Đắk Lắk hiện đã vươn lên là tỉnh đứng thứ 2 về diện tích sầu riêng trong cả nước, với trên 15.000 ha, sản lượng khoảng 150.000 tấn. Đây là lợi thế của Đắk Lắk khi thị trường Trung Quốc bắt đầu mở cửa chính ngạch cho loại trái cây này.
Gia đình ông Trần Văn Chiến, ở buôn Jung, xã Ea Yông, huyện Krông Păk có 4,7 ha trồng chuyên canh sầu riêng. Trải qua nhiều khó khăn và kiên trì với giống sầu riêng Dona hơn 18 năm nay, ông cho biết rất vui mừng khi nhận được thông tin Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu chính ngạch sầu riêng Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Chiến cũng ý thức được rằng, đây là cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho sầu riêng Đắk Lắk khi thị trường Trung Quốc không còn “dễ tính” mà đòi hỏi những yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Sầu riêng Đắk Lắk vào mùa thu hái.
Theo ông Chiến: "Không riêng bản thân tôi mà chủ trương xuất khẩu sầu riêng đi nước ngoài chúng tôi rất mừng vì người nông dân sản xuất ra mong sản phẩm tốt bán được giá cao, cho nên rất phấn khởi. Tiêu chuẩn VietGap chúng tôi đã làm rồi. Đó là 1 phần trong tiêu chuẩn xuất khẩu. Thứ hai là mã vùng trồng chúng tôi đang tiến hành kịp thời xuất khẩu”.
Không chỉ nông dân trồng sầu riêng mà những doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sầu riêng cũng đã có sự chủ động nhập cuộc. Điển hình là Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (Đắk Lắk). Bên cạnh hoàn tất các thủ tục xét công nhận có vùng nguyên liệu và cơ sở đóng gói để đáp ứng các tiêu chuẩn phía nước nhập khẩu đưa ra, công ty đang gấp rút liên kết với các hộ dân, hợp tác xã để triển khai mã số vùng trồng. Công ty đã thiết lập được 33 mã số vùng trồng cho hơn 1.000 ha gửi sang Trung Quốc đánh giá từ năm 2021.
Năm 2022, công ty tiếp tục liên kết với 20 hợp tác xã trong tỉnh đã thiết lập được 3.000 ha mã số vùng trồng (trong đó hồ sơ hoàn thiện là 2.500 ha ). Lộ trình đến hết năm, công ty sẽ thiết lập thêm 5.000 ha. Ngoài ra, công ty có 17 cơ sở đóng gói từ Tiền Giang đến Tây Nguyên.
Ông Lê Minh Tâm, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn cho biết: "Doanh nghiệp chúng tôi đã sẵn sàng mã cơ sở đóng gói và mã vùng trồng. Để sau này phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chúng tôi đang chuẩn bị các bước kế tiếp đó là xây dựng thêm 12 cơ sở đóng trái để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Triển khai thêm các mã vùng trồng cho các huyện của Đắk Lắk như Cư Mgar, Krông Buk, Krông Năng… để số lượng nhiều đủ điều kiện đối với cơ sở đóng gói”.
Đắk Lắk hiện có hơn 15.000 ha sầu riêng, chiếm 17,6% diện tích của cả nước và là tỉnh có diện tích lớn thứ 2 (sau tỉnh Tiền Giang); sản lượng thu hoạch năm 2022 ước khoảng 150.000 tấn và dự kiến sản lượng đến năm 2025 là 300.000 tấn. Với điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai rất thích hợp, các giống sầu riêng được người dân Đắk Lắk trồng nhiều như Ri6, Dona… có giá trị kinh tế cao.
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, để đón đầu cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tỉnh đã chú trọng phát triển vùng nguyên liệu bền vững ngay khi Nghị định thư bắt đầu được xây dựng. Cùng với đó, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn và cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói quả tươi phục vụ xuất khẩu. Đến nay, tỉnh đã thiết lập và xây dựng vùng trồng sầu riêng tập trung phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích hơn 1.500 ha và 24 mã cơ sở đóng gói trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Côn, Nghị định thư thực chất là các yêu cầu kỹ thuật buộc bên xuất khẩu phải tuân thủ. Do đó, để trái sầu riêng Đắk Lắk xuất khẩu sang Trung Quốc lâu dài, bền vững thì mỗi địa phương, doanh nghiệp, nông dân phải không ngừng nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong vận hành chuỗi giá trị để đáp ứng tốt các yêu cầu, quy định đề ra trong Nghị định thư.
"Mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được phía Trung Quốc công nhận kèm với Nghị định thư đã được ký kết mới chỉ là điều kiện cần, còn đơn hàng của chúng ta đi sang được phải có sự kiểm tra đánh giá được công nhận. Để sầu riêng xuất được sang Trung Quốc một cách bền vững thì liên tục phải phấn đấu từ sản xuất, chăm sóc đóng gói đến vận chuyển chúng ta phải liên tục tuân thủ quy định của nước nhập khẩu” - ông Côn nhấn mạnh.
Có thể thấy, Đắk Lắk đã có một quá trình chuẩn bị khá kỹ cho trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch. Nghị định thư được ký đánh dấu một bước tiến quan trọng để trái sầu riêng Việt Nam được vươn xa. Tuy nhiên, để khai thác tốt các thị trường nước ngoài, nhất là thì trường tiềm năng Trung Quốc một cách bền vững, Đắk Lắk vẫn còn nhiều việc phải làm trong quảng bá thương hiệu, ứng dụng công nghệ, chuyên nghiệp hơn trong liên kết chuỗi…
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…