Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 7 năm 2022 | 10:6

Trồng sen cho người nông dân lợi nhuận trên 100 triệu đồng mỗi ha

Hầu hết các mô hình trên cây sen hiện nay đều kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm như bơi xuồng ngắm hoa, câu cá, ẩm thực... nhằm tăng thêm thu nhập.

sen.jpg

Người dân xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười thu hoạch gương sen. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

 

Sen là một trong những ngành hàng trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp.

Hiện diện tích trồng sen của tỉnh khoảng 258ha, sản lượng đạt 286 tấn.

Giá thành sản xuất bình quân khoảng 7.378 đồng/kg, trừ các chi phí vẫn cho lãi hơn 116 triệu đồng/ha.

Cây sen được trồng nhiều nhất là ở các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông, Thanh Bình.

Cây sen phát triển là do bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen, hoặc mô hình trồng sen trong vùng đất trũng.

Phần lớn người dân ở Đồng Tháp trồng sen lấy gương với giống sen Đài Loan.

Ông Nguyễn Anh Tuấn ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, cho biết những năm qua, ông không sản xuất lúa Thu Đông kém hiệu quả mà thay thế bằng việc trồng sen.

Nếu làm lúa Thu Đông, mỗi ha lãi chưa được 10 triệu đồng, thậm chí lỗ khi vào mùa mưa, lúa ngã, giảm năng suất và hiện nay giá phân bón tăng cao.

Với gần 1ha sen trồng lấy gương, sau 2,5 tháng sen cho thu hoạch. Ông Tuấn ước tính thu hoạch kéo dài 2,5 tháng, bình quân mỗi ha trồng sen lấy gương cho năng suất hơn 8 tấn/ha, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng.

Một vài mô hình canh tác sen đã được người dân thực hiện trong những năm qua như sen lúa (một vụ sen-một vụ lúa luân phiên), sen cá (trồng sen quanh năm kết hợp nuôi cá tự nhiên) và sen chuyên canh (trồng sen quanh năm)...

 

Trong sen cho nguoi nong dan loi nhuan tren 100 trieu dong moi ha hinh anh 2Người dân xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười phân loại gương sen sau khi thu hoạch. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
 

Hầu hết các mô hình trên cây sen hiện nay đều kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm như bơi xuồng ngắm hoa, câu cá, ẩm thực... nhằm tăng thêm thu nhập; các hoạt động du lịch kết hợp này giúp tăng thêm lợp nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha/năm.

Điển hình là huyện Tháp Mười, địa phương này không chỉ trồng sen lấy gương, lấy lá, lấy ngó mà còn làm du lịch. Cụ thể là Khu du lịch Đồng sen Tháp Mười.

Nơi đây, ngoài cánh đồng sen rộng lớn hơn 40ha cho hoa quanh năm đáp ứng nhu cầu của du khách đến địa phương tham quan, ngắm cảnh; các hộ dân nơi đây còn liên kết làm du lịch cộng đồng với nhiều món ăn hấp dẫn được chế biến từ sen.

Các sản phẩm từ sen ở huyện Tháp Mười ngày càng đa dạng. Việc sản xuất sen hiện nay không chỉ dừng lại ở bán sen tươi, mà chuyển dần sang sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị của cây sen với nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP như trà hoa sen, trà tim sen, trà lá sen, hạt sen tươi, hạt sen sấy. Từ đó, nâng cao giá trị của cây sen.

Từ năm 2019 đến nay, huyện có 13 sản phẩm từ sen đạt hạng OCOP từ 3-4 sao.

Ngoài trồng sen lấy gương, ngó và lá, Đồng Tháp còn có 220 sản phẩm được công nhận OCOP từ sen như bột sen, bột sữa sen, vải dệt từ tơ sen, quà lưu niệm...

Tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung đến năm 2025 với diện tích 1.350ha, sản lượng ước 1.148 tấn, năng suất trung bình khoảng 8,5 tấn/ha.

Vùng trồng sen Đồng Tháp đạt hiệu quả, chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường đảm bảo vệ sinh thực phẩm, bền vững, nâng cao chuỗi giá trị cây sen trở thành đặc sản nổi tiếng ở vùng đất sen Hồng./.

 

 

 

TTXVN/Vietnam+
Ý kiến bạn đọc
Top