Vượt qua bao khó khăn ban đầu, ông Phan Công Câu (51 tuổi, trú thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) đã nuôi cá Koi thành công, thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm.
Lặn lội khởi nghiệp
Ông Câu kể: “Sau năm 2010, tôi bắt đầu nuôi cá Koi (còn gọi là cá chép Nhật). Khởi điểm tôi quyết định vay 150 triệu đồng để nhập 16 con cá Koi đủ màu sắc thuộc nhiều dòng khác nhau về nuôi sinh sản trong 6 bể xi măng với diện tích 100m2. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, lứa cá con đầu chết hoàn toàn; còn cá mẹ đẻ xong cũng bị chết vài con. Không nản lòng, tôi tìm đến những trại nuôi cá Koi lớn ở Tiền Giang, Nam Định…, đồng thời, lên mạng, đọc sách báo học hỏi cách nuôi loài cá Koi nên những lứa cá sau thu được kết quả khả quan.
Theo ông Câu, nuôi cá Koi cho đẻ bằng công nghệ mới đã khó, nhưng cho đẻ ra cá con có màu sắc đẹp, hấp dẫn lại càng khó hơn. Để cho ra lứa cá đẹp, yếu tố quan trọng là cá bố mẹ phải được tuyển chọn từ những con cực kỳ đẹp. Hiện nay, ông đã nắm bắt được kỹ thuật cho đẻ ra cá Koi có màu tuỳ ý. Ngoài ra, thức ăn, chế độ dinh dưỡng, môi trường sống cũng ảnh hưởng đến nét đẹp của cá. Để nuôi được cá có vẻ đẹp tự nhiên, tuổi thọ cao thì hồ phải rộng, độ sâu 0,8 – 1,5m, nước luôn trong, sạch, độ pH luôn giữ ở mức 6 - 8, rong, tảo không quá nhiều.
Theo những người mua cá Koi của ông Câu, cá của ông khỏe, linh hoạt, có màu sắc ấn tượng nên rất được ưa chuộng. Ngoài trực tiếp nuôi cá Koi, ông Câu còn cung cấp cá giống, liên kết sản xuất với nhiều hộ khác trong vùng để cùng nhau phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Ngọc Xảo (thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) là một trong những người nuôi cá đang liên kết với ông Câu nuôi xen cá Koi với cá khác trên với diện tích 1,5ha. Một con cá Koi phát triển tốt cần phải 2-3 khối nước để sinh sống, tuy nhiên, cùng một khối nuôi đó có thể nuôi xen các loại cá trắm cỏ, cá mè… Vì cá Koi ăn ở tầng đáy, có thể tận dụng được nguồn thức ăn của các loại cá trên. Trừ chi phí sản xuất, thu nhập từ việc hợp tác nuôi cá trung bình đạt 60-80 triệu đồng/năm”.
Quảng bá thương hiệu cá Koi
Để quảng bá thương hiệu cá Koi của mình, ông Câu mở một cửa hàng bán cá Koi trên Quốc lộ 14B (thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang). Cửa hàng luôn tấp nập người ra vào hỏi mua và vận chuyển cá Koi đi các nơi.
Để cá giống của ông có màu sắc đặc biệt, hấp dẫn hơn, vừa qua, ông mới nhập thêm 13 con cá Koi giống “siêu đẹp”. Từ năm 2016 đến nay, ông đã gây dựng nên trại cá Koi quy mô lớn, mỗi năm xuất bán ra thị trường trên 10.000 con cá Koi cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên, thu lãi 300 triệu đồng/năm.
Ông Trần Văn Mười, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Khương, cho hay, mô hình nuôi cá Koi của ông Câu là một trong những mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, ông Câu còn hỗ trợ, cung cấp cá giống cho người dân, sau đó mua lại giúp bà con có thêm thu nhập, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Hiện, nhiều nông dân đã đến tham quan mô hình, ông Câu vui vẻ hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm. Sản phẩm cá Koi của ông thường được trưng bày tại các Hội thi Kiến thức nhà nông, góp phần giúp Hội Nông dân xã Hòa Khương giành được nhiều giải thưởng. Tương lai không xa, dải đất cánh Tây xã Hoà Khương sẽ hình thành làng cá kiểng Koi, từ đó hỗ trợ phát triển kinh tế góp phần xây dựng nông thôn giàu, đẹp…
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…