Việt Nam vẫn chưa có chiến lược riêng cho ngành hàng lúa gạo nên việc xây dựng giá trị, thương hiệu cho gạo xuất khẩu vẫn còn nhiều dang dở.
Trước năm 2012, ngành lúa gạo của Việt Nam mặc dù luôn đứng vị trí thứ hai trong top các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, song gạo xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn hướng tới sản lượng trong khi giá trị đạt rất thấp, không có nhiều khách hàng thế giới biết đến sản phẩm gạo của Việt Nam.
Sau năm 2012, khi thời điểm Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được chính thức triển khai, diện mạo ngành lúa gạo Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Tính đến nay, đã có đến 80% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là gạo phẩm cấp cao. Gạo Việt Nam đã xâm nhập được các thị trường nhập khẩu khó tính, từ đó nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo doanh thu lớn cho người sản xuất cũng như doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, trong 2 năm trở lại đây, doanh thu của doanh nghiệp đã tăng lên gấp đôi.
“Nếu như năm 2016, xuất khẩu gạo của Trung An chỉ đạt được 26 triệu USD, thì đến năm 2017, doanh nghiệp đã đạt 53 triệu USD. Tính riêng 10 tháng đầu năm 2018, doanh nghiệp đã xuất khẩu được trên 50 triệu USD, dự kiến hết năm 2018 doanh nghiệp sẽ bỏ khá xa mức xuất khẩu của năm 2017”, ông Bình cho biết.
Mặc dù đã đạt những kết quả khả quan trong xuất khẩu gạo, nhưng giới chuyên gia nhận định, Việt Nam vẫn chưa có chiến lược riêng cho ngành hàng lúa gạo. Vì thế, câu chuyện xây dựng giá trị, thương hiệu cho hạt gạo Việt vẫn còn nhiều dang dở.
Vấn đề cụ thể ở đây theo các chuyên gia chính là sản phẩm gạo hàng hóa chưa thực sự kết nối được doanh nghiệp với nhà nông. Các sản phẩm lúa gạo được đưa ra thị trường chủ yếu vẫn theo hướng “mạnh ai nấy làm”, chưa theo một chuỗi sản xuất khép kín.
Ông Phạm Thái Bình cho rằng, nếu tạo được sự liên kết và xây dựng được những cánh đồng mẫu lớn như chủ trương của nhà nước, chắc chắn giá trị xuất khẩu gạo sẽ không chỉ dừng ở con số 3 tỷ USD mỗi năm, mà phải cao hơn nhiều lần.
Theo ông Bình, vấn đề về vốn chính là rào cản để các doanh nghiệp tham gia vào mục tiêu liên kết với người nông dân tạo nên sản phẩm gạo hàng hóa. “Khi giải được bài toán vốn, doanh nghiệp và người dân sẽ xây dựng được những chuỗi sản xuất khép kín, sản phẩm gạo sẽ đồng đều về chất lượng, đảm bảo các quy chuẩn của các nước nhập khẩu. Khi đó xuất khẩu gạo mới thực sự bền vững”, ông Bình nêu quan điểm./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.