Cơ giới hoá nông nghiệp không chỉ thiên về mục tiêu năng suất và sản lượng, mà hướng dần đến “nông nghiệp chính xác”, nâng cao chất lượng, giá trị cho nông sản.
Ảnh minh họa.
Trong những năm qua, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã được ngành chú trọng thực hiện. Cơ giới hóa nông nghiệp không chỉ góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và sản lượng, mà còn hướng đến nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, phát triển bền vững.
Lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản đã có những bước phát triển đáng kể, từng bước thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp và góp phần vào sự tăng trưởng, ổn định của ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Mức độ cơ giới hóa ngày càng cao
Nằm trong chuỗi sự kiện Agritechnica Asia Live 2022 (Xúc tiến và trình diễn khoa học và công nghệ để chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp bền vững) diễn ra tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG) và Viện Nghiên cứu Lúa Gạo quốc tế (IRRI) tổ chức hội thảo với chủ đề "Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững".
Tại thành phố Cần Thơ hiện nay, tùy từng vùng, từng vụ, tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa sẽ khác nhau. Các khâu chủ yếu trong sản xuất lúa (làm đất, bơm tưới) đã được cơ giới hóa hoàn thông qua các tổ, nhóm dịch vụ cộng đồng. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, bơm tưới đáp ứng 100% nhu cầu. Một số nơi nông dân ứng dụng công nghệ laser san phẳng mặt ruộng. Tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hóa khâu gieo sạ đạt trên 95%.
Trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã có 24 tổ kỹ thuật ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất trồng trọt, hoạt động chủ yếu của các tổ kỹ thuật là dịch vụ bơm tưới, làm đất và thu hoạch bằng cơ giới.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên địa bàn thành phố cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nông dân trong giai đoạn hiện nay. Hầu hết các vùng sản xuất lúa tập trung đều hình thành các tổ, nhóm dịch vụ phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân như bơm nước, làm đất, gieo sạ, thu hoạch, phơi sấy,... Những tiến bộ về cơ giới hóa trong sản xuất sớm được ứng dụng vào thực tiễn và nhân rộng ở địa phương.
Trong khi đó, việc cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Sóc Trăng được áp dụng từ khâu cải tạo ao ban đầu đến khâu thu hoạch tôm nuôi. Trong hoạt động nuôi trồng thủy sản ở Sóc Trăng đã ứng dụng cơ giới hóa 100% tất cả các công đoạn. Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng phối hợp địa phương triển khai ứng dụng cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản như: trong nuôi tôm, sử dụng sàn cho ăn tự động nhằm rải đều thức ăn và giảm công lao động, giảm thất thoát thức ăn, ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, kiểm soát các yếu tố môi trường như pH nước, nhiệt độ, lượng oxy hòa tan,... thông qua hệ thống quan trắc môi trường ao nuôi.
Trong cải tạo ao người nuôi sử dụng máy cào bùn để loại bỏ bùn đáy ao, chất hữu cơ dư thừa từ vụ nuôi trước để chuẩn bị cho vụ mới. Trong quá trình xuất bán giống, các công ty sử dụng máy đếm tôm trong quá trình đóng giống, giúp cho việc kiểm soát tôm xuất bán được chính xác về số lượng.
Trong mô hình ương nuôi tôm nhiều giai đoạn thì hệ thống máy sang tôm tự động cũng được sử dụng trong các nông trại lớn để tự động hóa quy trình sang tôm một cách chuyên nghiệp, giúp việc sang tôm được nhanh hơn, giảm stress cho tôm post. Việc sử dụng hệ thống xiphong đáy ao cũng là một khâu quan trọng trong việc loại bỏ bùn đáy ao, phân tôm, thức ăn dư thừa, vỏ tôm ra khỏi đáy ao. Từ đó, giúp môi trường ao nuôi sạch và ổn định.
Hiện nay, mức độ cơ giới hóa ở một số khâu trong một số lĩnh vực ngành có tỷ lệ khá cao là trồng trọt đạt từ 70-100%, chăn nuôi từ 55-90%... Cả nước có khoảng 7.803 doanh nghiệp cơ khí và 271 tổ chức nghiên cứu khoa học tham gia vào quá trình sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và lực lượng thuần cơ khí có khoảng 538.700 người.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, từ sự tăng trưởng, cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ; thúc đẩy liên kết sản xuất doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân và hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn như: dịch vụ làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản.
Cả nước đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ, lẻ, hộ gia đình. Một số ngành hàng có công nghệ, thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực và thế giới như: công nghệ chế biến hạt điều, chế biến lúa gạo, tôm, cá tra.
Đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong Top 10 thế giới
Mặc dù, lĩnh vực cơ giới hoá đồng bộ và chế biến nông sản đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển vì hiệu quả cơ giới hóa chưa cao; mức độ có giới hoá sản xuất nông nghiệp mới tập trung ở một số khâu làm đất, nước, thức ăn và áp dụng với một số sản phẩm chủ lực nhưng chưa đồng bộ. Hạ tầng kỹ thuật chưa phù hợp để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ; chế tạo máy móc, thiết bị trong nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về chủng loại, số lượng, cũng như chất lượng máy;...
Nguyên nhân theo ông Lê Đức Thịnh là do phát triển tự phát, người bán và mua công nghệ không có thông tin của nhau. Thiếu sự hỗ trợ của nhà nước, quy trình kỹ thuật thâm canh gắn với quy trình cơ giới hóa, thiếu chính sách khuyến khích tạo động lực đào tạo khoa học công nghệ, hạ tầng...
Việt Nam đặt mục tiêu cơ giới hoá đồng bộ đến năm 2030 gồm: trồng trọt đạt 70%, chăn nuôi đạt 60%, sản xuất thuỷ sản đạt 90%, lâm nghiệp đạt 50% và diêm nghiệp đạt 90%. Đến năm 2030 sẽ đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong Top 10 thế giới.
Để làm được điều này, theo các đại biểu thì phải gắn cơ giới hóa với tổ chức lại sản xuất; thay đổi tiếp cận trong cơ giới hóa; thay đổi cơ giới hóa đồng bộ. Đồng thời, xây dựng thể chế mới kết nối người cung và người cần; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với trang bị máy móc; khuyến khích tạo động lực đào tạo nguồn nhân lực;...
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Bích, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, để thực hiện và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững cần được giải quyết được vấn đề nhân sự cơ giới hóa nông nghiệp. Hệ thống đào tạo ngành cơ khí nông nghiệp phải được nâng cao hơn hiện nay cả về số và chất lượng.
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh danh sách những ngành nghề đang “khát” nhân lực hiện nay có hàng loạt các ngành cơ khí nhưng đây lại là nhóm ngành có tỷ lệ nguồn cung thấp nhất.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang kiến nghị điều chỉnh mức vay tối đa 100% giá trị máy móc, thiết bị công nghệ theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp trước đây.
Cùng đó, sửa đổi bổ sung chính sách tài sản thế chấp được hình thành từ vốn vay nhằm khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư mới máy móc thiết bị tiên tiến và các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất máy móc thiết bị phục vụ. Đồng thời, hoàn thiện và triển khai chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, trong đó có nhiều chính sách ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ cơ giới hóa trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo nghề về kỹ thuật cho các tổ chức đại diện nông dân, nông dân trong bảo dưỡng, vận hành, sửa chữa, hướng dẫn kỹ thuật trang thiết bị máy móc.
Nhiều dư địa để phát triển
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển cơ giới hóa trong nông nghiệp như: Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp và hàng loạt các chính sách: tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho người mua máy, thiết bị nông nghiệp; miễn thuế VAT đối với việc nhập máy, thiết bị chuyên dụng cho nông nghiệp; hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Ngày 20/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 858/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ nghị định về cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp làm cơ sở pháp lý để triển khai phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới.
"Đầu tư cơ giới hóa không chỉ một người nông dân làm mà phải có sự vào cuộc, liên kết giữa nhiều nông dân để huy động được nguồn lực, xây dựng chuỗi cơ giới hóa, mở rộng quy mô sản xuất thì cơ giới hóa mới hiệu quả. Hiện nay, nông nghiệp ở Việt Nam còn nhiều dư địa để cơ giới hóa và thị trường có nhiều máy móc cơ giới hóa nhưng sử dụng máy nào mới đem lại hiệu quả, phù hợp với nông nghiệp Việt Nam, rất cần sự đồng hành của doanh nghiệp và các tổ chức trong và ngoài nước", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cũng cho rằng, cơ giới hóa nông nghiệp không chỉ là giải pháp riêng lẻ, mà có thể được ứng dụng hiệu quả, đồng bộ cho hầu hết các công đoạn sản xuất, và là cơ sở để tạo dựng, phát triển các chuỗi giá trị nông sản bền vững, có sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. “Điều này đặt ra một loạt các câu hỏi về cách thức tổ chức chuỗi giá trị, vai trò của Nhà nước trong cung cấp thông tin, dịch vụ công, và tạo hạ tầng cơ bản để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ”, ông cho biết.
Theo tiến trình phát triển công nghệ trong nông nghiệp, cơ giới hoá nông nghiệp không chỉ thiên về mục tiêu năng suất và sản lượng, mà hướng dần đến “nông nghiệp chính xác”, nâng cao chất lượng, giá trị cho nông sản, ông nêu quan điểm.
Thực hiện “nông nghiệp chính xác” trên cơ sở cơ giới hoá, có thể giảm chi phí, giảm tác động môi trường, trong khi tăng được khả năng tiếp cận thị trường, chống chịu và khả năng tiếp cận của nông hộ nhỏ. Qua đó, tạo điều kiện giới thiệu sản phẩm mới và cơ hội việc làm tại nông thôn cũng như nâng cao lợi ích của người tiêu dùng.
“Cần xác định rõ vị trí chúng ta đang đứng trong tiến trình phát triển nông nghiệp từ cơ giới hóa đến nông nghiệp chính xác để nắm bắt những cơ hội mới và có những bước đi phù hợp”, ông Hoan cho biết.
Cần có những giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi phát triển thị trường công nghệ trong nông nghiệp. Tạo dựng cơ chế tương tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và hợp tác xã, nông dân để kịp thời cập nhật các nhu cầu cấp thiết, thực tế nhằm thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng công nghệ nông nghiệp một cách phù hợp.
Định hướng “tri thức hoá nông dân” có thể được kết hợp với chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ, nhất là các công nghệ thông minh, công nghệ chính xác và bảo vệ môi trường cho người sử dụng máy, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ hơn về cơ hội, điều kiện cần thiết để các cơ sở, doanh nghiệp cơ khí nông nghiệp của Việt Nam có thể tiếp cận, nâng cao năng lực, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tiệm cận dần trình độ kỹ thuật- công nghệ của khu vực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đa dạng và điều kiện đặc thù của ngành nông nghiệp trong nước./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…