Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 6 năm 2022 | 20:13

Để nâng cao giá trị nông sản: Phải tăng cường liên kết

Những năm gần đây, nông sản xuất khẩu phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, trong đó yêu cầu bắt buộc là sản phẩm không tồn dư chất cấm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Do đó, nếu sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn GlobalGAP; đẩy mạnh liên kết, quản chặt mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; tích cực đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu…, nông sản Việt sẽ không thiếu thị trường đón nhận.

Tập quán canh tác... chậm thay đổi

Ông Trần Vũ Đình Thi, Phó giám đốc Công ty CP xuất - nhập khẩu An Giang (Angimex), cho biết, dù là đơn vị xuất khẩu lúa gạo thuộc tốp đầu ở An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung nhưng Angimex luôn gặp khó trong việc tìm nguồn gạo không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật để xuất khẩu. Nguyên nhân là vì tình trạng sản xuất manh mún, thiếu liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, dẫn tới chủng loại lúa gạo không đồng nhất, sử dụng phân bón không hợp lý và thiếu kiểm soát. Trong khi đó, nhu cầu của nhà nhập khẩu ngày càng khắt khe, nhất là về an toàn thực phẩm.

 

2095c92df623357d6c32.jpgTình trạng sản xuất manh mún, thiếu liên kết của nông dân và doanh nghiệp dẫn tới chủng loại lúa gạo không đồng nhất, trong khi nhu cầu của các nhà nhập khẩu ngày càng khắt khe về an toàn thực phẩm.

 

Để giải quyết vấn đề nan giải này, Angimex đã liên kết với nhiều nông dân và hợp tác xã ở các địa phương nhằm tạo ra vùng sản xuất sạch theo quy chuẩn, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường nhập khẩu. Doanh nghiệp này cũng đã tìm hiểu và kết nối với hàng trăm nông dân của An Giang vào đội ngũ sản xuất lúa gạo theo phương án của công ty để đảm bảo lúa gạo đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, đi vào thực tế mới thấy, cái khó là rất ít nông dân chịu “hợp tác” hạn chế ít phun thuốc và sử dụng phân bón theo yêu cầu của doanh nghiệp. Chưa kể, tình trạng “phá cam kết” rất dễ xảy ra khi có biến động về giá cả.

“Để có đủ lượng lúa gạo đạt tiêu chuẩn xuất sang châu Âu, chúng tôi lúc nào cũng thu mua lúa của nông dân cao hơn so với lúa sản xuất bình thường. Tuy nhiên, đến khi lúa giá cao, nhiều nông dân lại bỏ doanh nghiệp. Ngược lại, cũng có doanh nghiệp ép giá nông dân, nhưng câu chuyện này không có ai đứng ra giải quyết”, ông Thi kể.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, cho rằng, nông dân cũng đã ý thức rõ hơn việc ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo sản phẩm có thể đáp ứng được đầu ra theo yêu cầu của người mua hoặc thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, việc sử dụng phân vô cơ vẫn còn là phương thức canh tác chủ đạo hiện nay và xu hướng này vẫn khó thay đổi trong tương lai gần.

Sản xuất an toàn

Tại Diễn đàn “Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam” diễn ra mới đây, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai Đoàn Ngọc Có cho biết, tỉnh sẽ tập trung phát triển chuối, chanh dây... trong thời gian tới. Dự kiến, năm 2025, trên địa bàn có khoảng 20.000ha chanh dây, nâng diện tích cây ăn quả  từ 21.500ha hiện nay lên 55.000ha vào năm 2025 và 100.000ha vào năm 2030.

“Có 4 loại cây được tỉnh quy hoạch vào nhóm xuất khẩu chủ lực gồm: chanh dây, chuối, bơ và sầu riêng. Trong đó, chuối là loại cây trồng cho lợi nhuận 350 - 400 triệu đồng/ha, giúp đảm bảo đời sống và sinh kế cho bà con nông dân”, ông Có nói và khẳng định, địa phương đã chủ trương áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP trong tổ chức sản xuất với diện tích khoảng 9.000ha. Gia Lai cũng xây dựng các quy trình canh tác hữu cơ, tưới tiết kiệm để phát triển cây ăn quả một cách bền vững.

Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng, tỉnh dự kiến xuất khẩu 40 tấn vú sữa sang Mỹ trong thời gian tới, chưa kể các loại trái cây khác cũng đang được nhiều thị trường quốc tế quan tâm.

“Có được kết quả này là nhờ người dân chủ động nâng cao chất lượng, đăng ký mã số vùng trồng. Sóc Trăng cũng lên kế hoạch xây dựng 4 kho nông sản ở 4 vùng: trái cây, hành, lúa và thủy sản để giúp người dân bảo quản nông sản, tránh ùn ứ khi thu hoạch đồng loạt...”, ông Khiêm nói.

Kết nối, tìm thị trường

Là một trong những hộ trồng sen quy mô lớn (50ha) của huyện Mê Linh (Hà Nội), thời gian qua, gia đình anh Lã Quang Khanh (xã Mê Linh) đã được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ tham gia mô hình trồng sen trái vụ với quy mô 7,6ha. Không chỉ được hỗ trợ về giống, được cán bộ khuyến nông cơ sở hướng dẫn về kỹ thuật, gia đình anh còn được các chuyên gia của ngành Nông nghiệp hỗ trợ chuyên sâu về các công đoạn sản xuất gắn với chế biến sản phẩm sen cũng như kết nối doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

 

d49f2c1e1310d04e8901.jpg“Đòn bẩy” logistics mang lại nhiều cơ hội cho nông sản Việt.

 

Nếu như trước đây, việc hỗ trợ phát triển các mô hình mới của ngành Nông nghiệp Hà Nội chỉ tập trung ở khâu kỹ thuật thì nay đã được hỗ trợ toàn diện, đặc biệt là việc liên kết với doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. “Từ hiệu quả thực tế của mô hình này, tôi và nhiều hộ dân đã liên kết thành lập hợp tác xã để vừa bán sen bông, vừa làm trà sen, hạt sen sấy... cung ứng ra thị trường.

Được ngành Nông nghiệp và địa phương giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, cửa hàng... nên hợp tác xã không phải lo về đầu ra”, anh Lã Quang Khanh chia sẻ.

Song song với việc đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản nhằm kéo doanh nghiệp xích gần hợp tác xã, người nông dân. Cùng với việc điều tra thu thập và cung cấp trên 1.000 địa chỉ có nhu cầu mua bán nông sản an toàn trên địa bàn Hà Nội và các khu vực lân cận, Trung tâm đã kết nối với nhiều doanh nghiệp để hỗ trợ, thu mua trực tiếp nông sản an toàn như: Công ty CP Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Bữa ăn an toàn, Công ty TNHH Sạch từ tâm… tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì, Thạch Thất, Ứng Hòa...

Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Phạm Văn Duy đánh giá, trước đây, nhiều loại nông sản chất lượng cao được các đơn vị của ngành Nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ sản xuất nhưng không bán được với giá như kỳ vọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức lan tỏa của mô hình. Xác định điểm nghẽn chính là khâu liên kết trong tiêu thụ, Hà Nội đã hướng tới liên kết doanh nghiệp với nông dân, xây dựng các mô hình chuyển giao khoa học công nghệ gắn với tiêu thụ một cách hiệu quả. Đây là cách làm bài bản, khoa học và hợp với xu thế.

Đẩy mạnh chế biến

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho rằng, trái cây là loại hàng nhạy cảm vì tính mùa vụ, yêu cầu cao về bảo quản, còn thị trường lại luôn biến động. Do đó, cần phải tăng cường liên kết sản xuất, xác định rõ cơ cấu giá thành sản xuất nông sản, xây dựng các trung tâm logistics, liên kết các lực lượng trong hợp tác xã để giảm chi phí vật tư đầu vào...

Dẫn chứng từ câu chuyện ở Gia Lai trong việc mở rộng diện tích chanh dây, bám sát tín hiệu thị trường, tạo ra thế mạnh phát triển vùng, ông Toản cho rằng, cùng với việc chuẩn hóa nông sản, cần đẩy mạnh khâu chế biến, bảo quản rau quả, đầu tư vào chuỗi kho lạnh nhằm giúp bà con nông dân yên tâm canh tác .

“Đã xuất hiện nhiều xu hướng tiêu dùng mới như thực phẩm dựa trên nguồn gốc thực vật, xu hướng trở về với cội nguồn, thay đổi mức tiêu dùng sau đại dịch... Các địa phương cần rà soát kỹ thời vụ, sản lượng của từng nhóm sản phẩm trái cây cụ thể, điểm rơi thu hoạch để xây dựng phương án tiêu thụ phù hợp”, ông Toản gợi ý.

Ngoài đẩy mạnh liên kết và quản chặt mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đề xuất giải pháp xử lý lạnh trái cây, cụ thể là nhãn. “Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã xuất khẩu 3 loại quả tươi. Thanh long và xoài đã được xuất khẩu bằng phương pháp xử lý hơi nước nóng. Sắp tới sẽ xuất khẩu nhãn qua Nhật Bản bằng phương pháp xử lý lạnh, đang trong giai đoạn thí nghiệm cuối cùng. Biện pháp này sẽ là tiền đề để xuất khẩu các loại quả khác”, ông Thiệt nhấn mạnh.

Cần hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics

Tại nhiều địa phương, doanh nghiệp nông nghiệp vẫn đang phải tự cung cấp hạ tầng logistics cho sản phẩm của mình, chính điều này làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất - nhập khẩu (Bộ Công Thương), những năm gần đây, hạ tầng logistics Việt Nam đã cải thiện đáng kể, đặc biệt là về hạ tầng giao thông với mạng lưới các tuyến đường bộ, trong đó đường cao tốc được mở rộng nhanh, hạ tầng cảng biển đáp ứng đủ năng lực để phục vụ cho hàng hóa xuất - nhập khẩu.

Hạ tầng về hàng không, sân bay cũng có sự mở rộng; đường sắt phát triển chậm hơn, tuy nhiên, cũng đang có sự cố gắng để kết nối với các loại hình khác.

Bên cạnh hạ tầng về vận tải, hạ tầng về kho bãi và các cơ sở về sơ chế, bảo quản cũng có sự phát triển tương ứng. Tại ĐBSCL, đặc thù của khu vực này là địa hình sông ngòi chia cắt nên thời gian qua, việc phát triển hạ tầng còn gặp khó khăn, đặc biệt là hạ tầng về đường bộ, đường sắt.

ĐBSCL chiếm đến 95% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, đối với trái cây thì đây cũng là khu vực chiếm đến 70% xuất khẩu trái cây. Mặc dù giá trị của các sản phẩm không lớn, không cao như các sản phẩm công nghiệp nhưng xét về mặt khối lượng là rất lớn.

Nông sản là mặt hàng đặc thù, yêu cầu phải được bảo quản ngay sau khi thu hoạch. Việc xây dựng trung tâm logistics, đặc biệt là các kho lạnh, kho mát để bảo quản các sản phẩm như thủy sản, trái cây là cần thiết để giữ được chất lượng cũng như là đảm bảo được giá trị của sản phẩm.

ĐBSCL hiện có một số trung tâm logistics, kho lạnh, kho mát tập trung ở thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Trong khi đó, các khu vực khác như Đồng Tháp, An Giang hay Cà Mau, Bạc Liêu vẫn còn thiếu.

Do vậy, sự đầu tư của doanh nghiệp logistics, đặc biệt là đầu tư về hạ tầng như trung tâm logistics, kho lạnh, kho mát, cơ sở chiếu xạ hoặc trung tâm sơ chế là mắt xích thiết yếu trong chuỗi cung ứng các sản phẩm nông sản. Bởi thế, cần thiết có cơ chế đặc thù để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này ở ĐBSCL.

Xuất khẩu chính ngạch

Trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về vấn đề tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, trong thị trường tiêu thụ nội địa, giá nông sản tăng, giảm không ổn định do phụ thuộc lớn vào tình hình xuất khẩu (đặc biệt tại các tỉnh phía Nam). Hoạt động sản xuất và kết nối tiêu thụ bắt đầu phục hồi sau dịch nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả. Năng lực của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã khi tham gia liên kết chuỗi giá trị còn hạn chế về vốn, kỹ năng, thị trường,… nên khó tham gia hoặc trụ vững tại các kênh tiêu thụ hiện đại và các kênh thương mại điện tử. Bộ đang từng bước tháo gỡ rào cản kỹ thuật và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường lớn và tiềm năng.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khi tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, chúng ta sẽ có những vùng nguyên liệu đủ lớn để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đồng đều, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường. Từ đó, việc đưa bớt vào chế biến, hay xây dựng trung tâm logistics... cũng thuận lợi hơn.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm hữu cơ trong nông nghiệp, nghiên cứu các quy trình sản xuất nông nghiệp giảm sử dụng nguyên liệu, vật tư đầu vào; nghiên cứu các nguyên liệu, vật tư thay thế phù hợp.

Tham gia giải trình làm rõ thêm một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chưa bao giờ ngành Nông nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ như hiện nay, từ sản xuất đủ ăn đáp ứng được nhu cầu của người dân cho đến xuất khẩu đạt tỷ trọng cao.

Để ngành Nông nghiệp phát triển bền vững và người dân yên tâm sản xuất, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần dùng các công cụ điều hành chiến lược, quy hoạch, chính sách, kế hoạch để có được sự phát triển trong thời gian tới. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tổ chức thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, thay đổi ngay tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng tới hiệu quả cao, không tối đa hóa sản lượng mà tối ưu hóa giá trị.

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
Top