Mía là một trong những cây trồng chủ lực của các địa phương khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai gắn với 2 nhà máy chế biến tại thị xã An Khê và huyện Ayun Pa.
Với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu mía bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, những năm qua, chính quyền địa phương và các nhà máy chế biến đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Cây mía hồi sinh
Những năm trước, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, giá mía nguyên liệu xuống thấp khiến đời sống người trồng mía gặp nhiều khó khăn. Trước tình trạng trên, nhiều hộ dân đã chuyển sang trồng các loại cây khác như: mì (sắn), bắp (ngô), cây ăn quả… Điều này khiến vùng nguyên liệu của Nhà máy Đường An Khê và Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai giảm mạnh, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, giá mía nguyên liệu liên tục tăng giúp nhiều hộ dân có lãi và quay lại trồng mía. Đặc biệt, vụ ép 2020-2021, mía nguyên liệu được các nhà máy thu mua với giá hơn 1 triệu đồng/tấn, thu nhập bình quân 40-50 triệu đồng/ha.
Hơn 20 năm gắn bó với cây mía, ông Trương Ngọc Thọ (thôn Quyết Thắng, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau. Tuy nhiên, ông vẫn xem mía là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế gia đình. Ông cho biết: Với 5ha mía lưu gốc, vụ ép vừa rồi, tôi đã cung cấp cho Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai hơn 400 tấn mía cây, lợi nhuận đạt hơn 200 triệu đồng. “Vụ này, được công ty đầu tư vốn, hỗ trợ các khâu làm đất, trồng, bón phân nên tôi quyết định trồng thêm 1ha. Nhờ thời tiết thuận lợi nên cây mía phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao. Nếu giá ổn định như vụ trước thì lợi nhuận sẽ tăng cao”, ông Thọ nói.
Còn ông Đinh Văn Bảo (làng Chiêu Liêu, xã An Trung, huyện Kông Chro) thì cho hay: “Vụ vừa rồi, gia đình trồng 20ha mía, trừ chi phí thì thu về gần 1 tỷ đồng. Do nhà máy có nhiều chính sách đầu tư và thu mua tốt nên vụ này, tôi đầu tư trồng thêm 10ha. Hy vọng giá mía năm nay tiếp tục duy trì ở mức cao để người dân có thu nhập ổn định”.
Thời gian qua, cây mía cũng phát triển mạnh trên vùng đất khô cằn xã Hbông (huyện Chư Sê), góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Bà Lê Thị Gấm (thôn Ia Sa, xã Hbông) chia sẻ: “Tôi trồng mía đã gần 8 năm. Nhờ Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai đầu tư, hỗ trợ nhiều mặt nên cũng có nguồn thu nhập khá so với trồng bắp, mì. Hiện tôi có gần 40ha mía, trong đó có 20ha trồng mới. Cây mía chịu hạn tốt, lại rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên năng suất đạt cao, bình quân 80-100 tấn/ha. Đặc biệt, từ khi công ty đưa giống K3 vào sản xuất, cây mía sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh hại, cho năng suất cao, những chân ruộng tốt có thể đạt 140 tấn/ha”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hbông Bùi Văn Cường: Toàn xã hiện có 1.358ha mía, năng suất bình quân đạt khoảng 95 tấn/ha. Nhờ trồng mía, nhiều hộ dân có thu nhập ổn định. Để cây mía phát triển bền vững, xã thường xuyên phối hợp với Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai theo dõi, hướng dẫn người dân mở rộng diện tích canh tác ở những khu vực phù hợp, đồng thời tăng cường cơ giới hóa các khâu, hướng đến phát triển vùng nguyên liệu bền vững.
Tập trung nâng cao năng suất
Ông Võ Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro, thông tin: Mía là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Việc giá mía nguyên liệu được các nhà máy thu mua ở mức cao trong 2 năm trở lại đây đã mang lại niềm phấn khởi cho bà con nông dân. Vụ mía năm nay, người dân trên địa bàn bắt đầu mở rộng diện tích với khoảng 2.000ha, tập trung tại An Trung khoảng 450ha, Chơ Long 550ha…
“Chúng tôi tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân đưa giống mới sạch bệnh vào sản xuất trên những diện tích phù hợp, tránh tình trạng mở rộng ồ ạt, không theo quy hoạch. Đồng thời, phối hợp với Nhà máy Đường An Khê tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế”,Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro cho biết thêm.
Phó chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa Đặng Xuân Toàn cho hay: Thị xã hiện có khoảng 600ha. Để cây mía phát triển bền vững, thị xã định hướng người dân sản xuất theo quy hoạch khoảng 700ha; khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích ở những chân ruộng không phù hợp. Đồng thời, phối hợp với Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai tập trung đầu tư phân bón vi sinh, cơ giới hóa, tưới tiết kiệm nước… để nâng cao năng suất và chất lượng cây mía.
Vụ ép 2021-2022, Gia Lai có gần 34.000ha mía với năng suất bình quân đạt 70 tấn/ha. Người dân đã áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm vào sản xuất khoảng 2.500ha, năng suất đạt 90-110 tấn/ha. Giá thu mua mía nguyên liệu của các nhà máy cao hơn những năm trước giúp nông dân có lợi nhuận bình quân 50-70 triệu đồng/ha.
Bà Vũ Thị Lan,Giám đốc Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai, chia sẻ: Những năm gần đây, công ty có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ cho nông dân phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững. Điển hình như niên vụ 2021-2022, công ty hỗ trợ người dân cày ngầm, bón phân vi sinh cải tạo đất, cấp giống sạch bệnh, tưới tiết kiệm, nâng cấp giao thông nội đồng… với kinh phí hơn 10 tỷ đồng.
“Năm nay, vùng nguyên liệu của công ty đạt 11.500ha, tăng khoảng 1.500ha. Chúng tôi tiếp tục đầu tư và thu mua theo giá thị trường với giá bảo hiểm (thấp nhất 850 ngàn đồng/tấn) trong vụ ép sắp đến để đảm bảo hài hòa lợi ích đôi bên. Ngoài ra, công ty đang triển khai nâng công suất ép của nhà máy lên 8.000 tấn mía cây/ngày, tương đương với việc mở rộng diện tích vùng nguyên liệu 11.500 - 12.500 ha”, bà Lan cho biết thêm.
Trong khi đó, Nhà máy Đường An Khê cũng đã triển khai nhiều giải pháp đầu tư hỗ trợ người trồng mía trong vùng nguyên liệu để đáp ứng công suất ép 18.000 tấn mía cây/ngày. Ông Lê Văn Dương, Phó Giám đốc Nhà máy, cho hay: Tổng diện tích mía vùng nguyên liệu của nhà máy đang đầu tư khoảng 27.000 ha, riêng năm nay tăng thêm khoảng 5.000ha. Để phát triển vùng nguyên liệu, chúng tôi đầu tư 350 tỷ đồng về giống, phân bón, làm đất, tưới tiết kiệm nước… Bên cạnh đó, nhà máy triển khai một số chính sách hỗ trợ người dân nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, nhà máy cam kết thu mua mía theo giá bảo hiểm (thấp nhất 900 ngàn đồng/tấn) để người dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai, nhấn mạnh: “Định hướng trong những năm tới của tỉnh là giảm dần diện tích mía bị sâu bệnh, kém hiệu quả, năng suất dưới 60 tấn/ha để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả và cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối với diện tích mía phát triển tốt thì tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, phối hợp với các nhà máy lựa chọn những giống mía mới cho năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh tốt đưa vào sản xuất với mục tiêu năng suất đạt 70 đến hơn 90 tấn/ha. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích đất cũng như đảm bảo vùng nguyên liệu phát triển ổn định cho 2 nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh”.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…