Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 26 tháng 12 năm 2021 | 13:22

"Xây dựng nền nông nghiệp có trách nhiệm với người dùng"

“Lần đầu tiên chúng ta tiếp cận kế hoạch phát triển nông nghiệp với tầm chiến lược và dài hạn,chứ không tiếp cận ở tư duy ngắn hạn nữa” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

“Khi tôi qua châu Âu và tiếp xúc với các vị đại sứ mới phát hiện ra xuất khẩu của ta tăng nhưng thiếu bền vững, mang tính chất tự phát nhiều hơn”. Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan sau khi vừa trải qua chuyến công tác ở châu Âu. Chính vì vậy, ông cho biết Bộ NN&PTNT đang xây dựng một đề án xuất khẩu nông sản bền vững.

 

'Xây dựng nền nông nghiệp có trách nhiệm với người dùng' - ảnh 1
Vải thiều Việt Nam được bày bán trên kệ siêu thị tại Nhật Bản. Ảnh: CTV

 

Thông tin kết nối thị trường gần như bỏ ngỏ

Phóng viên: Năm 2021, bất chấp ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, ngành nông nghiệp vẫn thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Với ngành nông nghiệp năm 2021, nỗi ám ảnh của chúng ta là đứt gãy chuỗi ngành hàng, ùn ứ nông sản, đứt gãy chuỗi phân phối do giãn cách xã hội và do những quy định không thống nhất giữa các địa phương. Thứ hai, đó là “cơn bão giá” những vật tư đầu vào, kể cả cho trồng trọt, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi đều tăng giá.

Trong bối cảnh đó, Bộ NN&PTNT theo chỉ đạo của Thủ tướng đảm bảo cho các đô thị, khu trung tâm công nghiệp của 18 tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ không bị đứt gãy bữa ăn, đã lập ra tổ công tác 970 ở TP.HCM. Tổ công tác này hoạt động xuyên suốt với các diễn đàn kết nối sản xuất tiêu thụ tới bây giờ.

Đây là câu chuyện xử lý tình huống trong lúc đại dịch. Nhưng thông qua đó, chúng tôi mới thấy rằng thông tin kết nối thị trường trong thời gian qua gần như bị bỏ ngỏ. Tức là người trồng cứ trồng, người mua cứ mua, một thị trường không kết nối thông tin từ đầu cung sang đầu cầu.

Tôi dùng từ là “nền nông nghiệp mù mờ về thông tin”. Nhưng qua diễn đàn kết nối đó, chúng tôi bắt đầu tích hợp lại thông tin để nó bớt mù mờ hơn. Từ đó để hướng tới câu chuyện chuyển đổi số nông nghiệp, phục vụ cho việc khớp nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ; để chuyển qua năm 2022 chúng ta hướng tới một nền nông nghiệp minh bạch về thông tin sản xuất lẫn thông tin thị trường.

Bộ trưởng từng nhiều lần nhấn mạnh Việt Nam cần phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Vậy trong năm 2021, quá trình chuyển đổi này đã diễn ra như thế nào cũng như hướng triển khai cho năm 2022 tới đây?

Về xu hướng chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chúng tôi đã xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Dự kiến sắp tới đây sẽ trình Thủ tướng phê duyệt.

Như vậy, đây là lần đầu tiên chúng ta tiếp cận kế hoạch phát triển nông nghiệp với tầm chiến lược và dài hạn, chứ không tiếp cận ở tư duy ngắn hạn từng năm hoặc năm năm nữa.

Mới bán được ở cửa hàng nhỏ cho người Việt

Bộ trưởng có thể chia sẻ về những suy nghĩ của mình sau chuyến công tác tại châu Âu vừa qua?

Khi tôi qua châu Âu và tiếp xúc với các vị đại sứ mới phát hiện ra xuất khẩu của ta tăng nhưng thiếu bền vững, mang tính chất tự phát nhiều hơn. Tức là doanh nghiệp mình năng động, kết nối được với doanh nghiệp nước ngoài rồi đưa hàng sang.

Tuy nhiên, chúng ta chưa có chiến lược hay đề án xuất khẩu mang tính chất bền vững cho từng loại thị trường, kể cả cách mà chúng ta xâm nhập thị trường. Thành ra nông sản của chúng ta thời gian qua đa phần là bán ở những cửa hàng của người gốc Á, những cửa hàng nhỏ hay cửa hàng có nhiều người Việt mình ở đó chứ chưa thâm nhập một cách vững chắc vào các hệ thống phân phối lớn của các quốc gia đó. Do vậy, giá trị gia tăng đó mặc dù có cao nhưng chưa có sự bền vững.

Bộ trưởng vừa nói cần phải có đề án xuất khẩu nông sản mang tính bền vững, cụ thể là như thế nào?

Chúng ta không thể cứ đến mùa vụ mới gom mua nông sản để xuất sang châu Âu mà phải xây dựng được các vùng nguyên liệu chuẩn hóa. Trong vùng nguyên liệu ấy, người nông dân được chuẩn hóa theo những quy trình canh tác và sử dụng phân, thuốc phù hợp. Vì nông sản không sạch thì chế biến cũng không sạch theo. Xu thế tiêu dùng xanh quyết định hình ảnh mà chúng ta sản xuất, quyết định giá trị gia tăng chứ không phải sản lượng quyết định giá trị gia tăng.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng muốn xây dựng một đề án xuất khẩu nông sản bền vững thì phải đi từ vùng nguyên liệu, từ hạ tầng logistics, từ xây dựng thương hiệu nông sản thì lúc đó chúng ta mới đủ lực để xuất khẩu nông sản bền vững. Khi có đề án thì xuất khẩu đạt kim ngạch 47 tỉ USD mỗi năm hay cao hơn nữa chúng ta sẽ đạt được, thậm chí kết quả cao hơn và bền vững hơn.

Bộ cũng đang triển khai đề án truy xuất nguồn gốc kết hợp xây dựng mã vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi. Xưa giờ chúng ta chỉ làm để phục vụ cho xuất khẩu, bây giờ kể cả tiêu dùng nội địa thì tất cả nông sản cũng dần dần được truy xuất nguồn gốc. Đây là vấn đề quan trọng để định vị lại một nền nông nghiệp sạch, xanh, trách nhiệm với thị trường, người tiêu dùng.

Xin cám ơn Bộ trưởng!

 

Xuất khẩu 47 tỉ USD

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2021 ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu dự kiến vẫn đạt trên 47 tỉ USD, vượt mục tiêu đề ra.

Bắt tay giảm chi phí logistics

Trong năm 2021, vấn đề khiến doanh nghiệp nông nghiệp, người nông dân đau đầu là chi phí đầu vào của ngành và chi phí logistics tăng quá cao. Bộ trưởng có giải pháp nào cho vấn đề này trong năm 2022?

+ Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng, thành lập hiệp hội những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và lần đầu tiên có sự tham gia của các doanh nghiệp logistics. Qua đó để bàn bạc về sự phối hợp với nhau, làm sao giảm chi phí logistics.

Ví dụ chúng tôi đã bàn với Bamboo, VietJet, hai hãng hàng không có những đường bay thương mại về vấn đề này. Cơ bản các doanh nghiệp cũng đồng ý sẽ hỗ trợ để giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Chúng tôi cũng sẽ trình Thủ tướng về việc hỗ trợ các doanh nghiệp nội trong lĩnh vực chế biến, sản xuất vật tư đầu vào, trong đó có giải pháp dùng nguyên liệu trong nước để giảm lệ thuộc vào nước ngoài.

 

Theo plo.vn

Ý kiến bạn đọc
Top