Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan định hướng mở rộng không gian vùng, dựa trên sự giao thoa của tam giác phát triển nhà nước - thị trường - xã hội.
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sản xuất, lưu thông và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tháng 8/2021. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam có xu hướng giảm.
Cụ thể, xuất khẩu cao su trong nửa đầu tháng 8/2021 giảm 12,3% về lượng và 13,2% về giá trị so với 15 ngày cuối tháng 7/2021. Xuất khẩu cà phê giảm 16,7% về lượng và 12,7% về trị giá so với nửa đầu tháng 7/2021.
Tương tự, xuất khẩu hạt điều giảm 21,6% về lượng và 18,5% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 7/2021. Xuất khẩu sắn giảm 7,9% về lượng và 0,9% về trị giá so với 15 ngày cuối tháng 7/2021.
Thị trường thủy sản chịu tác động nhiều nhất của dịch bệnh. Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), xuất khẩu nửa đầu tháng 8/2021 giảm 41% về trị giá so với nửa cuối tháng 7/2021 và giảm 30,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Dù đối đầu vô vàn thách thức, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan lạc quan. Phát biểu tại Tọa đàm "Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản: Trước mắt và lâu dài" sáng 4/9, ông nói: "Cuộc sống luôn đan xen giữa thời cơ và thách thức, giữa tiêu cực và tích cực. Điều quan trọng, là chúng ta hãy luôn nghĩ về những điều tích cực".
Để giúp bà con nông dân tìm giải pháp căn cơ tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề ra 3 giải pháp. Một, là thoát khỏi tư duy mùa vụ. Trước bất cứ sức ép nào trong ngắn hạn, nông dân cũng cần chung vai với ngành nông nghiệp để đưa ra những tầm nhìn dài hạn từ 5 đến 10 năm.
Hai, là tăng cường đối thoại. Người đứng đầu ngành nông nghiệp chia sẻ, rằng bất cứ ngành chuyên môn nào đều cần tam giác phát triển, gồm nhà nước - thị trường - xã hội. Chỉ khi mở rộng khoảng giao thoa này đủ lớn, những bất trắc, rủi ro mới giảm xuống.
Ba, là mở rộng các không gian phát triển. Trước đây, ngành nông nghiệp và nhiều ngành khác đã đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết tiểu vùng. Tuy nhiên, hợp tác như vậy, ranh giới địa lý vẫn hằn lên tư duy phát triển, bởi thương lái Cần Thơ đi thu mua lúa ở Đồng Tháp sẽ băn khoăn là GDP sẽ được tính cho địa phương nào.
“Đây là một dịp thử thách tư duy liên kết vùng, hay rộng hơn là không gian phát triển của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hiện chúng ta vẫn đang tư duy theo hướng chia cắt ra các tỉnh. Để thích ứng với một loạt vấn đề như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp phải thay đổi, đề ra những chiến lược phát triển chung cho toàn bộ 13 tỉnh ĐBSCL", Bộ trưởng nói.
Muốn mở rộng không gian phát triển, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi các bên, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cho đến hợp tác xã (HTX) và nông dân cần ngồi lại để thấu cảm cho nhau.
Ông chia sẻ: "Người làm chính sách phải đặt vào vị trí của một ông chủ doanh nghiệp, để thấu hiểu những khó khăn khi hàng hóa bị ùn tắc. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần tuân thủ những biện pháp sản xuất trong tình hình mới như '3 tại chỗ' để giúp địa phương hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội".
Sự thấu cảm, như lời Bộ trưởng Lê Minh Hoan, không chỉ dành riêng tại ĐBSCL, mà còn cần mở rộng trên cả nước, nhằm loại bỏ tư duy cắt khúc, khiến những ùn tắc cục bộ dễ nảy sinh.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp kêu gọi, tất cả các bên liên quan chung tay phát triển, tạo ra một hệ sinh thái phát triển. Đó là cơ sở để giúp ngành nông nghiệp không những là trụ đỡ của nền kinh tế, mà còn là tạo ra sự bền vững cho nông thôn, tạo ra ý thức trách nhiệm cho người dân.
Một lợi ích nữa của việc mở rộng không gian phát triển là tiết kiệm chi phí trong lưu thông, sản xuất. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: "Dịch bệnh khiến người dân khó khăn, nhưng cũng là thời điểm để họ ý thức rõ ràng, về việc không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Nhiệm vụ của những cán bộ quản lý, điều hành ngành nông nghiệp là giúp bà con thay đổi tư duy triệt để, giúp họ chuyển biến từ tự phát thành tự giác gia nhập HTX, với tư tưởng cùng ăn, cùng chia lợi nhuận".
"Một ý tưởng nhỏ đủ sức tạo ra sức ảnh hưởng lớn", Bộ trưởng nhấn mạnh. Đó cũng là phương châm của Bộ NN-PTNT khi thành lập hai Tổ công tác đặc biệt ở hai miền Tổ quốc, nhằm đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm và chuẩn bị tiến độ sản xuất cho chu kỳ mới.
Theo nongnghiep.vn
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…