Chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác mang lại hiệu quả cao
Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác đạt 6153,4ha. Việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác đã mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với cấy lúa.
Ngày 29/7, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tọa đàm với chủ đề “chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên chân đất lúa kém hiệu quả”. Đây là dịp để bà con nông dân trong tỉnh đánh giá, lựa chọn mô hình chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn so với cấy lúa.
Quang cảnh tọa đàm
Thực trạng sản xuất
Trong những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết có những diễn biến bất thường, những hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, đặc biệt là cây lúa và các loại cây thực phẩm ngắn ngày khác. Để chủ động ứng phó với những tác hại của thiên tai, việc thay đổi cơ cấu cây trồng, bố trí lại mùa vụ thích hợp nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất trong sản xuất (SX) nông nghiệp cho người dân, qua đó từng bước giúp người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện SX của từng vùng, đem lại hiệu quả kinh tế cao là vấn đề thực tiễn đặt ra đối với ngành Nông nghiệp.
Việc SX lúa nước cần được duy trì nhằm đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ. Tuy nhiên, đối với một số vùng SX lúa kém hiệu quả, thường xuyên gặp rủi ro, không chủ động nước tưới, năng suất thấp bấp bênh; ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn các địa phương chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Cụ thể đối với chân cao thiếu nước vụ Hè Thu (HT) nên chuyển sang trồng 1 vụ lúa Đông Xuân (ĐX)+ 1 vụ màu HT (lạc, ngô, vừng, đậu xanh, ớt, dưa hấu, rau ăn quả các loại...) hoặc 2 vụ màu để giảm áp lực nước tưới cho vụ HT.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Ngãi, trong năm (2020-2021) diện tích SX cây lúa nước trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 38.000ha; năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha; trong đó có gần 198ha sản xuất lúa 1 vụ; trong điều kiện thiếu nước tưới dẫn đến năng suất, chất lượng lúa ở chân ruộng này đạt thấp, chỉ từ 50-52tạ/ha, đó là chưa kể trong những năm thời tiết cực đoan, nắng hạn đến sớm, thiếu nước dẫn đến thất thu.
Năm 2020 tổng diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa trên địa bàn toàn tỉnh là 819,85ha; trong đó diện tích chuyển đổi sang trồng cây hằng năm là 779,85ha, diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm là 40ha. Năm 2021 tổng diện tích chuyển đổi là 747,81ha, trong đó diện tích chuyển đổi sang trồng cây hằng năm là 700,81ha, diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm là 47ha.
Bên cạnh những định hướng chuyển đổi của ngành Nông nghiệp, nông dân một số địa phương cũng chuyển đổi một cách tự phát theo phong trào không theo quy luật nên khó khăn trong việc điều tiết nước khi vào vụ SX nhất là những vùng SX đan xen giữa lúa, màu dẫn đến thiếu nước tưới khi gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi sẽ làm giảm năng suất, hiệu quả thấp. Mặt khác, khi SX ồ ạt, vượt nguồn cung thị trường sẽ dẫn đến vấn đề được mùa, mất giá, khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm.
Một số mô hình chuyển đổi có hiệu quả
Năm 2020-2022, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi phối hợp với Viện Khoa học Kinh tế nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ thực hiện mô hình chuyển đổi nền canh tác 2 vụ lúa kém hiệu quả sang 1 vụ lúa ĐX + 1 vụ lạc, vừng HT với quy mô 45 ha (lạc 20ha/2 vụ HT, vừng 25ha/3 vụ HT); số hộ tham gia 371 hộ.
Kết quả chuyển đổi mô hình trồng vừng trên chân đất lúa kém hiệu quả: Tổng diện tích thực hiện mô hình chuyển đổi sang cây vừng vụ HT trong 2 năm (2020-2021) là 15ha (5ha/vụ/năm) tại các điểm (xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, xã Hành Tín Tây, Nghĩa Hành và xã Bình Thạnh, Bình Sơn), bố trí trên chân đất có độ phì trung bình, thường thiếu nước cuối vụ.
Qua 2 năm thực hiện mô hình chuyển đổi sang cây vừng, kết quả năng suất mô hình bình quân tại các điểm đạt 10,41 tạ/ha. Về hiệu quả kinh tế, lãi ròng cho 1ha SX vừng trên đất lúa thiếu nước bình quân đạt trên 16,74 triệu đồng/ha, tăng trên 11,82 triệu đồng/ha so với SX lúa tại địa phương.
Kết quả chuyển đổi mô hình trồng lạc trên chân đất lúa kém hiệu quả: Tổng diện tích thực hiện mô hình chuyển đổi sang cây lạc vụ HT trong 2 năm (2021-2022) là 20ha (10ha/vụ/năm) tại xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành. Số hộ tham gia 168 hộ; bố trí trên chân đất có độ phì khá, thường thiếu nước cuối vụ.
Mô hình chuyển đổi sang cây lạc trên chân đất thiếu nước vụ HT, kết quả năng suất mô hình đạt 29,4 tạ/ha. Về hiệu quả kinh tế, lãi ròng cho 01ha SX lạc trên đất lúa thiếu nước đạt trên 33,54 triệu đồng/ha, tăng 26,67 triệu đồng/ha so với ruộng lúa SX tại địa phương. Mô hình đạt hiệu quả cao là do áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, trong giai đoạn 2016-2020 tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác đạt 6153,4ha. Qua đánh giá, việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cấy lúa.
Điển hình như tại một số huyện việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa sang các cây trồng phù hợp cao hơn trồng lúa bình quân gần 20 triệu đồng/ha. Trong đó, chuyển sang trồng ngô lai lợi nhuận 11 triệu đồng/ha, tăng hơn so trồng lúa là 5 triệu đồng/ha; chuyển sang trồng lạc lợi nhuận 24,6 triệu đồng/ha, tăng hơn trồng lúa là 15 triệu đồng/ha; chuyển sang trồng cây rau, đậu thực phẩm lợi nhuận 35 triệu đồng/ha, tăng hơn so trồng lúa là 30 triệu đồng/ha.
Theo ông Nguyễn Quang Trung, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người nông dân biết cách khai thác nguồn tài nguyên đất một cách hợp lý, tận dụng công lao động nông nhàn lấy công làm lời và góp phần tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích; đồng thời mô hình cũng giảm căng kéo lượng nước tưới, tiết kiệm 40-50% lượng nước tưới khi vào vụ SX. Các mô hình chuyển đổi trên được đánh giá phù hợp với điều kiện SX tại Quảng Ngãi trong những năm gần đây.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, hạn chế thiệt hại ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng. Đây được xem là tiền đề để các địa phương trong tỉnh xác định lại cơ cấu SX loại cây trồng phù hợp theo hướng hàng hóa, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng vùng, là định hướng phù hợp trong tái cơ cấu ngành NN trong thời gian đến.
Giải pháp nào?
Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sử dụng, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên đất, nước, đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho người nông dân trong quá trình SX cần thực hiện tăng cường phối hợp với các đơn vị để chọn tạo giống cây trồng mới, có triển vọng và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết của địa phương.
Tiếp tục xây dựng các chương trình, dự án, thực hiện mô hình trình diễn, đưa các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng cao, thích ứng điều kiện SX của từng vùng, hỗ trợ kỹ thuật để người nông dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng vào thực tiễn SX góp phần tăng năng suất, thu nhập, ổn định và cải thiện đời sống.
Tùy thuộc vào từng chân đất, điều kiện tưới tiêu mà bố trí chuyển đổi loại cây trồng phù hợp. Nếu là loại đất pha cát, đất thịt nhẹ tơi xốp, độ phì trung bình trở lên thì bố trí trồng lạc, ngô, đậu các loại và rau; loại đất tầng canh tác nông, độ phì kém thì bố trí trồng cây lâu năm, trồng cỏ chăn nuôi. Đất có độ phì khá bố trí trồng chuyên canh lạc, ngô cả 2 vụ/năm; hoặc luân canh lạc vụ ĐX, ngô vụ HT; hoặc lạc, ngô ĐX, các loại đậu khác vụ HT; một số diện tích đủ điều kiện SX lúa ĐX thì bố trí lúa ĐX, lạc, ngô, ớt, dưa hấu ...vụ HT.
Đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, hình thành vùng SX tập trung, quy mô lớn, áp dụng máy móc vào các khâu trong SX để giảm công lao động, giảm chi phí SX, tăng chất lượng sản phẩm. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với thị trường, liên kết doanh nghiệp đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu kiến nghị hiện nay chi phí công lao động và vật tư nông nghiệp tăng cao, lực lượng lao động nông thôn chủ yếu là người lớn tuổi, do vậy cần có chính sách hỗ trợ kinh phí phù hợp để tạo động lực cho việc thực hiện chuyển đổi đạt hiệu quả hơn. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm thị trường xuất khẩu ổn định nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.
Công tác xây dựng nông thôn mới (XDNTM) những năm qua được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch triển khai thực hiện.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và gần 4 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nguồn vốn tín dụng chính sách đã chuyển tải kịp thời đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp chủ động chuyển từ sinh hoạt trực tiếp sang gián tiếp qua nhóm Zalo, Zoom..., vừa đảm bảo các hoạt động thường xuyên, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngoài việc tuyên truyền cho cán bộ, hội viên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, Hội Làm vườn huyện Yên Thành (Nghệ An) còn chú trọng nhân rộng các mô hình VAC hiệu quả.