Những năm gần đây nhiều mô hình trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xuất hiện và phát triển với tốc độ rất nhanh, từ đó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cho giá trị kinh tế cao.
Bắc Ninh: Phát triển trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Theo số liệu của ngành Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 248 trang trại với tổng diện tích gần 1.000 ha, tăng 3,9 lần so với năm 2011, tập trung chủ yếu ở các huyện: Gia Bình, Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong và Tiên Du. Trong đó, 198 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có diện tích từ 2,1ha trở lên, giá trị hàng hóa đạt từ 700 triệu đồng/năm trở lên).
Trang trại chăn nuôi lợn thịt ứng dụng công nghệ cao của ông Nguyễn Văn Bồng ở thôn Nghi Khúc, xã An Bình quy mô 8 nghìn con liên kết với Cty CP thực phẩm CJ vina (Hàn Quốc) có diện tích 20ha được giao ổn định lâu dài, trong đó diện tích xây dựng chuồng trại là 4ha, xây dựng 8.000m2 chuồng khép kín. Vốn đầu tư là 25 tỷ đồng, trang trại đưa vào nuôi 4.000 con lợn, đã có báo cáo tác động môi trường và đang làm giấy chứng nhận VietGAP, xây dựng dự án ứng dụng CNC và xử lý chất thải trong chăn nuôi.
Theo thống kê, 248 trang trại trên địa bàn tỉnh đang tạo việc làm cho khoảng 3.600 lao động, thu nhập trung bình của một trang trại đạt hơn 1,8 tỷ đồng/năm. Những hiệu quả trong phát triển kinh tế trang trại đã trực tiếp góp phần vào quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất, gắn liền với tiến trình phân công lao động nông thôn. Tại nhiều địa phương xuất hiện các mô hình hợp tác xã trên cơ sở sự liên kết các trang trại qua đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Điển hình là một số hợp tác xã như: Măng tây xanh Thái Bảo, Dịch vụ tổng hợp Xuân Tùng (Gia Bình); VAC Xuân Hòa (Quế Võ)…
Điểm nổi bật trong phát triển trang trại của tỉnh là xu hướng ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các mô hình nông nghiệp dần được phổ biến. Hiện, toàn tỉnh có 148 trang trại VAC ứng dụng công nghệ cao, chiếm 60% tổng số trang trại. Để hỗ trợ phát triển trang trại, những năm qua tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, hệ thống điện, cấp - thoát nước, xử lý chất thải, cải tạo đồng ruộng) cho các hộ và các chủ trang trại thông qua chương trình xây dựng Nông thôn mới; hỗ trợ kinh phí cho các trang trại và hộ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, phát triển sản phẩm có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh thông qua chương trình “mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm”.
Thanh Hóa: Có 1.121 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP
Theo thông tin của Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện đã xây dựng được 5 vùng chăn nuôi lợn an toàn nông hộ theo tiêu chuẩn VietGAP, với sự tham gia của 1.863 hộ chăn nuôi thuộc 95 nhóm GAHP.
Tại các vùng chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap này, ngoài việc được tham gia lớp đào tạo, tập huấn về kiến thức chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, các hộ chăn nuôi còn hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Trong quá trình chăn nuôi, nhiều hộ đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mua sắm trang thiết bị, áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap, nhờ đó số hộ dân có quy trình chăn nuôi đạt theo tiêu chuẩn VietGap ngày càng tăng. Tính đến tháng 9-2018, toàn tỉnh đã có 1.121 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGap nông hộ. Việc cấp giấy chứng nhận đã giúp cho các hộ chăn nuôi chứng minh được nguồn gốc và chất lượng con nuôi, tạo điều kiện trong việc thu hút doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Quảng Ninh: Bình Liêu nỗ lực phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Huyện Bình Liêu có 43km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, cùng với đó, tại địa phương hiện có 66 điểm giết mổ lợn và hơn 7.200 con lợn đang được các hộ gia đình chăn nuôi nên Bình Liêu phải đối mặt với nguy cơ cao xâm nhập và lây lan của dịch tả lợn Châu Phi từ Trung Quốc.
Để bảo vệ ngành nông nghiệp địa phương cũng như ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào nội địa, huyện đang chỉ đạo các ngành chức năng, tăng cường các biện pháp ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.
Huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền đến cộng đồng dân cư, đặc biệt người dân địa phương tuyệt đối không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển, nhập lậu lợn và sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc vào địa bàn.
Đồng thời, các lực lượng chức năng gồm Đội QLTT số 10, Kiểm dịch, Biên phòng, Hải quan và UBND các xã giáp biên giới cũng tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, nhất là công tác chống buôn lậu lợn và các sản phẩm của lợn từ Trung Quốc vào nội địa. Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời tiêu hủy lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu qua biên giới...
Quá trình kiểm tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tiêu hủy 3 vụ nhập lậu gần 1 tạ gà thịt và 200 con vịt giống, 150kg thịt lợn thương phẩm từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức phun tiêu độc định kỳ tại các đường mòn, lối mở, khu vực buôn bán gia súc, gia cầm tại các chợ và các cơ sở chăn nuôi, giết mổ và thực hiện hiệu quả việc tiêm phòng, phòng chống các bệnh nguy hiểm trên đàn lợn…
Thái Bình: Tích cực tiêm vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm
Hiện nay, huyện Thái Thụy đang tích cực phối hợp với các xã, thị trấn trong huyện tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm vụ thu đông năm 2018, bảo đảm cho đàn vật nuôi phát triển tốt.
Nhằm ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, lây lan và bảo đảm sản xuất chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, huyện Thái Thụy đang tích cực triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu đông năm 2018.
Theo kế hoạch, các xã, thị trấn trong huyện đồng loạt tổ chức tiêm vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm từ ngày 15/9 đến ngày 5/10/2018 theo hình thức tiêm cuốn chiếu ở từng thôn; với đàn trâu, bò, chó, mèo có thể tiêm tại các điểm tập trung.
Ngoài ra, các địa phương cũng thực hiện tiêm bổ sung hàng tháng cho đàn gia súc, gia cầm nuôi mới, đến tuổi tiêm phòng. Đối tượng vật nuôi tiêm phòng bệnh đợt này gồm: đàn lợn đến tuổi tiêm phòng, tiêm vắc-xin phòng các bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, đóng dấu; đàn lợn đực, lợn nái, lợn con tiêm phòng bệnh lở mồm long móng (LMLM), bệnh phó thương hàn, đóng dấu, tụ huyết trùng; đối với đàn trâu, bò tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, LMLM; với gia cầm tiêm phòng vắc-xin Newcastle, bệnh dịch tả, cúm gia cầm...; đối với chó, mèo tiêm phòng bệnh dại.
Chị Nguyễn Thị Thủy, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 trang trại nuôi lợn với quy mô từ 1.000 - 2.000 con và 10 gia trại nuôi từ 50 - 100 con lợn. Do chăn nuôi với quy mô lớn nên việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn được các chủ trang trại trên địa bàn xã chủ động thực hiện và làm rất tốt.
Vì thế, lực lượng thú y xã chỉ tổ chức tiêm phòng vắc-xin tại các gia trại và một số hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trên địa bàn. Hiện nay, chúng tôi đang tổ chức tiêm phòng các bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, đóng dấu cho đàn lợn đến tuổi tiêm phòng; tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, LMLM cho đàn trâu, bò. Tỷ lệ đạt 50% tổng đàn gia súc trong xã, phấn đấu hoàn thành trong tháng 9 này.
Hưng Yên: Nuôi gà chuồng lạnh, mỗi năm lãi nửa tỷ đồng
Nhờ chăn nuôi gà đẻ theo công nghệ cao, áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, trang trại của anh Đoàn Văn Nhất ở thôn Triều Dương, xã Hải Triều (Tiên Lữ) thu lãi bình quân mỗi năm trên 500 triệu đồng.
Đến thăm trang trại của gia đình anh Nhất vào một buổi chiều oi ả, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhiệt độ tại trại gà “mát như điều hòa”. Dẫn chúng tôi đi thăm trại, anh Nhất khoe: “Gia đình tôi áp dụng mô hình nuôi gà trong chuồng lạnh”.
Thắc mắc vì sao nuôi gà đẻ trứng đem ấp nở mà gà mái, gà trống nhốt riêng, anh Nhất bật mí: “Trang trại của tôi, gà mái được thụ tinh nhân tạo nên gà trống sẽ nuôi nhốt riêng”.
Anh Nhất bắt đầu nuôi gà đẻ từ năm 2015 sau nhiều lần tìm hiểu các mô hình làm kinh tế hiệu quả. Tự tìm tòi, học hỏi phương pháp nuôi trên sách báo và mạng Internet, anh vô tình biết được công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà. Thấy hấp dẫn, anh đi sâu vào tìm hiểu và quyết định khăn gói đi học kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà.
Khởi nghiệp từ 1.200 con gà làm vốn, nhận thấy cho hiệu quả kinh tế cao, anh Nhất tiếp tục mở rộng mô hình. Sau 4 năm, đến nay quy mô chăn nuôi gà đẻ trứng của gia đình anh đã lên tới 7.000 con gà mái và khoảng 200 con gà trống.
Anh Nhất cho biết, để đàn gà luôn phát triển và đẻ tốt cần lưu ý hai yếu tố quan trọng là chuồng trại và giống. Lúc mua giống phải chọn những cơ sở uy tín, còn chuồng trại luôn thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, thường xuyên khử trùng chuồng nuôi và phòng bệnh cho gà. Đặc biệt, phải tiêm đầy đủ vắc xin để phòng bệnh cho đàn gà, hạn chế rủi ro trong chăn nuôi.
Gia đình anh Nhất còn đầu tư 3 máy ấp trứng, trực tiếp cung cấp gà giống cho các hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Bình quân mỗi tháng, trang trại cung cấp trên 60.000 con gà giống ra thị trường với giá từ 14.000 – 15.000 đồng/con và hơn 50 tấn thịt gà loại thải sau khi thôi đẻ mỗi năm. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình anh Nhất thu lãi trên 500 triệu đồng...
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…