Ngày 18/4, UBND tỉnh Hà Nam tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Theo Báo cáo công tác Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT& TKCN) năm 2021, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Nam không nặng nề như những vùng miền khác trong cả nước, song vẫn mang yếu tố cực đoan, dị thường ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Công tác Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời từ các khâu phòng ngừa, ứng phó, cứu hộ, cứu nạn đến khắc phục hậu quả.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam Lê Hoàng Thuyên đọc báo cáo tại hội nghị.
Trong năm 2021, Hà Nam chịu ảnh hưởng nhẹ của 4 cơn bão gây mưa lớn, tổng lượng mưa toàn mùa trên 2.100 mm, có 5 đợt nắng nóng gay gắt, và 02 đợt đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất tại Hà Nam là 40,5 độ C. Công tác đánh giá hiện trạng, xác định trọng điểm, xây dựng các phương án và phân công giao nhiệm vụ cho các đơn vị được chú trọng. Công tác đầu tư xây dựng, quản lý bảo vệ và sử dụng công trình đê điều thủy lợi được quan tâm và thực hiện đúng quy định.
Công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực PCTT được thực hiện thường xuyên. Trong năm phát hiện 437 vụ vi phạm, đã xử lý dứt điểm được 299 vụ, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Quỹ PCTT của tỉnh năm thứ 4 liên tiếp triển khai đã thu được trên 19 tỷ 400 triệu đồng, phát huy hiệu quả là nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động ứng phó, kịp thời xử lý, khắc phục các sự cố đê điều ,đảm bảo an toàn dân sinh kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng phát biểu tại hội nghị.
Năm 2022 được nhận định là năm có hình thái thời tiết, thủy văn phức tạp và khó lường, lượng mưa cao hơn và nắng nóng gay gắt hơn. Trên cơ sở đánh giá chung hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh năm 2022, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh xây dựng phương án bảo vệ 3 trọng điểm cấp tỉnh tập trung ở chủ yếu ở tuyến đê Hữu Hồng là: Cống Mộc Nam tại K123+050 đê hữu Hồng thuộc địa phận thị xã Duy Tiên; Cụm công trình đầu mối cống, âu thuyền Tắc Giang tương ứng đoạn từ K129+420 - K129+530 đê hữu Hồng thuộc địa phận thị xã Duy Tiên và huyện Lý Nhân; Đoạn đê xung yếu tại vị trí K130+365 - K131+430 đê tả Đáy thuộc địa bàn xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm.
Để thực hiện hiệu quả công tác PCTT và TKCN năm 2022, UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu các địa phương, đơn vị các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền hệ thống các văn bản luật đê điều, luật PCTT, chống tư tưởng chủ quan trong cán bộ, nhân dân. Xây dựng phương án, kế hoạch PCTT& TKCN sát với thực tế, chủ động chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai bão lũ xảy ra.
Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT & TKCN năm 2021 được UBND tỉnh Hà Nam tặng Bằng khen.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng nhấn mạnh: nhiệm vụ PCTT & TKCN đòi hỏi sự chỉ đạo phối hợp đồng bộ ở mức cao, công tác này cần tiếp tục được làm tốt hơn nữa để giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra trong thời gian tới.
Do vậy, công tác PCTT& TKCN năm 2022, các cấp, các ngành, các địa phương cần chống tư tưởng chủ quan trong cán bộ nhân dân, quan tâm đánh giá lại hiện trạng hệ thống các công trình thủy nông, thủy lợi, kiểm tra thực tiễn các trọng điểm xung yếu và chuẩn bị sẵn sàng vật tư phương tiện để ứng phó, tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư cho các công trình đê, kè, cống, nhất là những công trình thủy lợi trọng tâm, trọng yếu.
Tăng cường xây dựng lực lượng quản lý đê và lực lượng xung kích hộ đê, tìm giải pháp để thu quỹ phòng chống thiên tai đạt tỷ lệ cao. Phối hợp chặt chẽ với TW và các cấp, các ngành các DN trong PCTT & TKCN, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh Hà Nam.
Dịp này, UBND tỉnh Hà Nam đã tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT & TKCN năm 2021.
Hà Nam