Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 11 năm 2022 | 8:0

Phí bảo hiểm tiền gửi đảm bảo nguồn lực bảo vệ người gửi tiền

Phí bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là công cụ quan trọng giúp đảm bảo năng lực tài chính và khả năng ứng phó khi xảy ra rủi ro của tổ chức BHTG, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần giữ vững sự an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, có vai trò rất quan trọng trong thực thi chính sách công của nhà nước. Luật BHTG tại Việt Nam quy định: BHTG là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được BHTG trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

Với tư cách là bên cùng thụ hưởng chính sách, các tổ chức tham gia BHTG cũng phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính thông qua phí BHTG. Đây là khoản tiền mà tổ chức tham gia BHTG (ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân) phải nộp cho BHTGVN để bảo hiểm cho tiền gửi của người gửi tiền được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG.

Như vậy, người dân khi gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG không phải đóng phí BHTG mà tổ chức tham gia BHTG phải nộp phí BHTG tính trên số dư tiền gửi được bảo hiểm bình quân.

Khung phí BHTG do Thủ tướng Chính phủ quy định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Căn cứ khung phí, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức phí BHTG cụ thể đối với tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này. Từ khi thành lập đến nay, BHTGVN thực hiện thu phí theo phương thức thu phí trước và thu phí đồng hạng với mức 0,15%/tổng số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG. Điều này đã giúp BHTGVN chủ động nguồn lực tài chính để triển khai nhanh chóng khi xảy ra chi trả BHTG.

Theo Thông tư 312/2016/TT-BTC ngày 24/11/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính của BHTG Việt Nam, thì toàn bộ phí BHTG do tổ chức tham gia BHTG nộp cho BHTG Việt Nam được bổ sung vào Quỹ dự phòng nghiệp vụ dùng để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấm dứt hoạt động để thanh lý hoặc tòa án có quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản theo quy định của Luật Phá sản.

Bên cạnh nghiệp vụ chi trả BHTG, BHTGVN còn sử dụng Quỹ dự phòng nghiệp vụ cho vay đặc biệt khi tham gia kiểm soát đặc biệt các tổ chức tín dụng theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017, khoản 13 Điều 13 Luật BHTG và các văn bản của BHTGVN hướng dẫn thực hiện quy chế về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Tính đến hết quý III/2022, Quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN đạt gần 86 nghìn tỷ đồng. Với nguồn Quỹ dự phòng nghiệp vụ này, BHTGVN cho biết có thể sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.

BHTGVN chú trọng việc quản lý và sử dụng nguồn thu phí BHTG, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ số luôn biến động hiện nay. Định kỳ hàng quý, BHTGVN thực hiện giám sát từ xa việc tính và nộp phí đối với tổ chức tham gia BHTG. Định kì hàng năm hoặc đột xuất, khi phát hiện đơn vị có thừa hoặc thiếu phí lớn qua giám sát từ xa, BHTGVN sẽ tổ chức kiểm tra tại chỗ để xác minh chính xác số phí phải nộp, số phí thừa hoặc thiếu và nguyên nhân để có đánh giá và xử lý đúng theo quy định của pháp luật về BHTG. BHTGVN cũng chú trọng đầu tư phát triển và ứng dụng hệ thống công nghệ tin học vào quy trình quản lý, kiểm soát việc tính và thu phí BHTG.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với nguồn lực tài chính thu được từ phí BHTG, BHTGVN có thể sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của họ và tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; đồng thời góp phần gia tăng niềm tin của người dân đối với các tổ chức nhận tiền gửi.

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
Top