Mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP có hàm lượng khoa học công nghệ cao, nâng cao giá trị, kiểm soát nguồn gốc sản phẩm, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, đến nay vẫn khó nhân rộng bởi vướng mắc từ thực tế.
Quảng Ninh: Gặp nhiều vướng mắc, nông sản sản xuất theo VietGAP "kêu cứu"
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có 14 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP, tăng 3 cơ sở so với năm 2017.
Ông Nguyễn Văn Vui, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, cho biết: Để sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, các cơ sở phải đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, chi phí lớn, quy mô rộng với hệ thống xử lý nước, nhà nuôi trồng, nhà sơ chế, thủy lợi nội đồng... quá trình thực hiện đòi hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật, tuân thủ nghiêm ngặt quy định an toàn, ghi chép đầy đủ quy trình nuôi trồng, chăm sóc, chế biến. Tuy nhiên, sản phẩm đầu ra của các mô hình VietGAP hiện còn thiếu tính liên kết, chưa được người tiêu dùng đánh giá cao, nên không khác biệt so với các sản phẩm thông thường. Những vướng mắc trên khiến cho người dân thiếu sự mặn mà sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh việc đầu tư lớn, có khi lên tới hàng tỷ đồng như mô hình rau thủy canh của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 188 có mức đầu tư 15 tỷ đồng, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi các cơ sở, người dân phải bỏ ra nhiều khoản chi phí khác như: Tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm, giấy chứng nhận, tái chứng nhận, giám sát giữa kỳ... trong khi đó, mức hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế.
Mặt khác, đa số sản phẩm được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP hiện nay chỉ được chứng nhận chung chung. Các sản phẩm, nhất là sản phẩm từ chăn nuôi chưa thiết lập nhãn hiệu, bao bì, mã vạch gắn liền với sản phẩm, nên người tiêu dùng còn nghi ngại, chưa tin tưởng, đánh đồng sản phẩm. Tâm lý của người tiêu dùng, nhà hàng, bếp ăn tập thể, đơn vị phân phối lựa chọn sản phẩm sản xuất theo cách thông thường vì giá thành rẻ hơn, tiêu thụ dễ và có lãi nhiều hơn.
Là một trong 3 cơ sở nuôi tôm trên địa bàn được cấp giấy chứng nhận VietGAP, ông Ngô Văn Diệm, khu 7, phường Hải Hòa, TP. Móng Cái, cho biết: Từ cuối năm 2016, gia đình đã đầu tư nuôi 5,1ha tôm theo tiêu chuẩn VietGAP. Quy trình này giúp người nuôi kiểm soát tốt dịch bệnh, ổn định năng suất, hạn chế được ô nhiễm. Tuy nhiên, việc nuôi tôm theo quy trình VietGAP đòi hỏi tốn về chi phí, thời gian, công sức bởi từ khâu chọn giống, nguồn nước, kỹ thuật, thức ăn... phải được chọn lựa kỹ lưỡng đảm bảo an toàn.
Trong quá trình nuôi chỉ sử dụng các loại thuốc, hóa chất nằm trong danh mục được phép lưu hành, ghi chép cẩn thận nhật ký ao nuôi, cải tạo ao nuôi, cho ăn, xử lý chất thải sau thu hoạch. Mặc dù vậy, giá bán tôm lại phụ thuộc chủ yếu vào cung - cầu của thị trường cũng như không có khác biệt so với tôm nuôi ở các ao khác. Vì vậy, hầu hết tôm được bán ở dạng thô cho thương lái thu mà chưa được chế biến, ngay cả bước đơn giản nhất là cấp đông, đóng gói, bảo quản sản phẩm.
Công ty CP Đầu tư Song Hành là một trong những cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Khó khăn lớn nhất của sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hiện nay là hầu hết các cơ sở đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Các sản phẩm chủ yếu vẫn phải bán qua thương lái, bếp ăn tập thể, nhà hàng hoặc cơ sở tự bỏ kinh phí xây dựng các cửa hàng bán lẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàn, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư Song Hành (TX Quảng Yên), rau của công ty được cấp giấy chứng nhận VietGAP từ năm 2016, đến nay đã phần nào khẳng định chất lượng khi được người dân đón nhận. Tuy nhiên, khi đầu tư vào nông nghiệp sạch, mức đầu tư bao giờ cũng lớn hơn, thời gian lâu hơn khiến giá các loại rau của công ty luôn cao hơn thị trường từ 10-15%. Việc tiêu thụ vì thế cũng không dễ dàng. Ngay cả khi đã được kết nối với một số nhà hàng, vấn đề giá vẫn khiến nhiều đơn vị chưa thể ký kết lâu dài. Do đó, ngoài một số bếp ăn tập thể, điểm bán hàng OCOP, công ty đã tự bỏ kinh phí đầu tư cửa hàng bán lẻ. Về lâu dài, công ty vẫn rất cần các kênh tiêu thụ ổn định.
Thực tế các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP có quy trình chặt chẽ, khoa học tiên tiến, sản phẩm nông sản đầu ra chắc chắn an toàn. Vì vậy, các ngành chức năng cần có giải pháp để nhân rộng mô hình này. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức để đánh giá đúng về sản phẩm VietGAP, tạo điều kiện cho mô hình phát triển.
Vĩnh Phúc có hơn 1.600ha rau an toàn
Theo Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn của tỉnh đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 3.120ha diện tích trồng rau an toàn, trong đó, diện tích tập trung là gần 3.000ha, diện tích phân tán là 176 ha.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn với diện tích trên 1.600ha (chiếm gần 53% diện tích được quy hoạch) tại 71/84 xã theo quy hoạch phê duyệt, trong đó, có trên 987ha rau an toàn được chứng nhận đủ điều kiện ATTP và gần 700ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, sản lượng rau an toàn và rau được cấp giấy chứng nhận VietGAP ước đạt khoảng 40 nghìn tấn/năm, chiếm 25% tổng sản lượng rau toàn tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP theo quy hoạch; rà soát, chỉ đạo để phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng các vùng trồng rau đã được đầu tư theo dự án QSEAP, tạo ra sản phẩm rau, quả an toàn, quy mô tập trung, khối lượng hàng hóa lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng đến phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Bắc Ninh: An Động phát triển nuôi cá theo hướng VietGAP
Thôn An Động, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du có nhiều thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích mặt nước khoảng 89ha. Những năm trước, người dân nơi đây chủ yếu nuôi cá theo hướng bán thâm canh nên việc quản lý dịch bệnh, nguồn nước gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến năng suất nuôi trồng, không bảo đảm về chất lượng đầu ra sản phẩm theo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Với mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, từ năm 2017, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) xây dựng và triển khai mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP tại thôn An Động.
Bí thư Chi bộ thôn Nguyễn Tiến Thuy cho biết: Xác định việc triển khai mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP có ý nghĩa quan trọng mở ra hướng phát triển mới cho địa phương, Chi bộ thôn lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới nhân dân về vai trò, ý nghĩa việc triển khai mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP. Bởi đây là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm các tiêu chí cơ bản an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc.
Các hộ tham gia nuôi cá theo hướng VietGAP được Chi cục Thủy sản tỉnh tập huấn, tư vấn kỹ thuật, lấy mẫu kiểm tra, đánh giá, phân tích chất lượng nước và được Tổng cục Thủy sản cấp giấy chứng nhận. Mặc dù phải chi phí khoảng 7-10 triệu đồng/ha để xây dựng ao nuôi theo quy chuẩn, nhưng mật độ thả giống sẽ cao hơn so với nuôi bình thường từ 20-30%, chi phí thuốc men, phòng trừ dịch bệnh cũng giảm đáng kể. Hơn nữa, sản phẩm được xác nhận nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên cá nuôi theo hướng VietGAP được bảo đảm về chất lượng giá sản phẩm cao hơn so các loại cá nuôi phương pháp thông thường.
Toàn thôn An Động hiện có 9 mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP trong ao đất với diện tích 15,5 ha. Sau gần một năm triển khai, mô hình “Nuôi cá theo hướng VietGAP” tại thôn An Động đã và đang mở ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi trồng thuỷ sản.
Từ hiệu quả của mô hình, năm 2018, toàn thôn An Động có thêm 6 hộ đăng ký tham gia nuôi cá theo hướng VietGAP góp phần cải thiện môi trường, thay đổi nhận thức của người dân về kỹ thuật nuôi an toàn theo quy chuẩn cũng như bảo đảm tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
Hưng Yên: Sản lượng thịt gia súc, gia cầm đạt trên 100 nghìn tấn
Theo tổng hợp của ngành chăn nuôi, trong 9 tháng qua, toàn tỉnh đã sản xuất được trên 100 nghìn tấn thịt gia súc, gia cầm các loại.
Trong đó, tất cả các loại thịt gia súc, gia cầm chủ đạo đều tăng so với cùng thời điểm năm trước: Sản lượng thịt trâu, bò đạt trên 2,6 nghìn tấn, tăng 2%; sảnlượng thịt lợn đạt trên 81 nghìn tấn, tăng gần 1,5%; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 21 nghìn tấn, tăng trên 3,4%.
Hải Dương: Giá hành tỏi giống giảm một nửa
Nông dân các huyện Nam Sách, Kinh Môn đang mua hành, tỏi giống với giá giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, nông dân các huyện Nam Sách, Kinh Môn đang mua hành giống với giá từ 25.000-27.000 đồng/kg, tỏi giống với giá từ 18.000-20.000 đồng/kg, giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do vụ trước hành tỏi cho năng suất cao nên nguồn giống năm nay dồi dào. Vì giá hành tỏi giống giảm nên nông dân tiết kiệm được từ 600.000-700.000 đồng/sào trồng hành và từ 500.000-600.000đồng/sào trồng tỏi.
Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được gần 1.000 ha hành tỏi, đạt 17% kế hoạch. Toàn tỉnh phấn đấu sẽ trồng xong hành tỏi trước ngày 25/10 để tránh những điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của cây, bảo đảm năng suất tối ưu.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Vùng cao Văn Bàn (Lào Cai), nơi những mái nhà tạm bợ từng là vết tích của cuộc sống nghèo khó, giờ đây đang bừng lên sức sống mới. Với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị, toàn quân dân đang chung sức, nỗ lực không ngừng nghỉ trong hành trình xóa bỏ những ngôi nhà tạm, dột nát, thay thế bằng những ngôi nhà vững chãi, kiên cố.
Sau 5 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đạt những kết quả ban đầu rất quan trọng, tạo nên động lực mới trong trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trong quá trình thực hiện, xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo để sản phẩm OCOP Quảng Ngãi vươn xa…