Na là một trong những sản phẩm chủ lực của huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), những năm qua, chính quyền địa phương và các nhà vườn đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, thương hiệu và giá trị mang lại, trong đó, có việc trồng rải vụ.
Mất mùa na
Những năm gần đây, huyện Yên Sơn nổi lên với nhiều loại trái cây ăn quả có giá trị về kinh tế, trong đó, có cây na. Na đã giúp người trồng có cuộc sống khá giả hơn, tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng thời tiết nên tỷ lệ ra hoa, đậu quả đạt thấp.
Chị Nguyễn Thị Phương, người chuyên thu mua na ở thôn Minh Khai, Lực Hành (Yên Sơn) cho biết, năm nay không có na mà mua, những năm trước mỗi ngày mua được khoảng chục tấn, ít nhất là 5-6 tấn, năm nay mỗi ngày chỉ mua được khoảng 2 tấn. Đầu mùa giá thu mua từ 30.000-35.000 đồng/kg.
Hiện, diện tích na của huyện Yên Sơn đạt trên 300 ha.
Ông Nguyễn Danh Quế, ở thôn Minh Khai, xã Lực Hành cho biết, gia đình có 1,5 ha na, năm nay mất mùa, sản lượng đạt khoảng 3,5 tấn, nhiều hộ còn mất trắng. Đầu vụ bán với giá hơn 40.000 đồng/kg, cao hơn mọi năm, sau đó xuống còn khoảng 20.000 đồng/kg. Dự kiến sản lượng trái vụ đạt 5-6 tấn.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Kế, Chủ tịch UBND xã Lực Hành (Yên Sơn) cho biết, hiện xã có trên 93,6 ha na, trong đó 92 đang cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 500 tấn. Năm nay, mất mùa na, thu hoạch chậm hơn mọi năm 1 tháng, giá bán tùy theo ngày, đầu vụ khoảng 40.000 đồng/kg, bình quân cả vụ khoảng 20.000 đồng/kg.
Năm nay, sản lượng na của gia đình ông Quế (người bên phải) chỉ đạt khoảng 3,5 tấn.
Ngoài việc người dân tự tiêu thụ, trên địa bàn xã có HTX Thắng Lợi đứng ra làm đầu mối tiêu thụ giúp người dân. Những hộ trồng na có nguồn thu nhập ổn định, nhiều nhà có thu nhập khá, có hộ thu tới 200-300 triệu đồng/năm.
Ông Vũ Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh (huyện Yên Sơn) cho biết, xã có 136 ha na, năm nay vụ chính mất mùa, năm 2021 sản lượng tới gần 900 tấn, năm nay đạt khoảng 520 tấn. Giá bán đầu vụ lên tới 40.000-45.000 đồng/kg. Thương lái đến tận vườn đặt, thu mua.
Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Sơn cho biết, diện tích na của huyện đạt hơn 300ha, tập ở xã Phúc Ninh, Lực Hành, năng suất trung bình đạt 54,8 tạ/ha. Năm nay, sản lượng chỉ bằng 30-40% so với các năm trước. Nhãn hiệu đã có nhưng không có na dưa vào siêu thị, vì các thương lái đến trực tiếp thu mua. Giá bán năm nay cao hơn mọi năm, đầu vụ lên tới 50.0000 đồng/kg, (trước đây đầu mùa khoảng 35.000-40.000 đồng/kg); trung bình 20.000-25.000 đồng/kg, với giá bán này người dân đã có lãi.
Áp dụng kỹ thuật nâng cao chất lượng
Ông Hoàng Văn Kế, Chủ tịch UBND xã Lực Hành cho biết, hiện nay xã đang phối hợp với Trung tâm dịch Nông nghiệp huyện Yên Sơn thực hiện đề tài Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất sản phẩm na dai, tạo sản phẩm OCOP trên địa bàn xã Lực Hành. Tham gia dự người dân được hỗ trợ giống, vật tư, phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Cũng theo ông Kế, những năm qua địa phương đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, thương hiệu quả na. Năm 2020, UBND huyện đã đăng ký nhãn hiệu đặc sản na dai Lực Hành. Với sự qua tâm của huyện, tỉnh người dân được hỗ trợ về bao bì, nhãn mác. Hiện, xã đăng ký thực hiện sản phẩm OCOP đối với sản phẩm na.
Đặc biệt, hiện có khoản 30% diện tích na trong xã được người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào để rải vụ, trái vụ để kéo dài thời gian thu hoạch. Thời gian tới, xã phối hợp với các cơ quan hỗ trợ nông dân chuyển giao tiến bộ khoa học, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông Vũ Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh cho biết, để nâng cao chất lượng xã đã hướng người trồng sản xuất theo quy trình VietGAP. Cùng với đó, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, liên kết với các đơn vị để tiêu thụ. Đặc biệt, bà con đã sản xuất rải vụ, có thể đến gần Tết vẫn có quả để bán. Na sản xuất trái vụ tập trung ở thôn thôn Soi Tiên, Lục Mùn và Khuôn Thống với diện tích hơn 100 ha. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con chăm sóc cải tạo vườn na cằn cỗi như ghép, trồng mới. Trọng tâm là rà soát sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Đinh Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Sơn cho biết, ở xã Lực Hành các cơ quan của huyện đang triển giao, tập huấn để người dân sản xuất theo hướng VietGAP, hiện có 7ha, đang sản xuất VietGAP để nhân rộng ra các diện tích khác. Theo đề án na Lực Hành, năm nay sẽ có sản phẩm na đạt sản phẩm OCOP.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật để người dân rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch từ thành 8 đến trước Tết Nguyên đán. Hiện nay, gần như na chính vụ và rải vụ đều dùng phương pháp thụ phấn nhân tạo, thực hiện phương pháp này đảm bảo quả tròn, phát triển đồng đều, chất lượng tốt… cùng với đó, hạ thấp cây tạo thuận cho việc chắm sóc, thụ phấn, thu hái.
Về vấn đề này, ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Sơn cho biết, huyện xây dựng Đề án các sản phẩm chủ lực gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái giai đoạn 2020-2025, trong đó, có sản phẩm na, nhân dân tham gia được tập huấn kỹ thuật rải vụ na. Hiện, có đề tài riêng cho sản phẩm na của Sở Khoa học và Công nghệ làm chủ, xoáy sâu vào na trái vụ, và bao quả cho na, xuyên suốt từ giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, hàng năm huyện hỗ trợ bao bì, nhãn mác cho các hộ cung cấp na vào siêu thị, nhà hàng; giới thiệu vào các Co.opmart, quảng bá, giới thiệu sản phẩm vào siêu thị, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.