Na sạch Chi Lăng quả to, xanh nhạt, cùi dày, nếu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP phải có bao bì.
Sau 40 năm bén rễ ở vùng núi đá vôi Chi Lăng, quả na đang thực sự phát triển và trở thành mặt hàng nông sản mũi nhọn của tỉnh Lạng Sơn. Thời điểm hiện tại cũng là lúc na bước vào chính vụ, người tiêu dùng tìm đến mặt hàng này rất nhiều. Để tiếp cận được quả na Chi Lăng chính hiệu, chất lượng cao mà giá cả phải chăng, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ để tránh mua phải na không rõ nguồn gốc.
Quả to, xanh nhạt, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, thơm
Na được chia thành hai loại là na dai và na bở. Quả na dai có vỏ mềm, màu xanh, thịt trắng lại ít hạt. Loại na này có ưu điểm là ăn ngọt, để được lâu, không dễ nát, dễ bóc vỏ, khi ăn có cảm giác các múi cũng dai hơn. Trong khi đó, na bở thường mềm, dễ vỡ, nát, nhiều hạt và cũng không ngọt thơm như na dai.
Đối với na Chi Lăng, quả có vỏ mỏng, mắt nở và phẳng, hơi nứt nhưng vẫn còn cuống. Đó là na chín cây, ăn ngọt và thơm. Ngoài ra, vỏ na có màu xanh nhạt, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ít hạt, vị ngọt thanh, thơm ngon đặc trưng.
Người tiêu dùng nên tránh những quả na quá mềm, có vết thâm bên ngoài. Đó là na non, bị ép chín, ủ hóa chất độc hại. Với những quả na có nhiều vết nứt nẻ, va chạm và ở các vết đó có dấu hiệu chảy nước, tuyệt đối không chọn bởi na ăn sẽ không ngon, vị ủng, có thể bị ủ hóa chất kích chín.
Na không chứa hóa chất sẽ ngọt thanh
Với đặc tính không để được lâu, khó bảo quản, nhiều thương lái đã sử dụng chất bảo quản, chất kích thích để giữ na trong quá trình vận chuyển hoặc buôn bán.
Những quả na Chi Lăng chín tự nhiên không ngâm thuốc có mùi thơm dịu, vị ngọt thanh. Trong khi đó, na ngâm hóa chất để chín ép rất nhạt, ăn bị sượng và không có mùi vị đặc trưng của na. Màu sắc của na chứa hóa chất cũng không tự nhiên, quả nào cũng đều tăm tắp, không có vết nứt, cuống bị gẫy, vỏ khó bóc.
Hiện nay, nông dân Chi Lăng đang cải tiến cách thức bảo quản na lâu hơn thông qua làm mát, đông lạnh để giảm độ nhanh chín của quả na. Na Chi Lăng tuyệt đối không sử dụng chất bảo quản nên người tiêu dùng phải thận trọng khi phân biệt na.
Na sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP phải có bao bì
Từ năm 2019, huyện Chi Lăng đã tổ chức phát động, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện phong trào thi đua sản xuất na và các nông sản đặc sản theo hướng sản xuất an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Theo lãnh đạo huyện, 100% bao bì sản phẩm na được nông dân chủ động quản lý. Nếu không phải na sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP thì không được sử dụng bao bì đó. Nếu phát hiện có sự trà trộn na theo chuẩn và không theo chuẩn, cả chính quyền và người dân nơi đó phải là người chịu trách nhiệm.
Chính vì vậy, nếu người tiêu dùng muốn tìm đến na chất lượng cao, nên mua na có dán tem VietGAP, GlobalGAP tại các siêu thị, cửa hàng uy tín. Không nên mua hàng trôi nổi, không có bao bì nhưng vẫn được quảng cáo theo các tiêu chuẩn trên.
Giá na to đang ở mức 60.000 - 80.000 đồng/kg
Hiện tại, do tình hình giãn cách xã hội ở Hà Nội hay nhiều địa phương phía Bắc, giá na đang cao hơn trước đó 5.000 - 10.000 đồng/kg, vào khoảng 45.000 đồng/kg.
Đối với những quả na to, đẹp, giá vào khoảng 60.000 - 80.000 đồng/kg, mỗi kg có 2-3 quả.
Còn những quả na Chi Lăng hảo hạng, đặc biệt, có trọng lượng hơn 1kg, giá bán sẽ lên tới 100.000 đồng.
Mua na Chi Lăng ở đâu?
Hiện nay, thị trường chủ yếu của na Chi Lăng đang ở: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình... Thương lái từ những địa phương này lên tận nơi để thu mua na về bán. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều chủ buôn đang giao bán online trên các hội nhóm mạng xã hội. Người tiêu dùng sẽ dễ dàng bắt gặp na Chi Lăng để mua.
Các hệ thống siêu thị lớn cũng xuất hiện mặt hàng na Chi Lăng. Ngoài ra, một số sàn thương mại điện tử như voso.vn, portmart.vn cũng đang kinh doanh sản phẩm na này. Đây là các kênh uy tín, đảm bảo na chính hiệu cho người tiêu dùng.
Thanh Thư (VnExpress.net)
Ảnh: Huyện Chi Lăng
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…