Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 20 tháng 10 năm 2021 | 17:1

Xuất khẩu nông sản: Cơ hội bứt tốc cuối năm

Nhu cầu tiêu thụ nông sản trên thế giới đang gia tăng trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 dần được kiểm soát, vận chuyển thuận lợi hơn... tạo cơ hội cho xuất khẩu nông sản Việt Nam bứt phá.

phat-trien-cong-nghiep-che-bien-nong-san-dap-ung-yeu-cau-hoi-nhap.jpg
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản. 

 

Những tín hiệu lạc quan

Theo Bộ NN-PTNT, trong 9 tháng của năm 2021, nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng như: cà phê, cao su, rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm… Trong đó, cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng lẫn giá trị xuất khẩu.

Với ngành cao su, 9 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 2,17 tỉ USD, tăng 17,1% về lượng và tăng 52,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Hiệp hội Cao su Việt Nam cho hay xuất khẩu trong thời gian qua tăng trưởng cao là do thị trường Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu, chiếm đến khoảng 70% tổng sản lượng của Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam hiện là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 11 cho Mỹ với 30.000 tấn, tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Một lý do không thể không nhắc đến là giá cao su xuất khẩu năm nay khá cao, tăng 33% so với cùng kỳ, đạt mức 1.641 USD/tấn, đã góp phần nâng cao giá trị cao su xuất khẩu của Việt Nam.

Dự báo mới nhất của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cho thấy lượng cung toàn cầu ước đạt 13,86 triệu tấn, hụt 306.000 tấn so với nhu cầu. Trung Quốc có thể đẩy mạnh nhập khẩu 1,7 triệu tấn để phục vụ nhu cầu các tháng cuối năm 2021 và 2 triệu tấn cho các tháng nghỉ vụ (tháng 1 đến tháng 4-2022) để bù lượng thiếu hụt trong nước.

Ông Huỳnh Văn Bảo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), đánh giá tình hình kiểm soát dịch Covid-19 trên thế giới đã dần đi vào ổn định, sản xuất phục hồi ở hầu hết quốc gia, theo đó nhu cầu cao su cũng tăng trở lại. Với nhiều yếu tố tích cực hiện có, các nhà phân tích cho rằng giá cao su sẽ duy trì ổn định với mức hiện nay hoặc tăng thêm khi các yếu tố khác thuận lợi hơn.

"Dù xác định từ nay đến cuối năm tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng VRG phấn đấu đạt kết quả sản lượng ở mức cao nhất, vượt 3% chỉ tiêu được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước giao. VRG đã ký hợp đồng dài hạn cho gần 50% kế hoạch tiêu thụ trong năm nay. Các đơn vị thành viên thực hiện tốt chủ trương của VRG là sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó.

Đến thời điểm này, tồn kho toàn tập đoàn luôn duy trì ở mức hợp lý, vừa bảo đảm cho việc cung cấp các hợp đồng dài hạn vừa không gây áp lực tiêu thụ cho các tháng cuối năm. Với những kịch bản này cùng với những yếu tố thuận lợi khách quan, VRG sẽ hoàn thành kế hoạch sản xuất và tiêu thụ cao su năm 2021 tốt hơn năm 2020" - ông Huỳnh Văn Bảo tin tưởng.

Ngành hồ tiêu đang kỳ vọng quay lại "câu lạc bộ tỉ đô" khi xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2021 đạt 719 triệu USD, tăng 47% về giá trị dù sản lượng giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2020 nhờ giá tăng "nóng" (cùng kỳ năm ngoái, giá xuất khẩu hồ tiêu khoảng 2.100 USD/tấn, năm nay từ 3.800-4.000 USD/tấn, tức tăng gần gấp đôi).

Theo ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu trên thế giới trong những tháng qua tăng khá cao trong khi sản lượng tiêu toàn cầu giảm khoảng 5% so với mùa vụ trước đã đẩy giá mặt hàng lên cao. Những thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn như: Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc đều tăng lượng hàng nhập khẩu đáng kể.

"Sau thời gian cao điểm chống dịch, các doanh nghiệp (DN) đã nâng công suất chế biến. Cộng thêm việc vận chuyển nguyên liệu thuận lợi sẽ giúp các DN đẩy mạnh xuất khẩu để năm nay toàn ngành có thể đạt tăng trưởng cả về số lượng lẫn giá trị" - ông Nam lạc quan.

Kỳ vọng chiếm lĩnh thị trường

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến hết tháng 9/2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Tây Ban Nha đạt 52,3 triệu USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét theo thị trường đơn lẻ, Tây Ban Nha đứng thứ 22 trong số các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, chiếm 1% kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của năm nay.

Theo VASEP, bức tranh xuất khẩu nhiều màu sáng vẫn bị trầm xuống bởi gam màu tối từ kết quả cá tra tiếp tục sụt giảm sâu 36% trong tháng 9 và 27% trong 9 tháng đầu năm đạt trên 8 triệu USD. Cá tra chiếm hơn 15% kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Tây Ban Nha. Ngoài ra, xuất khẩu cá ngừ cũng giảm nhẹ 2,2% trong tháng 9, tuy nhiên lũy kế 9 tháng vẫn giữ được mức tăng trưởng 13% đạt trên 15 triệu USD.

 

tom194b52e9_141036971.jpg
Mặt hàng tôm chiếm 9,3% kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Tây Ban Nha.

 
VASEP dự báo từ nay đến cuối năm, Tây Ban Nha sẽ tiếp tục là điểm sáng nhờ tăng trưởng mạnh hơn xuất khẩu các mặt hàng tôm, nghêu, cá ngừ phục vụ cho nhu cầu Giáng sinh và Năm mới. Đồng thời, VASEP cũng dự báo xuất khẩu thủy sản sang Tây Ban Nha quý IV/2021 sẽ tăng 13% đạt khoảng 21 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu cả năm 2021 lên 73 triệu USD, tăng 15% so với năm 2020.

Đối với ngành điều, dù giá giảm nhẹ nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng 14,8% nhờ sản lượng tăng 16,6%. Ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết điều Việt Nam bị cạnh tranh từ một số nước ở châu Phi. Do thiếu tàu, thiếu container nên chi phí vận chuyển tăng đột biến. Nhằm giảm chi phí, một số thị trường nhập khẩu điều đã chuyển sang nhập hàng từ châu Phi để có được mức giá thấp hơn đáng kể.

"Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nên dù bị cạnh tranh mà sản lượng xuất khẩu vẫn tăng tốt nhờ các DN trong ngành có nhiều đối tác, khách hàng lâu năm, xây dựng được sự tin tưởng, chất lượng ổn định. Ngoài ra, mặt hàng điều với dinh dưỡng cao, dễ bảo quản nên được tiêu thụ mạnh trong thời điểm dịch bệnh. Giáng sinh và Tết dương lịch sắp tới cũng là dịp sức tiêu thụ mặt hàng này gia tăng" - ông Hậu phân tích.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T (TP HCM), dự báo những tháng cuối năm là cơ hội xuất khẩu trái cây vì thời điểm này nhu cầu tiêu thụ cao nhất trong năm. "Trong tháng 10, tình hình kẹt container trên các thị trường tiêu thụ rất nghiêm trọng do các nước chuẩn bị trữ hàng cho mùa tiêu thụ cuối năm. Mặt hàng trái cây không trữ được thường sẽ được mua vào tháng 11, khi đó tình hình kẹt tàu, kẹt cảng đã bớt căng thẳng. Chúng tôi hy vọng sẽ tăng được lượng hàng xuất khẩu vì nhu cầu đặt hàng của các đối tác rất lớn" - ông Tùng bày tỏ.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam kỳ vọng đạt doanh thu xuất khẩu 3,5 tỉ USD trong năm nay, thay vì 4 tỉ USD như kế hoạch từ đầu năm. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký hiệp hội, cho rằng do ảnh hưởng dịch Covid-19, xuất khẩu rau quả thời gian qua gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng đáng kể nhờ xuất khẩu tốt vào các thị trường châu Âu, Mỹ, Đông Bắc Á, Trung Đông và cả thị trường Úc. Trước đây, rau quả lệ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc với tỉ trọng chiếm khoảng 70% thì nay giảm còn 58%. Các thị trường khác trước đây chỉ chiếm 30% thì nay tăng lên 42%-50% và chất lượng rau quả của Việt Nam đã được nâng lên đáng kể để tham gia những thị trường khó tính.

Tận dụng thời cơ tăng tốc

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), dự báo ngay trong năm 2021, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 5,6%. Từ đó thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nền kinh tế lớn cũng là đối tác chiến lược của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do đang phục hồi nhanh chóng.

Đây chính là cơ hội cho hoạt động xuất khẩu của các ngành kinh tế Việt Nam, trong đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cuối năm 2021 được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi và tiếp tục tăng trưởng mạnh.

 

21-03-09-ns.jpg

Xuất khẩu nông sản vẫn là một "điểm sáng” của nền kinh tế.

 

Dự kiến, cả năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ đạt 44 tỷ USD, đồng nghĩa với việc quý IV/2021, con số kim ngạch phải đạt là khoảng 8,5 tỷ USD.

Muốn vậy, doanh nghiệp phải thực sự tận dụng được thời cơ tăng tốc trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, thời điểm mở cửa lại cũng là thời điểm doanh nghiệp phải "chiến đấu" với muôn vàn khó khăn sau một thời gian dài "ngủ đông", như: thiếu vốn, thiếu hụt nguồn lao động, nguyên vật liệu tăng, chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu của khách hàng thay đổi...

Chính vì vậy, cũng như nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành hàng kinh tế khác, ngay lúc này, doanh nghiệp nông nghiệp cần nhận được sự trợ lực từ Chính phủ về các chính sách hỗ trợ như: Chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động...

Để từ đó, tiếp sức cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản đang gặp khó khăn, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ sức bật của các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển.

Về lâu dài, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Dù chín tháng của năm nay, ngành nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng 2,74%, nhưng những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vừa qua đòi hỏi phải tập trung cao độ triển khai những giải pháp cấp bách nhằm phấn đấu đạt mức tăng trưởng toàn ngành năm 2021 là 2,5 đến 2,8%; trong đó đặc biệt chú trọng đến hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Theo đó, trong lĩnh vực này sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế như tổ chức các hội thảo, diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thị trường; hỗ trợ thông tin về các hiệp định thương mại cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản; Hướng dẫn doanh nghiệp, địa phương về thực thi chính sách, quy định của các thị trường xuất khẩu phù hợp với tình hình dịch Covid-19.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đạt tiêu chuẩn sang các thị trường EU, Anh, Nhật Bản...

Bộ NN-PTNT cho biết từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước ASEAN, Peru, Úc, Brazil, Trung Quốc, Mỹ, Nga, Czech... trong khuôn khổ hợp tác nông nghiệp song phương và đa phương. Bộ sẽ hỗ trợ các địa phương, DN xuất khẩu nông sản (nhãn, thạch đen, vải, xoài, khoai lang, ớt... đang vào vụ thu hoạch) sang các thị trường Liên minh châu Âu (EU), Anh, Trung Quốc...; đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường EU trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam có hiệu lực.

Riêng đối với thị trường truyền thống Trung Quốc, sẽ tập trung hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp thực hiện việc đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249 về lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022; hướng dẫn đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc theo quy định mới về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản.

Về phía địa phương, đây cũng là thời điểm rất cần vai trò của các tỉnh, thành phố trong tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 nhằm bảo đảm cung ứng đầy đủ và có chất lượng nguồn nguyên liệu nông sản phục vụ xuất khẩu./.

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top