Hiện, ĐBSCL đang trong thời gian giản cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên nhiều mặt hàng nông sản ở đây đang gặp khó khi vận chuyển, tiêu thụ, đặc biệt, giá bán giảm sâu khiến người nông dân không có lãi.
Thu mua lúa, gạo gặp khó
Theo bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty Lương thực Thực phẩm Long An, từ nay đến cuối tháng công ty còn 50 ha lúa hè thu đã bao tiêu, thu mua với bà con đến kỳ phải thu hoạch. Nhưng cả tuần nay việc vận chuyển lúa qua các địa phương gặp nhiều khó khăn, chi phí cũng tăng lên. Công ty phải chi trả 300.000 đồng/lần test Covid cho tài xế, ngoài ra, chi phí bốc xếp nay đã tăng 40% vì thiếu người làm do lo ngại dịch bệnh.
Cũng theo bà Liên, hơn 350 ha lúa sắp đến kỳ thu hoạch trong tháng tới sẽ rất khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc xuất khẩu không thuận lợi. Trước đó, để duy trì sản xuất, cung ứng thực phẩm cho thị trường trong nước và giao hàng theo các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết, công ty đã thực hiện phương án 3 tại chỗ cho công nhân ngay trong khuôn viên nhà máy.
Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice chia sẻ, hiện tại các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) áp dụng Chỉ thị 16 rất nghiêm ngặt khiến việc giao hàng không triển khai được, đồng thời làm phát sinh thêm nhiều chi phí.
Nếu như thời điểm bình thường việc vận chuyển lúa từ cánh đồng về nhà máy của Vrice tại Cần Thơ chỉ 100.000 đồng/tấn thì nay tăng gấp 3 lần bởi chi phí bốc xếp tăng hơn, chưa kể phải chi trả thêm tiền xét nghiệm và tiền lưu kho. Để giải quyết những diện tích lúa đang đến kỳ thu hoạch, Vrice đang thuê các lò sấy và kho khu vực lân cận để lưu trữ lúa tạm thời, ông Có cho biết thêm.
Một thương nhân xuất khẩu ở Vĩnh Long, theo chủ trương của địa phương chỉ cho doanh nghiệp hoạt động khi đủ điều kiện phòng chống dịch nên một số doanh nghiệp đã phải đóng cửa vì không thể thực hiện được phương án “3 tại chỗ” cũng như lo ngại ảnh hưởng sức khỏe của người lao động.
Nhiều nông sản bị ùn ứ
Với việc thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch khiến một số mặt hàng nông sản của người dân ở ĐBSCL không có thương lái thu mua dẫn tới tình trạng ùn ứ. Điển như hơn 1.600 tấn nhãn ở Cần Thơ chưa thể tìm đầu ra, hàng trăm ha chuối chín phải chặt bỏ.
Ông Cao Văn Đào, ngụ ấp 2, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) cho biết, với 2,5 ha, nhãn tiền đầu tư khoảng 400 triệu, ước sản lượng thu hoạch khoảng 60 tấn, giờ nhãn chín không có thương lái thu mua nên đã bị rụng khoảng 30 - 40%. Trước đây, không bao giờ tôi đi giao từ 10 - 20 kg nhãn, giờ có người mua 20 kg tôi cũng chạy xe giao tận nơi, bán được đồng nào hay đồng đó. Giờ giá chỉ bán 8.000 đồng/kg nên không được bao nhiêu tiền.
Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường sông Hậu cho biết, diện tích cây ăn trái của nông trường khoảng 3.400 ha, trong đó xoài cát Hòa Lộc với diện tích gần 1.900 ha, nhãn, mãng cầu, chuối, mít cũng chiếm diện tích lớn. Riêng diện tích nhãn có 200/400 ha đang cho thu hoạch sản lượng 1.600 tấn. Tuy nhiên, thương lái thu mua với số lượng hạn chế cũng khó khăn cho người dân. trong khi chu kỳ thu hoạch chỉ từ 10 - 15 ngày, nếu thu hoạch không được sẽ phải bỏ.
Ông Phú thông tin thêm, ngoài diện tích nhãn đang thu hoạch thì Nông trường sông Hậu có khoảng 240 ha chuối chủ yếu phục vụ xuất khẩu, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thời gian qua không xuất được nên mỗi ngày phải bỏ đi khoảng 5 tấn chuối.
ông Nguyễn Hoàng Nhiệm, Phó chủ tịch UBND xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên thương lái không đến thu mua, nông sản còn nhiều, nhất là diện tích nhãn đến ngày thu hoạch. Trước tình hình hiện tại, xã Thới Hưng đã báo cáo huyện Cờ Đỏ để có phương án, giải pháp tiêu thụ cho người dân, tránh tình trạng nông sản ùn ứ.
Không riêng ở Cần Thơ mà một số mặt hàng nông sản của các địa phương khác trong vùng ĐBSCL cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm nơi tiêu thụ. Ông Võ Đình Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết, địa phương đã xây dựng kế hoạch để tìm đầu ra cho nông sản, trong đó tập trung tiêu thụ nhãn, khoai lang và chanh cho các hộ dân. Hiện sản lượng nhãn thu hoạch trong tháng 7 gần 400 tấn, ngành nông nghiệp huyện đã kết nối với siêu thị để đưa sản phẩm bán đến tay người tiêu dùng.
Giá dê hơi, trái bắp giảm mạnh
So với cách đây hơn 1 tháng, tại nhiều địa phương như Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh… giá dê hơi loại 35-38 kg/con đã giảm chỉ còn trên dưới 80.000 đồng/kg, trong khi trước đây có giá lên đến 150.000 đồng/kg. Giá dê hơi giảm mạnh do thương lái tại nhiều địa phương đã tạm ngừng đi thu mua hoặc thu mua với số lượng rất ít.
Nguyên nhân là do dịch Covid-19 các tỉnh, thành phía đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, các nhà hàng, quán ăn phải tạm thời đóng cửa để phòng, chống dịch nên nhu cầu tiêu thụ thịt dê sụt giảm nghiêm trọng.
Nhiều hộ chăn nuôi dê ở vùng ĐBSCL cho biết, giá dê hơi giảm mạnh và khó tiêu thụ đã gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là những hộ nuôi với số lượng lớn phải cho dê ăn thêm bằng các loại thức ăn công nghiệp, trong khi giá thức ăn đang tăng cao. Dê đã tới lứa nhưng không bán được, người dân vừa tốn thêm chi phí tiền thức ăn, vừa lo dê quá lứa sẽ khó bán được giá.
Cũng liên quan tới tiêu thụ nông sản, hiện tại TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long… giá bắp nếp (bắp ngô) được nông dân bán tại ruộng cho thương lái chỉ còn ở mức trên dưới 1.000 đồng/trái, trong khi trước thời gian cách nay 1 tháng đang bán với giá từ 1.900-2.000 đồng/trái trở lên. Bắp nếp trồng khoảng hơn 2 tháng là thu hoạch, năng suất có thể đạt trên 4.000 trái/công. Theo nông dân, dù đạt được năng suất cao nhưng với giá bán hiện nay chỉ có thể thu hồi phần nào vốn đầu tư, chứ không thể kiếm lời.
Người trồng bắp cũng đang gặp khó.
Không riêng gì bắp nếp, hiện nông dân trồng bắp Mỹ (bắp ngọt) cũng gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm do tiểu thương và đơn vị, doanh nghiệp ngừng thu mua, khi nhiều chợ và các nhà hàng, quán ăn tạm thời phải đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19. Trước đây giá bắp Mỹ bán tại ruộng ở mức 4.000-4.500 đồng/kg thì nay giá chỉ còn ở mức 3.000-3.500 đồng/kg nhưng rất ít người mua. Bà con rất mong các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ kết nối cung - cầu, kịp thời tiêu thụ sản phẩm.
Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản
Mới đây, tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong tình hình dịch Covid-19. Theo đó, tỉnh này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, mua bán, vận chuyển nông sản hàng hóa, đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
Cùng với đó, An Giang sẽ hỗ trợ xét nghiệm cho các đối tượng là tài công vận tải đường thủy ngoài tỉnh đến An Giang thu mua lúa và doanh nghiệp có thể đăng ký danh sách với Sở Công thương An Giang.
Tại Đồng Tháp tỉnh này đã ban hành Kế hoạch về khung tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh với có 3 kịch bản tiêu thụ đối với các loại nông sản đặc trưng và tiềm năng của tỉnh như lúa gạo, thủy sản…Ở mỗi kịch bản, tỉnh này đều tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT trong công tác xúc tiến thương mại các mặt hàng thế mạnh của Đồng Tháp tại các thị trường xuất khẩu.
Còn theo ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương thành phố Cần Thơ, hiện nay sở đang phối hợp với các địa phương bàn phương án để có giải pháp tiêu thụ nông sản cho người dân trong thời gian tới. Đồng thời, kết nối với các cửa hàng, siêu thị để tiêu thụ nông sản cho người dân, đã có những cửa hàng cam kết tiêu thụ sản phẩm nhãn cho người dân với số lượng khoảng 80 tấn. Sở Công thương đang tích cực để phối hợp với Phòng Kinh tế Hạ tầng các quận, huyện tổ chức các điểm bán để phục vụ cho bà con trên địa, giải pháp trước mắt là.
Để kịp thời tháo gỡ khó trong vấn đề tiêu thụ nông sản, thiết nghĩ các tỉnh ở ĐBSCL cần có những giải pháp kịp thời, phù hợp với công tác chống dịch như: xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản bằng hình thức trực tuyến, ưu tiên giải quyết những mặt hàng hóa nông sản vào vụ thu hoạch đang chờ tiêu thụ… đặc biệt, phải thống nhất, tạo điều kiện tốt nhất cho việc lưu thông hàng hoá, nhất là các mặt hàng nông sản, từ đó giúp người dân an tâm sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.