Ở Tây Bắc, gạo tẻ râu gắn liền với văn hóa canh tác lúa nương, phụ thuộc phần lớn vào nước trời (nước mưa) để sinh trưởng. Người Thái ở Vân Hồ là những cư dân đầu tiên trong vùng đem Tẻ râu về trồng.
Không giống những loại gạo khác, gạo tẻ râu cho hạt cơm tròn, mẩy, dẻo, ngọt như cơm nếp. Vị đậm đà của loại gạo tẻ râu không lẫn với bất kỳ loại gạo nào khiến người thưởng thức ăn một lần nhớ mãi.
Không chỉ dừng lại ở "danh xưng" đặc sản
Huyện Vân Hồ (Sơn La) được thiên nhiên ưu đãi với phong cảnh đẹp cùng nhiều sản vật, trong đó phải kể đến gạo tẻ râu, loại đặc sản quý giá được đất mẹ thiên nhiên ban tặng cho người dân xã Song Khủa.
Để tìm hiểu về loại gạo này, chúng tôi đi hơn 40 km đường đèo dốc quanh co, vượt qua những khu rừng già, hai bên đường hoa đào đang hé nở, những đồi mận hậu, mơ đang bung hoa trắng xóa... để về xã Song Khủa. Giáp tết, những thửa ruộng trồng lúa tẻ dâu đã thu hoạch xong, người dân đang tập trung trồng cây vụ đông, chuẩn bị đón tết. Theo người dân địa phương, giống lúa tẻ dâu sinh trưởng và phát triển tốt ở nơi có điều kiện khí hậu ôn hòa từ 200C - 230C, nên rất thích nghi với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của xã Song Khủa với khí hậu quanh năm mát mẻ, mưa thuận gió hòa. Hạt thóc tẻ dâu có hình dáng khác hẳn với những loại thóc bình thường, hạt to, dài, phía cuối hạt có râu. Giống lúa này có nhiều điểm nổi trội hơn giống lúa khác, nhất là khâu chăm sóc, không đòi hỏi kỹ thuật thâm canh cao, thời gian sinh trưởng ngắn hơn 20 ngày so với giống lúa khác và năng suất đạt 4,5-5 tấn/ha.
Theo ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ, hiện nay, xã Song Khủa đang có trên 170 hộ tham gia trồng giống lúa tẻ râu với diện tích gần 30 ha, chủ yếu tập trung ở bản Co Hó, Tà Lạt, Lóng Khủa. Để mở rộng sản xuất và xây dựng thương hiệu loại gạo đặc sản này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND huyện, chuyển đổi diện tích trồng những giống lúa kém chất lượng sang trồng giống lúa tẻ râu, sản xuất theo quy trình VietGAP, vừa đem lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế, lại tạo được việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn xã. Đồng thời, chỉ đạo xã xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tính liên kết, tăng khả năng tiếp cận thị trường và sức cạnh tranh của hợp tác xã.
Năm 2019, gạo tẻ râu Song Khủa đã được đánh giá là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao, được Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng I (Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản) cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Hiện HTX đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đăng ký thương hiệu “Gạo tẻ râu Song Khủa”, có chỉ dẫn địa lý thương hiệu. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, để người tiêu dùng trong cả nước biết đến, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên trong HTX.
Là một trong những hộ có thu nhập cao từ trồng loại đặc sản này, chị Lường Thị Khoa, ở bản Co Hó, cho biết: Gia đình tôi trồng gần 1.200 m² lúa tẻ râu, vụ vừa qua thu hoạch hơn 7 tạ thóc, được gần 5 tạ gạo, giá thị trường được 45 nghìn đồng/kg, trừ chi phí thu về hơn 20 triệu đồng. Như vậy, tôi thấy giống lúa này đem lại giá trị kinh tế hơn hẳn với trồng các giống lúa khác. Hiện nay, gạo tẻ râu Song Khủa đã được nhiều người ở khắp các tỉnh, thành biết đến và ưa chuộng nên giá cả ổn định. Thời gian tới, tôi tiếp tục mở rộng diện tích và đầu tư thâm canh để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho gia đình.
Tình cờ gặp chị Hoàng Thị Thu, người Hà Nội, nhân chuyến du lịch đến Vân Hồ, chị có mặt tại xã Song Khủa để tìm mua loại gạo đặc sản này. Khi hỏi vì sao lại thích loại gạo này, chị cho biết: Thông qua Hội chợ xúc tiến thương mại Sơn La tại Hà Nội, chúng tôi được biết nhiều đặc sản của Sơn La, trong đó, có gạo tẻ râu Song Khủa. Ăn một lần mê liền, cơm dẻo, thơm, ít ngọt, hạt không dính, để đến hôm sau ăn vẫn mềm nên cả nhà tôi đều thích. Đặc biệt, loại gạo này dễ nấu, dùng ít nước, gần giống như nấu gạo nếp, khi nấu tỏa mùi thơm, thật hấp dẫn. Lần này lên du lịch, tôi mua về ăn và để biếu người thân, bạn bè trong dịp tết Nguyên đán.
Hiện nay, gạo tẻ râu Song Khủa đã được tiêu thụ ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, được người tiêu dùng ưa chuộng. Gạo được đựng trong túi ni lông và được hút chân không, đóng vuông vức theo từng gói, khối lượng từ 1 kg đến 10 kg. Trên bao bì có ghi đầy đủ các thông tin về sản phẩm, gạo được kiểm nghiệm chất lượng, các chỉ tiêu hình thái, cảm quan về màu sắc, kích thước hạt gạo đạt chất lượng; đảm bảo các chỉ số về hàm lượng dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, gạo tẻ râu có lượng đường thấp (0,2%) rất thích hợp cho người bị tiểu đường, ăn kiêng.
Giống lúa tẻ râu được trồng nhiều nơi ở vùng Tây Bắc, nhưng để được các cơ quan chức năng kiểm định, đánh giá đảm bảo là gạo đủ tiêu chuẩn, chất lượng, thơm ngon và được người tiêu dùng chấp nhận, thì gạo tẻ râu Song Khủa đứng hàng đầu và đang nỗ lực vươn lên sánh vai với các thương hiệu gạo ngon trong nước và khu vực.
Cây trồng tiềm năng ở Lai Châu
Huyện Phong Thổ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nơi đây, được thiên nhiên ban tặng cho nhiều loại đất khác nhau gồm: nhóm đất mùn vàng đỏ (nhiều nhất chiếm 59%), nhóm đất đỏ vàng, nhóm đất dốc tụ và các loại đất khác. Thổ nhưỡng có sự phân hóa rõ rệt giữa vùng thấp và vùng cao. Trong khi đó, người dân chăm chỉ, chịu khó, từng bước biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành nên các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đạt tiêu chuẩn OCOP. Có thể kể đến: hồng trà, hoàng trà, trà xanh, gạo nếp tan… đặc biệt là phải kể đến sản phẩm gạo tẻ râu gần đây được xuất ra thị trường với số lượng lớn.
Đoàn viên thanh niên bản Nà Giang (xã Bản Lang) trồng lúa tẻ râu cung ứng ra thị trường. Ảnh: Báo Lai Châu.
Anh Vũ Hữu Lưỡng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết: “Lúa tẻ râu được bà con trồng trên đất Phong Thổ từ nhiều năm trước tuy nhiên diện tích không được nhiều như bây giờ. Bà con trồng rải rác, trồng nhiều hơn ở các xã: Bản Lang, Dào San. Trải qua quá trình thực tế trồng giống lúa tẻ râu cho thấy phù hợp với điều kiện tự nhiên khí hậu địa phương, ít bị sâu bệnh. Nổi bật, giống lúa này khác hẳn các loại giống khác ở chỗ hạt to mẩy, khi nấu cơm dẻo, ngon thơm, vị đậm đà. Chính điều này khích lệ bà con mở rộng diện tích trồng, cung ứng ra thị trường”.
Theo số liệu thống kê, vụ mùa năm 2021 toàn huyện có 115,62ha lúa tẻ râu. Trong đó, xã Sin Suối Hồ 16ha, Bản Lang 32ha, Nậm Xe 31,5ha, Dào San 36,12ha. Nhờ được chăm sóc tốt, lúa cho năng suất bình quân 55 tạ/ha. Lúa tẻ râu góp phần nâng tổng sản lượng lúa của huyện năm 2021 lên 36.948 tấn.
Những ngày giáp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, khi sắc xuân đã bao trùm khắp các bản làng, chúng tôi đến thăm bà con bản Nà Giang (xã Bản Lang). Trong các ngôi nhà của đồng bào dân tộc Dao, thóc lúa chứa trong bao chất thành từng đống lớn. Thấy khách đến nhà, bà con ai nấy đều phấn khởi, chia sẻ về niềm vui được mùa lúa trong năm và những dự định chuẩn bị đón xuân mới.
Anh Lý Tiên Phong, Bí thư Chi bộ bản Nà Giang bộc bạch: “Trong bản có nhiều hộ trồng lúa tẻ râu với tổng diện tích khoảng 5ha. Riêng với gia đình tôi, vụ mùa vừa rồi cấy hơn 1.000m2, rất vui vì lúa được mùa cho thu hoạch được 8 tạ thóc. Gia đình tôi để lại 1 ít để ăn còn lại bán cho đơn vị thu mua, thu về hơn 10 triệu đồng. Số tiền này tôi dùng để trả nợ làm nhà, chi tiêu sinh hoạt và mua quần áo mới cho các con diện Tết”.
Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm
Trong câu chuyện với cán bộ và Nhân dân huyện Phong Thổ, không ít lần Công ty TNHH một thành viên Giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc ở thành phố Lai Châu được nhắc đến. Bởi Công ty chính là đơn vị vận động Nhân dân mở rộng diện tích trồng lúa tẻ râu và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ vụ mùa năm 2020 đến nay với mức giá 13.000 đồng/kg khô.
Công ty TNHH một thành viên Giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc đầu tư máy móc để sản xuất ra những sản phẩm gạo tẻ râu có chất lượng tốt nhất. Ảnh: Báo Lai Châu.
Anh Đỗ Viết Trung, Giám đốc Công ty chia sẻ: “Nhiều năm bán lúa giống tôi thấy tẻ râu là loại cây trồng rất triển vọng. Sản phẩm gạo tẻ râu chất lượng khi đưa ra thị trường được khách hàng đánh giá cao, khả năng tiêu thụ lớn. Do đó, tôi quyết định đầu tư vào giống lúa này. Chỉ tính riêng trong năm 2021, Công ty đã thu mua được gần 200 tấn lúa tẻ râu (gấp 7 lần so với năm 2020). Xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh (có cả các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh) được 40 tấn”.
Để việc sản xuất lúa hiệu quả, có chất lượng tốt nhất, Công ty đã đầu tư 500 triệu đồng mua 2 giàn máy sấy, các máy đóng bao bì, máy xát, máy tách màu. Thời gian tới, Công ty dự kiến sẽ đầu tư thêm 15 chiếc máy cấy, máy gặt với tổng trị giá 210 triệu đồng cho các nhóm hộ dân trồng lúa tẻ râu. Bà con chỉ cần sản xuất theo đúng quy trình, cam kết bán sản phẩm cho Công ty là có thể nhận máy.
Vấn đề Công ty trăn trở hiện nay là bà con một số xã cấy, gặt lúa không đồng loạt gây khó khăn trong việc thu mua, vận chuyển. Có bà con canh tác theo phương thức truyền thống (gieo mạ trên nương, cấy mạ già, việc chăm bón chưa đảm bảo quy trình, tỷ lệ bón phân chưa cân đối…) ảnh hưởng đến sức đề kháng sâu bệnh, khả năng phát triển của cây lúa. Đại diện Công ty mong muốn, chính quyền các xã quan tâm nhiều hơn nữa, đồng hành cùng Công ty trong quá trình hoạt động; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Về diện tích gieo cấy lúa, trong định hướng phát triển, năm 2022 Công ty sẽ giữ nguyên diện tích trồng lúa tẻ râu tại huyện Phong Thổ. Năm 2023 sẽ mở rộng thêm 200ha ở các xã: Nậm Xe, Sin Suối Hồ, Bản Lang, Dào San và Mù Sang. Ngoài diện tích lúa tẻ râu của huyện Phong Thổ, Công ty dự kiến còn mở rộng thêm 100ha lúa tẻ râu tại 2 xã: Tả Lèng, Khun Há (huyện Tam Đường)…
Tẻ râu là giống lúa tốt, cho sản phẩm gạo chất lượng, đã và đang chiếm được sự hài lòng và niềm tin của người tiêu dùng. Tin tưởng rằng, với sự đồng hành của Công ty TNHH một thành viên giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc, chính quyền địa phương, lúa tẻ râu sẽ ngày càng khẳng định được vị thế, hướng đến tăng lượng gạo xuất ra thị trường và thâm nhập được vào cả những thị trường khó tính, giúp người dân tăng thu nhập, đẩy lùi đói nghèo.
Nguồn gốc của gạo tẻ râu Những người già ở vùng núi Tây Bắc kể lại, xưa có vị quan lang nổi tiếng giàu có mắc bệnh lạ (đi tiểu nhiều, cân nặng tăng đột biến, mắt mờ, chân tay tê nhức). Ông cho người đi khắp nơi tìm thuốc chữa nhưng không khỏi. Một lần, trên đường đi làm việc, vị quan nọ bị lạc giữa rừng già. Trong lúc tìm đường ra, đói, khát, ông gặp một thung lũng xanh tươi, đồng ruộng chĩu những bông lúa vàng óng ả. Ruộng lúa toả ra hương thơm ngọt lịm mà trước đó ông chưa từng ngửi thấy. Những hạt thóc to, dài khác thường, ở đuôi, hạt nào cũng mọc thêm một cái râu rất dài. Ông liền bứt những bông lúa lạ ăn cho qua cơn đói. Và dựng một cái lều nhỏ, ở lại dưỡng sức. Sau hai tuần trăng, thu hái được một lượng lúa đủ dùng, ông tiếp tục hành trình tìm đường về. Nhờ có những hạt thóc giữa rừng già, cuối cùng vị quan cũng tìm được đường về bản. Kỳ lạ thay, khi về đến nhà, cũng là lúc căn bệnh của ông cũng thuyên giảm. Ông cho người nhà trồng cấy giống lúa quý gặp giữa rừng, đặt tên là lúa Tẻ râu – ý chỉ những cái râu dài trên hạt thóc. Và dùng gạo Tẻ râu như một phương thuốc chống đỡ căn bệnh lạ của mình. Những gia đình khá giả khác trong vùng sau khi được ăn cơm gạo Tẻ râu, thấy hạt cơm dẻo, ngọt đậm đà, lại không bị ngấy như ăn cơm nếp cũng xin giống lúa Tẻ râu về trồng. Nói về giống lúa tẻ râu “chuẩn” nhất vùng, cả người trồng và người mua đều khẳng định: bản San Thàng 1, 2, Chin Chu Chải, Lùng Than có gạo tẻ râu ngon nhất. Ở những vùng này, có lẽ chất đất, khí trời, gió núi đã góp phần làm nên vị ngon ngọt của hạt gạo, làm hài lòng cả những người kén ăn nhất. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…