Trái ngược với giá khoai lang đang bán ở tỉnh Vĩnh Long chỉ chưa đầy 1.000 đồng/kg, thì giá khoai lang tím Úc nhập khẩu lên tới hàng trăm nghìn đồng/kg. Đâu là nguyên nhân khiến giá bán hai loại khoai có sự chênh lệch lớn như vậy?.
Giá khoai lang xuống thấp khiến người trồng thu lỗ.
Người trồng khoai điều đứng
Từ lâu huyện Bình Tân (Vĩnh Long) là địa phương trồng khoai lang lớn nhất vùng ĐBSCL. Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bình Tân, hàng năm huyện trồng từ 12.000-13.000ha khoai lang tím Nhật, ước sản lượng khoảng 360.000 - 390.000 tấn/năm. Từ đầu năm đến nay, huyện xuống giống 7.052ha, hiện nông dân đã thu hoạch 2.922ha, còn 4.130ha chưa thu hoạch (chủ yếu là khoai lang tím Nhật). Trong đó, có 850 ha tới thời điểm thu hoạch nhưng chưa có đầu ra. Năng suất khoai khá tốt, từ 50-70 tạ/công (mỗi tạ 60 kg).
Hiện, giá khoai lang tím Nhật chỉ khoảng 600 đồng/kg nhưng thương lái đã ngưng thu mua, với giá này thu hoạch 1.000m2 khoai chỉ đủ trả tiền thuê nhân công. Với mỗi công khoai nông dân trồng lỗ khoảng 15 triệu đồng. Còn người nào thuê đất để trồng lỗ khoảng 20 triệu đồng/công. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay, nhiều hộ nông dân trồng khoai đã lâm cảnh nợ nần.
Tại xã Thành Trung (Bình Tân), năm nay trồng 1.100 ha, trong đó, chủ yếu là khoai lang tím Nhật. Hiện nay, nông dân đã thu hoạch 350ha, còn 200ha đến ngày thu hoạch nhưng chưa thể bán được do giá thấp và thương lái hạn chế thu mua.
Năm nay, ông Đặng Thanh Lâm (xã Thành Trung, huyện Bình Tân) thuê 1,2ha đất trồng khoai lang tím Nhật, hiện đã đến thời điểm thu hoạch nhưng chưa có thương lái thu mua. Ông Lâm nhẩm tính, nếu bán với giá hiện tại chỉ thu lại hơn 20 triệu đồng, trong khi chi phí sản xuất hơn 200 triệu đồng.
Cùng cảnh tương tự, ông Võ Văn Tước (ngụ xã Tân Thành, huyện Bình Tân) có khoảng 10 công khoai đã tới ngày thu hoạch nhưng gọi điện nhiều thương lái không ai đến mua. Ông Tước cho biết, giá khoai lang tím Nhật trước Tết có thời điểm lên đến 1 triệu đồng/tạ, rồi từ từ giảm cho tới nay, chỉ còn 40.000 đồng/tạ. Tính ra chưa tới 1.000 đồng/kg. Năm nay năng suất khoai khá tốt khoảng 70 tạ/công nhưng với giá bán như trên thì gia đình lỗ khoảng 150 triệu đồng.
Một thương lái thu mua khoai lang cho biết, 95% sản lượng khoai lang tím Nhật là xuất sang Trung Quốc. Do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều thương lái và chuyên gia Trung Quốc không sang được Việt Nam để thu mua, chính vì vậy khiến giá khoai lang giảm giá. Hiện, khoai lang tím Nhật chỉ bán trong nội địa nhưng lượng tiêu thụ rất ít do thị trường trong nước không ưa chuộng loại khoai này.
Trước những khó khăn của nông dân, các địa phương có diện tích trồng khoai trên địa bàn huyện Bình Tân đã vận động các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ phần nào nông sản cho người dân. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài vẫn cần những giải pháp căn cơ hơn của địa phương và các ngành chuyên môn.
Hỗ trợ nông dân tiêu thụ
Những ngay gần đây, khoai lang tím Nhật từ vùng trồng Vĩnh Long được tập kết tại trụ sở Công ty Foodbank Việt Nam, (TP Thủ Đức, TP HCM) để bắt đầu chiến dịch "Khoai lang nghĩa tình".
Theo ông Nguyễn Tuấn Khởi, Giám đốc Food Bank Việt Nam (người đã khởi xướng nhiều chương trình giải cứu nông sản như: chuối, dưa hấu, khoai lang, thịt heo…), để bảo đảm giãn cách trong phòng chống dịch, khoai lang được đóng gói sẵn và giao tận nơi.
Ông Khởi tâm sự, chiến dịch Khoai lang nghĩa tình đã kết nối cho các doanh nghiệp mua sỉ 370 tấn khoai ở 2 xã Tân Thành và Thành Trung (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), riêng Foodbank Việt Nam làm đầu mối tiêu thụ các đơn hàng lẻ khoảng 28 tấn khoai với giá từ 4.000 -5.000 đồng/kg để hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm, vượt qua giai đoạn khó khăn..
Được biết, trong chiến dịch này, Foodbank Việt Nam bán lẻ khoai lang tím với giá 9.000 đồng/kg; bán sỉ 6.000 đồng/kg có giao tận nơi và phụ thu tiền vận chuyển.
Nếu chiến dịch kết thúc còn dư kinh phí, chúng tôi sẽ tiếp tục mua khoai lang, tinh bột khoai lang, bánh khoai lang và các loại thực phẩm... để trao tặng 20 mái ấm nhà mở, viện dưỡng lão mà Foodbank đang hỗ trợ thực phẩm. Chúng tôi còn có kế hoạch nướng khoai để trao tặng cho các lực lượng đang tham gia chống dịch Covid-19, ông Khởi chia sẻ.
Ông Bùi Văn Chiều, Phó chủ tịch Hội nông dân tỉnh Vĩnh Long, cho biết, mùa vụ khoai lang kéo dài khoảng 20 ngày nay, nhưng do việc xuất khẩu đi Trung Quốc gặp khó nên hiện lượng tiêu thụ chỉ đạt 20%/sản lượng toàn huyện, khoảng 32.000 tấn, trong đó phần lớn là khoai lang tím Nhật.
Theo ông Tiêu, thụ chậm khiến giá khoai lang tím Nhật từ 4.000-5.000 đồng/kg thời điểm đầu vụ hiện xuống còn khoảng 1.000 đồng/kg, bằng 1/10 mức bình quân năm ngoái. Việc giải cứu đang gặp khó khăn do thị trường lớn là TP.HCM hiện phải giãn cách xã hội. Để tránh việc khoai hư hỏng trên đồng, nông dân cần thêm các doanh nghiệp, các tỉnh thành khác vào cuộc.
Khoai lang tím Úc giá “cắt cổ”
Trong khi giá khoai lang tím Nhật tại Vĩnh Long giảm chỉ còn gần 1.000 đồng/kg thì giá khoai lang tím Úc niêm yết tại một số của hàng ở TP. HCM lên tới 350.000 đồng/kg. Được biết, khoai lang tím Úc có vỏ màu trắng, phần thịt màu tím đến tím sẫm, khá đẹp mắt; được quảng cáo với nhiều công dụng có lợi cho sức khỏe.
Trên một số trang Facebook, khoai lang tím Úc nhập khẩu được đăng bán với giá 370.000-385.000 đồng/kg. Nhiều trang bán hàng khác rao bán còn cao hơn, khoảng 390.000-400.000 đồng/kg vì hàng đang rất hiếm.
Theo giới thiệu của một số người bán hàng, giá bán loại khoai này rất cao bởi là hàng nhập khẩu từ Úc, khác với khoai lang Úc trồng tại Việt Nam. Giống khoai này rất dẻo, thơm và ngọt, “ngon nhất thị trường".
Giá khoai lang tím Úc nhập khẩu quá cao nên Việt Nam cũng có đơn vị đem giống về trồng trong nước. Tại hệ thống Nam An Maket, khoai lang tím giống Úc có giá bán cao nhất trong các loại khoai lang với 74.500 đồng/500g, tương đương 149.000 đồng/kg, trong khi khoai lang tím vỏ tím (giống Nhật Bản) giá chỉ 62.900 đồng/kg.
Theo nhân viên Công ty Ant Famr (TP HCM), khoai lang tím giống Úc giá cao do ăn dẻo, ngọt, bùi và thơm hơn các loại khoai tím khác. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên đưa giống khoai lang tím Úc về trồng tại Việt Nam và đã được cấp chứng nhận VietGap.
Theo ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc một HTX chia sẻ, khoai lang trồng ở Úc giá thành đã cao, vận chuyển về Việt Nam thì giá phải đội lên. Ngay khoai lang tím Việt Nam xuất khẩu số lượng lớn sang thị trường gần là Trung Quốc thì giá bán lẻ ở Trung Quốc cũng cả 100.000 đồng/kg chứ không hề rẻ. Không đâu trồng được khoai lang giá thành thấp như Việt Nam.
Khoai lang tím Úc có giá 350.000 đồng/kg.
Ông Hải thẳng thắn cho biết, bây giờ nếu nông dân trồng đại trà khoai lang tím giống Úc thì cũng sẽ rơi vào điệp khúc được mùa mất giá như khoai lang Nhật (ruột tím hoặc vàng). Doanh nghiệp tạo được chuỗi giá trị, tổ chức sản xuất đến tiêu thụ, giữ sản lượng để giữ giá, phục vụ một nhóm khách hàng nhất định, còn nông dân mình thì chưa làm được như vậy.
Có thể nói, việc so sánh giá khoai trồng trong nước và khoai nhập khẩu là hơi khập khiễng. Tuy nhiên, để giá bán sản phẩm được cao, ổn định cần có sự liên kết giữa người trồng và doanh nghiệp, sự kết nối của Nhà nước tạo thành chuỗi khép kín. Trong đó, quan trọng nhất sản xuất phải nằm trong vùng quy hoạch, đảm bảo chất lượng, lựa chọn ra những giống ngon, có chất lượng, đáp ứng được nhiều đối tượng tiêu dùng, từ đó tăng giá trị kinh tế.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.