Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 21 tháng 6 năm 2020 | 10:4

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Điểm tựa vững chắc cho người gửi tiền

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tạo tác động tiêu cực đến  nền kinh tế trong nước, thời gian qua toàn ngành Ngân hàng đã và đang quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng.

Trong đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) với vai trò là một mắt xích không thể thiếu của hệ thống tài chính – ngân hàng cũng đang thực hiện tốt sứ mệnh của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tham gia BHTG, đảm bảo hoạt động của hệ thống an toàn, thông suốt, lành mạnh.

3.jpg
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, điểm tựa vững chắc cho người gửi tiền. Ảnh: LĐ

 

 

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước (NHNN), công tác triển khai chính sách và nghiệp vụ BHTG được thực hiện hiệu quả và đạt nhiều kết quả nổi bật. Tính đến Quý I/2020, BHTGVN đang bảo vệ cho hơn 5 triệu tỷ đồng tiền gửi tại 1.282 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 95 ngân hàng thương mại, 1 ngân hàng hợp tác xã, 1.182 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) và 4 tổ chức tài chính vi mô.

Các hoạt động cấp, thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG được thực hiện chính xác, kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) huy động hiệu quả nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, góp phần phát triển kinh tế và ổn định xã hội. 

Thu phí BHTG đầy đủ tạo nguồn chủ yếu bổ sung vào Quỹ dự phòng nghiệp vụ. Đặc biệt, từ nguồn vốn ban đầu được cấp 1.000 tỷ đồng, tính đến năm 2020, tổng tài sản của BHTGVN đã đạt hơn 60.000 tỷ đồng nhờ tích lũy, quản lý và đầu tư bài bản. Đây là nguồn lực tài chính đáng kể giúp BHTGVN sẵn sàng chi trả khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.

Covid 19 bùng phát đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh ở nhiều lĩnh vực, kéo theo nhiều rủi ro tiềm ẩn về nợ xấu gia tăng và hoạt động của các QTDND có vấn đề. Do đó, BHTGVN luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, giám sát thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ đối với các tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời và ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ, từ đó chuẩn bị các phương án hỗ trợ khi cần thiết.

Trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG chẳng may gặp sự cố, BHTGVN sẽ thay mặt Chính phủ đứng ra chi trả cho người gửi tiền. Trong 20 năm qua, tổ chức BHTG đã chi trả đầy đủ, kịp thời để bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) bị giải thể bắt buộc.

Những năm gần đây, BHTGVN mặc dù không thực hiện chi trả cho người gửi tiền, nhưng BHTGVN định kỳ xây dựng và diễn tập, mô phỏng các “kịch bản” chi trả khi có đổ vỡ để luôn chủ động, sẵn sàng trong bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.

Bên cạnh đó, BHTGVN là một thành tố không thể thiếu trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD. BHTGVN nghiên cứu và đề xuất định hướng chính sách như xác định mạng an toàn tài chính quốc gia, quy định rõ cơ chế phối hợp, chức năng, quyền hạn của các cơ quan trong việc tái cơ cấu tổ chức tín dụng, sửa đổi đồng bộ Luật BHTG và các luật có liên quan, ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện tái cơ cấu TCTD yếu kém.

Triển khai Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND, BHTGVN đặt ra những mục tiêu trọng yếu, bao gồm: Chú trọng thực hiện các hoạt động hỗ trợ, xử lý các QTDND yếu kém, được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt; phát huy vai trò giám sát, phân tích, đánh giá cảnh báo an toàn hệ thống, nhất là an toàn về tiền gửi và cho vay của các QTDND; tham gia phối hợp, hỗ trợ có hiệu quả chức năng kiểm tra của NHNN đối với các QTDND; nghiên cứu đề xuất việc sử dụng nguồn kết dư phí bảo hiểm tiền gửi vào việc xử lý các QTDND yếu kém.

Bảo vệ quyền lợi người gửi tiền song hành với việc nâng cao nhận thức người dân về hoạt động ngân hàng. Trong thời điểm tình hình kinh tế bất ổn như hiện nay, việc xây dựng tâm lý vững vàng cho người gửi tiền là vô cùng cần thiết. Để đưa chính sách BHTG tới gần hơn với người gửi tiền trên cả nước, BHTGVN luôn tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng dưới nhiều hình thức đa dạng: website và Bản tin BHTG, báo chí trong và ngoài ngành Ngân hàng, các kênh phát thanh và truyền hình có uy tín như Truyền hình Nhân dân, Đài tiếng nói, Đài truyền hình, Thông tấn xã Việt Nam. BHTGVN cũng phối hợp với các trường đại học, học viện, chi nhánh NHNN và tổ chức đoàn thể địa phương tổ chức các sự kiện, hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, thu hút được sự quan tâm và đánh giá cao của công chúng và  người gửi tiền trên địa bàn. Chính sách BHTG ngày càng đi vào cuộc sống, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi người dân ít được tiếp cận với thông tin và cũng là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Đặc biệt, tầm quan trọng của tuyên truyền ngày càng được đề cao khi xảy ra sự cố tại các QTDND, niềm tin được củng cố, nguy cơ rủi ro từ đó được ngăn chặn.

Hiện BHTGVN đang nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của NHNN, quaua đó, quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền ngày càng được bảo đảm tốt hơn và đóng góp có hiệu quả vào hoạt động an toàn, lành mạnh của các tổ chức tín dụng.

 

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
Top