Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ ba, ngày 21 tháng 4 năm 2020 | 20:52

Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi phát triển

Chiều 21/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn thành phố.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đã Báo cáo tóm tắt tình hình sản xuất chăn nuôi 3 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn thành phố và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng trường ngành chăn nuôi từ nay đến cuối năm 2020.
 
Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành Nông nghiệp Thủ đô gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trực tiếp ảnh hưởng đến chăn nuôi, tiêu thụ các sản phẩm từ chăn nuôi, nhiều thời điểm giá cả biến động lớn. Cùng với đó, diễn biến dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn còn phức tạp.
7.jpg
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ phát biểu tại cuộc họp.
 
 
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến khan hiếm nguồn nguyên liệu nhập bởi các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu nhập khẩu 70-80% nguyên liệu từ Nam Mỹ, Mỹ và châu Âu. Đặc biệt, nếu dịch bệnh kéo dài, giá cả leo thang, trong nước không có nguồn nguyên liệu thay thế dẫn đến việc sản xuất đình trệ, giá thành sản phẩm cao. Khó khăn trong việc vận chuyển, lưu thông tiêu thụ trong nước trong thời gian dịch bệnh…
 
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam miền Bắc, là đơn vị sản xuất kinh doanh nông nghiệp, sản xuất chăn nuôi khép kín, với công suất sản xuất 60 nghìn tấn/tháng, 720 nghìn tấn/năm, nhưng từ năm 2017, giá lợn giảm, người chăn nuôi giảm đàn, công suất sản xuất của đơn vị giảm xuống còn hơn 600 nghìn tấn/năm.
3.jpg
Lãnh đạo Công ty CP Chăn nuôi CP miền Bắc phát biểu.

 

Là doanh nghiệp lớn trong sản xuất thức ăn chăn nuôi nên trong thời điểm này, Công ty CP không gặp trục trặc nhiều về nguồn nguyên liệu mặc dù chủ yếu nhập khẩu 80-85% từ Mỹ, Nam Mỹ (Braxin, Aghentina). Hiện Công ty CP đã tăng mức dự trữ nguyên liệu khoảng 1,5 tháng và những nguyên liệu vi lượng cũng tăng dự trữ lên 2-3 tháng.
 
Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, doanh nghiệp đã bảo đảm phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế (sát khử khuẩn, đeo khẩu trang, làm việc cách 2m, đổi ca làm,…). Tuy nhiên, Công ty CP mong muốn Sở Y tế Hà Nội có những hướng dẫn cụ thể nếu công ty có người bị F0, F1,… thì xử lý như thế nào để doanh nghiệp chủ động ứng phó, không gián đoạn sản xuất.
 
5.jpg
Đại diện Công Tân Phương Đông phát biểu.
Đại diện Công ty Tân Phương Đông (Thường Tín - Hà Nội) cho biết, trước đây sản xuất của công ty đạt 75.000 tấn/năm, bằng 70-80% công suất nhưng từ khi dịch bệnh xảy ra đã ảnh hưởng đến năng suất của nhà máy. Hiện nay nhà máy chỉ đạt 40-50% công suất. Hiện doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn cung nhập khẩu; các đối tác nước ngoài tăng giá bán. Lượng dự trữ nguyên liệu sản xuất cơ bản của nhà máy chỉ còn được 2 tháng nữa. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị thành phố tháo gỡ khó khăn trong việc sớm giảm lãi suất cho nhóm doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.
6.jpg
Đại diện Công ty Trường Thọ phát biểu. 
 
Giám đốc Công ty thức ăn chăn nuôi Trường Thọ mong muốn thành phố sớm có chương trình hỗ trợ giống cho bà con; mong muốn Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng các doanh nghiệp có thể liên kết được giống lợn nái về cho bà con khi nguồn cung lợn nái hiếm.
 
Đại diện Công ty TNHH New Hope miền Bắc kiến nghị ngân hàng có giải pháp hỗ trợ thúc đẩy được các ngành nghề thiết yếu, trong đó có ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.
 
2.jpg
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu.

 

Chia sẻ với các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, để chuẩn bị cho tăng trưởng nông nghiệp của thành phố đạt trên 4% trong năm 2020 thì việc thúc đẩy phát triển chăn nuôi là vấn đề hết sức cấp bách, quan trọng. Thời gian tới, thành phố sẽ phối hợp với các bộ, đặc biệt Bộ Nông nghiệp và PTNT để bảo đảm nguồn hàng, đồng thời làm việc với các ngân hàng để có hỗ trợ lãi suất cho sản xuất chăn nuôi; hiện nhiều ngân hàng có thể cho vay theo thế chấp hoặc theo ngành hàng.
 
Song song với đó, thành phố cũng đang có chương trình, cơ chế hỗ trợ cho sản xuất chăn nuôi, nông nghiệp; sẽ có chính sách lưu thông phân phối; đồng thời có trách nhiệm phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị phân phối để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
 
1.jpg
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu kết luận cuộc họp.

 

Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cùng với cả nước, Hà Nội đang thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó một trong những dư địa lớn nhất của Việt Nam cũng như của Hà Nội hiện nay là phát triển nông nghiệp. Trong nông nghiệp, ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng rất cao. Tại Hà Nội, tỷ trọng chăn nuôi chiếm đến 46% trong phát triển nông nghiệp toàn thành phố.
 
Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, thức ăn chăn nuôi gia súc sản xuất riêng trên địa bàn Hà Nội cũng như các tỉnh thành phía Bắc chiếm 70 - 85% nguyên liệu nhập từ các nước. Đối với các doanh nghiệp lớn đã có những hợp đồng lớn, nguồn cung an toàn nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đơn hàng nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nhiều từ nguồn cung; cùng với đó, doanh nghiệp cũng gặp khó khi chi phí vận tải, logistics tăng cao dẫn đến giá đầu vào nguyên liệu tăng…
 
Đối với kiến nghị của Công ty CP, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Y tế, Trung tâm Y tế trên địa bàn hướng dẫn cụ thể.
 
Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý, nếu như các doanh nghiệp đã rà soát toàn bộ công nhân và người nhà không có liên quan đến các ổ dịch hay đi qua các vùng có dịch thì cơ bản yên tâm. Tuy nhiên, cần quán triệt cho công nhân trong giai đoạn này cần đi đến nơi về đến chốn. Đến cơ quan phải thực hiện đeo khẩu trang, bảo hộ lao động, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên..
 
Đối với kiến nghị của một số doanh nghiệp về việc hỗ trợ giống lợn con, lợn nái, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố đang giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT tính toán và có chính sách hỗ trợ. “Quan điểm của thành phố là sẽ tạo mọi điều kiện cho tất cả các quá trình sản xuất, nhu yếu phẩm, thức ăn chăn nuôi gia súc này cũng là một trong chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm. Liên quan đến vận chuyển các nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ cảng về nhà máy, cũng như vận chuyển tất cả các sản phẩm chế biến xong từ nhà máy sản xuất đến các trại chăn nuôi hay từ các nhà sản xuất đến các đại lý để bán, Thành phố sẽ đảm bảo cho các doanh nghiệp vận chuyển 24/24/7”, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định.
 
Thành phố khuyến khích các đơn vị xây dựng các nhà máy chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa đảm bảo chất lượng cung cấp cho người dân. Cùng với đó, thành phố sẽ nghiên cứu và đề xuất HĐND thành phố có những cơ chế chính sách hỗ trợ về lãi suất, nguồn lực để các doanh nghiệp phát triển và mở rộng các nhà máy sản xuất, chế biến trên địa bàn thành phố, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa đảm bảo lý khép kín của chuỗi sản xuất, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm mình.
 
 
 
 
ngọc thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Top