nên đòi hỏi khâu đóng gói cần chia theo tỷ lệ sử dụng đáp ứng nhu cầu thuận tiện và kèm theo hướng dẫn nấu cơm được in trên bao bì.

 

t20.jpg
Cần Thơ đóng lô gạo đầu tiên xuất khẩu vào Liên minh châu Âu với thuế suất 0%.

 

Khác với người dân khu vực châu Á quen sử dụng gạo trong bữa ăn hằng ngày thì ở khu vực châu Âu còn khá bỡ ngỡ. Bởi vậy, để từng bước thâm nhập sâu vào thị trường các nước châu Âu, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, các thủ tục pháp lý, các DN xuất khẩu gạo cần chú trọng tạo mẫu mã bao bì có thông số hướng dẫn cụ thể và chi tiết về trọng lượng, thành phần dinh dưỡng, tỉ lệ và thời gian nấu, cũng như ghi rõ về thời hạn sử dụng…

Theo thống kê, mỗi năm EU tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo, trong khi chúng ta chỉ mới xuất khẩu vào thị trường này được khoảng 15.000 tấn/năm. Do đó, dư địa cho các DN Việt Nam còn rất lớn, nếu so với hạn ngạch EU cấp khi EVFTA có hiệu lực là 80.000 tấn/năm.

Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cho biết EU là thị trường lớn để các DN của thành phố đa dạng hóa đối tác và tự khẳng định mình trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Đồng thời, đây cũng là thị trường khó tính, đòi hỏi DN phải nỗ lực nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm để vượt qua được những quy định EU đặt ra, chinh phục người tiêu dùng khu vực này.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đang nghiên cứu lập tổ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về xuất - nhập khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp cùng với các thông tin hướng dẫn cụ thể nhất. Ngoài ra, Bộ cũng đang nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng đồng ý xây dựng sàn thương mại điện tử Việt Nam với EU nhằm tạo điều kiện cho DN 2 bên tham gia, tối đa hóa lợi nhuận cho DN nhỏ và vừa. Cùng với đó, hoàn thiện các quy trình liên quan đến logistics, chữ ký điện tử, hóa đơn điện tử, các vấn đề liên quan đến nền tảng số... để DN có thể hoạt động trên sàn này.

Khẳng định vị thế, thương hiệu gạo Việt

Về việc triển khai xuất khẩu gạo theo hạn ngạch ưu đãi sang EU, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước đây, Việt Nam đã xuất khẩu gạo sang EU, nhưng lượng xuất khẩu chưa đáng kể.

EVFTA được thực thi, mỗi năm EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn gạo (được miễn thuế nhập khẩu), trong đó gồm 30.000 tấn gạo thơm. Mặc dù số lượng không lớn so với tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta, tuy nhiên, lại có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khẳng định vị thế, thương hiệu của gạo Việt Nam, do đây là thị trường cao cấp, có yêu cầu chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng.

Với ý nghĩa quan trọng này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao Cục Trồng trọt sớm chủ trì việc thực hiện đánh giá, giám sát và cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất sang EU một cách chặt chẽ nhất.

Hiện tại, dự thảo Nghị định quy định về cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Chính phủ xem xét phê duyệt nhằm có cơ sở pháp lý và thủ tục thực hiện cấp chứng nhận về lâu dài.

Trong thời gian chờ xem xét phê duyệt nghị định này, Chính phủ đã đồng ý để Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm chủ động thực hiện việc cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm để tranh thủ cơ hội sớm xuất khẩu sang EU với số lượng tốt nhất trong các tháng còn lại của năm 2020.

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top